Cổ nhân khi mang thai có dạy, muốn đứa trẻ sinh ra nữ cung dung ngôn hạnh, trai tài đức hơn người thì ngủ không nằm nghiêng, đầu không gối lệch, đứng thẳng, ngồi ngay, không ăn thức ăn có vị khác lạ, không ngồi chỗ không vững, mắt không nhìn chỗ sắc dục, tai không nghe lời dâm dục, đêm ngâm thơ đọc sách…
Giáo dục con trẻ từ trong bụng mẹ
Trong tư tưởng giáo dục đạo đức của Trung Quốc cổ đại ngày xưa luôn coi trọng “Đức Dục”, đạo đức được giáo dục cho thế hệ sau bắt đầu từ khi thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ. Lời nói, cử chỉ của bậc cha mẹ khi mang thai luôn lấy mình làm gương, khiến cho thai nhi được phát triển trong môi trường, điều kiện thuần khiết nhất.
Giáo dục của khoa học hiện đại ngày nay đối với vấn đề này cũng rất coi trọng. Các chuyên gia bắt đầu nghiên cứu phương pháp giáo dục cho trẻ từ khi còn trong bụng mẹ.
Có người còn khuyến cáo rằng cho trẻ nghe nhạc Mozart khi mang thai, có thể giúp cho trẻ phát triển năng lực trí não tốt hơn. Ngoài ra còn có thiền định, yoga, nhạc nhẹ không lời, đọc truyện cổ tích cho thai nhi nghe… cũng có hiệu quả tốt.
Thai Giáo hay còn gọi là giáo dục thai nhi, đây là cụm từ không chỉ thịnh hành ở thời buổi hiện nay mà ngay cả trong các sách Trung Y và Văn chương lễ nghĩa của Trung Quốc cổ xưa đã có không ít những tri thức ghi chép lại.
Trong triều đại nhà Hán, đối với vấn đề giáo dục thai nhi yêu cầu vô cùng nghiêm khắc.
Cổ Nhị, môt nhà chính trị nổi tiếng thời Tây Hán đã viết trong Tân Thư như sau: “Vương Hậu Ấp Cơ khi mang thai Thành Vương (vị vua thứ hai triều đại nhà Chu) khi đi thì ngay chính; khi ngồi ngay thẳng; khi cười thì nhỏ nhẹ; dù ở một mình cũng khiêm nhường lễ tiết, khi gặp chuyện bất bình, tức giận cũng không nói lời khó nghe. Đây được gọi là Thai Giáo“.
Học giả Lưu Hướng cũng viết trong cuốn Liệt Nữ rằng: “Cổ nhân mang thai, ngủ không nằm nghiêng, đầu không gối lệch; đứng thẳng, ngồi ngay, không ăn thức ăn có vị khác lạ, không ăn đồ bất chính, không ngồi chỗ không vững, mắt không nhìn chỗ sắc dục, tai không nghe lời dâm dục, đêm ngâm thơ đọc sách. Làm được như vậy, đứa trẻ sinh ra nữ thì cung dung ngôn hạnh, trai thì tài đức hơn người”.
Âm nhạc giúp an định tinh thần cho thai nhi
Trong cuốn Trung Y cổ Y Tâm Phương, Cầu Tử có kiến nghị phụ nữ khi mang thai có thể đánh đàn cầm để điều tâm thần, hoà tính khí, tiết chế thị dục, tâm thân thanh tịnh. Về phương diện này, so với phương pháp giáo dục thai nhi hiện tại của chúng ta là có sự tương đồng.
Nhưng ở đây không phải là âm nhạc trực tiếp ảnh hưởng tới thai nhi, mà là giúp an định tâm thân của người mang thai. Để tinh thần của người mẹ ảnh hưởng tới thai nhi, có thể nói đây là cách làm rất khoa học.
Câu chuyện nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc về Thai Giáo phải kể đến Thái Nhâm, mẹ vua Chu Văn Vương. Đây là câu chuyện nổi tiếng được nhiều người nhắc tới nhất.
Trong cuốn Chu Thất Tam Mẫu có nói: Thái Nhâm khi mang thai Vua Thành Vương, không xem kinh kịch bất chính, đau buồn, không nghe những điều dâm dục phóng đãng, không nói lời tự cao tự mãn, khi ngủ thì người luôn nằm ngay ngắn, đầu không gối lệch.
Tư thế khi ngồi hay đứng, thân thể tuyệt đối luôn luôn ngay thẳng, phương pháp giáo dục thai nhi của Thái Nhâm vô cùng hiệu quả, sinh ra Vua Thành Vương, ngay từ nhỏ tài đức đã hơn người, năng lực học tập xuất chúng, chỉ cần biết được một, sẽ học đươc một trăm.
Căn cứ vào những điều này có thể thấy cổ nhân khi xưa vô cùng coi trọng vấn đề Thân Giáo, giáo dục đạo đức cho con cái luôn được bắt đầu từ khi mang thai trong bụng mẹ. Trong quá trình mang thai chín tháng mười ngày, mọi hành vi lời nói, ý nghĩ đều lấy thân làm mẫu, tạo cho con một môi trường thuần khiết nhất để phát triển.
Minh Vũ biên dịch