Tóm tắt bài viết
Cuối thế kỷ 16, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và các nước phương Tây (Bồ Đào Nha, Anh, Pháp...) bắt đầu phát triển. Thuận theo đó, các giáo sĩ, thương nhân cũng lũ lượt vượt biển đến nước ta truyền đạo, buôn bán, làm ăn. Trong quá trình truyền đạo, để lưu dấu những ngày tháng sống ở đất khách quê người, các giáo sĩ, thương nhân đã ghi chép rất tỉ mỉ về phong tục, văn hóa, sinh hoạt của người bản địa. Đại Kỷ Nguyên xin phép được trích đăng lại những tư liệu quý giá đó, thông qua bản dịch của học giả Nguyễn Trọng Phấn (1910 – 1996) đăng trên tạp chí Thanh Nghị.
Cristoforo Borri (1585 – 1632) là một cố đạo người Ý sang Trung kỳ vào khoảng 1618. Ông từng lưu lại ở Hội An trong khoảng 4 năm *1618 – 1622). Năm 1631, khi trở về Roma, ông cho xuất bản quyển sách in đầu tiên của châu Âu nói về Trung kỳ của Việt Nam có tên: “Tường thuật về sứ mạng mới của các cha Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong”. Dưới đây là những dòng viết về thuật chữa bệnh của người Trung kỳ.
Về các ông lương y và phép chữa bệnh, tôi phải nói rằng ở Trung kỳ có rất nhiều lương y người Bồ Đào Nha và bản xứ; thường có những bệnh rất lạ, không có thuốc chữa đối với y sĩ Âu châu, thì ở đây các ông lang đã biết rõ căn chứng rồi và chữa được rất dễ dàng. Đã nhiều lần các y sĩ Bồ Đào Nha đã bỏ mặc người bệnh rồi tưởng thế là đi đứt, thì khi với đến ông lang An Nam bệnh khỏi rất nhanh.
Những y sĩ bản xứ
Phương pháp của các y sĩ An Nam là khi bước vào buồng con bệnh, họ đứng lại một lúc để cho hết sự xúc động trong khi đi đường. Đoạn họ bắt mạch rất chủ ý và cẩn thận; xong rồi họ nói rõ căn bệnh cho người ốm biết; nếu bệnh không còn chữa được, cứu được nữa thì họ nói thật; tôi không có thuốc để chữa, tỏ cho con bệnh rõ là không thể nào qua khỏi được; nếu họ đoán rằng nhờ thuốc họ mà người ốm lành mạnh được, họ sẽ bảo cho ta biết là họ có thuốc chữa ta và bao nhiêu lâu thì ta đi đứng được.
Xong rồi thì họ tính tiền công, tùy theo bệnh nặng hay nhẹ. Cũng có khi, họ làm giấy cam kết với gia chủ. Đoạn họ kê đơn và bốc thuốc lấy, không nhờ đến bọn chế thuốc, một là để giữ kín, hết sức kín các đơn thuốc của họ, hai là họ không dám tin và nhờ người khác bốc thuốc thay họ. Nếu đúng hạn khỏi, bệnh nhân phải giả công cho thầy; nếu không khỏi thì thầy uổng công và mất tiền thuốc.
Không như thuốc ta làm cho người uống ghê tởm, “bụng mềm và dãn ra”, thuốc nam dễ uống như nước cháo và rất bổ, uống vào không cần phải ăn cơm (?). Nên một ngày người ốm uống mấy lần như ta uống nước xuýt. Đã không trái với lẽ tự nhiên, thuốc lại còn bồi bổ những bộ phận trong người, làm tiêu các khí độc, mà không hành người ốm.
Vào chỗ này có một chuyện đáng kể: Một người Bồ Đào Nha ốm, nhờ các lương y Âu châu chữa mãi không khỏi; người ta đành bỏ mặc anh ta chết đấy không đến thăm nom nữa; sau vời một ông lang bản xứ đến; ông này cam đoan chữa khỏi cho anh ta trong một kỳ hạn nhất định, nhưng căn dặn anh ta là trong lúc để ông chữa, anh ta phải kiêng khem, sự đi lại với đàn bà cấm ngặt; nếu anh ta trái lời thì không có thuốc nào chữa nữa; phải cữ đàn bà mới sống được. Hai bên đồng ý làm giao kèo và ông lang nói chắc ba mươi ngày thì khỏi.
Bệnh nhân uống thuốc, vài ngày thấy khỏe khoắn và không còn sợ cái việc mà ông lang đã cấm ngặt anh ta. Chuyện đến đấy thì ông lang lại thăm anh ta, thấy mạch khác, bảo anh ta sửa soạn việc ma chay đi vì ông không còn hy vọng gì nữa và hết phương để cứu sống rồi; bảo anh ta đừng quên giả tiền công đã hẹn trong giao kèo vì anh ta chết không phải lỗi tự ông ta. Việc đem đến cửa quan, án ra bắt người bệnh cùng ông lang; và án tuyên rồi thì anh Bồ Đào Nha kia hấp hối.
Lá cỏ thần kỳ
Người Trung kỳ còn biết chích huyết nữa; nhưng họ hà tiện máu người ốm hơn ta và họ không dùng những dao chích thông thường đâu: họ có những lông ngỗng trong có lắm “kim” bằng sứ rất sắc có cái to cái nhỏ, hình răng cưa.
Khi phải mở một ống hồi huyết quản nào, họ đặt lên trên ống ấy một chiếc lông ngỗng lớn vừa bằng bề ngang huyết quản, chiếc “kim” vào nông hay sâu đúng với ý muốn. Phải phục họ là sau khi lấy đủ máu rồi, họ chẳng cần đến băng bó, vải thấm và dây buộc gì cả, chỉ đem nước bọt nhấm đầu ngón tay cái rồi đem ấn lên chỗ lỗ thủng, họ làm cho thịt giở lại nguyên chỗ, máu ngừng chảy và vết thương chóng lành. Tôi cho vì họ dùng chiếc “kim” sứ có răng nên mạch máu chóng hàn miệng và đập được ngay.
Người Trung kỳ không thiếu những tay giải phẫu. Tôi chỉ muốn đem cách họ đã chữa tôi và một người bạn ra làm thí dụ.
Từ một chỗ rất cao, tôi bị ngã xuống, dạ dày đập vào một khối đá; tôi thổ huyết và ngực bị tổn thương. Uống thuốc tây chẳng đỡ chút nào. Lúc đó có một ông lang chuyên nghề giải phẫu đến cho tôi một ít cỏ, giống như cỏ mercuriale của ta (hỏa diễm thái), một phần ông ta đem giã và đắp lên dạ dày tôi; một phần đem sắc lấy nước cho tôi uống; và một phần bảo tôi ăn sống.
Vài ngày sau, tôi hoàn toàn khỏi. Muốn tự thí nghiệm lấy, tôi bắt một con gà con đem bẻ chân nó gãy thành nhiều đoạn rồi đem cỏ ấy đắp lên những chỗ gãy vài bữa thì con gà nguyên lành.
Một thầy dòng bạn tôi bị bọ cạp đốt – nọc bọ cạp có thể làm chết người ở xứ này – cổ họng sưng bạnh ra và chúng tôi đã nghĩ đến phép sức dầu thánh cho thầy ta thì bỗng có một ông lang ngoại khoa đến, thổi một hồ cơm với nước lã thường.
Xong rồi ông ta đặt nồi cơm xuống dưới hai chân thầy dòng, lấy chăn chùm kín thầy ta để hơi cơm và khói nóng không mất đi đâu được. Hơi bốc lên đến chỗ bị thương, thì thầy dòng thấy bớt đau, cổ hết sưng và người khỏe mạnh như không bao giờ bị bệnh cả.
Còn có nhiều việc tương tự như thế, nhưng thuốc dùng ngay tại xứ ấy công hiệu hơn là đem về đây. Riêng tôi, tôi đem về một thùng nhỏ đại hoàng (rhubarbe), lúc xuống tàu còn tốt vào bực nhất nhưng sau hai năm đi đường lúc về đến Âu châu thì đại hoàng biến thể đến nỗi tôi không nhận ra được nữa.
Thế mới biết các thảo dược đem từ bên ấy về đây mất hết cả linh nghiệm.
Bùi Trọng Phấn (dịch)
Xem thêm: