Một anh hùng thiên cổ, một đại tướng văn võ toàn tài nhưng lại bị người đời hiểu nhầm. Phải chăng đây chính là bởi sự dũng mãnh, ngàn người khó địch bề ngoài mà che đi mất một anh hùng trí tuệ hơn người ẩn nấp bên trong? Thực tế đã chứng minh, Trương Phi chính là bậc tướng tài, văn võ kiêm song, mưu tài trí lược, ra trận dùng mưu, đấu người dùng sức.
Khi nhắc đến tác phẩm kinh điển “Tam Quốc diễn nghĩa”, có lẽ không ai trong chúng ta còn xa lạ. Một Khổng Minh liệu việc như Thần, một Tào Tháo kiêu hùng thiên cổ, một Lưu Bị lấy nhẫn dùng người, một Chu Du túc tri đa mưu… cả tác phẩm là một sự chuyển tải Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín cho con người. Nhưng trên tất cả, xuyên suốt cả câu chuyện là một chữ Nghĩa ngút trời, thiên cổ ngàn năm ghi nhớ.
Ba huynh đệ Lưu – Quan – Trương kết nghĩa vườn đào là hình ảnh quá quen thuộc với những người yêu thích “Tam Quốc diễn nghĩa”, mặc dù không cùng quê quán, năm sinh nhưng nguyện đồng cam cộng khổ, cùng sinh cùng tử, coi nhau như là người thân ruột thịt. Người em út Trương Phi, cũng như hai người anh của mình, là một anh hùng kiêu dũng, hiên ngang, bất khuất.
Trong tác phẩm, nếu Quan Vân Trường đại diện cho hình ảnh một mãnh tướng hùng dũng nhưng điềm tĩnh, thì Trương Phi lại được truyền tụng như một người nóng tính, bộc trực, hữu dũng vô mưu. Câu chuyện Trương Phi chặt cầu gỗ trong trận chiến ở Trường Bản đã trở thành hình ảnh khắc cốt ghi tâm trong lòng nhiều người: “Trương Dược Đức người nước Yên đây! Ai dám cùng ta quyết một trận sinh tử nào?”.
Câu nói này ngạo khí ngút trời, khiến cho trăm vạn hùng binh của Tào Tháo bay hồn bạt vía mà lui binh. Tuy nhiên cái hữu dũng vô mưu đó chỉ là góc nhìn bề ngoài mà thôi, trên thực tế Trương Phi chính là một hổ tướng thấu tình đạt lý, mưu hùng kế giỏi, văn võ toàn tài.
Lấy “Lễ” phục người
Có thể nói Trương Phi là vị danh tướng của nhà Thục Hán, khoẻ ngang Lã Bố, Mã Siêu, Quan Vũ, Điển Vi. Có một điều ít người biết là không chỉ giỏi võ, Trương Phi cũng là người giỏi cầm kỳ thi hoạ. Hồi nhỏ Trương Phi tính khí nóng nảy, các thầy làng đều không ai dạy nổi.
Cậu của ông giới thiệu một ông thầy tên Vương Dưỡng Niên đến dạy, ông thầy này vừa dạy văn vừa luyện võ, được Phi hết sức nể trọng. Mới 13 tuổi, Trương Phi đã tinh thông võ nghệ và thuộc làu sử sách. Thầy Vương muốn rèn giũa tính tình Phi, liền nghĩ ra cách dạy Phi hội họa và thư pháp. Phi vốn tư chất thông minh nên chỉ 3 năm sau, thư, hoạ đều tinh thông, nổi tiếng một vùng.
Sau bại chiến tại Hán Trung, dũng tướng Tây Lương là Mã Siêu đào tẩu tới Thục Quốc, gặp Lưu Bị như gặp cố nhân. Lưu Bị là người yêu mến nhân tài, còn Mã Siêu lại dùng thân phận chư hầu đến quy thuận cho nên Lưu Bị vô cùng kính trọng. Lập tức phong Mã Siêu làm Bình Tây tướng quân, thuộc hàng ngũ hổ tướng dưới trướng Lưu Bị. Sự việc sau đó, Lưu Bị thường nói với mọi người: “Mạnh Khởi (tên tự của Mã Siêu) vừa đến, quân ta không còn gì phải suy lo nữa“.
Vừa đến đầu quân Thục Hán đã được đối đãi lễ nghĩa long trọng như vậy khiến cho Mã Siêu cao ngạo, tự mãn. Cũng có thể Mã Siêu một đời là kiêu tướng, phụ thân lại là đại tướng Tây Lương, xuất thân từ danh gia vọng tộc, lại cộng thêm với sự kính trọng, tôn vinh tột đỉnh của Lưu Bị nên dần dần quên đi địa vị quân thần của mình với Lưu Bị. Khi nói chuyện với Lưu Bị không còn sự cung kính khiêm nhường nữa, cũng không coi Lưu Bị là chủ công nữa.
