Thuyết luân hồi đã có từ xa xưa, không chỉ là có, mà những trạng thái luân hồi cũng đủ loại hình hình sắc sắc. Có người chuyển sinh vẫn mang theo ký ức tiền kiếp; Có người dù không thể nói ra lời, nhưng những tình huống và cảm xúc mà họ biểu hiện lại để khiến mọi người suy đoán về khả năng nhân quả trong đó. Dưới đây chúng ta sẽ điểm qua một số câu chuyện về luân hồi được ghi lại bởi Kỷ Hiểu Lam (Kỷ Quân), một học giả và thượng thư Bộ Lễ thời nhà Thanh.
Những đứa trẻ mang theo ký ức tiền kiếp
Con trai của Thương Long, một tá điền ở Thôi Trang, vừa mới qua đời không lâu thì đầu thai vào gia đình nhà hàng xóm. Chưa được một tháng tuổi, đứa bé đã có thể nói được. Trong dịp Tết, bố mẹ đi vắng, đứa bé ở nhà chỉ còn lại một mình. Một người cùng làng gõ cửa sang chào năm mới, sau khi nghe thấy tiếng gõ cửa, đứa bé lập tức đáp lại: “Là bố chồng của cô X đó à? Bố mẹ cháu đã đi ra ngoài, cửa không khóa. Xin mời vào nghỉ ngơi một lát.” Mọi người nghe thấy điều này đều rất ngạc nhiên, nhưng đứa bé không lâu sau đó thì qua đời.
Chú của Hằng lan đài (lan đài là chức quan phụ trách thư tịch bí mật trong cung), khi còn là một đứa trẻ, từng tuyên bố rằng kiếp trước ông là một nhà sư ở chùa Vạn Thọ phía tây thành. Dù chưa từng đến ngôi chùa đó, nhưng ông có thể dễ dàng vẽ ra những hành lang lối cửa, những bài thiết trang nghiêm, những hàng hoa, cây cối trong chùa. Sau khi đi kiểm chứng, chúng hoàn toàn tương đồng. Tuy nhiên, ông cả đời lại không muốn bước chân vào ngôi chùa đó nữa, không biết là vì duyên cố gì.
Con người chuyển sinh vào đạo súc sinh
Cũng có những người chuyển sinh vào đạo súc sinh có thể mang theo ký ức về kiếp trước. Lý Hối Xuyên thời nhà Thanh đã đưa ra hai ví dụ làm bằng chứng. Ông kể:
Sau khi anh hàng thịt qua đời, một gia đình ở làng bên cạnh sinh ra một con lợn. Con lợn ở cách nhà người hàng thịt bốn, năm dặm, nhưng thường đến nhà anh hàng thịt và nằm ở đó, đuổi đi không được, cho dù người chủ có bắt được con lợn thì nó vẫn quay về nhà anh hàng thịt, cuối cùng phải xích lại mới giải quyết được vấn đề. Mọi người nghi ngờ rằng con lợn này chính là anh hàng thịt kia chuyển thế.
Ngoài ra, sau khi anh hàng thịt qua đời, hơn một năm sau, vợ anh ta dự định tái hôn. Khi cô mặc trang phục hôn lễ bước lên thuyền, con lợn bất ngờ lao về phía cô, trừng mắt nhìn cô, xé váy và cắn vào bắp chân cô. Mọi người lao tới cứu cô, sau khi đè con lợn xuống nước, cô mới có thể lên đường.
Lúc này, con lợn lại nhảy lên khỏi mặt nước và đuổi theo suốt dọc bờ sông. Mãi đến khi cánh buồm được dương lên, tốc độ tăng dần, con lợn mới thất vọng quay trở lại. Người ta còn nghi ngờ con lợn chính là anh hàng thịt chuyển thế, vì vợ tái giá mà cảm thấy phẫn nộ. Hai sự việc này có thể được coi là bằng chứng gián tiếp cho thấy anh bán thịt đã chuyển sinh thành một con lợn.
Người chuyển sinh vào đạo súc sinh, trước khi chết thác mộng
Khi em gái thứ năm của Kỷ Hiểu Lam còn chưa kết hôn, bà đã từng ngồi trong bến thuyền, biết được một câu chuyện luân hồi chuyển sinh thành lợn. Trong bến thuyền, từ xa bà nhìn thấy một người phụ nữ trung niên xuất thân từ một gia đình quan chức trên một chiếc thuyền ven sông, đang khóc lóc thảm thiết bên cửa sổ, cùng rất nhiều người chứng kiến.
Một bà vú mở cửa vào xem kỹ, quay lại nói với bà rằng người phụ nữ đang khóc là phu nhân của một tri phủ nào đó. Ban ngày, khi đang chợp mắt trên thuyền, bà ấy mơ thấy đứa con gái quá cố của mình bị người ta trói và giết, la hét đau đớn. Sau khi tỉnh dậy, tiếng khóc dường như vẫn văng vẳng bên tai, như thể chúng đến từ một nơi nào đó gần thuyền. Bà sai người giúp việc đi kiểm tra, thì phát hiện có người đang chọc tiết một con lợn con, máu chảy vào thùng, vẫn chưa chảy hết.
Trong giấc mơ, bà thấy chân con gái mình bị trói bằng dây thừng, và tay bị trói bằng dải ruy băng màu đỏ. Bà nhìn kỹ hơn vào bàn chân trước của con lợn, trông giống hệt như thế. Điều này khiến bà đau buồn đến mức trả giá cao chuộc lại con lợn và chôn cất nó.
Người hầu của phu nhân viên quan đã kể riêng một số câu chuyện bối cảnh, khiến những người nghe dường như đều minh bạch nhân quả trong đó. Con gái của viên quan này qua đời ở tuổi 16, tính cách cực kỳ hiền lành nhu thuận, chỉ ăn mỗi món thịt gà, mỗi bữa đều ăn, nếu không có thịt gà thì cô không đụng đũa. Vì thế, mỗi năm cô ăn khoảng 700-800 con gà. Sau khi chết, cô chuyển sinh thành một con lợn, đây có thể là quả báo của sát nghiệp quá lớn của cô.
Nhớ lại kiếp trước làm một con lợn, run rẩy sợ hãi khó quên
Uông Hiểu Viên, một nội các học sĩ thời nhà Thanh, từng kể có một nhà sư già đột nhiên bật khóc khi đi ngang qua lò mổ. Có người nhìn thấy điều này đã rất ngạc nhiên, hỏi ông tại sao.
Nhà sư già kể lại:
“Đó là một câu chuyện dài. Tôi có thể nhớ được trải nghiệm của hai kiếp. Kiếp trước nữa tôi làm nghề đồ tể, hơn 30 tuổi thì qua đời, hồn phách tôi bị nhiều người trói mang đi. Quan viên của âm phủ trách tôi sát nghiệp thâm trọng, áp tôi vào vòng luân hồi để chịu quả báo. Đương thời tôi chỉ cảm thấy mơ mơ hồ hồ, như say như mộng, trong lòng chợt nóng lên không chịu nổi. Đột nhiên tôi cảm thấy một cơn gió mát, phát hiện bản thân đang ở trong chuồng lợn.
Sau khi heo con cai sữa, tôi thấy thức ăn cho mình ăn rất bẩn thỉu, trong thâm tâm tôi biết thức ăn đó bẩn thỉu. Tuy nhiên, do đói nên lục phủ ngũ tạng của tôi như bị lửa thiêu không chịu nổi, không có lựa chọn nào khác ngoài việc ăn nó. Ngày tháng trôi qua, tôi dần dần hiểu được ngôn ngữ của lợn, cũng thường nói chuyện với những con lợn khác. Không ít trong số chúng có thể nhớ về kiếp trước của mình, chỉ là không cách nào nói cho con người biết điều đó.
Hầu hết lợn đều biết rằng sớm hay muộn chúng sẽ bị giết thịt. Chúng phát ra âm thanh rên rỉ vì trong lòng buồn khổ; cũng thường rơi nước mắt vì chúng tự cảm thấy bi ai. Sau này khi bị bắt đi, tôi trong tâm biết mình không thể trốn thoát, nên chỉ biết nhảy lên bỏ chạy, hy vọng có thể trì hoãn được một lúc. Sau khi bị bắt lại, người đồ tể đá vào đầu và cổ tôi, vặn vẹo tứ chi của tôi, và dùng dây thừng trói chặt bốn chân tôi lại. Những sợi dây thừng cắm sâu vào xương khiến tôi đau như dao cứa. Một đàn lợn được chất lên xe, tàu, chen lấn nhau mạnh đến mức gãy xương sườn, tắc mạch máu, bụng như muốn nổ tung. Có lúc còn bị cây gậy xuyên qua thân thể và nhấc lên, điều này còn đau đớn hơn cả tra tấn.
Khi vận chuyển lợn đến lò mổ, chúng bị ném xuống đất mạnh đến mức tim và lá lách như vỡ ra từng mảnh. Có khi bị giết chết trong cùng một ngày, có khi bị trói mấy ngày liền, nỗi đau chờ chết càng không thể chịu nổi. Khi nhìn thấy con dao đồ tể bên trái và nồi lẩu bên phải, tôi không biết mình sắp phải chịu đựng nỗi đau gì, cơ thể tôi bất giác run lên. Tôi nhìn xuống cơ thể mình, nghĩ đến việc sau này nó sẽ bị cắt thành từng mảnh và trở thành miếng thịt trong bát của ai đó, tôi không khỏi cảm thấy đau lòng.
Khi tôi thực sự bị tra tấn, con dao của người đồ tể lóe sáng rực rỡ, nên tôi không dám nhìn thẳng vào anh ta mà chỉ có thể nhắm mắt chờ đợi để bị làm thịt. Khi con dao đồ tể thọc xuống, linh hồn tôi dường như bay ra từ trên đỉnh đầu, rồi lại rơi xuống. Đầu tiên, người đồ tể thọc dao vào cổ họng tôi, ngoáy mạnh khiến máu chảy vào chậu. Tôi đau đớn không thể tả được, chỉ có thể rên lên những hồi dài. Sau khi máu chảy hết, con dao đồ tể lại đâm vào tim tôi, dưới cơn đau dữ dội, tôi không thể phát ra âm thanh nào nữa, lập tức rơi vào trạng thái hôn mê.
Sau một thời gian dài tỉnh lại, tôi phát hiện bản thân đã ở hình dạng con người. Vì những việc hành thiện của tôi trong quá khứ, viên quan Âm phủ đã cho phép tôi được chuyển sinh làm người, đó chính là cuộc đời hiện tại của tôi. Vừa rồi khi nhìn thấy con lợn này, tôi nghĩ đến nỗi đau mà tôi đã phải chịu đựng trong quá khứ, tôi đồng cảm với nỗi đau khổ của nó, tôi càng lo lắng rằng người bán thịt trong tương lai cũng sẽ phải chịu quả báo. Ba niệm đầu này đan xen vào nhau trong tâm trí tôi, và tôi đã bất tri bất giác rơi nước mắt.”
Sau khi nghe câu chuyện của nhà sư, người bán thịt sợ hãi đến mức lập tức đánh rơi con dao đồ tể, chuyển nghề sang bán rau.
Vạn vật trên thế gian hình hình sắc sắc, biểu hiện ra càng phức tạp đa dạng. Tuy nhiên, lý của thế gian không tách rời khỏi nhân quả báo ứng, tự cổ chí kim đều như vậy, đủ để khiến mọi người cảnh giác và rút kinh nghiệm.
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch