Hách Đại Thông hơn 40 năm khoét động, làm được cái nào đều cho người khác, cuối cùng đến cái động của chính mình cũng chỉ xong một nửa. Bạn nghĩ xem, liệu ông có thể tu thành được hay không?
Những độc giả yêu mến “Thần điêu đại hiệp” của nhà văn Kim Dung hẳn sẽ không xa lạ với tình tiết Dương Quá chạy trốn khỏi Toàn Chân giáo, hay Hách Đại Thông lỡ tay đánh trọng thương Tôn bà bà của phái Cổ Mộ.
Nhưng đó chỉ là hư cấu trong tiểu thuyết, trên thực tế, Hách Đại Thông là một nhân vật có thật trong lịch sử. Ông là người gốc Ninh Hải ở vùng Sơn Đông, thuộc triều đại Nam Tống, tên là Lân, tự Thái Cổ, hiệu là Đại Thông, đạo hiệu là Điềm Nhiên Tự, còn có tên là Quảng Ninh Tử, tự xưng là Thái Cổ đạo nhân. Ông là một trong bảy đệ tử nổi tiếng của phái Toàn Chân giáo.
Sư phụ điểm hóa, tạc động tu hành
Hách Đại Thông là người thông thạo sách của Lão Tử và Trang Tử, giỏi bói toán, từng theo học tổ sư Vương Trùng Dương và sau này trở thành người kế thừa Toàn Chân giáo. Hách Đại Thông được ghi chép trong sử sách là một cao nhân có đạo hạnh thâm sâu, đã tu luyện đắc Đạo.
Hách Đại Thông từng ngồi thiền bất động dưới chân cầu Triệu Châu trong 6 năm. Mặc cho đám trẻ nhỏ trêu đùa, đánh mắng, thậm chí nghịch ngợm để đá lên đầu, ông cũng không động đậy, không nói một lời, nước sông dâng lên cũng không nhấn chìm được ông. Sau khi tu luyện trở về, thế tổ đã phong ông làm Quảng Ninh Thông Huyền Thái Cổ chân nhân.
Khi Hách Đại Thông còn đang tu luyện trong Toàn Chân giáo và khi sư phụ Vương Trùng Dương vũ hoá thành tiên, ông đã cùng 6 huynh đệ khác tản mạn đi khắp nơi để hóa duyên. Một ngày nọ, Vương Trùng Dương hóa thân thành cậu bé đến điểm hóa cho Hách Đại Thông, dặn ông rằng hãy đến núi Hoa Sơn tạc động thì tu luyện ắt thành chính quả.
Tạc động tặng người
Hách Đại Thông nghe theo sự chỉ bảo của sư phụ, bèn đến Hoa Sơn. Hoa Sơn từ xưa đã là thánh địa tu luyện. Trong thời gian 3 năm khoét động, ông đã thu nhận hai đồ đệ là Mai Lương và Trúc Thanh. Họ đã cùng ông đào núi, tạc động, vất vả lắm mới khoét xong một cái động để làm nơi tu luyện.
Nhưng đúng lúc đó có một lão đạo nhân tới, nhìn thấy động ông ta vô cùng thích thú, liền nói với Hách Đại Thông: “Ôi, cái động của ông đẹp quá! Ta không biết tạc động, hay ông cho ta đi”. Hách Đại Thông nghe xong liền vui vẻ nhường động cho đạo nhân. Hai đồ đệ thấy thế trong lòng vô cùng bất bình. Họ ngày ngày vất vả, khoét từng cục đất đá mới tạo ra được cái động này, thế mà chỉ trong chốc lát đã phải nhường cho người khác. Nhưng sư phụ đã quyết định rồi nên cả hai đành phải dằn lòng, không nói gì thêm nữa.
Hách Đại Thông cùng hai đồ đệ trèo lên đỉnh núi và tiếp tục tạc động. Họ đã mất rất nhiều công sức để tạo được cái động thứ hai, nào ngờ lại có một đạo hữu khác tới xin. Và chỉ sau một lời nói, cái động vừa mới hoàn thành lại được nhường cho người khác. Cứ như thế, ba thầy trò ngày ngày đào động, cứ làm xong lại cho người khác. Liên tục sau hơn 40 năm, tổng cộng họ đã đào được 70 cái động, nhưng cuối cùng cả ba người vẫn không có một nơi để dừng chân.
Tảng đá hồi tâm – vật chứng thần kỳ
Sau đó, Hách Đại Thông đưa đồ đệ tới Nghiệt Nghiệt Chuyên, nơi có vách núi cheo leo hiểm trở, rất thích hợp với việc tu hành. Ông dùng dây thừng buộc vào người, rồi bảo hai đồ đệ hãy giữ dây để ông xuống lưng chừng vách núi tạc động.
Hai đồ đệ một lòng một dạ muốn tu Đạo thành Tiên, nhưng khi thấy sư phụ suốt ngày đi khoét động tặng cho người khác mà chẳng hề truyền chút Đạo nào cho mình, họ vô cùng bất mãn và nhiều lần muốn bỏ đi. Nhưng bỏ đi lại sợ bị sư phụ nhìn thấy sẽ trách mắng, nên họ cứ lần lữa mãi chưa tìm được thời cơ. May thay đây là thời khắc phù hợp, hai đệ tử Mai, Trúc bèn bàn nhau cắt đứt dây thừng để mặc sư phụ rơi xuống núi. Đến khi nghe thấy tiếng kêu lớn của Hách Đại Thông họ mới yên tâm rời đi.
Hai đồ đệ thu dọn hành lý xuống núi, nào ngờ khi họ vừa đi tới tảng đá lớn ở Thiên Xích Trảng thì sư phụ nhẹ nhàng lướt tới. Mai, Trúc sợ đến mức hồn bay phách lạc, thì ra sư phụ đã là người đắc Đạo thành Tiên rồi, khiến họ trong lòng hối hận mãi không thôi. Hách Đại Thông thấy hai đệ tử đã biết hối lỗi, lại thu nhận làm đệ tử như trước. Sau này, tảng đá chứng kiến câu chuyện trên được gọi là Hồi Tâm Thạch, nghĩa là tảng đá hồi tâm.
Động chưa xong đã thành chính quả
Hách Đại Thông dẫn các đồ đệ quay lại Nam Thiên Môn và lại tạc động ở lưng chừng núi. Một hôm, trong lúc ba thầy trò đang cùng nhau đào một chiếc động còn dở dang, Mai Lương và Trúc Thanh nhìn thấy có người đi tới, liền hét to lên: “Có người tới”. Hách Đại Thông nghe thấy liền vào động nhắm mắt đả toạ, trong nháy mắt đã hóa thành Tiên. Vì thế, động này cuối cùng vẫn chưa hoàn thành được, chỉ là cái động còn đang khoét dở dang, gọi là Bán Tiệt Động.
Bạn có thể thắc mắc: Tạc động là để làm nơi yên tĩnh tu luyện, vậy mà hơn 40 năm khoét động đã cho đi 70 cái, cuối cùng đến cái động của chính mình cũng chỉ xong một nửa, vậy sao có thể thành Tiên được? Nếu không có động cũng có thể thành Tiên, vậy 40 năm đào núi chẳng phải đã lãng phí thời gian sao?
Kỳ thực, ngồi thiền dưới chân cầu, đi khắp nơi hóa duyên, hay lên núi tạc động… thì đều chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi. Tu luyện quan trọng nhất vẫn là tu tâm tính, mài giũa nhân tâm, xem cảnh giới tâm tính có thực sự thăng hoa lên hay không. Nếu có thể kiên nhẫn tu hành, khó khăn nào cũng không lay chuyển ý chí, thì khi thời khắc tới, chỉ trong nháy mắt nước sẽ chảy thành dòng, hóa thân được thành Tiên.