Có thể bạn đã nghe qua rất nhiều chuyện kể về việc con dâu bất hiếu, ngược đãi mẹ chồng. Trong câu chuyện dưới đây, dù không hề nghe thấy một lời tranh cãi nào của con dâu nhưng kết cục của nó đã để lại thật nhiều suy ngẫm cho độc giả.
Nàng dâu không bao giờ tranh cãi với mẹ chồng
Năm Ung Chính thứ 10, người nhà của một vị quan trong triều có một nàng dâu xưa nay không hề tranh cãi với mẹ chồng bao giờ. Đột nhiên một hôm sét đánh xuyên qua cửa sổ nhà cô. Dường như tia lửa vụt lóe sáng, xuyên thẳng qua trái tim của người con dâu, rồi chạy qua sườn trái. Chồng cô cũng bị sét đánh bị thương, cháy xém một vùng từ phía sau lưng đến phần mông, chỉ còn vài hơi thở thoi thóp.
Phải rất lâu sau, chồng cô mới dần tỉnh lại. Vừa nhìn thấy thi thể của vợ thì cậu khóc than rằng: “Tâm tính ta không tốt, đôi khi ta cãi vã với mẹ vài câu. Nàng chỉ thủ thỉ với ta những điều không vui trong lòng, lặng lẽ lau nước mắt sau lưng người khác mà thôi. Sao sét lại đánh trúng vào nàng?”.
Cậu ta không biết rằng kẻ chủ mưu phải chịu hình phạt rất nặng, ở âm gian hay dương gian cũng đều như nhau.
Trong câu chuyện này, những lần người chồng và mẹ chồng cãi vã đều là do nàng dâu kích bác sau lưng. Vậy nên nàng dâu được gọi là kẻ chủ mưu. Tội nghiệp của kẻ chủ mưu lại là nặng nhất.
Rất nhiều người thích nói xấu, khích bác, ly gián người khác sau lưng. Họ cho rằng mình không tự tay làm thì sẽ không bị trừng phạt, xem ra cách nghĩ này đã sai quá rồi.
Mẹ chồng nàng dâu mối quan hệ nghìn năm muôn thuở
Mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu cũng quyết định sự êm ấm hạnh phúc của mỗi gia đình. Ai cũng biết được điều đó, nhưng ngày nay có thể dung hòa được mối quan hệ này có vẻ không phải là một điều dễ dàng.
Bởi lẽ mẹ chồng đã dành trọn cả tuổi thanh xuân, tâm huyết của mình mang nặng đẻ đau và dưỡng dục con trai mình lên người. Nhưng đến khi đứa con trai yêu dấu ấy trưởng thành, đủ lông đủ cánh thì nó lại trao trọn trái tim mình cho một người phụ nữ hoàn toàn xa lạ.
Giữa mẹ chồng và nàng dâu dường như luôn tồn tại một mâu thuẫn ngấm ngầm về cuộc đua tranh giành sự ưu ái của một người đàn ông. Vậy nên mẹ chồng nàng dâu là đề tài nghìn năm muôn thuở và là vấn đề hóc búa của rất nhiều gia đình.
Sự thực có phải vậy không? Kỳ thực không phải. Đó chỉ là cái nhìn thiển cận đứng từ góc độ lợi ích cá nhân của mẹ chồng hay nàng dâu mà thôi.
Thực lòng yêu thương, tôn kính và đối xử tốt với mẹ chồng là đang gieo phúc lộc cho hậu vận của chính mình
Còn nhớ thuở ấu thơ chúng ta thường được nghe mẹ kể về câu chuyện “Lão Miệng”. Chuyện kể rằng bác tai, cô mắt, cậu chân, cậu tay đều ganh tỵ với lão miệng. Lão ta chỉ ăn không ngồi rồi, quanh năm suốt tháng không động chân, động tay vào một việc gì cả. Nếu đứng từ góc độ lợi ích cá nhân thì mâu thuẫn này quả thực khó có thể phân giải.
Mọi người bèn quyết định để mặc lão miệng phải tự lo lấy thân mình. Kết quả là lão miệng đói, cậu tai thì ù, cô mắt thì hoa, cậu chân, cậu tay thì bủn rủn. Đến khi lão miệng được ăn uống no nê thì bác tai, cô mắt mới tinh tường trở lại, cậu chân, cậu tay mới lấy lại sức sống như xưa. Lúc này mọi người mới hiểu ra rằng ai nấy đều có trách nhiệm, nghĩa vụ và ý nghĩa của riêng mình. Tất cả đều có mối quan hệ vô cùng khăng khít, chẳng thể tách rời.
Cũng như con người sống cần có oxy, có dưỡng chất từ thức ăn, nước uống, cần ánh sáng, khoáng chất… để nuôi sống cơ thể. Nhưng điều này chỉ đảm bảo sự tồn tại của con người mà thôi. Con người còn cần hiểu đạo lý đối nhân xử thế, cần trò chuyện giao lưu, cần tình yêu thương của gia đình, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, tình bè bạn… Thiếu bất cứ thứ gì cũng khiến cho cuộc sống của họ trở nên thiếu hụt và dễ có tâm lý chán nản.
Vậy nên người vợ thông minh là người hiểu được đạo Trời, biết ơn cha mẹ ông bà tổ tiên và đặc biệt là mẹ chồng đã sinh ra và nuôi dưỡng chồng mình khôn lớn thành người. Nhờ có họ ngày hôm nay bạn được hưởng trái ngọt.
Họ sẽ không ghen tị khi thấy chồng hiếu thuận và ân cần chăm sóc, hỏi han mẹ chồng. Người vợ thông minh sẽ là một nàng dâu hiếu thuận, biết vun đắp tình cảm giữa chồng và mẹ chồng. Cô ấy sẽ không dại dột bắt chồng phải lựa chọn giữa bản thân mình hay mẹ chồng.
Người vợ thông minh cũng không tranh giành sự ưu ái của chồng, hay thể hiện sự quấn quýt mặn nồng đôi lứa trước mặt đấng sinh thành. Bởi lẽ trái tim thiếu đi ngăn bên trái hay ngăn bên phải thì trái tim ấy đều sẽ ngừng đập. Bàn tay mà thiếu đi mu bàn tay hay lòng bàn tay thì bàn tay ấy cũng thành tàn khuyết mà thôi.
Mẹ chồng trước kia cũng từng là nàng dâu. Nàng dâu tương lai sau này cũng lại sẽ thành mẹ chồng. Nên hiện nay bạn đối xử với mẹ chồng như thế nào thì tương lai bạn cũng sẽ được đối xử đúng như vậy. Âu cũng là gieo hạt giống tốt sẽ được trái ngọt, gieo hạt giống dở sẽ chỉ gặt về trái đắng mà thôi.
Con người sống dưới gầm trời này, dẫu muốn hay không thì vẫn phải chịu nhận sự chi phối của luật nhân quả: “Thiện ác hữu báo”. Vậy nên thực lòng yêu thương, tôn kính và đối xử tốt với mẹ chồng kỳ thực là đang gieo phúc lộc cho hậu vận của chính mình.
Sức mạnh của ngôn ngữ: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người chín tháng ròng”
Có một số người thích mắng nhiếc hoặc nói xấu sau lưng người khác. Những lời mắng chửi người khác như những âm thanh kỳ quái có tính sát thương rất mạnh. Người nghe nhiều nhất cũng sẽ bị thương nặng nhất.
Sau khi đã thành thói quen hễ mở miệng ra là họ lại nói những lời độc ác. Nhưng miệng của mình lại gần đôi tai của mình nhất. Miệng nói thì tai nghe, khi ngày đêm đều bị nhuốm bẩn bởi những lời gai góc như vậy, lâu dần những lời này lại trở thành những hạt giống gieo xuống mảnh ruộng trong tâm hồn mình.
Gieo cái ác thì ắt sẽ gặp phải trái đắng, sớm muộn gì thì chúng cũng sẽ quay trở lại chính bản thân bạn. Đặc biệt là những lời nói ra trong niềm oán hận. Những lời đó có năng lượng phụ diện rất mạnh, có sức tàn phá tâm hồn con người ghê gớm và gây nên vòng tròn ác tính quẩn quanh. Kết quả thường sẽ phát triển theo hướng bất hảo mà con người không thể tưởng tượng được.
Có câu rằng: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người chín tháng ròng”. Lời nói có vẻ giản đơn nhưng sức ảnh hưởng lại vô cùng sâu sa. Mỗi người chúng ta đều là một nhà ảo thuật, có thể dùng ngôn ngữ để “yểm bùa” người khác. Chúng ta cũng có thể dùng những câu thần chú đó để mang đến những điều thiện lành và trái ngọt cho người khác.
Nhưng điều quan trọng nhất là từng câu thần chú mà bạn gieo xuống cuối cùng đều sẽ quay trở về với chính bạn. Bởi lẽ câu thần chú ấy xuất phát từ bạn. Và bạn chính là trung tâm của vòng tròn xung động đó, phải vậy không?
Lại cũng có câu: “Người nói thì thầm Trời nghe như sấm”. Lời từ miệng ra nhưng cái gốc của nó lại xuất phát từ trái tim mỗi người. Ông Trời lại chỉ nhìn tâm của con người và luôn thiện đãi người lành, trừng phạt người xấu.
Vậy nên muốn hưởng phúc lộc dài lâu thì cần tu tâm dưỡng tính, mở rộng lòng mình để bao dung và yêu thương nhiều hơn. Nói xấu người kỳ thực lại là tự rước họa vào thân. Nên chăng ngay khi ý nghĩ bất hảo về người khác xuất hiện chúng ta cũng cần tẩy tịnh nó đi từ trong trứng nước.
Đào Viên