Những câu cổ ngữ của người xưa được mọi người truyền tụng cho đến nay đều là bởi vì nó có chứa đựng đạo lý bên trong. Cổ nhân đúc kết đạo lý thông qua việc quan sát những hiện tượng trong cuộc sống hàng ngàn năm qua. Đó thực sự là những quy luật khách quan dựa trên những hiện tượng có thật trong thực tế.
“Đại nạn không chết, tất có hậu phúc”, đây là một câu nói của người xưa (cổ ngữ) đã rất quen thuộc với tất cả mọi người. Nếu như quy luật tổng kết không chính xác, người ta cũng sẽ không nói ra, cho dù có nói ra thì cũng sẽ không được tin tưởng và không được lưu truyền.
“Ngẫu nhiên” và “Tất nhiên”
Một số người sẽ có chút nghi vấn, “đại nạn không chết” đây là ngẫu nhiên, “tất có hậu phúc” đây là tất nhiên, ngẫu nhiên và tất nhiên tại sao lại có sự liên hệ với nhau? Nói cách khác, “đại nạn không chết” có nghĩa là người đó có vận may. Ngẫu nhiên một lần được vận may (gặp đại nạn không chết), chẳng lẽ tất nhiên lại liên tiếp được vận may (tất có hậu phúc) sao? Giống như một người ngẫu nhiên trúng giải thưởng lớn, chẳng lẽ về sau này lại tiếp tục trúng thưởng sao? Làm gì có đạo lý như thế!
Kỳ thực, điều này bề mặt xem ra là không có đạo lý nhưng trên thực tế thì lại rất có đạo lý, mấu chốt không phải là nằm ở “ngẫu nhiên”, mà là ở “tất nhiên”. Chúng ta lát nữa sẽ phân tích điều này một cách cẩn thận.
Gặp đại nạn tại sao lại không chết?
Tại sao lại gặp phải đại nạn? Gặp đại nạn rồi tại sao lại không chết? Chúng ta cùng xem xét một trường hợp sau: Tại Đài Loan từng xảy ra một vụ tai nạn máy bay, toàn bộ mọi người trên máy bay đều chết chỉ còn hai người sống sót. Sau này có một vị Nguyên đại sư (có lẽ thuộc về Đạo gia) xem xét nguyên nhân và nói ra huyền cơ trong đó.
Hóa ra ở kiếp trước, những người trên máy bay này vốn là một toán cướp, họ đã từng mở một cuộc thảo luận, để bàn bạc làm thế nào tổ chức một cuộc tàn sát đẫm máu ở một thôn trang. Hết thảy bọn cướp đều đến dự, nhưng đến thời điểm cướp thì phát hiện có hai người vì lương tâm hối hận mà không tham gia nữa. Hai người đó chính là hai người đã sống sót trong vụ tai nạn máy bay này. Bởi vì kiếp trước “tham gia hội nghị” mà kiếp này “gặp đại nạn”, cũng bởi vì thấy hối hận “không tham gia cướp” cho nên kiếp này “gặp đại nạn mà không chết”.
Đến đây thì chân tướng đã rõ ràng rồi! Người gặp đại nạn là người chắc hẳn kiếp trước đã làm điều xấu, điều ác như sát sinh… Người gặp đại nạn mà không chết hẳn là kiếp trước đã có hối lỗi, sửa sai làm việc thiện. Cho nên, người gặp đại nạn mà chết là vì tất nhiên phải chết, người gặp đại nạn mà không chết là vì không đáng phải chết. Đó là “tất nhiên” chứ không phải là “ngẫu nhiên”.
Gặp đại nạn không chết, tại sao sau này lại được phúc?
Vậy thì, người gặp đại nạn mà không chết, tại sao sau này lại được phúc? Từ phân tích phía trên, chúng ta có thể thấy rõ ràng, người gặp đại nạn mà không chết là người kiếp trước đã có hối lỗi sửa sai và hướng thiện, nói cách khác, người này chắc chắn là từ đó trở đi sẽ đoạn tuyệt hành ác mà tu thiện, cuộc đời về sau của họ nhất định đã làm rất nhiều việc thiện, tích lũy rất nhiều phúc đức, những việc thiện này được làm vào thời gian tương đối trễ, nên quả báo nhận được cũng sẽ tự nhiên đến trễ. Giống như là sau khi gặp “đại nạn mà không chết” rồi lại dần dần liên tiếp hiện ra, điều này cũng được gọi là “hậu phúc”, đây cũng chính là đạo lý của “gặp đại nạn không chết, tất có hậu phúc”.
Khám phá bí mật “gặp đại nạn không chết, tất có hậu phúc”
Thông qua những phân tích trên chúng ta có thể minh bạch được quy luật của “gặp đại nạn không chết, tất có hậu phúc”, kỳ thực nó chính là quy luật “nhân quả báo ứng” mà thôi, “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” (làm điều thiện sẽ được thiện báo, làm điều ác phải gặp ác báo). Giống như hối cải sửa chữa làm một con người mới thì sẽ được “gặp đại nạn không chết”, “đoạn ác tu thiện” thì sau này có phúc báo.
Câu cổ ngữ “gặp đại nạn không chết, tất có hậu phúc” ẩn chứa nội hàm nhân quả báo ứng ở bên trong, đây chính là bí mật của nó. Nắm giữ được quy luật này, chúng ta sẽ có thể đoán được cuộc đời sau này của một người. Chúng ta sau này có gặp phải đại nạn hay không? Có gặp đại nạn mà qua khỏi hay không? Có thể có hậu phúc hay không? Những điều này chỉ cần nhìn xem cách ứng xử và hành động của một người như thế nào là sẽ biết ngay!
“Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị, dục tri lai thế quả, kim sinh tố giả thị.” (Muốn biết kiếp trước mình đã gieo nhân nào hãy xem kiếp này mình đã nhận được quả gì, muốn biết kiếp sau mình sẽ nhận quả nào thì cứ xem kiếp này mình đang làm điều gì) – lời này quả là không sai!
Mai Trà
Theo NTDTV
Video: Tổ tiên tích đức thay vận mệnh, con cháu vinh hoa lộc mãn đường