Giáo lý nhà Phật vốn rất sâu xa, hàm chứa. Người đời chỉ biết dùng sở học, hiểu biết của mình mà tùy tiện chú giải kinh sách thực đã gây ra tác hại khôn lường. 

Lữ Huệ Khanh tự Cát Phủ, làm quan dưới thời Bắc Tống. Các quan viên thời xưa phần nhiều đều là người đọc sách thông qua khoa cử mà thi đậu. Lữ Huệ Khanh cũng không ngoại lệ. 

Ông đỗ tiến sĩ năm thứ 2 niên hiệu Gia Hựu (năm 1057), tài học cũng không tệ. Nhưng họ Lữ lại cậy mình có chút học vấn, từng đưa ra một số giải thích cho kinh điển trong Phật giáo, Đạo giáo. Bản thân còn tự mình cảm thấy rất tốt. 

Lữ Huệ Khanh từng đến Sơn Tây, một ngày nhân lúc nhàn rỗi, ông dẫn theo mấy người tùy tùng đến núi Ngũ Đài thưởng ngoạn danh thắng. Họ đi đến núi Ngũ Đài Sơn, trong lúc vui chơi hứng khởi thì trong chốc lát mây đen vần vũ khắp trời, gió lớn ập đến, sấm vang chớp giật đinh tai nhức óc, mưa trút xuống như thác đổ.

Mấy người Lữ Huệ Khanh đành phải tản ra tìm chỗ trú mưa. Chính ngay lúc này họ nhìn thấy trong mây mù có một vật thể như ẩn như hiện, hình dạng như rồng có sừng, lượn lờ trong biển mây. Mọi người trông thấy thảy đều kinh hãi vô cùng.

Một lúc sau, trời quang mưa tạnh, thấy có một vị đồng tử từ trên núi nhanh chân bước về phía họ. Chỉ thấy vị này đầu tóc rối tung, nước da ngăm ngăm, từ chân đến vai đều dùng cỏ nến quấn quanh làm áo quần (cỏ nến mọc hoang, có thể dùng để đan lát), lộ ra vai phải, tay cầm quyển kinh Phật bằng tiếng Phạn.

Đồng tử hỏi họ: “Các vị đã nhìn thấy gì mà sợ hãi đến như vậy?“.

Lữ Huệ Khanh trả lời: “Thiết nghĩ nếu không phải nghiệp chướng thì cũng là ác duyên, mưa gió hồi nãy khiến chúng tôi một phen khiếp đảm“.

Đồng tử nói: “Mưa gió đều đã qua rồi, các vị đến núi Ngũ Đài phải chăng có gì cầu xin?“.

Lữ Huệ Khanh nói: “Nghe nói nơi đây là đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát, bởi vậy mong có duyên gặp được ngài“. 

Đồng Tử lại hỏi: “Tại sao các ông lại muốn gặp?“.

Lữ Huệ Khanh nói: “Tôi đã từng đọc qua kinh Phật, cảm thấy hàm ý sâu xa huyền diệu, có những chỗ tôi không sao lý giải được. Vậy nên tôi muốn gặp Bồ Tát, mong rằng được chỉ điểm, khai thị cho. Nếu được như vậy, tôi có thể đưa ra một số luận giải cho kinh Phật, lưu lại cho muôn đời sau“. 

Đồng tử lại nói: “Diệu ý của chư Phật, nguyên vốn đơn giản dễ hiểu. Giờ đây bị người đời làm lộn xộn cả lên. Những lời giải thích nhiều đến mức lên đến hàng mấy trăm quyển, nguyên muốn giải thích Phật ý nhưng lại cách Phật ý mỗi lúc một xa”.

Lữ Huệ Khanh đột nhiên biến sắc, cũng không hiểu được lời của đồng tử nọ, chỉ trách mắng rằng: “Cậu chẳng qua chỉ là một đứa bé vắt mũi chưa sạch mà thôi, sao lại dám lớn gan cao giọng trách móc biết bao thế hệ tiền bối giải thích kinh Phật đây như vậy?“. 

Đồng tử cười nói: “Từng ngọn cây cọng cỏ ở đây không phải là cảnh giới của Văn Thù Bồ Tát hay sao. Ông chỉ cần hàng ngày tuân giữ Phật lý, gặp chuyện không bị mê lạc, thế đã tốt lắm rồi. Cớ chi phải dùng tình cảm phàm nhân để mà nhiễu loạn tư duy đây?“.

Lưu Huệ Khanh nghe xong, trong lòng biết bản thân đã sai, vội quỳ xuống khấu đầu nhận sai. Lạy xong ngẩng đầu lên, chỉ thấy đồng tử này đã biến thành hình tượng của Văn Thù Bồ Tát, cưỡi trên mình con sư tử lông xanh, biến mất vào trong đám mây. Lữ Huệ Khanh lúc này mới biết đồng tử mà mình gặp khi nãy lại chính là Văn Thù Bồ Tát hóa thành.

Ảnh minh họa. Dẫn theo youtube.com

***

Kinh Phật, lời truyền giảng các vị giác giả là thần thánh, thiêng liêng, chỉ cần sửa đổi một chữ trong đó thì hàm ý cũng đã trở nên vô cùng sai khác. Vậy nên, là những người tu luyện, dù trong bất kể pháp môn nào cũng đừng tự ý tùy tiện mà loạn giảng hoặc cải đổi kinh sách. Nếu không, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Câu chuyện về Lữ Huệ Khanh ở trên là một lời nhắc nhở sâu sắc.

Có nhiều người cho rằng, Phật giáo ngày nay, 2.500 năm sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tạ thế, đã xuất hiện nhiều tình huống hỗn loạn. Rất nhiều tăng nhân tiến hành tự ý biên soạn các sách giải thích kinh Phật, tạo nên rất nhiều sai lệch. Nguyên ban đầu lời giảng của Phật Thích Ca Mâu Ni có hàm ý sâu xa, cảnh giới cao thâm, sau lại bị người đời thêm vào luận giải của bản thân, định nghĩa do bản thân mình tự đặt. Chính là giống với lời  Phật Thích Ca Mâu Ni thời còn tại thế đã từng dự ngôn với các đệ tử về những tình huống Phật giáo sẽ xuất hiện trong tương lai – thời mạt Pháp ngày nay. Đây chẳng phải là điều mỗi chúng ta cần phải suy ngẫm hay sao?

Thiện Sinh

Xem thêm: