Thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, có một vị đại sư tinh thông kim cổ, giỏi cả Trung – Tây, được mệnh danh là “một lực lượng tinh thần của Đại học Thanh Hoa”. Ông một đời âm thầm cống hiến, được môn sinh đắc ý Tiền Chung Thư đánh giá là một người “Vị nhân thành khác, hung vô thành phủ”, luôn vì mọi người mà cống hiến. Tuy nhiên, khi non sông đổi sắc, lựa chọn lưu lại Trung Quốc đã khiến ông vãn cảnh bi lương.
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“! Hôm nay, chúng tôi sẽ nói chuyện với các bạn về Ngô Mật, một văn học gia nổi tiếng, và hồi cố lại hai cuộc đời khác biệt của ông ấy trước và sau khi ĐCSTQ soán đoạt chính quyền.
“Một lực lượng tinh thần của Đại học Thanh Hoa”
Ngô Mật, tự Vũ Tăng, sinh năm 1894 tại huyện Kinh Dương, tỉnh Thiểm Tây. Ông thông minh ham học từ nhỏ, năm 17 tuổi đã đỗ vào Học viện Thanh Hoa, và sang Mỹ du học năm 23 tuổi. Ông học Anh văn tại Đại học Virginia, nhận bằng Cử nhân văn học, sau đó vào Khoa Văn học So sánh của Đại học Harvard và nhận học vị Thạc sĩ.
Năm 27 tuổi, Ngô Mật trở về Trung Quốc, trước sau giảng dạy tại Đại học Sư phạm Nam Kinh, Đại học Quốc gia Đông Nam và Đại học Đông Bắc, giảng dạy các khóa trình như lịch sử văn học thế giới. Mặc dù ông chủ yếu giới thiệu văn học phương Tây, nhưng ông chủ trương duy hộ giá trị của văn hóa truyền thống Trung Quốc, và không tán thành việc phương Tây hóa hoàn toàn.
Năm 1925, Ngô Mật đến Đại học Thanh Hoa để giảng dạy tại Khoa Ngoại ngữ. Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của ông cho Đại học Thanh Hoa là tham gia thành lập Viện Nghiên cứu Quốc học Thanh Hoa. Điều khó hơn nữa là, chỉ trong vài tháng, ông đã thực sự mời được bốn vị đại sư hàng đầu là Lương Khải Siêu, Vương Quốc Duy, Trần Dần Khác và Triệu Nguyên, cũng chính là “Bốn đại đạo sư Thanh Hoa” mà các thế hệ sau nói đến, khiến chấn động toàn giới học thuật.
Không dễ gì mời được các đại sư. Ví dụ, Vương Quốc Duy là lão sư của Phổ Nghi, vị hoàng đế Thanh triều cuối cùng, và có địa vị rất cao trong giới học thuật. Tờ “Tuần san nhân vật phương Nam” đã đề cập trong bài báo “Trầm trọng của hư vô” rằng vào giữa tháng 2/1925, Ngô Mật đến nhà Vương Quốc Duy để gửi thư mời của Thanh Hoa. Ngay khi bước vào thính đường, ông trước tiên cung cung kính kính cúi mình làm lễ, rồi mới nói rõ ý định. Vương Quốc Duy sau khi nhậm chức đã nói với Ngô Mật: “Bản thân tôi không nguyện ý đến Thanh Hoa dạy học, nhưng thấy ngài chấp lễ thậm cung kính, quá cảm động, do đó mới nhận lời.”
Trong thời gian ở Thanh Hoa, Ngô Mật được coi là “một lực lượng tinh thần của Thanh Hoa”. Điều này không chỉ nhờ vào sức hút to lớn của ông, mà còn là sự “đặc biệt” và sự tỉ mỉ đến từng chi tiết của ông trong vai trò một nhà giáo.
Một tấm gương cho giáo viên và học sinh
Quý Tiện Lâm, một học trò của Ngô Mật và là một đại sư của Quốc học Trung Quốc, trong bài viết “Hồi ức về tiên sinh Vũ Tăng” từng viết: “Ông ấy có một vẻ ngoài cổ xưa và một trái tim cổ xưa, khác các giáo sư khác, do đó đặc biệt. Ông ngôn hành nhất trí, biểu lý như nhất, khác người, do đó đặc biệt. Người khác viết văn bạch thoại, viết thơ tân thời; còn ông ấy viết cổ văn, viết cổ thi, do đó đặc biệt.”
Trong lớp học, Ngô Mật cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng học sinh. Ôn Nguyên Ninh, một cựu sinh viên Thanh Hoa và nhà ngoại giao, đã mô tả trong bài báo “Ngô Mật tiên sinh” rằng: “Ông nghiêm thủ từng thời khắc, giống như một chiếc đồng hồ; Ông siêng năng giảng bài, như một cu-li. Các thầy khác khi có dẫn chứng, họ luôn mở cuốn sách và đọc nguyên văn, còn ông ấy thì sao? Cho dù đoạn trích dẫn dài bao nhiêu, ông ấy luôn thuộc lòng. Bất luận đang giảng giải vấn đề gì, ông như thể một trung sĩ luyện binh, giảng tường tận từng điều từng lý.”
Lý Phú Ninh, một đại sư về ngôn ngữ và văn học phương Tây khi hồi ức về Ngô Mật đã nói: “Tiên sinh viết chữ Hán, không bao giờ viết giản thể, nét chữ luôn cương trực, đoan trang phương chính, không sai một nét. Phong cách học tập nghiêm cẩn này đã giáo huấn tôi và mang lại lợi ích cho tôi rất nhiều, giúp tôi thụ ích rất nhiều trong suốt cuộc đời của mình.… Tiên sinh vấn tất đáp, trả lời mọi câu hỏi, rất nhiệt tình, nghiêm cẩn đối đãi các vấn đề của học sinh,… Tiên sinh khi bút phê và sửa bài của học sinh càng tỉ mỉ và nghiêm túc, khoanh tròn những câu học sinh viết hay và có thể khai thác, viết ra những bình ngữ cụ thể, giúp học sinh cải chính chỗ sai, không ngừng tiến bộ.”
Vui lòng giúp đỡ, bất cầu hồi báo
Trong mắt người khác, Ngô Mật còn là một người phi thường chú trọng khuôn phép chuẩn tắc. Sau khi kháng chiến chống Nhật bùng nổ, Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Đại học Nam Đài đã tổ thành Đại học Liên hợp Tây Nam; do chiến tranh căng thẳng, địa điểm trường đã nhiều lần phải di dời. Lưu Triệu Cát, một sinh viên Đại học Liên hợp Tây Nam, trong bài báo “Tiên sinh Ngô Mật mà tôi từng biết” nói rằng, ngay cả trong chiến loạn như vậy, “bất luận tại Trường Sa, Nam Nhạc hay là Mông Tự, Côn Minh, Ngô tiên sinh đều mặc Tây phục, đi giày, râu trên mặt luôn cạo sạch.” Tuy nhiên, chú trọng đến ngoại hình gọn gàng không có nghĩa là chi tiêu nhiều tiền cho cuộc sống. Trái lại, Ngô Mật tự luật tiết kiệm, không hút thuốc uống rượu, chỉ uống trà thô và ăn cơm đạm bạc; ông dùng một chiếc màn chống muỗi từ năm 1938 đến tận Cách mạng văn hóa, dùng gần 40 năm.
Ngoài ra, dịch giả Tôn Pháp Lý hồi ức lại rằng, thời Đại học Liên hợp Tây Nam, giảng nghĩa của Ngô Mật là “bách nạp bản” những mẩu giấy chắp vá, một số là phong bì thư, giấy gói hàng, cũng có những mẩu tư liệu được cắt ra từ giấy thô. Ngô Mật là như vậy, luôn sẵn lòng giúp đỡ nhiều người khác.
Ông từng nói: “Mật vui lòng giúp đỡ người khác, không vì mục đích nào khác, và cũng không mong được người báo đáp.” Vào những năm 30 của thế kỷ 20, một sinh viên đã đi du học Mỹ, nhưng không đủ tiền để thực hiện chuyến đi, không cách nào đi được. Sau khi Ngô Mật biết chuyện, ông đã hào phóng quyên góp 300 đồng, đồng thời ba lần khẳng định đây là khoản tài trợ, không cần phải hoàn trả.
Sau chiến thắng của kháng chiến chống Nhật, vì những lý do cá nhân, cộng thêm cuộc nội chiến Quốc – Cộng, tình hình phương Bắc hỗn loạn, Ngô Mật đã không trở về phương Bắc với quân đội mà ở lại vùng Tây Nam. Sau khi chuyển qua lại một số trường đại học, vào tháng 10/1950, cuối cùng ông đến định cư tại Đại học Sư phạm Tây Nam. Vào thời điểm đó, ngày bận rộn nhất của ông là ngày ông ấy được trả lương. Ông ấy bận rộn việc gì? Gửi tiền cho người thân, bạn bè và học sinh để hỗ trợ. Mỗi lần chuyển tiền xong, ông chỉ còn lại rất ít, thậm chí còn phải đi vay mượn tiền hàng xóm.
Không muốn viễn tẩu tha hương
Nói đến đây, một số bạn có thể nghĩ: Năm 1950, ĐCSTQ đã soán chính quyền rồi, tại sao năm 1949 Ngô Mật không rời đi mà lại ở lại đại lục? Năm 1941, Ngô Mật được Bộ Giáo dục coi là một trong những “Giáo sư Bộ sính” đầu tiên, là một trong ba mươi học giả hàng đầu ở Trung Quốc vào thời điểm đó. Một đại sư như vậy, Chính phủ Quốc dân chẳng lẽ không muốn rước sao?
Dĩ nhiên không phải. Cuốn sách “Tiên sinh quy lai” ghi lại rằng khi đó, Hàng Lập Vũ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Quốc dân đảng, và Phó Tư Niên, Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Đài Loan, đã bố trí một người đặc biệt với thân phận là sinh viên và bạn cũ để mời Ngô Mật về làm trưởng Khoa Văn học tại Đại học Quốc gia Đài Loan. Những người được phái đến, cả cứng lẫn mềm, thuyết phục Ngô Mật lên xe đưa về khách sạn, chuẩn bị bay đến Đài Bắc vào ngày hôm sau. Kết quả, Ngô Mật đã nói dối là đi vệ sinh vào nửa đêm mà lẻn ra ngoài. Ngoài lời thỉnh mời mạnh mẽ từ Đài Loan, Ngô Mật nguyên bản còn có cơ hội giảng dạy tại Hoa Kỳ, và Tiền Mục cũng nhiều lần mời ông đến Hồng Kông để đồng sáng lập trường Cao đẳng New Asia. Tuy nhiên, cuối cùng ông ấy đã bỏ qua những cơ hội đó.
Tại sao lại chọn lưu lại Trung Quốc đại lục? Chúng ta có thể tìm thấy một số câu trả lời trong nhật ký của Ngô Mật. Ông nói, bản thân mình “cũng giống như tử nguyện của Socrates được chết ở Athens, không phải lưu vong suốt đời và chết nơi vùng đất xa lạ”. Vào thời điểm đó, Ngô Mật không biết ĐCSTQ sẽ mang đến tai họa gì cho quê hương mình, cũng không cách nào tiên đoán được mình sẽ phải trả cái giá đau đớn như thế nào cho quyết định ở lại.
Trong thời kỳ “phản hữu” vào năm 1957, Ngô Mật bị gán cho là cánh hữu chỉ vì bình luận rằng ký tự giản thể là không thích hợp và bất tiện. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông đã bị chỉ trích vì điều này, và ông bị gán cho các tội danh “quyền uy học thuật phản động, tay sai phong kiến, côn đồ văn hóa của Tưởng Giới Thạch và đồng lõa của chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Ông bị đưa đến huyện Lương Bình, tỉnh Tứ Xuyên để cải tạo lao động, và ba cô con gái của ông cũng đoạn tuyệt quan hệ với ông.
Bị bức hại thê thảm trong Cách mạng Văn hóa
Lý Vĩnh Huy, người từng giao vãng với Ngô Mật, đã mô tả một số trường cảnh “phê đấu” Ngô Mật mà ông đã chứng kiến vào mùa hè năm 1966 trong “Tiên sinh Ngô Mật mà tôi từng biết”: Một cảnh là “quần xú lượng tương”, nghĩa là, bao gồm cả Ngô Mật trong số hàng chục người “tẩu tư bản phái” và “ngưu quỷ xà thần”, lôi họ đến sân quần vợt để đeo bảng đen, đội mũ cao và phơi họ dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Những người này bị hành hạ đến mức thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại, đau khổ không thể tả xiết. Tiếp theo là diễu phố, tiến hành vũ nhục nhân cách, không cúi đầu, đi chậm sẽ bị chửi và đánh.
Một cảnh khác là “khai tiểu táo”, chính là phê đấu Ngô Mật đơn độc trong đại lễ đường. Lý Vĩnh Huy nói rằng mặc dù “mùi thuốc súng” nồng nặc bao trùm khắp nơi, tiên sinh Ngô Mật luôn gục đầu, nhắm mắt và không nói bất cứ điều gì. Khi một vị “tiểu tướng” thấy tiên sinh quá “lì lợm” đã xông lên sân khấu trong cơn thịnh nộ, vung thắt lưng và quất liên tiếp vào đầu ông. Ngô Mật đau đớn lấy tay che đỉnh đầu nói: “Đồng học, đừng đánh nữa, đã chảy máu rồi!”
Ngô Mật cũng ghi lại một số trường cảnh bị phê đấu trong nhật ký của mình. Tại một đại hội phê đấu ngày 9/5/1969, ông bị hai sinh viên xô ngã thô bạo khỏi bục giảng và bị gãy chân trái. Sau đó, ông bị buộc phải quỳ trên mặt đất với cái chân bị gãy, tiếp tục bị “phê đấu trong ba giờ”. Sau khi đại hội kết thúc, Ngô Mật “nửa sống nửa chết” khi bị lôi về nơi ở, ông viết: “Toàn thân tôi đau đớn, đầu óc choáng váng. Có vẻ như tôi không thể ăn uống hay tiểu tiện trong hai ngày.” Dù vậy, ông vẫn bị buộc phải viết tài liệu giao đãi và chấp nhận phê đấu.
Sau khi bị gãy chân, Ngô Mật chỉ biết bò để xin vài ngụm nước uống và thức ăn. Đôi khi, ngay cả nước cơm cũng không có. Một lần, ông ấy bị mắc kẹt trong nhà kho làm việc và hét ra ngoài cửa sổ: “Cho tôi nước uống, tôi là Giáo sư Ngô Mật. Cho tôi thức ăn, tôi là Giáo sư Ngô Mật!” Khi chân của ông ấy đã khá hơn một chút, ông ấy liền bị phái đi để làm những việc như lau chùi nhà vệ sinh và hót phân.
Sau sự kiện chạy trốn của Lâm Bưu vào năm 1971, bầu không khí chính trị căng thẳng đã dịu bớt, nhưng sức khỏe của Ngô Mật không còn tốt như trước. Ông bị mù mắt phải, bị đục thủy tinh thể nặng ở mắt trái, trí nhớ giảm sút nghiêm trọng. Ông luôn nhắm mắt ngồi trên giường, chỉ mở mắt ra để nhìn khi có người bước vào phòng, sau đó nhắm nghiền mắt như thiền định, dùng ngón tay gõ nhẹ vào đầu và tự lẩm bẩm một mình: “Vị tiên sinh này tên gọi là gì nhỉ?”
Năm 1974, khi “phê Lâm phê Khổng”, Ngô Mật, người từng trải qua cuộc bức hại chính trị, kiên trì khẳng định rằng ông sẽ không chỉ trích Khổng Tử. Ông nói: “Nếu không có Khổng Tử, Trung Quốc sẽ trong mớ hỗn độn”, và nói thêm rằng “Tôi thà bị chặt đầu còn hơn là chỉ trích Khổng Tử”. Kết quả là, ông một lần nữa bị đả thành “kẻ phản cách mạng hiện hành”.
Năm 1977, tiên sinh Ngô Mật 83 tuổi không thể tự chăm sóc bản thân được nữa, sau khi “thỉnh thị thượng cấp”, người anh họ Ngô Tu Mạn đã đưa ông về quê nhà ở Kinh Dương, Thiểm Tây để chăm sóc. Năm 1978, Ngô Mật đã đi đến cuối đời. Trong lúc hấp hối, vị giáo sư già nổi tiếng không ngừng la lên một cách yếu ớt, “Tôi là giáo sư Ngô Mật, cho tôi nước! … Cho tôi đồ ăn, tôi là giáo sư Ngô Mật!”
Một học giả chân chính và ngay thẳng đã bị bóp nghẹt tại một đất nước mà ông ấy vô cùng quyến luyến. Sau khi ông qua đời, đệ tử của ông là Triệu Thụy Hống đã dùng danh ngôn của Tả Lạp từ hơn một trăm năm trước: “Tôi tố cáo!” để chiêu hồn Ngô Mật. Nếu quả địa hạ hữu tri nhân, Ngô Mật sẽ tố cáo ai?
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch