Bí quyết của thành công và thành tựu trong cuộc sống là gì? Liệu có phải ước mơ nào cũng được trải sẵn trên một con đường cố định?

Ngày xửa ngày xưa, có hai tu sĩ sống ở tỉnh Tứ Xuyên. Một người sống trong nhung lụa giàu sang, còn một người từ bé đã trải qua cái khốn khó của nghèo đói.

Một hôm tu sĩ nghèo tâm sự với tu sĩ giàu: “Tôi muốn đi đến bờ biển phía Nam”.

“Anh đi như thế nào và bằng phương tiện gì?”, tu sĩ giàu hỏi lại.

“Tôi chỉ cần có một cái chai và một cái bát“, tu sĩ nghèo trả lời.

Tu sĩ giàu ngạc nhiên: “Nhiều năm nay tôi đã muốn thuê một chiếc thuyền để đi đến đó, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thực hiện được. Điều gì khiến anh tin rằng anh sẽ đến đó được chỉ với một cái chai và một cái bát?”.

Tu sĩ nghèo im lặng không trả lời.

Một năm sau, hai tu sĩ gặp lại nhau sau khi tu sĩ nghèo trở về từ bờ biển phía Nam. Ông đã kể cho tu sĩ giàu về việc bản thân đã nỗ lực thế nào để thực hiện chuyến đi của mình, và tu sĩ giàu cảm thấy rất hổ thẹn. Tu sĩ giàu đã không thể tưởng tượng được chỉ với hai thứ đơn giản mà tu sĩ nghèo có thể thực hiện được ước mơ.


Biết tận dụng điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của bản thân để tự tạo ra con đường cho riêng mình (Ảnh: Internet)

Nhà văn nổi tiếng triều đại nhà Thanh Duanshu Peng kể lại câu chuyện này trong tác phẩm “Rèn luyện học hành cho các trò của tôi”. Câu chuyện của ông cho thấy một nguyên tắc:

Không có việc dễ hay việc khó trong cuộc sống. Miễn là bạn đầu tư công sức và nỗ lực một cách đúng đắn, thì việc khó cũng trở thành dễ. Nếu bạn không nuôi dưỡng động lực cho việc theo đuổi mục tiêu, thì việc đơn giản nhất cũng trở nên khó khăn. Điều này đúng trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Khi bạn thực sự chú tâm vào thực hiện một việc gì, mọi thử thách và chông gai trên con đường vươn tới ước mơ sẽ trở thành yếu nhược vì bạn đã rèn cho mình vũ khí quý báu nhất: sự nhẫn nại và lòng quyết tâm tiến về phía trước. Nếu một người nào đó tự tin vào trí thông minh và kinh nghiệm của bản thân mà từ chối học hỏi, thì người đó đã tự phá hủy tương lai của chính mình. Những người không bằng lòng với bản thân và luôn khát khao được hoàn thiện qua những nỗ lực sẽ đạt được thành công và những mục tiêu trong cuộc sống.

Trên con đường thành công không thể thiếu vắng một trái tim quả cảm, dám chấp nhận thất bại và không ngừng khám phá những điều mới mẻ. Vị tu sĩ giàu vì quá thụ động và chỉ nghĩ tới phương thức thông thường người khác vẫn tuân thủ để đạt được những điều mình mong mỏi, nên cả đời ông chỉ loanh quanh trên vùng đất của sự an toàn. Tuy nhiên, vị tu sĩ nghèo đã vượt thoát khỏi quan niệm ấy, ông nhìn thấu bản chất của vấn đề, nên biết tận dụng điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của bản thân để tự tạo ra con đường cho riêng mình.


Trên con đường của mình, chúng ta đi từng bước một (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, khi đối mặt với một vấn đề, nếu không hành động với một trái tim nhiệt huyết và một cái đầu tỉnh táo, mà đặt tất cả nỗ lực để tìm “đường tắt” hoặc trì hoãn về sau như: “Tại sao không đợi đến ngày mai” hay “Tôi sẽ làm việc đó sau“, thì chúng ta sẽ giống như vị tu sĩ giàu kia – chờ đợi hàng năm để thuê một chiếc thuyền và không bao giờ bước sang được bờ biển phía Nam.

Như trong một bài thơ cổ đã viết: “Ngày mai là ngày mai, có bao nhiêu ngày mai? Nếu ai đó luôn đợi đến mai để bắt đầu công việc của mình thì anh ta sẽ không làm được gì trong đời“.

Trên con đường của mình, chúng ta đi từng bước một. Mỗi bước sẽ đưa chúng ta đi xa hơn. Và tất cả những điều lớn lao đều đến từ những điều nhỏ nhặt. Thành công là sự tích tụ của những nỗ lực không ngừng. Vì thế, mặc dù không có vật chất đầy đủ đồng hành, nhưng tu sĩ nghèo bằng sự cố gắng và ý chí kiên cường của mình, đã chạm tới cái đích ông mong muốn.

Nếu chỉ chú trọng nhìn vào những điều lớn lao mà bỏ qua những điều nhỏ nhặt, chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu. Nếu bị ràng buộc bởi đầy rẫy những quan niệm mà thế giới xung quanh tạo nên, chúng ta sẽ tự chôn mình trong nấm mồ của sự thất bại.

Xuân Hà – Thiện Phong 

Xem thêm: