“Tìm lại huy hoàng” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên biên soạn, nhằm khôi phục dấu ấn nền văn hóa truyền thống đất Việt qua những câu chuyện lịch sử mang màu sắc“huyền sử”, hy vọng đem tới cho độc giả một cái nhìn mới về những nhân vật lịch sử và văn hóa truyền thống nước nhà.
Đi lễ Văn Miếu Quốc Tử Giám ngày đầu Xuân đã trở thành phong trào mới nở rộ từ khoảng năm 2000, nhà nhà đi lễ Văn Miếu để cầu mong điều tốt lành và xin chữ, ước vọng một năm mới sự nghiệp thành công, học hành đỗ đạt.
Ai cũng đi qua những nhà bia tiến sĩ Văn Miếu, biết rằng đó là những tấm bia ghi danh tiến sĩ qua các thời kỳ lịch sử, nhưng trong số hơn 15 nghìn người tới lễ Văn Miếu tết Bính Thân năm nay, mấy ai ngờ rằng nội dung bia Văn Miếu lại có thể sâu sắc và rộng lớn đến thế, có thể gây chấn động cho kẻ sỹ thời nay…
“Nếu kẻ nào nhờ vào việc thi đỗ để làm cái cầu ấm no, mượn con đường ấy để làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước thì người ta sẽ chỉ tận tên mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước, làm gầy người béo mình, kẻ này hãm hại người thiện, bè đảng với lũ gian, nhơ nhuốc cho khoa mục”.
(Trích văn bia khoa thi 1478)
Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long, hay bia tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám là các bia đá có những bài văn bia hào hùng và ghi tên những người đỗ Tiến sĩ các khoa thi thời Lê Sơ, thời Mạc và thời Lê Trung Hưng (1442-1779) tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám Hà Nội. Các bia đá này đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới thuộc Chương Trình Ký Ức Thế Giới ngày 9/3/2010 tại Ma Cao. Sau Mộc bản triều Nguyễn, bia Tiến sĩ Văn Miếu trở thành di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thế giới.
82 tấm bia được dựng từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41), khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm 1442 (niên hiệu Đại Bảo thứ 3) đến năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40) với nội dung, hàm ý, cấu tứ sâu sắc thật sự là tài sản quý giá của lịch sử thế giới.
Những lời răn dạy sâu sắc của bia Văn Miếu khiến kẻ sỹ thời nay phải giật mình…
Lời lẽ nghiêm khắc, câu từ sắc bén như nhát kiếm, ý tứ thâm thúy của người xưa khiến cho kẻ sỹ ngày nay kinh ngạc. Với những câu từ xúc tích đầy hình ảnh như “làm gầy người béo mình”, “ngoài ngọc trong đá, tiếng phượng hoàng và lông diều hâu”, “gian tà mà hèn nhát”, “quỳ gối uốn mình”, “tô vẽ giả dối”, “ngọc vết khó giấu”, “đá vết khó mài”, người xưa đã thực sự răn dạy các tiến sĩ các đời: tài phải đi liền với đức, cốt yếu phải giữ được tấm lòng thanh liêm trong sạch vì bia đá còn lưu mãi đó…
“Kẻ sĩ ở đời này, thấm nhuần ơn huệ, mang đội nhân sâu, vậy báo đáp phải nên thế nào? Ắt phải có chí khí tiết tháo ngọc vàng, tấm lòng trung trinh sắt đá, phải luôn trau chuốt cho trong sạch sáng quang, rèn giũa tiết hạnh, thề giữ đức trong trắng tứ tri, theo đúng đạo thận cần tam pháp, lấy chính trực trung hậu mà đứng giữa triều đình, lấy đạo đức nhân nghĩa phò tá chinh sự, làm đá tảng cột trụ ở chốn miếu đường, đưa quốc gia đến chỗ vững yên, như Thái Sơn bàn thạch, ngõ hầu không phục với sở học, không thẹn với khoa danh, mà họ tên khắc trên đá cứng có thể trường tồn không nát vậy”.
(Trích văn bia khoa thi 1733)
Mục đích của bia tiến sĩ Văn Miếu liệu có phải chỉ để rạng rỡ lưu danh?
“Một khi đã khắc tên lên tấm đá này người đời sau đến xem sẽ chỉ tên và bảo nhau: người này được, người kia hỏng; người này hay, người kia dở; nhờ đó mà kẻ thiện biêt tự khuyến khích, kẻ sác biết tự răn đe. Thế thì tấm đá này dựng lên, há chỉ chuộng hư danh làm cho đẹp mắt mà thôi đâu! Ý nghĩa sâu xa của sự khuyến khích răn đe chính gửi ở trong đó”.
(Trích văn bia khoa thi năm 1583)
“Những người có chức quan vẫn thường nghiền ngẫm trung nghĩa, dồi mài liêm cần, nguyện làm vị Trạng nguyên trung hiếu, làm bậc quân tử ngọc vàng, ngõ hầu không hỗ thẹn với các bậc tu thân toàn mỹ đời trước. Thảng hoặc có kẻ ngoài ngọc trong đá, tiếng phượng hoàng mà lông diều hâu, làm kẻ gian tà hèn nhát, làm kẻ tầm thường a dua nịnh hót không biết hổ thẹn bởi sự chỉ trích chê bai của người đời sau”.
Vậy tấm đá này dựng lên uy nghiêm suốt cả ngàn năm, công luận phải trái vẫn còn đó, há chẳng đáng sợ lắm thay”.
(Trích văn bia khoa thi 1554)
“Kẻ sĩ được ghi tên vào tấm đá này, ắt nên giữ lòng trong sạch, tiết tháo kiên trinh, giúp đời hành đạo, giúp vua ban ơn cho dân, ngõ hầu công danh sự nghiệp được khắc vào chuông đỉnh, thêu lên cờ hiệu, cùng với tấm đá này soi tỏ mới không hổ thẹn với khoa danh. Thảng hoặc có kẻ quỳ gối uốn mình, tô vẽ giả dối, ngọc vết khó giấu, đá vết khó mài, công luận ngàn năm, há chẳng đáng sợ sao! Thế thì dựng bia đá này chẳng phải riêng để bồi đắp Nho phong mà còn để giồi mài sĩ khí, việc đó có quan hệ đến thanh danh giáo hóa thật lớn vậy”.
(Trích văn bia khoa thi năm 1748)
“Thánh nhân tác thành nhân tài, mà hiền tài làm cho nền trí trị được bền vững lâu dài. Cho nên nuôi dưỡng người tài năng ở trường học, dung khoa mục để tuyển chọn, là để cho họ làm rạng rỡ pháp độ của vua, làm mưu lược của vua được tốt đẹp, há chỉ cốt làm vẻ hào nhoáng bên ngoài mà thôi đâu! Lớn có thể làm rường cột, nhỏ có thể làm rui mè. Người dũng sĩ, kẻ tâm phúc không ai không được tin dùng, như vậy mới không phụ ý nuôi dưỡng khích lệ nhân tài của nước nhà”.
(Trích văn bia khoa thi năm 1772)
Toàn văn tấm bia tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu
Năm 1484, với chủ chương đề cao Nho học và tôn vinh bậc tri thức Nho học đỗ đại khoa, vua Lê Thánh Tông đã cho dựng các tấm bia tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho các khoa thi Đình các năm trước đó của nhà Hậu Lê, 7 bia đầu tiên, trong số 82 bia, được dựng năm này.
Chúng tôi trích toàn văn nội dung bản dịch văn bia đầu tiên này:
Lớn lao thay! Thánh triều ta, Thái Tổ Cao hoàng đế, trời ban trí dũng, nghiệp lớn kinh luân, diệt bạo trừ tàn, cứu dân sinh khỏi chốn lầm than. Ngay khi vũ công đại định, văn đức sửa sang, muốn chiêu tập hiền tài, canh tân chính trị. Bèn xuống chiếu cho các nơi trong nước dựng nhà học để đào tạo nhân tài. Tại kinh đô có Quốc tử giám, ngoài các phủ có trường học. Thánh thượng đích thân chọn con cháu quan viên và thường dân tuấn tú vào làm học sinh ở các cục Nhập thị, Cận thị, Ngự tiền, cùng là giám sinh ở Quốc tử giám. Lại sai quan chuyên trách rộng chọn con em các nhà lương thiện vào làm sinh đồ ở các trường phủ, cử thày dạy dỗ, in kinh sách ban phát, đất trồng tài năng thực đã rộng mở. Còn như phép tuyển chọn kẻ sĩ, hoặc hỏi nghĩa lý kinh điển, hoặc các đề phú luận, hoặc Thánh thượng đích thân ra đề thi văn sách, tùy tài học từng người mà bổ dụng. Lúc bấy giờ tên gọi khoa thi Tiến sĩ tuy chưa đặt ra, nhưng thực chất đề cao Nho học và phép chọn người thì đại khái đã có đủ. Nền thái bình muôn thuở thực đã bắt đầu từ đây.
Ôi! Thái Tông Văn hoàng đế nối giữ nghiệp lớn, làm rạng rỡ ông cha, xem xét nhân văn, giáo hóa thiên hạ. Lấy việc trọng đạo Nho làm việc hàng đầu, coi kén chọn anh tài tôn trọng hiền sĩ làm mưu lược tốt. Nghĩ việc đặt khoa thi, kén kẻ sĩ là chính sự cần làm trước nhất. Tô điểm cơ đồ, khôi phục mở mang trị hóa chính là ở đây; mà sửa sang chính sự, sắp đặt công việc, giáo hóa dân phong mỹ tục cũng là ở đây, các bậc đế vương đời xưa làm nên trị bình đời nào cũng theo thế.
Thánh Tổ Cao hoàng đế đã định quy mô, nhưng chưa kịp thi hành. Làm rạng rỡ đời trước, khuyến khích đời sau, nay chính là lúc làm việc này. Bèn vào năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) rộng mở xuân vi thi Hội cho các sĩ nhân trong nước. Bấy giờ số dự thi đông đến 450 người. Qua bốn trường, lấy trúng cách được 33 người. Quan Hữu ti chuyên trách kê tên dâng lên, Thánh thượng sai chọn ngày ban cho vào sân rồng ứng đối. Lúc ấy Đề điệu là Thượng thư Tả Bộc xạ Lê Văn Linh, Giám thí là Ngự sử đài Thị Ngự sử Triệu Thái, cùng các quan Tuần xước, Thu quyển, Di phong, Đằng lục, Đối độc ai nấy đều kính cẩn thi hành công việc. Ngày mồng 2 tháng 2, Thánh thượng ra ngự ở điện Hội Anh, đích thân ra đề thi văn sách. Ngày hôm sau các viên Độc quyển là Hàn lâm viện Thừa chỉ Học sĩ kiêm Trung thư Quốc sử sự Nguyễn Trãi, Trung thư sảnh Trung thư Thị lang Nguyễn Mộng Tuân, Nội mật viện Tri viện sự Trình Thuấn Du, Quốc tử giám Bác sĩ Nguyễn Tử Tấn nâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng sáng suốt ngự lãm, xét định thứ bậc cao thấp. Ban cho Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Như Đổ đỗ Bảng nhãn, Lương Như Hộc đỗ Thám hoa lang; bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ Tiến sĩ, bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ Phụ bảng . Đó là gọi theo danh hiệu đã có từ đời trước.
Ngày mồng 3 tháng 3, xướng danh treo bảng, để tỏ cho kẻ sĩ thấy sự vẻ vang. Ân ban tước trật để nêu cao nổi bật với dân thường, ban áo mũ cân đai để đẹp cách ăn mặc, cho dự yến vườn Quỳnh để tỏ ơn huệ, cấp ngựa về quê để rõ lòng đặc biệt mến yêu. Kẻ sĩ và dân chúng Trường An đâu đâu cũng tụ tập đến xem, đều ca ngợi Thánh thượng chuộng Nho xưa nay hiếm thấy.
Ngày mồng 4, bọn Trạng nguyên Nguyễn Trực lạy chào dâng biểu tạ ơn. Ngày mồng 9, lại vào bệ kiến cáo từ, xin được vinh quy. Đó là khoa thi đầu tiên đời thánh triều được ơn vinh long trọng, đến nay kẻ sĩ vẫn còn tấm tắc ngợi ca. Từ đó về sau thánh nối thần truyền, đều tuân theo lệ cũ.
Thánh hoàng trung hưng nghiệp lớn, rộng mở nhân văn, đổi mới chế độ, lừng lẫy tiếng tăm. Đặc biệt về phép lựa chọn kẻ sĩ lại càng lưu tâm chú ý: phàm những định lệ triều trước đã thi hành thì noi theo giữ gìn, những việc triều trước chưa đủ thì mở rộng thêm. Sau khi truyền lô yết bảng, lại cho dựng đá đề danh để truyền lại lâu dài. Phép hay ý tốt khuyến khích thật rất mực chu đáo tận tình. Tốt thay, thịnh thay
Nay xét các khoa thi Tiến sĩ từ năm Đại Bảo thứ 3 đến nay đều chưa được dựng bia, bọn Thượng thư Bộ Lễ Quách Đình Bảo vâng mệnh Hoàng thượng đem họ tên thứ bậc người thi đỗ khắc lên đá tốt, đồng thời xin đem danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa lang đổi làm Tiến sĩ cập đệ, người đỗ Phụ bảng đổi gọi là đồng Tiến sĩ xuất thân để cho hợp với quy chế hiện nay. Hoàng thượng chuẩn tấu, sai từ thần là bọn Thân Nhân Trung chia nhau soạn bài ký
Thần kính vâng lời ngọc, khôn xiết vui mừng. Kính nghĩ việc dựng bia khắc đá là cốt để làm cho ý tốt cầu hiền tài và đạo trị nước của thánh tổ thần tông được lưu truyền mãi mãi. Đó chính là phép lớn để rèn dũa người đời và là điều rất may cho Nho học. Thần tuy vụng về nông cạn, đâu dám chối từ. Kính cẩn cúi rập đầu mà ghi rằng
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết. Vì kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, được quý chuộng không biết dường nào, đã được đề cao bởi khoa danh, lại được ban trọng tước trật. Ơn ban đã nhiều mà vẫn coi là chưa đủ. Lại nêu tên ở Tháp Nhạn, ban danh hiệu Long Hổ để ngợi khen. Báo tin mở tiệc, triều đình mừng được người tài, không việc gì không làm hết mức.
Nay Thánh thượng anh minh, lại nhận thấy rằng việc lớn tốt đẹp tuy đã vẻ vang một thời, nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ để lưu truyền lâu dài cho hậu thế. Vì thế lại cho khắc đá đề danh dựng ở cửa nhà Thái học để cho kẻ sĩ chiêm ngưỡng, hâm mộ phấn chấn, rèn luyện danh tiết, hăng hái kính giúp nhà vua. Há phải chỉ là chuộng hư danh, sính hư văn mà đặt ra đâu
Ôi! kẻ sĩ ở chốn trường ốc lều tranh, danh phận thật là nhỏ mọn mà được triều đình đề cao hết mực như thế, thì người mang danh kẻ sĩ phải trọng thân danh mình mà lo báo đáp, phải nên thế nào?
Hãy đem họ tên những người đỗ khoa này mà điểm lại, thì thấy nhiều người đã đem tài năng văn học, chính sự để tô điểm cho nền trị bình, mấy chục năm qua được quốc gia trọng dụng. Cũng không phải là không có kẻ vì tham lam hối lộ mà hư hỏng hoặc rơi xuống hạng gian tà, có lẽ vì lúc sống bọn họ chưa được nhìn thấy tấm bia này. Ví thử đương thời chính mắt họ trông thấy, thì lòng thiện được khuyến khích mà ý xấu được ngăn ngừa, mầm nghiệt đâu dám nảy sinh? Thế thì việc dựng bia khắc đá này có lợi ích rất nhiều: kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện lấy đó làm gắng, biết rõ dĩ vãng, rộng nhìn tương lai, vừa là để rèn giũa danh tiết của kẻ sĩ, vừa là để củng cố mệnh mạch nước nhà. Việc lớn mà Thánh tổ Thần tông đặt ra đâu phải là vô ích. Vậy những ai xem đến tấm bia này cũng nên hiểu ý sâu xa đó
Thần kính cẩn làm bài ký.
Soi lại cho thời nay
Lại ngẫm, bấy lâu nay, người ta chỉ nói về bia ghi danh tiến sĩ Văn Miếu để tôn vinh và cổ súy danh vọng của các bậc làm quan đỗ đạt, người ta chỉ tới Văn Miếu để cầu đỗ đạt, mà không hề thấu được nội dung sâu xa hơn, vốn hiện rõ mồn một trên mặt bia Văn Miếu, đó những lời cảnh báo răn dạy nghiêm khắc về sự tha hóa hư hỏng của các bậc đỗ đạt làm quan, của những người có quyền có chức, có thể sử dụng tài nguyên đất nước, sử dụng tài nguyên con người, nhưng lại cho mục đích nhỏ bé tư lợi…
Soi chiếu những lời trên với thực trạng thời nay, độc giả có thể buồn cho những quan chức bon chen xu nịnh, ham hố chức quyền, mua danh bán tước, vơ vét tư túi… Nhưng cũng hy vọng rằng, lời người xưa không chỉ để người thanh liêm đọc rồi ngẫm, và buồn cho nhân tình thế thái, mà những ai đang ở trong vòng xoáy danh vọng kia, có thể giật mình nhìn lại, không coi lời người xưa như những lời sáo rỗng, để kịp thời dừng lại trên con dốc trượt…
Hy vọng rằng, sẽ có nhiều “vị tiến sĩ” thời nay nghiền ngẫm những văn bia này để tự nhắc nhở mình, thực sự lo tu tài, tích đức mà lo cho nước, cho dân.
Biết đâu sẽ còn vị trong quan trường có sáng kiến, nên chăng làm văn bia ghi danh các “lãnh đạo” ngày nay, để cho “Kẻ sĩ được ghi tên vào tấm đá này, ắt nên giữ lòng trong sạch, tiết tháo kiên trinh, giúp đời hành đạo, giúp vua ban ơn cho dân, ngõ hầu công danh sự nghiệp được khắc vào chuông đỉnh, thêu lên cờ hiệu, cùng với tấm đá này soi tỏ mới không hổ thẹn với khoa danh”?
Và để cho: “Một khi đã khắc tên lên tấm đá này người đời sau đến xem sẽ chỉ tên và bảo nhau: người này được, người kia hỏng; người này hay, người kia dở; nhờ đó mà kẻ thiện biêt tự khuyến khích, kẻ sáo biết tự răn đe. Thế thì tấm đá này dựng lên, há chỉ chuộng hư danh làm cho đẹp mắt mà thôi đâu! Ý nghĩa sâu xa của sự khuyến khích răn đe chính gửi ở trong đó”
Hà Phương Linh tổng hợp và biên soạn
Xem thêm: