Từ cổ chí kim, mỗi khi phát sinh kiếp nạn, đều có những người có thể may mắn thoát khỏi thảm họa. Thần linh sẽ thông qua báo mộng hoặc các phương thức khác nhau để cảnh báo nhân loại. Có rất nhiều ví dụ về những người tin theo, hành động theo ý chỉ của Thần và đã tránh khỏi đại nạn. Trong lịch sử đều có những ghi chép như vậy.
Theo ghi chép của dân gian, ngày 18 tháng 8 hàng năm, thủy triều sông Tiền Đường sẽ ở mức lớn nhất. Vào dịp này, người dân trăm họ ở thành Lâm An, triều Nam Tống đều lũ lượt kéo nhau đi xem thủy triều.
Thần trừng phạt kẻ ác hung dâm, bất hiếu
Ngày 13 tháng 8 năm Thiệu Hưng (1140), cư dân bên bờ sông nghe được từ trong không trung truyền tới tiếng nói chuyện của thần linh, nói rằng năm nay hàng trăm người sẽ chết trên cây cầu này. Những người chết đều là hạng người tàn bạo ác độc, tà dâm, bất hiếu.
Các vị thần còn ra lệnh: “Đến lúc đó, những người trong danh sách mà không đến, các ngươi phải thúc giục họ đến, những người không ở trong danh sách, các người phải ngăn cản họ tới cây cầu”.
Người dân rất kinh ngạc khi nghe cuộc đối thoại, nhưng họ không dám kể với người khác.
Vào đêm thứ hai, một số người sống bên bờ sông đã thấy trong giấc mơ rằng hôm sau họ không nên leo lên cây cầu. Khi thức dậy, họ kể cho hàng xóm của mình về giấc mộng. Mọi người phát hiện, họ đều có cùng một giấc mơ, bởi vậy mọi người càng thêm tin vào lời cảnh báo và kính nể các vị Thần.
Khi thủy triều sông Tiền Đường dâng cao, trên cây cầu đã chật kín người tới xem triều. Những người được báo mộng thấy người quen của mình ở trên cầu, liền hối thúc họ nhanh chóng trèo xuống. Nhưng họ đều không tin, còn cho rằng đó là lời nói dối xằng bậy, cố tình không nghe.
Một lúc sau, thủy triều ập đến, dòng chảy băng băng mãnh liệt, cây cầu rung lắc dữ dội rồi sập xuống, cuốn vào lòng sông. Người bị đè chết, người chết đuối, tính ra cũng tới mấy trăm người. Sau thảm họa, người ta phát hiện người chết đều là những người hàng ngày làm chuyện xằng bậy, mới biết đây là trời cao trừng phạt ác nhân, đào thải những người không tốt. Một số người, nhờ tín Thần mà tránh được tai nạn, giữ được tính mạng.
Trước thảm họa, làm theo cảnh báo của Thần mà tránh được tai nạn
Vào năm Gia Tĩnh 34 triều nhà Minh (1556), tháng mười hai âm lịch xảy ra trận động đất ở Vị Nam, Hoa Châu. Nhà cửa sụp đổ làm chết rất nhiều quan lại, binh lính và thường dân, tính ra có tới 830.000 người thiệt mạng. Tình hình cực kỳ thảm trọng.
Trương Hãn, tác giả cuốn 松窗梦语 (tạm dịch: Tùng song cửa mộng ngữ) đi qua khu vực thảm họa, thấy những ngôi nhà sụp đổ rất nhiều, có nơi đất bằng phẳng bỗng nhiên bị nứt ra, nhiều người trực tiếp rơi vào trong kẽ nứt. Đường phố Nam Bắc tất cả đều bị vùi lấp một hai trượng, một vài ngọn đồi bị san phẳng, ngay cả sông Vị Thủy cũng bị động đất ảnh hưởng, dòng sông hướng Bắc chếch đi 4-5 dặm.
Liên quan đến trận động đất, Trương Hãn cũng ghi lại hai giai thoại. Trước khi trận động đất phát sinh, cư dân địa phương đã mơ thấy trên thiên đình lập một danh sách, bên trong có tên rất nhiều kẻ cặn bã, bao gồm cả quan to hiển quý trong triều đình như Hàn tư mã, Dương thượng thư, Vương tế rượu… Danh sách ghi lại hàng chục nghìn người. Sau đó, mọi người mới biết những người có tên trong danh sách đều bị đè chết.
Tuy nhiên, cũng có những người sống sót. Ban đêm, một số ít cư dân nhìn thấy Quan Vân Trường hiển linh. Ông cưỡi con ngựa Xích Thố và hô to: “Hãy đi theo ta”. Lúc ấy những người theo ông, hướng về phía đông mà tiến đều may mắn thoát khỏi đại nạn.
Người lương thiện được Thần Phật che chở
Vào tháng 12 năm Giáp Thân, đời vua Thuận Trị của nhà Thanh xảy ra một đám cháy ở Xương Môn, Tô Châu. Ba ngày trước đám cháy, người dân thấy một người cầm cây trúc đo mặt đất. Mọi người tò mò không hiểu anh đang làm gì, nhưng anh ta chỉ trả lời khiến người khác nghe không hiểu.
Mấy hôm sau, ngọn lửa bùng phát, hừng hực thiêu cháy rất nhiều nhà dân, lúc này mọi người kinh ngạc phát hiện những nơi bị đốt cháy đều nằm trong ranh giới được đo bởi người đàn ông 3 hôm trước. Mọi người bừng tỉnh hiểu ra, người đàn ông đó là một vị Thần.
Khi ngọn lửa bùng cháy, có một làn đường ở Xương Môn, nơi có nhà của Trần Tùng Hiên. Điều kỳ lạ là ngôi nhà của gia đình ông gần trong gang tấc, những ngôi nhà ở hai bên đều bị cháy nhưng gia đình họ Trần vẫn bình yên vô sự. Lúc ấy trong thành rất nhiều người đều nhìn thấy có một vị Thần đứng trên nóc, bảo hộ cho gia đình ông.
Sau đó mọi người nhận ra Tùng Hiên xưa nay trọng đức hành thiện, khuyên bảo mọi người làm việc thiện. Gia đình họ Trần luôn gìn giữ bản khắc của nhiều cuốn sách dạy người hướng thiện, vì vậy được thần linh che chở.
Theo Tống Bảo Lam/ Epochtimes
Ngọc Mai (biên dịch)
Video xem thêm: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?
Xem thêm: