Gần 800 năm trước, vùng đất mà ngày nay là Vân Nam, Trung Quốc, từng là một vương triều có lịch sử tồn tại hơn 300 năm. Đó là Vương quốc Đại Lý, nơi gắn liền với những nhân vật và cảnh phim trong “Thiên Long Bát Bộ” của nhà văn Kim Dung.
Nhưng Đại Lý còn là mảnh đất của Phật Pháp và của những câu chuyện tu hành. Bất cứ ai đặt chân đến đây đều có chung cảm nhận được đắm chìm trong bầu không khí tu luyện Phật Pháp. Nơi đây cũng nổi tiếng với bốn phong cảnh tuyêt đẹp: Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt, tức bốn địa danh Hạ Quan Phong, Thượng Quan Hoa, Thương Sơn Tuyết, Nhĩ Hải Nguyệt.
Đại Lý – Nơi gió, tuyết, trăng, hoa
Dạo bước nơi thành cổ Đại Lý, vì quanh năm mát mẻ như mùa xuân, gió thổi lồng lộng nên được gọi là “Hạ Quan Phong”. Lên cao hơn một chút, khí hậu ôn hòa, trăm hoa khoe sắc, nên có tên gọi là “Thượng Quan Hoa”. Lại có núi Điểm Thương gồm 9 ngọn, mùa đông tuyết phủ trắng xóa, gọi là “Thương Sơn Tuyết”. Ngay trước núi Điểm Thương là hồ Nhĩ Hải, nơi hồ nước mênh mông mang hình dáng như chiếc tai người. Vào đêm trăng sáng, dong thuyền trên hồ nước sẽ lạc vào cảnh tiên, nên gọi là “Nhĩ Hải Nguyệt”. Cảnh vật thiên nhiên của Đại Lý quả thật hội tụ đầy đủ cả gió, tuyết, trăng, hoa.
Người bình thường biết đến Đại Lý chỉ có vậy, nhưng kỳ thực, đằng sau những địa danh ấy còn là một câu chuyện tu hành mang đầy màu sắc huyền thoại.
Hôm nay chúng tôi sẽ kể cho bạn một truyền thuyết rung động lòng người liên quan đến bốn chị em Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt. Qua đó chúng ta vừa có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi trần thế lại vừa hiểu thêm về cảnh giới thần thánh mà những người tu luyện Phật Pháp lĩnh ngộ ở chốn cao sơn lưu thủy này.
Về bốn cô gái, bởi vì xuất thân từ Thượng Quan, Hạ Quan, Thương Sơn, Nhĩ Hải, nên chúng ta hãy gọi họ là “Hạ Quan Phong”, “Thượng Quan Hoa”, “Thương Sơn Tuyết”, “Nhĩ Hải Nguyệt”.
Theo ghi chép trong sử sách: Vào năm 937, Tiết độ sứ của vùng Thông Hải là Đoàn Tư Bình – với lời hứa giảm nhẹ thuế má và lao dịch cho dân – đã liên kết với 37 bộ của vùng Điền Đông, tiêu diệt Đại Nghĩa Ninh Quốc của Dương Tử Trinh, sau đó chiếm lĩnh vùng Đại Lý rồi lập nên chính quyền mới, xưng hiệu là Đại Lý Quốc. Cũng từ đó Đại Lý chính thức là tên quốc gia xuất hiện trong sử sách.
Câu chuyện dưới đây xảy ra không lâu sau khi Đoàn Tư Bình lập quốc.
Bốn nhân vật chính trong câu chuyện mà chúng tôi kể dưới đây đều là tiểu thư khuê các của những gia đình danh gia vọng tộc trong vùng. Gia đình họ có quyền thế, trong nhà có vô số kẻ hầu người hạ và đều thuộc vào hàng “công chúa” tại nơi họ sinh sống. Đây cũng là lý do tên của họ được đặt bằng những địa danh này.
Mặc dù xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt, nhưng bốn vị công chúa đều yêu thích sự thanh tịnh. Hạ Quan Phong và Thương Sơn Tuyết võ công rất cao; còn Thượng Quan Hoa và Nhĩ Hải Nguyệt thì đặc biệt ham thích đọc sách. Tương truyền, vào thời bấy giờ Phật Pháp cũng bắt đầu hưng thịnh tại Đại Lý. Người dân sống thanh bình trong bầu không khí tu hành với tiếng chuông tiếng mõ từ sáng sớm cho tới lúc chiều tà.
Giấc mơ kỳ lạ
Vào một đêm giao thừa, cả bốn cô gái cùng có một giấc mơ kỳ lạ. Họ mơ thấy bức tường thành phía nam của Đại Lý có một tảng đá, trên đó những chữ “Đại Lý”, “Đại Lễ”, và “Đại Phật Lý” xuất hiện rõ ràng và lặp đi lặp lại nhiều lần.
Lại nói, bốn chị em Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt vốn chơi thân với nhau từ nhỏ. Cho đến năm 15 tuổi họ đã cùng nhau quỳ trước núi Thanh Sơn thề kết nghĩa tỷ muội. Hạ Quan Phong là người lớn tuổi nhất nên được phong làm chị cả, ba nàng còn lại theo thứ tự lần lượt là Thượng Quan Hoa, Thương Sơn Tuyết, Nhĩ Hải Nguyệt. Khi biết được giấc mộng kỳ lạ của mình, cả bốn nàng đều coi đó là “điềm lành” và cùng nhau tới tường thành phía nam của Đại Lý để tìm tảng đá bí ấn trong giấc mơ. Họ tìm mãi tìm mãi, cuối cùng nhìn thấy một tảng đá vô cùng xấu xí, là loại đá không có ở nơi núi non này, dường như mới được ai đó cố ý chuyển từ nơi khác đến. Bốn nàng cùng xem thử thì thấy bên trên tảng đá xuất hiện một chữ “Phật”, hơn nữa nét bút của chữ “Phật” này còn lan rộng ra chạm xuống gần mặt đất.
Thấy vậy Nhĩ Hải Nguyệt nhanh trí nói với Hạ Quan Phong và Thương Sơn Tuyết: “Hai chị là người học võ lại có sức mạnh hơn người, hay là hai chị thử lật tảng đá lên xem có điều gì bí ẩn phía sau không?”. Hạ Quan Phong và Thương Sơn Tuyết bèn dùng hết sức, lại được sự giúp đỡ của Thượng Quan Hoa và Nhĩ Hải Nguyệt nên cuối cùng cũng lật được tảng đá sang một bên. Trên mặt này viết một chữ “Pháp” thật to, còn có vài chữ nhỏ thì nhìn không được rõ. Chữ “Pháp” này cũng giống như chữ “Phật”, nét bút kéo dài đến tận bên kia. Họ cảm thấy rất kỳ lạ. Thượng Quan Hoa nói: “Chi bằng chúng ta hãy đào phần đất ở bên dưới tảng đá này lên, xem xem có thể tìm được cổ thư tu tập Phật Pháp hay không?”. Nhưng mặc dù họ đã đào rất lâu, vẫn không tìm thấy gì khác.
Trong lúc mệt mỏi, một cách vô thức Thượng Quan Hoa nhìn lại những chữ nhỏ mờ mờ ban nãy, bỗng những ký tự này đột nhiên hiện lên rõ nét, đó là các chữ: “Nội tâm”, “Ngoại nhẫn”. Hạ Quan Phong vốn đã tu học Phật Pháp lâu năm, bèn nói: “Chị hiểu rồi! Thật ra không phải là có kinh Phật gì ở trong đó, mà chính là Thần Tiên đang chỉ bảo chúng ta hãy tu tâm tính, phải biết nhường nhịn và tự yêu cầu nghiêm khắc với bản thân mình. Đây chính là cảnh giới cơ bản nhất cần phải đạt đến trong tu luyện Phật Pháp”.
Tinh tấn tu hành
Từ đó, bốn chị em cùng dựng một ngôi nhà tranh ở phía nam thành và cùng nhau tinh tấn tu hành. Lúc đầu cha mẹ của họ đều phản đối, nhưng nhìn thấy các công chúa đều vô cùng kiên định nên cũng không ra sức ngăn cản nữa.
Tu hành vốn không phải là chuyện dễ dàng nhưng cũng có rất nhiều niềm vui. Hơn nữa, trong quá trình tu hành họ dần dần ngộ được ý nghĩa chân chính của đời người, dần dần hiểu được đầu đuôi ngọn nguồn và ý nghĩa nhân duyên của vạn sự vạn vật nơi thế gian con người.
Một lần nọ, khi bốn nàng đang ngồi xếp bằng đả tọa thì trời bỗng sấm vang chớp giật, mưa to gió lớn ầm ầm kéo tới. Hạ Quan Phong ngồi ở đó bất động, dường như trận mưa gió bên ngoài không có chút liên quan gì tới cô. Thượng Quan Hoa cảm thấy bên ngoài trời đang mưa, trong đầu chỉ có một ý niệm này. Thương Sơn Tuyết cảm thấy dù mưa to gió lớn thế nào cũng tự nhủ nhất định cần phải kiên trì. Còn Nhĩ Hải Nguyệt nhỏ tuổi nhất, thầm nghĩ mưa lớn như vậy liệu có thể làm ướt người mình không nhỉ? Những ai đã từng tu Phật Pháp có thể nhìn rõ sự khác biệt trong cảnh giới của bốn chị em họ.
Sau khi mưa lớn qua đi, bốn chị em cùng ngồi lại chia sẻ thể ngộ của mình.
Hạ Quan Phong nói: “Khi ngồi đả tọa chị nhìn thấy một con chim phượng hoàng bay đến, phượng hoàng dẫn chị đi đến một nơi rất đẹp, rất đẹp”.
Thượng Quan Hoa nói: “Em thì nhìn thấy tiên hạc, nó cõng em đi xuyên qua từng tầng từng tầng mây đen”.
Thương Sơn Tuyết nói: “Còn em nhìn thấy mình cưỡi một con ngựa đi xuyên qua phong ba bão táp, em vung thanh bảo kiếm chiến đấu với một số sinh mệnh kỳ hình dị dạng”.
Cuối cùng Nhĩ Hãi Nguyệt lên tiếng: “Em thì nhìn thấy mình ngồi trong một căn phòng nhỏ, nơi đây mưa dột khắp nơi, có một tiên nữ vô cùng đáng yêu đứng trên không mỉm cười nhìn em bị những hạt mưa rơi tí tách trong phòng làm ướt. Em cảm thấy rất vui thích, nhưng nhìn thấy y phục của mình đều bị mưa ướt hết cả”.
Buổi sáng hôm sau, họ tập trung lại trước “tảng đá xấu xí”, lật nó lại, và nhìn thấy chữ bên trên lại có thêm chữ: “Vô Niệm”. Tức thời bốn chị em ngay lập tức nhận ra được thiếu sót của bản thân. Với bất cứ cảm giác nào của bản thân trong khi tu luyện Phật Pháp thì đều không được động niệm. Chỉ có thực tu, giữ vững tâm tính và ý niệm của mình mới có thể lĩnh ngộ được sự huyền diệu và cảnh giới thù thắng của Phật Pháp.
Sau này trong bất cứ khảo nghiệm nào, bốn nàng đều tự nhắc nhở bản thân cần phải luôn giữ tâm bất động. Theo thời gian, tu luyện càng lâu họ lại càng thể nghiệm rõ điều này, cũng càng ngày càng thể hội được sự thần thánh và mỹ diệu của Phật Pháp.
Trận chiến với kẻ ngoại đạo
Rất nhiều sự tình nơi nhân gian là thuận theo đạo lý tương sinh tương khắc. Khi những câu chuyện thần kỳ trong quá trình tu luyện của bốn công chúa được lưu truyền ra ngoài thì một ngày nọ bỗng có kẻ ngoại đạo tìm đến khiêu chiến. Ông ta mang theo một thanh bảo kiếm, khoe khoang rằng rất nhiều cao tăng có tiếng đều đã chết dưới lưỡi kiếm này. Ông ta biết một loại thần chú vô cùng huyền bí mà nghe nói hễ niệm loại thần chú này thì đối phương lập tức bị phân tâm, lúc đó ông ta sẽ thuận tay vung kiếm hạ gục đối phương.
Vốn là người tu luyện, bốn chị em không tranh với đời cũng không thích đi đấu với người khác. Khi đã xuất gia tu hành họ đã sớm loại bỏ được tâm tranh đấu của bản thân. Tuy nhiên các nàng đều hiểu rằng là Phật tử thì cần có trách nhiệm duy hộ Phật Pháp. Bởi vậy khi nhận được chiến thư, bốn nàng đều cân nhắc cần làm sao để vừa có thể duy hộ Phật Pháp mà lại không phát sinh xung đột. Mặc dù thảo luận rất nhiều lần nhưng họ vẫn mãi không đưa ra được biện pháp thích hợp.
Ở vào tình cảnh vạn bất đắc dĩ, họ bèn tìm đến “tảng đá xấu xí”. Và thật kỳ lạ, bên trên chỉ có hai chữ “Phật” và “Pháp” mà không còn chữ nào khác nữa. Chỉ có điều, nét bút của hai chữ này đan xen nhau. Thượng Quan Hoa chợt tĩnh ngộ: “Em hiểu rồi, Thần Tiên nhắc nhở chúng ta hãy ‘nhất tâm’, ‘tín Phật’, ‘hộ Pháp’, điều này thật sự triển hiện ra trạng thái tu hành trong bao nhiêu năm của chúng ta”.
Đến ngày thách đấu, bốn chị em ngồi thành vòng tròn trên một tảng đá, họ dùng chính niệm để cùng nhau tạo nên một thanh bảo kiếm uy lực vô phong. Thanh bảo kiếm này có sức mạnh diệt trừ những tà ác làm loạn pháp và bảo vệ điều lương thiện tốt đẹp.
Không những vậy, Hạ Quan Phong còn triển hiện ra đặc điểm của mình là “từ bi như gió”. Cô có thể dùng năng lượng từ bi nhất, vô hình nhất, có thể biến hóa linh hoạt để duy hộ sự tôn nghiêm của Phật Pháp. Thượng Quan Hoa dùng cảnh giới tốt đẹp nhất để đáp lại những thách thức của vị ngoại đạo kia. Thương Sơn Tuyết thì dùng sự uy nghiêm và thuần khiết làm đầu óc của ông ta trở nên thanh tỉnh. Còn Nhĩ Hải Nguyệt tinh nghịch nhưng lại rất thông minh, cô dùng những suy nghĩ tốt đẹp nhất của bản thân khiến ông ta say ngã trong trường năng lượng thuần chính tới mức không còn sức chống trả nào.
Vị ngoại đạo này có đôi chút bản sự, cũng tự cảm thấy bản thân có sức mạnh nên muốn khiêu chiến với người khác để hiển thị khả năng. Tuy nhiên khi gặp được trường năng lượng tuyệt diệu này, những ma tính bất hảo trong tâm ông ta cũng theo đó mà tan biến.
Cuối cùng thanh bảo kiếm của vị ngoại đạo đã bị trường năng lượng thuần chính của bốn chị em làm tan chảy, vị ngoại đạo cũng cúi đầu hàng phục, từ đó quyết tâm cải tà quy chính và quy y Phật Pháp.
Ngày hôm sau, bốn chị em và rất nhiều người dân trong làng vây quanh “tảng đá xấu xí” này, chỉ thấy trên đó xuất hiện một hàng chữ: “Đại lễ”, “Đại Lý”, “Đại Phật Lý”, “Phong Hoa Tuyết Nguyệt”, “vĩnh trú” (lưu lại vĩnh viễn), “chờ đợi”, “dùng ký ức”, “phủi phong trần”, “hoán khởi”.
Ngay sau đó, Thượng Quan Hoa cảm thấy thân thể nhẹ nhàng, hai chân rời khỏi mặt đất. Thương Sơn Tuyết nhìn thấy tình huống này của Thượng Quan Hoa thì bản thân cũng rời khỏi mặt đất. Sau đó, Hạ Quan Phong và Nhĩ Hải Nguyệt cũng từ từ bay lên.
Lúc này bốn vị công chúa đã hoàn thành quá trình tu luyện nên rời đi, còn “tảng đá xấu xí” từ đó cũng đã biến mất không còn thấy tung tích đâu nữa…
Đại Lý ngày nay vật đổi sao dời nhưng câu chuyện về bốn nàng Phong, Hoa, Tuyết, Nguyệt và lời nhắn nhủ trên “tảng đá xấu xí” vẫn còn lưu truyền mãi đến ngày nay.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, thành Đại Lý nay chỉ là cảnh còn người mất. Nhưng may mắn sao, bao nhiêu di tích cổ được lưu lại khiến chúng ta có thể mượn vật nhớ người, tưởng nhớ lại những câu chuyện làm cảm động lòng người, rồi viết ra, cũng coi là thực hiện lời dự ngôn của “tảng đá xấu xí” kia vậy…
Theo Secretchina
Kiên Định biên dịch