Vì sao thuốc cao của cổ nhân lại linh nghiệm như vậy? Thì ra tất cả đều liên quan tới phong thái đối nhân xử thế của người xưa.

Vào thời nhà Thanh, tại huyện Thiên Trường tỉnh An Huy có một vị thư sinh tên là Lưu Tử Nghi. Chàng Lưu vốn làm nghề dạy học, nhưng dẫu chăm chỉ đến đâu vẫn không thể duy trì sinh kế qua ngày. Bất đắc dĩ, chàng phải bán sạch nhà cửa và chuyển đến một ngôi nhà nhỏ ở tòa thành phía bắc, mượn nghề kinh doanh buôn bán để kiếm kế sinh nhai.

Lưu Tử Nghi vốn là người trung hậu, tấm lòng khoáng đạt, kiên quyết không sử dụng mánh khóe trong kinh doanh, vậy nên không kiếm được nhiều tiền, cũng chẳng tích cóp được bao nhiêu, cuộc sống của Lưu gia thật vô cùng khốn khó.

Một ngày kia, Lưu Tử Nghi thấy trong vườn có một loại cây dại sinh trưởng tốt tươi, mọc lan đến tận bậc thềm. Vốn ưa gọn gàng, chàng Lưu dự tính sẽ dọn sạch cây dại này để trồng một số hoa màu khác.

Lưu Tử Nghi giật mình tỉnh dậy, vội vàng ghi chép lại lời của ông lão, rồi tham khảo y thư về những bài thuốc lưu truyền của cây tam thất, phát hiện tất cả đều y như lời ông lão trong mộng. Ảnh minh họa youtube.com

Buổi tối hôm sau, Lưu sinh nằm mơ thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, mặc áo màu vàng, xung quanh phảng phất mây lành vấn vương. Ông lão chỉ vào khóm cây dại trong vườn Lưu gia và nói: “Đây là cây tam thất, thực là bài thuốc quý hơn cả châu báu ngọc ngà, cớ sao con lại muốn nhổ sạch chúng chứ?”. Lưu Tử Nghi giật mình tỉnh dậy, vội vàng ghi chép lại lời của ông lão, rồi tham khảo y thư về những bài thuốc lưu truyền của cây tam thất, phát hiện tất cả đều y như lời ông lão trong mộng.

Lưu Tử Nghi lấy làm mừng rỡ, lập tức mua những loại dược liệu như ông lão mô tả rồi chuẩn bị chế thành thuốc cao, chỉ tiếc là nguyên liệu đã sẵn sàng nhưng lại thiếu chiếc bếp lò nấu thuốc. Vừa khéo, lúc ấy bên ngoài có một bà lão ăn xin đi đến, trong cái sọt mang theo bên người có một một chiếc chõ đồng với ba cán chân ngắn. Chàng Lưu bèn bỏ tiền ra mua lại, sau đó lại mua thêm một cái lò sắt nữa, coi như dụng cụ đã đầy đủ tươm tất.

Lưu sinh cẩn thận chế biến, cuối cùng cũng làm ra được loại thuốc cao như mong đợi. Lúc ấy trong đám ăn mày có người mọc mụn độc, chàng lưu bèn bôi thử thuốc cao cho họ, quả nhiên thấy mụn độc đều biến mất.

Một thời gian sau, trời đổ mưa hoài không ngớt, trong thành nước tù đọng cao hơn một thước. Nhưng đến mùa hè, trời lại hạn hán suốt một thời gian lâu mà không có mưa, cái nóng thiêu đốt khiến sức người khó mà chịu nổi. Trong thành không kể già trẻ gái trai, cao sang nghèo hèn, trên da đều mọc mụn độc. Người ta tìm thầy hỏi thuốc khắp nơi cũng không thấy hiệu quả, mãi đến khi đắp thuốc cao của Lưu Tử Nghi mới có thể trị lành được, mọi người đều tranh nhau kéo đến mua thuốc.

Lưu Tử Nghi nhờ vào việc bán thuốc cao đã kiếm được không ít tiền, cuộc sống cũng dần dần trở nên khấm khá. Gia cảnh sung túc, danh tiếng cũng vang khắp thôn cùng ngõ hẻm, nhưng bản tính thuần lương của Lưu sinh trước sau vẫn không hề thay đổi. Dù là người ăn mặc rách rưới nửa đêm đến gõ cửa chỉ để mua một đồng thuốc cao, Lưu sinh cũng vui vẻ phục vụ, tuyệt nhiên không oán thán nửa lời.

Buổi tối một ngày kia gió tuyết khắp trời, Lưu Tử Nghi vừa mới nằm xuống, bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa dồn dập. Người bên ngoài nói rằng: “Tôi là ăn mày, đến để mua thuốc”. Lưu Tử Nghi vội vàng mặc áo bước xuống giường, vừa mới mở cửa đã thấy một người ăn mặc rách rưới, trên đùi bên trái có một mụn độc lớn như đồng tiền. Lưu Tử Nghi dựa theo kích cỡ của vết mụn mà kê đơn thuốc, sau đó lại bắc lò bắt đầu điều chế.

Không ngại gió tuyết khắp trời Lưu Tử Nghi dựa theo kích cỡ của vết mụn mà kê đơn thuốc, sau đó lại bắc lò bắt đầu điều chế. Ảnh minh họa kekenet.com

Thuốc cao vừa mới chuẩn bị xong, không ngờ nhọt độc đã lan rộng thành cỡ một cái chén, khiến Lưu Tử Nghi buộc phải cất một đơn thuốc khác. Điều chế xong, quay sang đã thấy bề mặt nhọt độc lại lớn gấp đôi. Lại điều chế thuốc lần nữa, đã thấy nhọt độc nở ra lớn lắm rồi. Cứ như thế, Lưu Tử Nghi phải điều chế thuốc hết lần này đến lần khác, nhưng mỗi lần điều chế xong, thuốc làm ra vẫn luôn không đủ đắp đầy trên bề mặt của nhọt độc. Chẳng mấy chốc, khi gà nhà hàng xóm bắt đầu gáy sáng, Lưu Tử Nghi dưới ngọn đèn vẫn đang mải mê điều chế thuốc cho người ăn mày.

Người nhà thấy Lưu sinh đã lâu mà không quay về phòng, bèn nhiều lần gõ cửa giục gọi, nhưng Lưu sinh dường như không hề nghe thấy mà chỉ chuyên tâm làm thuốc chữa trị cho bệnh nhân nghèo. Lưu Tử nghi coi việc cứu người như sứ mệnh trọng đại cần gánh vác, tâm trí dành hết cả vào đó, cũng không hề nhìn vào địa vị thấp kém mà dám tỏ ra thờ ơ lãnh đạm. Trong khi ấy, người ăn xin lại tỏ ra rất khó chịu, miệng không ngừng oán trách rằng: “Có chút thuốc cao mà mãi cũng không xong, ông là thầy thuốc kiểu gì vậy?”. Lưu Tử Nghi nghe thấy những lời bực tức của người ăn mày, trong tâm không bận lòng mà chỉ vùi đầu điều chế thuốc như cũ.

Đến khi thuốc trong nồi đồng đã dùng hết, cũng là khi bệnh độc đã thuyên giảm tới tám, chín phần, người ăn mày mới thôi không quát tháo. Sau đó, ông ta lớn tiếng cười lớn, rồi móc ra một đồng tiền ném vào trong chiếc nồi và nói với Lưu Tử Nghi rằng: “Tôi xin dùng cái này để báo đáp công lao khó nhọc suốt cả một đêm của ông”. Nói xong, đạp tuyết mà đi, không còn nhìn thấy bóng dáng, cũng không thấy tung tích đâu nữa.

Ông ăn mày nói xong đạp tuyết mà đi, không còn nhìn thấy bóng dáng, cũng không thấy tung tích đâu nữa. Ảnh minh họa poemjoy.com

 

Lưu Tử Nghi nhìn vào chỉ thấy có một đồng tiền cổ chạm khắc trong đó, hệt như được đúc dưới đáy nồi vậy, dù có làm thế nào cũng không lấy ra được. Trong nồi, hơi nóng của thuốc bốc lên rất cao, cuối cùng kết thành mây thơm ngũ sắc, cả đêm lượn vòng không tan.

Từ đó về sau, thuốc cao của Lưu Tử Nghi càng thêm linh nghiệm, bất cứ ai nghe kể lại câu chuyện này đều cho rằng người ăn mày ấy chính là thần tiên, đến để thử lòng thiện tâm của Lưu Tử Nghi.

Người ta kể lại rằng Lưu Tử Nghi sống khỏe mạnh đến 80 tuổi mới lìa trần. Con cháu của ông những đời sau phần nhiều đều là người đọc sách, vẫn lấy việc cứu người giúp đời làm sự nghiệp. Bộ dụng cụ mà Lưu Tử Nghi dùng để pha chế thuốc cũng được con cháu cất giữ cẩn thận, xem đó như báu vật tổ truyền.

Mạnh Tử từng nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy võ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu”, ý là, sống trong cảnh giàu sang phú quý mà tâm trí không mê loạn, cuộc sống nghèo hèn mà tiết tháo không thay đổi, bị người dùng vũ lực mà không chịu khuất phục, đây mới đúng là bậc trượng phu. Lưu Tử Nghi tuy chỉ là một bình dân, nhưng tấm lòng quảng đại thật xứng là bậc đại trượng phu vậy. Tài năng tiểu thuật không thể làm nên bậc danh y chân chính, mà chỉ những ai sống cả đời trọn vẹn trong thiện lương, mới có thể vượt qua khảo nghiệm, xứng đáng được lưu danh đến ngàn đời.

Theo NTDTV
Thiện Sinh biên dịch