Con người sống ở trên đời nên tích trữ phúc báo hơn là tích bạc tiền, bởi phúc báo là thứ vĩnh viễn đi liền theo thân, còn bạc tiền vật chất chỉ là vật bên ngoài, sớm muộn rồi cũng mất…
Vào thời Đức Phật còn tại thế, vua Ba Tư Nặc có một nàng công chúa tên Thiện Quang. Công chúa lớn lên rất xinh đẹp đoan trang, được dân chúng yêu kính. Quốc vương kiêu hãnh nói:“Con được dân chúng yêu thích, nguyên nhân là vì cha làm quốc vương”.
Thiện Quang công chúa thưa rằng: “Là do nhân duyên phúc đức của con, không phải nguyên nhân vì phụ vương làm vua”.
Vua Ba Tư Nặc hỏi công chúa 3 lần, cả 3 lần công chúa đều trả lời như vậy. Vua cha tức giận, đem công chúa gả cho một người bần cùng, rồi nói: “Để xem là vì tự lực của con hay là bởi vì phụ vương là cha của con”.
Sau khi gả cho người nghèo này, cả hai vợ chồng công chúa làm lụng chăm chỉ, không lâu sau đã nhanh chóng phát tài, vợ chồng trở nên giàu có. Vua Ba Tư Nặc rất kinh ngạc, liền đến tìm hỏi Đức Phật.
Đức Phật nói: “Công chúa Thiện Quang trước đây vào thời Phật Ca Diếp trong quá khứ rất thích dùng đồ ăn cúng dường những người tu đạo. Chồng cô ấy ngăn trở cô, cô nói: ‘Thiếp đã phát tâm nguyện, xin đừng làm thiếp nhụt chí thoái tâm’. Chồng của cô liền đồng ý thuận theo cô ấy.
Bởi vì công chúa Thiện Quang cúng dường Phật trong quá khứ, nên cả đời này rất giàu sang, mà chồng cô ấy nguyên đã ngăn trở cô nên mới biến thành bần cùng, nhưng sau đó người chồng đã đồng thuận, nên khi gặp được công chúa Thiện Quang mới được phú quý”.
Vua Ba Tư Nặc nghe xong liền hiểu ra tất cả.
Quả thật, người nếu có phúc báo, tự nhiên sẽ ảnh hưởng tới phú quý của cả gia đình, dù gả cho người nghèo, thì cũng khiến người đó trở nên giàu có. Đây chính là tính trọng yếu của phúc báo. Tiền bạc có thể bị người khác đoạt mất đi, nhưng phúc báo thì người khác không cách nào có thể chiếm đoạt được.
Có người làm gì cũng đều kiếm được ra tiền, có người có làm gì đi nữa cũng chỉ có thể đủ nuôi sống bản thân, đây chính là vấn đề nằm ở phúc báo.
Thành tựu của một người đều dựa vào phúc báo cộng với trí tuệ mà thành. Nếu chỉ dựa vào trí tuệ, cho dù có khéo đọc sách, hiếu học thế nào đi nữa mà không có phúc báo thì đi ra ngoài xã hội kiếm tiền đều sẽ rất khó khăn. Đọc sách cần biết đọc, nhưng kiếm tiền và đọc sách lại là hai việc khác nhau.
Từ kinh doanh, buôn bán, cho đến làm xí nghiệp đều dựa vào phúc báo, còn trí tuệ là đứng vị trí thứ hai. Phạm Lãi thời cổ đại, mỗi lần ông buôn bán phát tài đều mang tiền của ấy bố thí hết cho những người nghèo, lại tự tay lập nghiệp, lại được phát tài. Liên tục ba lần đều như thế. Người Trung Quốc cổ đại đem Phạm Lãi cung phụng thành thần tài đều là có đạo lý cả. Đấy chính là ông ta có phúc báo, nên dù cho làm gì đều có thể kiếm ra tiền.
Phúc báo của một người đều phải từ bản thân người ấy tự bồi đắp, ngay cả những người thân cũng không cách nào có thể thay thế họ được. Con trẻ cũng có phúc báo và nghiệp lực của riêng chúng, cha mẹ không cách nào thay thế cho con trẻ, vậy thì điều cha mẹ có thể làm được là giúp cho con trẻ nuôi dưỡng và bồi đắp phúc đức.
Cổ nhân từng nói rằng: “Tích đức cho con cháu”. Con trẻ nếu như có thể thành đạt, không nhất thiết phải dùng đến tiền của để lại, con trẻ mà không thể phát đạt, tiền của có để lại bao nhiêu cũng đều tiêu tán, cho nên chi bằng lưu lại âm đức cho con cháu.
Tích tồn tài vật, chi bằng hãy tồn trữ phúc báo. Vậy phúc báo tích trữ ra sao? Làm điều tốt thì tích phúc báo, nhường nhịn và chịu thiệt mà tích phúc báo,… đều là làm những việc mang lại ý nghĩa tốt cho người khác mà đắc được phúc báo.
Không nên xem nhẹ phúc báo, phúc báo cũng còn có thể cứu được mạng người, tiền bạc của một người cũng phải đánh đổi từ phúc báo mà có. Có được phúc báo, tất cả của cải bạn đều có thể tạo ra.
Tâm Nguyễn
Theo Tinhhoa
Xem thêm:
- Buôn bán nội tạng sống ở Trung Quốc, ai ủng hộ tội ác tàn bạo này?
- Tây Tạng trong lò lửa bạo tàn của chính quyền Trung Quốc
- Chuyện thật như đùa: Lá cờ của Trung Quốc bị nhầm lẫn tại Olympic Rio 2016