Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.

Vừa là tướng tài, thơ phú lại hay, khí chất tài tử phong lưu nức tiếng, ông chính là nhân vật nổi bật trong sử Việt thế kỷ 19. 

Tiếp theo: Kỳ 1

Chí làm trai phỉ sức vẫy vùng nơi bốn bể

Trải qua nhiều năm trui rèn, cuộc sống bần cùng và những thất bại liên tiếp không làm nhụt chí Nguyễn Công Trứ. Mãi đến năm 42 tuổi, cuối cùng ông cũng đã đỗ đạt, bắt đầu con đường công danh huyền thoại của mình.

Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam, hiếm có vị quan nào mà có một sự nghiệp đa dạng và thăng trầm, thi vị như Nguyễn Công Trứ. Ông xuất thân là quan văn, vậy mà lại lãnh ấn Tướng quân đi dẹp loạn, giúp dân khai hoang mở cõi cũng như giúp vua trị quốc. Đúng như ông tự thuật một cách trào phúng về cuộc đời mình:

Khi Thủ khoa, khi Tham Tán, khi Tổng Đốc Đông
Gồm Thao Lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc Bình Tây, cờ Đại Tướng, có khi về Phủ Doãn Thừa Thiên..”

Dù là ở bất kỳ vị trí nào, Nguyễn Công Trứ cũng làm tốt trách nhiệm của mình, là một vị quan thanh liêm và mẫu mực. Ông đã từng có công dẹp yên nhiều cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành ở Nam Định, Nùng Văn Vân ở Tuyên Quang, Lê Duy Phương ở Thanh Hoá, hay cuộc tiễu phạt ở Quảng Yên…

Nguyễn Công Trứ còn hết sức chăm lo cho cuộc sống dân nghèo với quan niệm lấy dân làm gốc, chỉ có yên dân mới dẹp được phản loạn. Ông đề nghị đặt “nhà học” cho con em nhân dân được học hành, đặt “xã thương” ở các làng để quản lý thóc gạo, “khi nào giá cao thì bán, giá hạ thì mua, gặp lúc thuỷ hạn bất thường, đem thóc chiếu cấp cho từng người, năm nào được mùa sẽ theo số đã cấp thu lại để chứa trữ” (Sớ nói về năm quy ước trong làng, năm 1829).

Ông tố cáo: “cái hại cường hào làm cho đến nỗi con mất cha, vợ mất chồng, tính mệnh phải thiệt hại, tài sản phải sạch không” và đề nghị triều đình “trị tội rất nặng” (Sớ nói về tệ cường hào, năm 1828)…

Trong những việc ông làm, có ích lợi thiết thực và to lớn cho nhân dân hơn cả là công cuộc khẩn hoang. Ông tấu xin nhà nước cấp tiền gạo để chiêu tập dân nghèo khai khẩn. Ông hướng dẫn nông dân khai phá một vùng đất đai rộng lớn ven biển thuộc các tỉnh Ninh Bình và Thái Bình, lập nên hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Ông còn chỉ huy việc khai khẩn vùng đất ven bờ biển tỉnh Quảng Yên, Hải Dương…

Nhân dân các vùng khai hoang rất biết ơn ông. Họ lập đền thờ ông ngay khi ông còn sống. Trong đền kỷ niệm công cuộc dinh điền ở làng Đông Quách, huyện Tiền Hải, Thái Bình, có câu đối về công lao của ông rất cảm động:

“Đặc địa sinh từ, Đông Ấp nhất bách niên kỷ niệm
Kình thiên trụ thạch, Hồng Sơn thiên vạn cổ tề cao”

Dịch nghĩa:

Trên đất dựng sinh từ, làng Đông Ấp trăm năm kỷ niệm
Giữa trời trơ cột đá, ngọn Hồng Sơn muôn thủa sánh cao.

Ngoài vòng danh lợi vinh liền nhục

Đến Quảng Ngãi, Nguyễn Công Trứ, lúc đó chỉ là một tay lính trơn, thản nhiên vào trình diện quan Tổng đốc sở tại. Vốn vì trước kia đã có lần chịu ơn Nguyễn Công Trứ nên viên quan đầu tỉnh tiếp đãi ông lính rất tử tế. Thấy tình cảnh một người từng là Thượng thư nay thất thế đến mức như vậy thì tỏ ra rất áy náy, bất yên, muốn cho phép cụ cởi đồ lính ra, nhưng Nguyễn Công Trứ nói:

– Xin ngài cứ để vậy. Lúc làm Đại tướng tôi không lấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vì nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được.

Lúc ấy Nguyễn Công Trứ vừa 65 tuổi. Cái tư cách của con người khi làm Ðại tướng chẳng cậy làm vinh mà khi làm lính không lấy làm nhục càng khiến viên quan đầu tỉnh kính phục.

Ông tâu vua, xin xét lại vụ án buôn lậu ở An Giang. Quan Án sát Trần Ngọc Ðao được lệnh điều tra đầy đủ chi tiết, khi trở về kinh tâu trình lại với vua rằng Nguyễn Công Nhàn đã phạm tội vu cáo. Nhàn bị trị tội nặng và Nguyễn Công Trứ lại được bổ nhiệm chức Chủ Sự ở Bộ Hình rồi lại Án Sát Quảng Ngãi, kế đến Thự Phủ Thừa Thiên.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà cây tùng được ví như tiết tháo của người quân tử, dẫu có vào mùa đông rét mướt hay sung sướng lúc ấm áp xuân về thì cây tùng vẫn hiên ngang không lời oán trách. Khí khái của Nguyễn Công Trứ là vậy, đó mới là bản sắc thật sự của một nhà nho chân chính.

Trời đất cho ta một cái tài. Giắt lưng dành để tháng ngày chơi

Tuy là một đại tướng quân tài ba, một quan đại thần thanh liêm nổi tiếng nhưng cái làm Nguyễn Công Trứ sống mãi với hậu thế chính là sự phong lưu tài hoa và thi phú của ông từ lúc trẻ bần hàn đến lúc cổ lai hy vẫn không hề thay đổi.

“Khi ca khi tửu khi cắc khi tùng
Chẳng thần thánh Phật Tiên song khác tục”

Tương truyền một lần, vì lỡ… si mê người đẹp, cậu học trò Trứ táo gan trêu chọc một tiểu thư xinh đẹp nhưng cũng khá kiêu kì bằng cách dẫm bắn nước bẩn tung toé lên vạt tấm áo lụa mới tinh của nàng. Bị bắt giải vào trình quan Đốc học là cha của cô gái, chàng nho sinh Nguyễn Công Trứ đã chuộc tội bằng bài thơ tinh nghịch sau:

Thoắt chốc tai nghe một tiếng ồ
Bầu trời vần vũ kín vầng ô
Tưởng rằng gió cuốn màn mây lại
Ai biết trời tuôn lộc nước cho
Khi nãy nắng nôi ra thế ấy
Bây giờ mát mẻ biết chừng mô
Hỡi người ướt áo đừng năn nỉ
Có rứa rồi ra mới được mùa

Cả hai cha con quan Đốc học nghe thơ xong tha luôn tội cho Nguyễn Công Trứ, tiểu thư còn đỏ ửng má cúi đầu mỉm cười kín đáo.

Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. (Ảnh: Denchuavietnam.net)

Lời kết:

Nguyễn Công Trứ là hình mẫu đặc biệt nhất trong số tất cả nhà nho trong lịch sử Việt Nam. Lời khen tiếng chê dành cho ông nhiều ngang nhau từ lúc ông sinh ra cho đến hàng trăm năm sau khi mất.

Dù đứng trước muôn vàn bão tố như vậy, điều khiến người ta cảm phục nhất là chưa hề thấy ông thể hiện thái độ tiêu cực nào với cuộc đời. Ngay khi đắc ý nhất, ông cũng coi như thế sự như mây nổi, công danh là khói bay, lúc khốn cùng nhất, Nguyễn Công Trứ lại làm thơ tự trào, tìm sự yên vui ngay trong chính hoàn cảnh đó.

Đời người là một giấc mộng, vinh nhục đan xen như mây nổi, như chiêm bao, phải chăng ông Trời muốn qua đó để nhắn nhủ con người thế gian đừng qua mê lạc trong cõi hồng trần cuồn cuộn này:

“Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai”

Dẫu có là công hầu, hào kiệt đi chăng nữa, hết trăm năm ai biết có còn lưu lại chút bụi mờ, ảnh hình nòa nơi nhân thế hay không khi thời gian vốn rất vô tình. Có lẽ Nguyễn Công Trứ đã nhìn thấu điểm này nên chẳng chút bận tâm vào công danh lợi lộc, cũng chẳng buồn phiền khi thăng giáng mấy lần:

Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào
Đã sa xuống thấp lại lên cao

Khi về già ông không cưỡi ngựa mà ngồi trên lưng con bò vàng, đuôi bò treo chiếc mo cau để “che miệng thế gian” mà ngao du trần thế, sống một đời không câu thúc thị phi. Vậy mấy chục năm tranh đấu quan trường kia của ông để làm chi, chẳng phải đã hoài phí cả sao? Không hề hoài phí, đó chính là chức phận mà Nguyễn Công Trứ phải hoàn thành, cũng là tâm nguyện của một nhà Nho với quốc gia, trăm họ.

Làm tận sức hết lòng mà không quan tâm được mất lợi lộc, thế nên mới nói rằng Nguyễn Công Trứ quả thật là một Nho tướng đắc Đạo vậy. Nếu vẫn không tin, bạn hãy nghe đôi câu thơ rất nổi tiếng này của ông, được bao lớp hậu thế ngâm đi ngâm lại:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Tĩnh Thủy

Xem thêm: