Tóm tắt bài viết
Cuối thế kỷ 16, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và các nước phương Tây (Bồ Đào Nha, Anh, Pháp...) bắt đầu phát triển. Thuận theo đó, các giáo sĩ, thương nhân cũng lũ lượt vượt biển đến nước ta truyền đạo, buôn bán, làm ăn. Trong quá trình truyền đạo, để lưu dấu những ngày tháng sống ở đất khách quê người, các giáo sĩ, thương nhân đã ghi chép rất tỉ mỉ về phong tục, văn hóa, sinh hoạt của người bản địa. Đại Kỷ Nguyên xin phép được trích đăng lại những tư liệu quý giá đó, thông qua bản dịch của học giả Nguyễn Trọng Phấn (1910 – 1996) đăng trên tạp chí Thanh Nghị.
Giuliano Baldinotti (1591 – 1631), người Ý, sang Viễn Đông truyền giáo năm 1621. Ông là người Âu châu đến Bắc kỳ đầu tiên, được chúa Trịnh Tráng trọng đãi.
Trước khi mất, Baldinotti làm tờ trình và nhân đấy Alexandre de Rhodes được cử sang trông nom địa phận Bắc kỳ.
Nhân dịp mấy thương khách Bồ Đào Nha trù tính sang xứ Đông Kinh (Hà Nội) – hành trình mà chưa ai đi cả – các bề trên xét rằng nên phái tôi đi với thầy Giulio Piani, sang trông nom việc rửa tội và nhân thể xem dân xứ này có sẵn sàng chịu lời Chúa hay không?
Từ Ma Cao đến Hà Nội
Chúng tôi ở Áo Môn (Ma Cao) đi ngày 2.2.1626; mất 36 hôm, một vì dò hỏi đã không được kỹ càng, hai là vì bão… Ngày 7.3, chúng tôi mới đến Đông Kinh. Được tin Chúa Trịnh cử bốn thuyền chiến ra bể đón và hộ vệ chúng tôi suốt dọc sông để bọn Tàu Ô đã rình sẵn khỏi cướp bóc.
Đến nơi, tôi đi cùng thầy Giulio và tất cả các người Bồ Đào Nha vào bệ kiến, Chúa hoan hỉ tiếp chúng tôi, khoản đãi chúng tôi, cho ăn nhiều món khác nhau và hứa giúp mỗi khi chúng tôi cần việc gì. Khi chúng tôi kiếu từ, ngài ban cho viên thuyền trưởng và tôi nhiều y phục bản xứ rất quý giá rồi truyền lệnh cho chúng tôi được ở những nhà tốt nhất tại kinh đô.
Trong thời kỳ chúng tôi lưu tại Đông Kinh ngài hậu đãi chúng tôi, sai mang các thứ giải khát cho viên thuyền trưởng và tôi hoặc ban cho chúng tôi đủ thứ tặng phẩm mỗi khi chúng tôi vào triều kiến. Ngài thường cho đòi chúng tôi vào xem các cuộc vui như đấu voi, thí ngựa hoặc đua thuyền.
Chúng tôi còn được mời xem tuồng hát và nhiều hội hè nhưng có vài nơi cần giữ phẩm cách, tôi không đến. Ngài ưu đãi chúng tôi như vậy, hình như vì muốn thông thương với người Bồ Đào Nha đã được tiếng đồn là đem nhiều nguồn lợi bằng tàu thuyền đến xứ này.
Trong khi ở Đông Kinh, tôi hết sức khuyên bảo người Bồ Đào Nha nên làm gương tốt cho dân trong xứ. Họ nghe theo tôi, nên Chúa đẹp lòng và sẵn có ý tốt với đạo chúng ta, muốn lưu tôi lại. Một vị “nội giám” và một pháp sư đã tâu ngài biết rằng tôi hiểu toán học, nên ngài sai một quan thị gọi tôi vào để giảng cho ngài rõ những gì thuộc về thiên văn.
Khi quan thị đến, tôi thưa rằng: “Bề trên sai tôi đi theo người Bồ Đào Nha lượt đi cũng như lượt về, tôi phải cai quản họ và hướng dẫn họ về việc đạo, tôi không có phép ở lại đây; nhưng khi về đến Ma Cao, tôi sẽ xin phép trở lại đây và sẽ ở đây vĩnh viễn. Được như thế tôi thỏa mãn lắm vì phận sự tôi ở Đông phương không phải là để thâu nhặt bạc vàng nhưng là để dạy cho họ cần đến những việc trời và nói cho họ hiểu đâu là vị Thượng đế chân chính đã tạo ra trời đất”.
Chúa rất hài lòng về những lời trình bày của tôi nên mấy hôm sau cho vị pháp sư trên kia vào chầu. Chúa ban yến cho tôi, hỏi tôi những câu hỏi về khối tròn, yêu cầu tôi sang năm lại sang, ban cho tôi một chỉ bài để được vào và ngụ khắp xứ, không phải chịu một điều khoản nào cả. Thái tử là người sẽ lên kế vị ngài cũng ban cho tôi một chỉ bài giống như thế và nhiều quà cáp của vương phủ…
Bị kẻ xấu hãm hại
Việc lập giáo đường đang tiến hành thì một tên Maure có đạo Hồi đi nói xấu người Bồ Đào Nha và rêu rao lên rằng người Bồ Đào Nha làm do thám cho vua Đàng Trong là thù địch của vua Đàng Ngoài và viên thuyền trưởng Bồ Đào Nha đã nhận được một món tiền to về việc ấy. Bịa đặt ra như thế, tên Maure muốn trả thù mấy người Bồ Đào Nha có hiềm khích với hắn và muốn chiếm lấy của cải chúng tôi khi chúng tôi bị trục ra khỏi xứ như quân do thám hay như quân bất lương.
Chúng tôi có dâng biểu trần tình; lại được thêm một vị hoàng thân đã hiểu biết người Bồ Đào Nha ở nhiều nơi nói cho Chúa rõ, nên ngài không tin những điều đồn bậy. Nhưng không yên tâm, Chúa buộc chúng tôi thề sẽ không vào Đàng Trong và bao giờ cũng một lòng với ngài. Ngài cho đòi chúng tôi đến một ngôi chùa (pagode). Dân gian theo chúng tôi đông lắm.
Người ta đặt lên trên một chiếc hương án một bình đầy rượu và nước, lần lượt người ta lấy một chiếc xẻng và mũi một thanh mã tấu gõ vào bình. Đoạn người ta cắt tiết một con gà mái, rồi lấy mấy giọt huyết gà dập tắt lửa từ một tờ giấy có viết lời thề đem đốt trên hương án. Con gà mái bị chặt làm nhiều khúc. Lễ phát thệ ở trong chùa chỉ có thế, mọi người đứng vòng quanh hương án và không làm gì khác nữa. Song rồi họ chỉ vào chùa, chỉ vào bàn thờ và các cây nho thếp vàng dựng ở trên bàn thờ bảo chúng tôi thề sẽ theo đúng lời đã nguyện và uống rượu cúng…
Đoán biết trước việc sẽ xảy ra như thế nào, tôi lấy một bức tranh to vẽ Chúa, trải ra, tôi quỳ trước tranh nói không muốn gọi một vị Chúa nào khác ngoài Chúa cứu thế mà thề cả… Quan nội giám, đến dự lễ thay Chúa, không nghe theo lời tôi. Sau cùng tôi phải yêu cầu quan nội giám cho người về tâu Chúa rõ ý định của chúng tôi.
Chúa minh mẫn nên hiểu chuyện và truyền cho chúng tôi cứ thề như người có đạo Cơ Đốc. Tôi nhìn vào hình Chúa mà thề rằng, nếu tôi sai lời trong sớ thì Chúa sẽ bắt tôi chết bằng nước, bằng lửa, bằng đao gươm và các thứ khổ hình khác. Thầy Giulio, viên thuyền trưởng và tất cả các người Bồ Đào Nha cùng thề như vậy.
Lời thề của chúng tôi làm Chúa hết nghi ngờ, ban cho chúng tôi nhiều phẩm vật cùng đồ giải khát và cho phép chúng tôi nhổ neo. Ngài đã giữ chúng tôi lại thêm vài tháng chỉ vì ngài đã sợ chúng tôi vào nam.
Nguyễn Trọng Phấn (dịch)
Xem thêm: