Trong quý I năm nay, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại hàng hóa 1,3 tỷ USD, trong đó mức nhập siêu của khối doanh nghiệp trong nước được bù đắp bởi mức xuất siêu từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Tổng cục Thống kê ngày 29/3 công bố số liệu cho thấy, trong quý I/2018, Việt Nam ước đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 3 tháng đầu năm ước đạt 53,01 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2018 thặng dư 1,3 tỷ USD, trái ngược với mức thâm hụt 1,9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017.
Mức xuất siêu này có được chủ yếu nhờ khối doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Báo cáo cho thấy khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,3 tỷ USD trong quý I, trong khi khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài xuất siêu 7,6 tỷ USD (kể cả dầu thô).
Trong 3 tháng đầu năm, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chứ không phải Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu này ước đạt 9,8 tỷ USD (tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017), nhỉnh hơn so với giá trị xuất khẩu sang Mỹ là 9,6 tỷ USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ).
Các thị trường xuất khẩu lớn khác của Việt Nam là Trung Quốc với kim ngạch đạt 9 tỷ USD, ASEAN đạt 5,6 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 4,3 tỷ USD, và Nhật Bản đạt 4,2 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 14,3 tỷ USD (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017), tiếp theo là Hàn Quốc với 11,9 tỷ USD (tăng 19%), và ASEAN với 7,3 tỷ USD (tăng 12,3%).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao là điện thoại và linh kiện, dệt may, rau quả, sắt thép.
Ở chiều kia, một số mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công lắp ráp có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh như điện tử, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị.
Minh Tuệ