Một hôm trong quân Thục Hán tiến hành bàn chuyện quân sư, các chư tướng tranh luận rất kịch liệt. Ý kiến xuất binh của Mã Siêu và Quan Vũ bất đồng, nhưng Lưu Bị lại muốn dùng kiến nghị của Quan Vũ. Mã Siêu biết được, nhất thời nóng giận, chạy đến trước mặt Lưu Bị và các chư tướng lớn tiếng nói: “Huyền Đức, ông rút cuộc là dùng ý của ta hay là ý kiến hiền đệ của ông? Ông phải lập tức đưa ra quyết định cho ta!”.
Các tướng sĩ bên cạnh thấy Mã Siêu có thái độ vô lễ, không còn để ai trong mắt mình nữa thì đều giật mình thất kinh. Ngược lại, Mã Siêu lại thể hiện như đó là lẽ đương nhiên, không gì phải bàn cãi. Mặc dù bị Mã Siêu vô lễ với mình, nhưng Lưu Bị vẫn bình tâm thản ý, không chút tỏ vẻ tức giận, chỉ nhẹ nhàng nói: “Việc này tạm thời không nhắc nữa, ta quay về suy nghĩ thêm một chút, ngày mai tiếp tục thương lượng“.
Quan Vũ đứng bên cạnh thấy thái độ của Mã Siêu như vậy liền nói với Lưu Bị để mình đi giết chết nhưng Lưu Bị không đồng ý. Ngược lại Trương Phi đứng bên cạnh nói: “Không giết hắn cũng phải để hắn biết phải đối đãi với đại ca như thế nào, việc này cứ giao cho đệ“.
Lưu Bị sợ Trương Phi hành xử lỗ mãng nên nói: “Tam đệ đừng lỗ mãng mà hỏng đại cục“.
Trương Phi nghe vậy lớn tiếng đáp: “Đại ca yên tâm, đệ tự biết cân nhắc nặng nhẹ ra sao”.
Sang ngày hôm sau, doanh trại Thục Hán lại triệu tập chư tướng hội ý. Mã Siêu bước vào nhưng lại chẳng thấy ai, chỉ có Trương Phi và Quan Vũ đang đứng phía sau Lưu Bị. Mã Siêu thất kinh hỏi: “Hai vị tướng quân cớ sao không ngồi”?
Trương Phi liền nghiêm nghị đáp: “Chủ công ở đây, làm sao có chỗ cho chúng ta ngồi cơ chứ? Làm bậc bề tôi nên hiểu rõ đạo lý này”, ai nghe xong cũng gật đầu tán thành.
Mã Siêu nhận được sự giáo huấn khôn khéo, tự biết mình có chỗ không phải, mặt đỏ, tai hồng tạ tội với chủ công. Cũng kể từ đó, Mã Siêu đối với Lưu Bị luôn dùng lễ quân thần đối đãi với Lưu Bị, không khi nào tái phạm nữa.
Trí dũng kiêm song
Do bản tính táo bạo, làm việc không chú trọng tiểu tiết nên người khác luôn ấn tượng về một Trương Phi hữu dũng vô mưu. Nhưng ngược lại, trong sử ký lại ghi chép Trương Phi nhiều lần dụng binh xuất ra kỳ mưu chiến thắng quân địch. Ví như: Bắt Lưu Đại, dùng mưu phá Trương Cáp đoạt tam trại, nghĩa tha Nghiêm Nhan, đặc biệt “Nghĩa tha Nghiêm Nhan” đã thành một giai thoại nổi tiếng nghìn thu.
Năm Kiến An thứ 13 (năm 213), Lưu Bị xung đột với người anh em cùng họ Lưu Chương, dẫn đến một trận chiến quyết liệt nổ ra ở Ích Châu. Khi Bàng Thống trúng tên bỏ mạng tại Lạc Thành, Lưu Bị tại Tây Xuyên bị Trương Nhiệm vây khốn. Trương Phi, Khổng Minh thuỷ lộ hai đường cấp tốc tới cứu. Sau khi Trương Phi xuất binh, đi đến đâu, nội là chỗ nào chịu hàng, một ly cũng không xâm phạm đến, tiến theo đường Hán Xuyên, thẳng đến Ba Quận.
Thái thú Ba Quận đương thời tên là Nghiêm Nhan thuộc vào bậc danh tướng nước Thục, tuổi tuy đã già nhưng sức lực còn khoẻ. Giương cung cứng sử đại đao, có sức muôn người không địch nổi. Nghiêm Nhan cứng đầu, thà chết cũng không hàng. Nghiêm Nhan cho rằng Trương Phi chỉ là hạng hữu dũng vô mưu, nếu như dùng kế kéo dài, lâu ngày không được sẽ tâm biến, quân loạn mà bỏ đi hướng khác. Lần này Trương Phi hiểu rõ khuyết điểm tự thân nên tương kế tựu kế.
Trương Phi sau vài lần cho quân lính giả chiến vài lần bất thành rồi rút về doanh trại, hoả khí bừng bừng, quát tháo quân lính, sai quân lính đi thám thính đường con xâm nhập Ba Quân, cố tình để cho quân lính của Nghiêm Nhan nhìn thấy về bẩm báo với Nghiêm Nhan.
“Tam Quốc diễn nghĩa” hồi thứ 63 kể lại rằng:
“Một hôm, quân kiếm củi trở về. Trương Phi đang ngồi trong trại, giẫm chân xuống quát mắng Nghiêm Nhan rằng:
– Thằng già Nghiêm Nhan kia, mày trêu tức tao, là mày giết tao đấy!
Có mấy tên lính bước lên bẩm rằng:
– Tướng quân chớ nóng ruột, mấy hôm nay đã tìm thấy một con đường nhỏ, có thể đi vượt qua được Ba Quận.
Phi cố ý thét to lên rằng:
– Đã có đường đi, sao không bảo tao ngay?
Chúng bẩm:
– Vì đường ấy mới tìm thấy, chưa kịp bẩm.
Trương Phi nói:
– Có phải thế thì việc này không nên để trì hoãn, canh hai đêm hôm nay thổi cơm ăn, sang canh ba nhân sáng trăng nhổ trại đi hết. Người ngậm tăm, ngựa ngậm tăm, ngựa cởi nhạc, cứ lần lần mà kéo đi. Tao đi trước mở đường, chúng bay cứ theo thứ tự mà tiến.
Nói đoạn, truyền báo cho cả trại đều biết. Quân do thám nghe được tin ấy, về ngay trong thành báo cho Nghiêm Nhan. Nhan mừng rỡ nói rằng:
– Tao đã biết mà! Thằng đểu này có nhịn được đâu! Mày đi lẻn con đường nhỏ, xem mày đi làm sao cho được! Đúng là đồ vô mưu, chuyến này chắc là mắc phải kế của tao!
Lập tức truyền cho quân sĩ dự bị sẵn sàng đêm ra đánh giặc.
Canh hai đêm hôm ấy, Nghiêm Nhan dẫn quân ra thành, phục sẵn ở con đường hẻm trong rừng, đợi lúc nào Trương Phi đi qua thì nổi trống lên làm hiệu quân phục đổ ra đánh.
Vào độ cuối canh ba, xa xa trông thấy Trương Phi cầm một ngọn mâu cưỡi ngựa đi trước, từ từ dẫn quân kéo đi. Cách vài dặm thì những xe lương lục tục kéo theo sau. Nghiêm Nhan trông thực đích xác, mới nổi hiệu trống, quân phục bốn mặt đổ ra, cướp giật xe lương. Bỗng đâu có một tiếng chiêng nổi lên, rồi một toán quân ập ngay đến. Có tiếng gọi to lên rằng:
– Giặc già kia! Đừng chạy! Ta đợi ở đây đã lâu!
Nghiêm Nhan vội ngoảnh lại xem ai, thì thấy một tướng đầu beo, mắt tròn hàm én, râu hổ, cầm mâu tế ngựa chạy đến, chính là Trương Phi. Lại thấy chiêng khua rầm rĩ, quân kéo đến cực nhiều. Nghiêm Nhan rụng rời hết vía, nhưng cũng phải gượng đánh nhau với Trương Phi. Đánh độ mười hiệp Trương Phi lừa dử cho Nghiêm Nhan sấn vào. Nhan thúc ngựa xốc tới chém một nhát. Phi tránh khỏi, sấn ngay vào nắm được dây lưng Nghiêm Nhan lôi phắt lại, rồi quẳng xuống đất, quân sĩ xô cả vào trói nghiến lại.
Nguyên là Trương Phi dùng mẹo, biết chắc Nghiêm Nhan tất chặn đường cướp lương, mới cho một người giả làm mình cầm mâu đi trước, để cho Nghiêm Nhan trông thấy vững tâm, kỳ thực là Phi đi sau để chực bắt Nghiêm Nhan. Khi thấy hiệu chiêng khua vang, quân Hán kéo ùa cả lại. Quân Xuyên phải bỏ giáp, cầm ngược giáo xin hàng cả. Phi thừa thế đánh mãi đến dưới thành Ba Quận, thì hậu quân đã vào được thành rồi. Phi truyền cho quân không được giết hại hai trăm họ, và yết bảng để yên dân.
Phi vào thành, ngồi trên công sảnh. Quân đao phủ điệu Nghiêm Nhan đến. Nhan không chịu quỳ. Phi trợn mắt quát mắng rằng:
– Đại tướng đến đây, sao không hàng, mà lại dám chống lại?
Nghiêm Nhan coi như không, chẳng sợ hãi chút nào, mắng lại rằng:
– Chúng bây là đồ vô nghĩa, dám xâm phạm vào bờ cõi tao. Đây tao chỉ có tướng quân mất đầu, chớ không có tướng quân chịu hàng!
Phi giận lắm, quát sai tả hữu lôi ra chém. Nghiêm Nhan lại quát trả rằng:
– Thằng giặc kia! Mày chặt đầu tao thì cứ việc chặt, cần gì phải giận dữ?
Phi thấy Nghiêm Nhan tiếng nói hùng dũng, sắc mặt tươi tỉnh như không, liền đổi giận làm mừng, xuống quát tả hữu lui ra, cởi trói ngay cho Nghiêm Nhan, sai đem áo đến mặc, rồi đỡ lên ngồi trên gian giữa, cúi đầu xuống mà nói rằng:
– Tôi vẫn biết lão tướng quân là bậc hào kiệt, vừa rồi lỡ lời xúc phạm đến tướng quân xin tướng quân miễn chấp.
Nghiêm Nhan cảm ơn nghĩa ấy, mới chịu hàng.
Có thơ khen Nghiêm Nhan rằng:
Phơ phơ đầu tóc bạc
Lừng lẫy danh tiếng vang
Khí nghĩa, mây cao ngất
Lòng trung, trăng sáng choang
Thà rằng chặt đầu chết
Sao chịu uốn gối hàng!
Ba Châu tướng già ấy
Mới là tướng giỏi giang!
Lại có thơ khen Trương Phi rằng:
Bắt sống Nghiêm Nhan khoẻ tuyệt trần!
Lại hay nghĩa khí phục lòng dân
Đến nay đền miếu nơi Ba Thục
Hương hoả nghìn thu báo đức thần.
Trương Phi hỏi kế vào Xuyên, Nghiêm Nhan thưa rằng:
– Tôi là tướng thua trận, được đội ơn dày, không biết lấy gì mà báo lại được. Vậy xin ra sức khuyển mã để giúp tướng quân, không cần gì phải dùng đến cung tên, mà có thể đến tắt ngay Thành Đô được.
Đó là:
Chỉ bởi được lòng người lão tướng
Cho nên tiến thẳng đến Thành Đô
Đại Kỷ Nguyên bàn:
Trương Phi vì đại sự mà dùng nghĩa đối đãi khiến cho lão tướng Nghiên Nhan cảm động quy hàng Thục Hán. Đây nào phải là một Trương Phi lỗ mãng, mà chính là một bậc anh tài trí dũng kiêm song! Có thể nói, “Tam Quốc diễn nghĩa” sở dĩ có thể trường tồn mãi trong lịch sử, trường thịnh không suy chính là bởi vì ẩn chứa nội hàm chữ “Nghĩa” cao thượng này.
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, khi nói đến trí tuệ thông minh, tài trí, người ta thường nghĩ ngay đến Gia Cát Khổng Minh diệu cơ như Thần, nói về anh hùng chiến tướng, văn tài võ giỏi, người ta lại thường nhắc Chu Du, Quan Vũ hay Khương Duy. Còn Trương Phi lại để lại ấn tượng sâu sắc là một hổ tướng tính tình nóng nảy, hữu dũng vô mưu, hành xử lỗ mãng. Nhưng có lẽ đây chính là sự hiểu lầm thiên cổ. Trên thực tế Trương Phi chính là bậc anh hùng văn võ toàn tài, khó người sánh kịp.
Thế gian trăm vạn kỳ anh, mỗi người mỗi bản lĩnh, như muôn hoa đua nở. Nếu như nói Tam Quốc là một thế vạc ba chân lớn đua nhau trổ sắc khoa tài, nơi tinh anh hội tụ thì Lưu – Quan -Trương lại cũng như thế. Ví như thiếu đi một Trương Phi dũng mãnh, nóng nảy, hành động như vũ bão thì cũng chẳng có một Quan Vũ trầm tĩnh, điềm nhiên, một Lưu Bị dung nhẫn hơn người. Đây chính là một sự tương phản tương hòa kỳ lạ vậy!
Tử Kính