“Lòng rộng một thước, con đường sẽ rộng một trượng”. Mở rộng tấm lòng bao dung người khác, bạn sẽ thấy cuộc đời của mình đẹp hơn biết bao nhiêu.
Ngày nọ, có một ông lão ăn mày quần áo rách rưới, đầu tóc bù xù, trên người bốc ra mùi hôi khó chịu dừng chân đứng trước một cửa tiệm bánh ngọt náo nhiệt. Những vị khách mua hàng đứng bên cạnh đều bịt mũi, nhíu mày, tỏ vẻ vô cùng khó chịu với ông lão.
Nhân viên bán hàng quát to: “Đi ngay chỗ khác! Đi ngay đi!”.
Người ăn mày lập cập lấy ra mấy đồng tiền lẻ cáu bẩn nói: “Tôi đến mua bánh ngọt! Xin hỏi loại nào là nhỏ nhất?”.
Từ bên trong, ông chủ tiệm bánh ngọt rảo bước ra ngoài, niềm nở lấy ra một chiếc bánh ngọt nhỏ xinh, đẹp đẽ từ trong tủ kính đưa cho người ăn mày. Sau đó, ông cúi gập người thật sâu xuống, nói: “Cảm ơn quý khách đã chiếu cố mua hàng! Hoan nghênh quý khách lần sau lại tới!”.
Người ăn mày đón chiếc bánh từ ông chủ, mặt hiện rõ vẻ thất kinh, vội quay người rời khỏi tiệm bánh. Trong đời mình, dường như ông chưa từng được đối xử tôn trọng đến vậy!
Cháu trai ông chủ tiệm bánh chứng kiến toàn bộ sự việc, vô cùng thắc mắc, bèn tiến lại hỏi: “Ông nội! Sao ông lại niềm nở với người ăn mày bẩn thỉu đó như vậy ạ?”.
Ông chủ tiệm bánh mỉm cười hiền từ, nhìn cháu trai của mình nói: “Dù đó có là một người ăn mày nhưng ông ấy cũng vẫn là khách hàng của chúng ta. Để mua bánh ngọt của cửa hàng chúng ta, ông ấy đã không tiếc tiêu những đồng tiền phải trải qua bao nhiêu vất vả mới kiếm được. Nếu ông không tự mình phục vụ ông ấy thì sao có thể xứng với sự ưu ái người ăn mày ấy dành cho chúng ta đây?”.
Cháu trai ông chủ lại hỏi vặn vẹo: “Đã vậy thì vì sao ông vẫn còn lấy tiền của ông ăn mày ấy ạ?”.
Ông chủ cười đáp: “Hôm nay, ông ấy đến đây với tư cách là khách chứ không phải là đến để ăn xin cháu ạ! Đương nhiên, chúng ta phải tôn trọng ông ấy chứ! Nếu như ông không lấy tiền thì chẳng phải đã làm nhục ông ấy rồi sao? Nhất định cháu phải nhớ kỹ điều này, hãy tôn trọng từng khách hàng bất kể họ là ai, ngay cả đó là một người ăn mày. Bởi tất thảy những thứ chúng ta có được hôm nay đều là do khách hàng mang lại”. Cậu bé nghe xong gật gật đầu, ra chiều cũng hiểu chuyện.
Chủ tiệm bánh nọ chính là ông nội của tỷ phú Nhật Bản Yoshiaki Tsutsumi. Tỷ phú Tsutsumi từng nói: “Năm đó, mỗi cử chỉ của ông nội đối với người ăn mày đó đều khắc sâu trong tâm trí tôi”. Về sau, Tsutsumi đã kể lại rất nhiều lần câu chuyện này cho nhân viên của mình nghe để họ học tập cách tôn trọng khách hàng.
***
Tôn trọng không phải là phép xã giao thông thường để chiều lòng ai đó. Nó đến từ sự thấu hiểu, trân quý và cảm thông, kính trọng lẫn nhau. Đó cũng là thứ tình cảm cao thượng, cho đi và không cầu mong nhận lại. Bạn tôn trọng ai đó không phải bởi muốn được lợi lộc gì từ họ. Đơn giản là vì bạn trân quý họ.
Sự tôn trọng giúp người ta đối đãi với nhau bằng lễ nghĩa chứ không phải ganh đua, tranh đấu. Tôn trọng thường đi kèm với thiện lương, khoan dung, nhẫn nại. Người biết tôn trọng người khác cũng sẽ có được vận mệnh tốt đẹp, đi khắp thiên hạ cũng vẫn được quý yêu. Mạnh Tử từng giảng: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình“. Vậy nên tôn trọng người khác cũng chính là tự tôn trọng mình.
“Lòng rộng một thước, con đường sẽ rộng một trượng”. Mở rộng tấm lòng bao dung người khác, bạn sẽ thấy cuộc đời của mình đẹp hơn biết bao nhiêu. Người làm sếp biết tôn trọng cấp dưới, nhân viên thì công ty thịnh vượng, nhân tâm đoàn kết. Thương nhân biết tôn trọng khách hàng thì làm ăn xuôi chèo mát mái. Biết tôn trọng ngay cả chính kẻ thù của mình lại chính là một loại dũng khí, một loại trí huệ.
Khổng Tử nói: “Điều mình không muốn, chớ làm cho người” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Có thể coi đó là điểm mấu chốt nhất của mỹ đức tôn trọng mà chúng ta đang bàn bạc ở đây. Mỗi người có một cuộc đời được an bài khác nhau, một con đường riêng phải tự mình đi. Đừng bao giờ cưỡng chế những điều ý chí bạn mong muốn lên thân người khác. Khoan dung, hòa ái, kính trọng lẫn nhau mới chính là nghệ thuật sống cao thượng nhất.
Cuối cùng, khi không thể khoan dung, nhẫn nại và tôn trọng người khác, bạn hãy thử làm theo 3 cách dưới đây:
1. Chấp nhận sự khác biệt, bao dung, rộng lượng với người khác.
2. Kiểm soát hành vi của bản thân để cả hai đều cùng là người chiến thắng.
3. Có thể tiến có thể lùi, chỉ ra sai sót của đối phương bằng sự từ bi, rộng lượng, đừng quá khắt khe, kiêu ngạo, coi thường người khác.
Văn Nhược
Xem thêm:
- 9 đại trí huệ kinh điển của người xưa, 5.000 năm sau hậu thế còn tấm tắc
- Vì sao người xưa đối với chén bát lại có nhiều kiêng kỵ? Kỳ thực rất đáng để lưu tâm
- Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?