Thế nào mới là dạy con đúng cách? Liệu chỉ quan tâm tới thành tích học tập của con là điều quan trọng nhất bố mẹ nên làm?
Ngày con tôi học lớp 3, trong một lần thi học kỳ con đã không tự tin về kết quả thi của mình và bị bạn đùa là con được 8 điểm môn Toán. Từ ngày lớp 1 con đi học điểm Toán của con lúc nào cũng ít nhất là 9,5 còn phần lớn là điểm 10. Có lẽ vì vậy mà khi con nói bị điểm 8 môn Toán tôi đã rất tức giận, cho là con mình sao lại có thể dốt đi như vậy được. Tôi chẳng do dự gì mà cầm roi đánh thằng bé một trận.
Nó khóc ầm ĩ nói mẹ ơi con xin lỗi con chỉ nghe bạn nói chứ cô chưa cho biết điểm mà mẹ. Tiếng nói của con cùng với tiếng khóc làm cho tôi chợt tỉnh lại, tôi đang cần gì ở con mình đây, 8 điểm và 10 điểm thì có gì khác nhau, tại sao tôi lại ác với con mình như vậy? Tôi nguôi cơn giận dữ và đi vào bếp, nước mắt rơi lã chã, ân hận vì hành động nóng vội của mình, tôi nghĩ sẽ nấu món gì thằng bé thích ăn nhất để bù lại những gì tôi vừa đối xử với con.
Hôm sau, đi học về con nói mẹ ơi Toán của con là 10 điểm mẹ ạ. Hôm qua bạn ấy đùa con nhưng vì con không tự tin nên con cũng nghĩ như vậy. Tôi ôm con vào lòng hôn lên trán nó, thằng bé non nớt và dễ thương lắm, có chuyện lớn nhỏ gì về cũng nói với mẹ ngay. Tôi vỗ về con nhìn lên trời cao cố ngăn những giọt nước mắt về sự hối hận của người mẹ. Tôi bảo lần sau con cẩn thận hơn nhé và khi nào có kết quả hãy nói với mẹ.
Tôi nhớ lại tuổi thơ của mình, đi học về là tôi được chạy đi chơi cùng các bạn, tối về tự ngồi vào bàn học, bố mẹ không bao giờ bắt ép tôi. Tôi luôn tự giác hoàn thành bài tập về nhà, con tôi cũng vậy, thằng bé học rất ngoan và gần như luôn đứng đầu lớp. Cũng bởi vậy mà từ lúc nào tôi bị lạc vào cái thành tích của con, mang đi đến cơ quan để hãnh diện với bạn bè đồng nghiệp, rồi khi thấy con bị điểm kém lại sợ mất mặt với mọi người mà buông lời quát nạt…
Tôi nghĩ mình phải thay đổi cách nghĩ, mình không thể đưa cái gánh nặng này lên đôi vai của con được. Thay vì đến các trung tâm để học kiến thức tôi cho con đi học các lớp ngoại khóa, bơi, lội, đá bóng, trượt patin, nhạc … để con được tận hưởng cuộc sống tự do của một đứa trẻ. Và năm lớp 3 thằng bé có một giải thi Toán cấp quận, tôi cũng rất bất ngờ và thực sự xúc động. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng tôi sẽ không ép con học nhiều như thế nữa. Ngày tôi đưa con đi thi, tôi dặn con kỹ lắm, dặn con đừng hồi hộp, dặn con đừng căng thẳng, đừng cố gắng làm cho được, nếu con xứng đáng được điểm tốt, thì kết quả sẽ thể hiện ra điều đó, và dù kết quả thế nào, mẹ vẫn yêu con.
Con bước ra khỏi phòng thi, tôi mừng rơi nước mắt, con được nhà trường bồi dưỡng 20 nghìn, con đưa cho mẹ như một phần thưởng dành tặng mẹ vậy. Tôi thầm nghĩ chỉ năm nay cho con đi thi thôi, sang năm không cho con thi nữa vì thấy con căng thẳng quá.
Lên lớp 4 con được tự do hơn, tuy nhiên tôi vẫn theo sát học lực của con, con học tập vẫn ổn. Tôi hỏi con có tham gia thi giống năm trước không, con nói thi như vậy phải học nhiều lắm mẹ ạ, tôi đồng ý không cho con phải thi…
Tôi nghĩ, suy cho cùng thì con người sướng khổ giàu nghèo cũng là số trời đã định. Tôi từ quê xa tít bây giờ cũng ra thành phố, đi làm và công tác ở một cơ quan lý tưởng. Chồng tôi là người thành phố nhưng cũng cùng cơ quan với tôi. Vậy nếu cứ phấn đấu mà được những gì mình muốn thì chắc con người không phải cảm thấy thất bại hay đau khổ như thế.
Tôi lên cơ quan, một bạn đồng nghiệp có con đạt giải quốc gia, cả cơ quan chúc mừng bạn ấy, nhưng xem cách mà cháu bé để đạt được giải như vậy thì quả thực vô cùng vất vả. Bạn ấy chia sẻ về việc đưa đón con đi học thêm ở những trung tâm lớn, về nhà con phải học bài đến khuya, và con bạn ấy gầy hơn nhiều so với các bạn cùng lứa tuổi. Tôi nhận thấy có được thì có mất, nhưng cái mất thì lớn quá. Cháu bé mất đi sự tự do vui chơi của tuổi thơ, hết giờ học ở trường thì đi học thêm, hết giờ học thêm thì làm bài tập ở nhà, đứa bé quả giống như một cỗ máy phải lao động cật lực.
Có hôm tôi thấy vợ chồng nhà hàng xóm trong lúc dạy con học vì quá tức giận mà đánh con một trận. Vẫn chưa hết bực tức, anh chồng quăng hai cái điện thoại thông minh từ tầng 3 xuống đường. May thay lúc đó không có ai qua lại. Mấy hôm sau hàng xóm kể lại vụ mất hai cái điện thoại vì con cái học hành chán đời, và phải chi tiêu một khoản để mua hai cái điện thoại mới…
Chẳng biết chúng ta đang cần gì ở con mình, liệu có phải vì danh lợi của bản thân mà chúng ta đang làm những điều gây tổn thương các con không? Với cách giáo dục chỉ chú ý đến kết quả của các con, chúng ta không bao giờ là nơi mà con trẻ muốn gửi gắm tất cả những chia sẻ của mình. Không phải đứa trẻ nào cũng giỏi. Đứa trẻ nếu tối trí thì có nhồi nhét thế nào chúng cũng không thể hiểu biết như chúng ta kỳ vọng vì khả năng học của nó chỉ có vậy. Việc không quan tâm đến con cái chỉ làm đứa trẻ thêm buồn tủi. Mỗi đứa trẻ đều có khả năng riêng, chúng ta nên thuận theo sở trường của trẻ để giúp chúng phát triển.
Gần đây tôi nhận thấy trẻ em đang bị mê hoặc bởi những trò chơi điện tử, những hành động được cho là có phong cách. Tìm gặp một đứa trẻ ngoan ngoan lễ phép hình như hơi hiếm. Phụ huynh lo lắng vì hay tìm thấy con ở quán Internet, có quá nhiều thứ đang làm lạc lối con em mình. Đây là hiện trạng đáng báo động của nền giáo dục nước nhà.
Mong sao trong mỗi gia đình, bố mẹ luôn là nơi mà con muốn tìm về chứ không phải là người mà con nói dối để ngồi trong quán chơi điện tử… Hãy cho con học những môn con có năng khiếu, ngoài giờ học văn hóa để con được thỏa sức sáng tạo cùng những kỹ năng của mình, không phải học hành vất vả để thỏa mãn cái danh của bố mẹ…
Năm nay, tôi đi họp phụ huynh, điểm tổng kết của con là 7,9. Cô khen con rất có tinh thần tham gia các phong trào hoạt động của lớp, có trách nhiệm với tập thể, với hoạt động chung… Tôi không thấy thất vọng gì về con, ngược lại, mỗi khi nghĩ đến nụ cười nhẹ nhẹ của con cùng với cây Kèn trên tay, những bản nhạc đang thịnh hành trên thế giới mà con trình diễn, tôi cảm thấy thật đủ đầy. Tôi sẽ mãi đồng hành cùng con, chắp cánh cho con bay tới những ước mơ một cách tốt nhất, và cố gắng đón nhận hạnh phúc giản dị vì nó nằm trong khả năng của mẹ con tôi…
Gia Viên
Xem thêm: