Tại Giang Nam, Trung Quốc có một thôn trang, phong cảnh tuyệt đẹp, các thiếu nữ thì xinh đẹp mỹ miều, nhưng con trai trong làng đều… dị dạng. Chúng ta cùng giải mã mê án “thuật phong thủy” hơn 200 năm của ngôi làng này.
1. Thôn trang xinh đẹp nhưng ẩn chứa điều kỳ lạ
Ở một thôn dã vắng vẻ tên là Từ Điền (磁田) tại Giang Nam, Trung Quốc, có nhiều cô gái xinh đẹp. Nếu như lần đầu tiên tới đây, bạn sẽ có cảm giác như đang lạc vào cõi thần tiên. Để vào được ngôi làng, bạn phải đi men theo chân một ngọn núi. Vào đến trong thôn, nhìn xung quanh bạn sẽ có cảm giác như đang ở trong một thung lũng được bao bọc bởi các ngọn núi, hình thành một lòng chảo đất phì nhiêu. Những cơn gió nhẹ thổi qua cánh đồng lúa xanh mơn mởn tạo nên nhiều gợn sóng biển tuyệt đẹp. Một con suối ở thượng nguồn chia 3 hướng chảy bao quanh làng tạo nên tiếng nước róc rách nghe rất êm tai.
Nếu xem qua giới thiệu về phong cảnh nơi đây, hẳn bạn cũng muốn khoác ba lô lên và đến thưởng ngoạn nơi thắng cảnh tuyệt đẹp này. Tuy nhiên đến thôn Từ Điền, ngoài việc ngắm cảnh sắc nơi đây, bạn sẽ nhìn thấy hiện tượng kỳ lạ ở thôn trang ấy. Nam giới thì hình dáng kỳ quái, còn nữ giới lại vô cùng xinh đẹp. Nếu ở lại vài ngày, bạn sẽ được nghe truyền thuyết phong thủy của thôn làng, có thể bạn tin đó là thật, cũng có thể bạn không tin.
Khi tiếp xúc với con người nơi đây, bạn sẽ nhận ra ngay nét mộc mạc chất phác điển hình của người dân quê. Dù bạn có cảm nhận về họ thế nào thì họ vẫn đối tốt và nhiệt tình với bạn.
2. Truyền thuyết phong thuỷ
Thôn Từ Điền có lịch sử hơn 200 năm. Truyền thuyết kể rằng, một đôi bạn thân họ Trần và họ Vương khi đi săn đã tìm ra vùng đất có phong cảnh tuyệt đẹp, thế rồi cả hai cùng hẹn ước chuyển đến nơi thế ngoại đào viên này sinh sống và trở thành tổ tiên của Từ Điền thôn. Trước khi đến định cư, hai gia đình đã mời thầy phong thủy cách khu vực này vài trăm dặm để xem đất. Thầy phong thủy nói nơi đây sẽ sinh ra tuyệt thế giai nhân, con cái đời sau sẽ được vinh hoa phú quý. Vậy là họ đưa gia đình đến khai khẩn và sinh sống ở khu vực này.
Quả đúng như lời thầy phong thủy đã nói, đây là nơi sinh ra nhiều tuyệt thế giai nhân và được hưởng mùa màng tốt tươi. Nhưng theo thời gian thì một hiện tượng kỳ lạ xuất hiện, họ bắt đầu sinh ra con trai bị dị dạng. Hai gia đình vô cùng sợ hãi nên đã mời thầy phong thủy về xem lại, lúc này thầy phong thủy mới phán rằng nơi này chỉ tồn tại để cho 1 dòng họ ở. Nếu ở hai dòng họ thì không thể sinh ra con trai.
Nhưng lúc đó hai nhà có tình cảm thân thiết nên họ đã chấp nhận cùng ở một chỗ. Họ nghĩ tìm phương cách, cùng nhau chuẩn bị gà lợn và mời thầy phong thủy khác đến để cầu phương pháp hóa giải. Ở gần làng có một vị thầy phong thủy họ Bành, ông nói rằng chỉ ông mới có phương pháp hóa giải. Thế là hai họ đã mời “Bành phong thủy” đến. Thầy Bành chọn ở một thôn phụ cận rồi sau đó đến hiến kế phá giải để bảo vệ thôn Từ Điền một cách bình an vô sự.
Sau khi làm lễ 7 ngày 7 đêm, thầy Bành nghĩ ra phương cách “Phong thủy giữ thai”. Ông nói rằng cần dựng lều tranh ở lưng chừng núi, nếu phụ nữ trong thôn muốn có con thì hãy lên lều tranh đó sống một thời gian, đến khi sinh xong thì về. Tuy nhiên mỗi khi có phụ nữ lên đó sinh nở thì người nhà lại phải mời Bành phong thủy đến để làm lễ. Từ đó trong thôn hễ có người mang thai thì lại là thời điểm họ Bành phát tài phát lộc. Bởi mỗi khi mời thầy đến là họ phải dùng lương thực, trâu, bò, gà lợn để trả lễ.
Hiện tại, ở lưng chừng núi vẫn còn dựng mấy căn nhà cỏ tranh. Phương pháp hóa giải này đã được lưu truyền từ đó, là bí mật của dòng họ, chỉ truyền cho nam, không truyền cho nữ. Dòng họ Bành từ đó về sau dựa vào thôn Từ Điền mà trở nên giàu có một vùng.
Tuy nhiên sau này vẫn tồn tại hiện tượng nam thì dị dạng, còn nữ lại xinh đẹp mỹ miều. Pháp thuật của thầy phong thủy cũng chỉ có thể giúp người trong thôn có người nối dõi tông đường. Và thực tế thì sự mờ ám trong thuật phong thủy chưa được làm rõ. Hiện tượng sinh con trai dị dạng vẫn xảy ra.
3. Duyên gặp anh chàng họa sĩ
Thôn Từ Điền phát triển cho đến ngày nay cũng có hơn 400 nhân khẩu. Họ sinh hoạt bó hẹp trong thôn, ít giao lưu với bên ngoài. Họ sống đơn giản như vậy. Một phần vì nam nhân thấy tự ti với hình dáng của mình. Còn các cô gái rất biết giữ gia phong, không thể đi ra ngoài vì liên quan đến thuật phong thủy, vì thế họ chỉ biết sống quanh quẩn trong nhà. Người bên ngoài cũng ít giao lưu cùng người trong thôn. Đã từng có nhiều lần con trai làng ngoài đến giao lưu với con gái làng Từ Điền nhưng đều bị ngăn cản. Tuy nhiên nếu tới làm rể thôn làng này thì lại được hoan nghênh, nhưng phải thủy chung ở trong làng. Có một vài người tới nơi này, yêu cảnh vật và mỹ nữ nơi đây nên đã cưới con gái làng Từ Điền, nhưng sau đó sinh lòng muốn trở về quê cũ thì đã bị người trong thôn đánh đến mức bị biến hình dị dạng.
Một ngày, có anh chàng họa sĩ tên là Lục Quyển Mao (六捲毛) đi bộ đến thôn Từ Điền. Anh mới tốt nghiệp trường vẽ nên đã không ngại gian nan tìm nơi thắng cảnh để vẽ nên những bức tranh sơn thủy hữu tình. Càng mê cảnh sắc nơi đây, anh lại càng thêm yêu người đẹp vùng này.
Một hôm có một cô gái tên Trần Tiểu Thanh (陳小青) lên núi chăn trâu, chứng kiến tài năng hội họa của anh Lục nên đã gọi các bạn trong làng đến thưởng lãm. Điều đó khiến chàng họa sĩ trẻ Lục Quyển Mao vô cùng cảm động. Anh không nói nhiều, chỉ vẽ cho mọi người xem nên khiến Tiểu Thanh sinh lòng cảm mến. Sau này họ tính kết duyên vợ chồng. Gặp phải ngăn cản, Lục Quyển Mao dự định sẽ cùng Tiểu Thanh bỏ trốn, nhưng rồi nghĩ lại, anh xin ở rể trong nhà. Vậy là họ đã nên duyên vợ chồng.
Sau khi đôi trai tài gái sắc kết hôn, cha mẹ định mời thầy phong thủy đến để Tiểu Thanh lên sống trong ngôi nhà cỏ tranh, chuẩn bị sinh nở. Lục Quyển Mao thấy tục lệ này rất kỳ lạ, bởi anh cũng là người có học vấn nên nghi ngờ có điều gì mờ ám trong thuật phong thủy này. Anh tự đặt câu hỏi: Tại sao toàn bộ con trai trong thôn lại dị dạng? Tại sao phụ nữ muốn mang thai lại phải lên sườn núi để ở? Sao không thể ở dưới chân núi? Anh bèn đi hỏi các bậc bô lão trong làng, nhưng vấn đề vẫn không được trả lời thỏa đáng. Quyết định phá mê phong tục cổ hủ này, anh cùng vợ xin phép cho dựng nhà trên đỉnh núi để ở.
4. Người hùng của làng
Lúc đầu, Lục Quyển Mao cũng gặp phải vô số lời phản đối, bởi nhiều lý do như đất trên núi cằn cỗi, đi lại khó khăn, không có phương tiện thông tin liên lạc, thêm nữa họ lo sợ rằng anh có ý đồ bỏ trốn. Nhưng rồi anh vừa cười vừa nói lý do, rằng anh là một họa sĩ, phải lên núi thì mới có thể quan sát và phát triển tài năng vẽ tranh của mình. Vậy là anh đã nhận được sự đồng ý. Mấy tháng sau, một căn nhà được dựng lên ở trên núi.
Hai vợ chồng lên núi ở, không gian vắng vẻ, Tiểu Thanh cũng sợ hãi nhưng anh Lục đã giúp vợ mình bớt sợ hơn. Dần dần họ quen với cuộc sống nơi núi đồi. Rồi cũng đến lúc Tiểu Thanh mang bầu, cô vô cùng lo lắng. Tiểu Thanh khóc và nói: “Em vô cùng sợ hãi mang thai, đã mang thai nhờ trời phù hộ để sinh con gái.” Quyển Mao nói: “Sinh con trai hay con gái đều được, con của chúng ta nhất định là đứa trẻ lành lặn khỏe mạnh.”
Anh nghĩ, nếu như đứa trẻ này khỏe mạnh lành lặn thì anh đã tạo phúc lớn cho làng Từ Điền.
Khi sinh xong, Tiểu Thanh vô cùng vui mừng khi thấy một bé trai tứ chi lành lặn. Hiện tượng này trở thành kỳ tích, toàn bộ người trong thôn đều bảo nhau đến ngắm con trai của Tiểu Thanh, tất cả mọi người đều vui mừng mà rơi lệ.
5. Triển lãm tranh để cầu cứu
Sau khi Tiểu Thanh sinh hạ bé trai lành lặn, mọi người đều xúc động. Lúc này Lục Quyển Mao mới trình bày ý kiến của mình về thuật phong thủy mà họ Bành đã gạt dân làng trong suốt mấy trăm năm qua. Anh nói: “Các hương thân, chúng ta không thể tin tưởng Bành phong thuỷ nữa rồi. Nhìn bé trai nhà cháu thì biết ạ! Còn hiện tượng sinh bé trai tàn tật, sinh bé gái lành lặn, nói rõ hơn thì nguồn nước có vấn đề, hoặc thực phẩm có vấn đề hoặc đất có vấn đề chứ không phải do Bành Phong thủy đã làm cái gì đó. Nếu không thì tại sao phụ nữ lên nhà tranh ở vẫn sinh ra bé trai tàn tật? Chính vì thế mà cháu đã đưa vợ lên núi ở. Chúng ta cũng không thể tin một cách mù quáng như vậy được, mà cần làm rõ để cứu con cháu đời sau.”
Thôn Từ Điền và câu chuyện của chính bản thân đã tạo cho anh Lục một cảm xúc đặc biệt trào dâng. Và điều này, một lần nữa, không thể ngăn anh cầm bút vẽ – Đó là bức tranh màu nước về thôn Từ Điền với chất liệu thường là mầu của đất, hoa, cỏ. Rồi anh đi lên thành phố để triển lãm tranh và nhờ các hương thân giúp đỡ.
Triển lãm tranh của anh thu hút nhiều người đến xem. Không ít người đã xúc động mà rơi lệ. Họ quan tâm và hỏi thăm về thôn Từ Điền, về tập tục mê tín mê hoặc người trong thôn. Mặc dù thôn làng cách nội thành gần 200 km, nhưng cũng có nhiều cơ quan lặn lội đến đây để tìm hiểu nguyên nhân vì sao hiện tượng kỳ lạ này xảy ra.
6. Trăm năm mê án đã giải khai
Các nhà khoa học đã đến thôn Từ Điền để nghiên cứu, làm các xét nghiệm. Kết quả đúng như Lục Quyển Mao phỏng đoán. Lấy mẫu xét nghiệm thì thấy tinh trùng Y đều bị biến dị, họ khuyên không nên định cư trên mảnh đất này.
Họ phát hiện ra nơi đây là một thung lũng xinh đẹp nhưng ở dưới nền đất lại ẩn chứa một chiếc nam châm khổng lồ. La bàn đến khu vực này tự nhiên mất phương hướng. Tuy nhiên, thầy phong thủy lại thường xuyên cầm la bàn đến để làm “Thuật phong thủy”. Bí mật này chẳng lẽ Bành phong thủy không biết sao? Vì sao ông ta lại phải làm như vậy?
Trải qua xác minh, thầy phong thủy mới khai ra sự thật tại sao ông làm như vậy. Tổ tiên của ông đã đến đây từ rất sớm, họ đã biết nơi này là thung lũng nam châm, vậy nên thôn trang mới có cái tên “Từ Điền”. Cây trồng phát triển rất tốt, nhưng rồi họ phát hiện gà mái đẻ trứng đều bị dị dạng nên phải chuyển ra ngoài ở. Sau này có một ít người sống du canh du cư đã đến đây trồng trọt, thu hoạch xong liền rời đi.
Sau đó hai nhà Trần-Vương đến đây định canh định cư nên mới mời thầy phong thủy. Lúc này, họ Bành đã soạn ra một bộ thuật phong thủy và trù tính âm mưu biến hai nhà thành cái cây hái tiền của gia tộc mình. Bộ pháp thuật này khiến người trong thôn sẽ ăn đời ở kiếp trên mảnh đất nhiễm từ. Đến nay, bộ thuật phong thủy đã truyền lại được 18 đời. Đây chính là bí mật khiến thôn trang trở thành thôn toàn đàn ông tàn tật.
San San
Xem thêm: