Nhạc Phi trở lại lều, vẻ mặt phiền muộn, giống như bản thân đã lỡ lời mà giậm chân. Ông tiếp tục thẩm vấn gián điệp, rồi cho rằng người này là “lương dân” mà phóng thích…

Từ khi bắt đầu tòng quân đến khi thu phục Kiến Khang, Nhạc Phi chinh chiến 8 năm, bản thân trải qua hơn 200 trận chiến lớn nhỏ, cuối cùng đã trở thành một vị tướng trẻ thống lĩnh đội quân tinh nhuệ. Sau khi quân Kim rút lui, quân Tống bỏ chạy lúc trước đã lưu lạc làm giặc cướp, tiếp tục tại Giang Tây, Lưỡng Hồ hoành hành làm loạn. Nhạc tướng quân chưa kịp phủi đi một thân bụi đường trường, kiên quyết lao vào cuộc chiến bình định thổ phỉ.

Ngày 10 tháng Giêng năm Thiệu Hưng thứ nhất (1131), Nhạc Phi nhận được chỉ dụ theo sứ bộ Giang Hoài là Trương Tuấn chinh phạt Lý Thành. Lý Thành, tên hiệu là Lý Thiên Vương, thừa dịp quân Kim tấn công xuống phía Nam đã chiếm lấy khu Giang Hoài. Sau khi Lý Thành chiếm giữ Giang Châu, liên binh hơn 10 vạn, có ý định chiếm toàn bộ Giang Nam. Triều đình xem hắn như mối họa trong lòng, Trương Tuấn tự liệu không thể chế khắc được quân địch, liền thỉnh mời người mưu dũng có một không hai là tam quân Nhạc Phi tới đắc lực trợ giúp. 

Bình định Lý Thành, kỳ mưu tính toán tài tình

Tháng 2, Nhạc Phi hỏa tốc tấn công, theo Trương Tuấn tiến vào chiếm giữ Hồng Châu. Tiếp theo là ứng chiến với tên cường đạo khét tiếng tên là Mã Tiến, kẻ đứng đầu 10 vạn quân liên kết bảo vệ sơn trại, cùng quân Tống giằng co, sĩ khí bức người. Đối mặt với đại địch, Trương Tuấn dựng lều nghị sự, các tướng lĩnh tới tấp đề nghị, đem quân tấn công từ hai phía. Nói đến biện pháp hành quân tác chiến cụ thể, lại do Nhạc Phi đưa ra, căn cứ vào đặc điểm “tham mà không lo sau” của Mã Tiến, Nhạc Phi đề nghị dùng quân đội đánh úp giành chiến thắng bất ngờ. 

Kế hoạch của ông là đưa 3 ngàn kỵ binh vượt sông từ phía thượng nguồn, tiến đánh bất ngờ. Mà Nhạc Phi cùng Nhạc Gia quân nguyện làm đội ngũ tiên phong lấy ít thắng nhiều. Sau khi vượt sông, Nhạc Phi dẫn đầu quân xông pha chiến đấu anh dũng, tấn công mạnh vào sườn phải doanh trại của Mã Tiến, một đội quân Tống khác tấn công hỗ trợ, quả nhiên Mã Tiến bị đánh bại và 5 vạn quân phản loạn đã bị bắt. Mã Tiến dẫn đầu tàn quân hốt hoảng chạy thục mạng, lại bị Nhạc Gia quân truy đuổi gắt gao.

Mã Tiến chạy đến một cây cầu đất và muốn vượt sông để thoát thân, tuy nhiên cầu đất bất ngờ sập xuống và không còn đường thoát nên phải dẫn năm ngàn quân phản công. Nhạc Phi một lần nữa thể hiện tài cưỡi ngựa và bắn cung siêu phàm, chỉ một mũi tên đã bắn hạ quân tiên phong của địch, sau đó các binh sĩ Nhạc Gia quân anh dũng giết địch, khiến cho đội quân phản loạn tan rã, còn Mã Tiến trốn vào Quân Châu. Ngày hôm sau, Mã Tiến quyết định đánh một trận với khí thế được ăn cả ngã về không, hắn dùng toàn bộ binh lực trong tay chuẩn bị quyết chiến với quân Tống. Nhạc Phi đã tính trước được điều này, ông dẫn vẻn vẹn 200 binh lính, giơ cao ngọn cờ chữ “Nhạc” đến bên ngoài nghênh chiến. 

Đội quân thổ phỉ nhìn thấy cảnh tượng này liền cho rằng lực lượng quân của Nhạc Phi mỏng yếu, vội vàng phát động tấn công, hai bên giao chiến không lâu thì xuất hiện lượng lớn quân Tống tấn công tứ phía. Binh lực hai bên đột ngột xoay chuyển, quân đội của Mã Tiến quá sợ hãi đến mức mất cả ý chí chiến đấu, 8 ngàn quân tự nguyện quy hàng. Mã Tiến một mạch chạy tán loạn, nhiều lần ngã xuống, thống hận đau đớn vì mất 5 ngàn binh lực, lại không có lực phản kháng, xung quanh chỉ còn hơn 10 người. 

Thủ lĩnh của đạo tặc là Lý Thành nghe tin liền dẫn 10 vạn đại binh giao chiến với quân Tống, bị Trương Tuấn đánh bại. Nhạc Phi thừa thắng xông lên, bày binh bố trận ở Vũ Ninh, Giang Tây, cách đó 30 dặm, chuẩn bị tiêu diệt hàng vạn quân cướp cuối cùng bên bờ sông Tu Thủy. Lúc cuộc đại chiến diễn ra, như được Thần trợ giúp, nước trên sông Tu Thủy dâng cao đã cản đường vượt sông của Lý Thành. Nhạc Gia quân gặp được thiên thời địa lợi, quân địch không đánh mà tự vỡ trận. Theo như tư liệu lịch sử ghi chép: “Không đánh một dùi, không cần một binh, mà cứu được một thành trì khỏi đổ vỡ”. 

Thu hàng Trương Dụng, lá thư thắng ngàn quân

Cuộc chinh phạt tiếp theo là Trương Dụng, người có 5 vạn quân trong tay. Trương Dụng là người cùng quê với Nhạc Phi, nổi tiếng là người dũng cảm và được mệnh danh là “Trương mãng đãng”. Vợ của ông có tên hiệu là “Nhất Trượng Thanh”, cũng là một thủ lĩnh võ nghệ phi phàm. Khi Tông Trạch còn ở Khai Phong, họ vẫn ra sức phục vị đất nước, sau khi Đỗ Sung tiếp quản, họ liền vào rừng làm cướp làm giặc. Trước khi xuất chinh, một lần nữa Trương Tuấn lại xin Nhạc Phi giúp đỡ: “Không phải Nhạc Phi thì không thể khắc chế địch”. Sau đó Trương Tuấn lại hỏi: “Ngươi cần bao nhiêu binh lực?” Nhạc Phi trả lời chắc như đinh đóng cột: “Ta đi một mình, tặc này tôi có thể tay không mà bắt!”

Vì để đảm bảo an toàn, Trương Tuấn vẫn phái 3 ngàn binh lính giúp đỡ Nhạc Phi. Lần này, Nhạc Phi không tấn công mạnh bằng vũ lực, mà phái người đưa cho Trương Dụng một phong thư viết tay. Trong thư viết rằng, Nhạc Phi niệm tình Trương Dụng là đồng hương nên muốn trước hết là khuyên hàng, cảnh báo, không muốn giao chiến, quy hàng có thể được quốc gia trọng dụng, cùng hưởng công danh và vinh hoa phú quý. Nếu không thì chính là binh bại, bị bắt, thậm chí có thể trúng tên mà chết. 

Từng chữ từng lời của Nhạc Phi đều cho thấy rất có khí phách, rất biết cách dùng tình cảm và lý lẽ để thuyết phục đối phương. Trước kia, trong chiến tranh, Trương Dụng từng là tướng bại trận dưới tay Nhạc Phi. Khi nhìn thấy phong thư này, làm sao ông còn dũng khí tác chiến nữa? Trương Dụng cùng vợ đã lập tức hạ bái sứ giả đưa thư: “Nhạc công giống như phụ thân của ta, sao dám không đầu hàng?” Nhạc Phi không tốn một quân đã có thể thu hàng mấy vạn binh sĩ. 

Nhìn thấy những kỳ công này, Trương Tuấn cảm thán nói với thuộc hạ: “Tài mưu lược của Nhạc Công, chúng ta đều không ai sánh kịp”

Bình định Tào Thành, thu hoạch được mãnh tướng

Vào năm Thiệu Hưng thứ hai (1132), Lưỡng Hồ trở thành nơi mà bọn giặc cướp Du Khấu quấy nhiễu, trở thành mối lo mới của triều đình. Bởi vì lập nhiều chiến công, lần này Nhạc Phi được phong làm chủ soái xuất chinh. Cái gọi là bắt giặc trước tiên cần bắt tướng, Tào Thành là cầm đầu nhóm Du Khấu, trong tay giữ 10 vạn binh phỉ, thế lực lớn nhất. Giặc cướp mà Nhạc Phi muốn bình định đầu tiên là Tào Thành. Biết được tin Nhạc Gia quân tới, Tào Thành không dám khinh thường, tự mình chỉ huy quân tác chiến, hơn nữa còn phái người lẻn vào doanh trại Nhạc Gia quân để dò xét tình hình. 

Không ai trong số người được Tào Thành phái đi có thể qua mắt được sự cảnh giác của Nhạc Gia quân, do vậy gián điệp rất nhanh bị trói lại và dẫn đến trước mặt Nhạc Phi để thẩm vấn. Nhạc Phi lại tương kế tựu kế, trước mặt gián điệp diễn một trò hay. Trong lúc đang thẩm vấn, Nhạc Phi liền đột nhiên nghĩ đến việc gì đó rồi đi ra khỏi lều trại, hỏi thăm quân sĩ tình hình lương thảo. Gặp được tình huống Nhạc Phi bàn bạc việc quân bên ngoài lều, gián điệp trong lều tự nhiên vểnh tai lên để nghe ngóng. 

Chỉ thấy quân sĩ lo lắng nói: “Lương thực đã gần hết, vẫn chưa có tiếp tế, vậy xử lý thế nào?” Nhạc Phi cũng nói: “Nhanh thúc giục, nếu không chúng ta chỉ có thể rút quân”. Giống như “để lộ” tin tức, thanh âm bỗng im bặt. Nhạc Phi trở lại lều, vẻ mặt phiền muộn, giống như bản thân đã lỡ lời mà giậm chân. Ông tiếp tục thẩm vấn gián điệp, rồi cho rằng người này là “lương dân” mà phóng thích. Tên gián điệp vội vàng mang theo tin tức nghe được khẩn cấp báo cáo. Sau khi nghe xong, Tào Thành vô cùng vui mừng, chuẩn bị ngày hôm sau sẽ xuất quân. 

Không ngờ, Nhạc Phi đã chuẩn bị tiệc tối thịnh soạn khao thưởng đại quân, nửa đêm lặng lẽ xuất quân tới gần doanh trại địch. Tảng sáng ngày hôm sau, Nhạc Gia quân đột nhiên xuất hiện và phát động cuộc tấn công ác liệt. Đạo tặc không kịp chuẩn bị, toàn quân bị tiêu diệt. Tào Thành chạy trốn, sau đó lại tụ tập mấy vạn binh tặc, trấn thủ ở quan ải Tam Xử Quế Lĩnh. Nhạc Phi không theo binh pháp, không bày trận thế, mà lệnh 8 ngàn binh sĩ anh dũng xuất kích hướng về quan ải. Nhất thời tiếng trống trận lôi động, tiếng ‘sát’ rung trời. Quân cường đạo bị sự dũng mãnh của Nhạc Gia quân chấn nhiếp mà tan tác như ong vỡ tổ. Trận chiến này kết thúc, Tào thành binh bại, đầu hàng Hàn Thế Trung. 

Trong cuộc chiến bình định Tào Thành, Nhạc Gia quân cũng gặp phải sự chống trả hiếm thấy. Dương Tái Hưng, đại tướng quân của Tào Thành, trong chiến trận đã thực hiện cuộc phản công mãnh liệt khiến Nhạc Phi phải đau buồn vì mất đi em trai Nhạc Phiên và một vị tướng quân. Sau khi Tào Thành đầu hàng, Dương Tái Hưng vẫn dựa vào nơi địa thế hiểm yếu mà chống trả. Tuy nhiên, cuối cùng đã bị ái tướng của Nhạc Phi là Trương Hiến đánh bại. Lúc đó Dương Tái Hưng lẩn trốn trong khe suối, Trương Hiến muốn giết để báo thù, nhưng hắn lại cam nguyện chịu trói và thỉnh cầu một đường sống: “Ta là hảo hán, nên dẫn ta đến gặp Nhạc công”. 

Nhìn thấy kẻ thù, Nhạc Phi chẳng những không trả thù mà còn cảm thấy thán phục trước thân thủ phi phàm của Dương Tái Hưng. Vì đại nghĩa quốc gia, Nhạc Phi quyết buông xuống thù nhà, vì hắn mà cởi trói, cũng khuyên bảo: “Ta không thể giết ngươi, ngươi nên dùng sự trung nghĩa mà phục vụ đất nước”. Ý chí và tinh thần của Nhạc Phi đã khiến Dương Tái Hưng cảm động, lập tức nhận lời. Từ đó về sau, Nhạc Gia quân lại có thêm một mãnh tướng anh dũng thiện chiến. 

Không đầy hai năm, Nhạc Phi đã dẫn quân đánh Đông dẹp Bắc, vó ngựa không dừng, bình định cường đạo khắp nơi, uy thế và sức mạnh của ông có thể sánh ngang với các bậc lão tướng thời bấy giờ. Nhưng đây không phải là chí hướng của Nhạc Phi, đó chỉ là bước đệm cho ông hướng về vùng phía Bắc của Trung Nguyên, khắc chế quân Kim và nghênh đón Nhị đế. Chí hướng của Nhạc Phi là bình định thiên hạ. Từng có người hỏi ông, đến khi nào thì thiên hạ có thể thái bình?  Đó là muốn hỏi Nhạc Phi, khi nào mới chấm dứt cuộc sống sinh hoạt đánh Đông dẹp Bắc. Nhạc Phi nói: “Văn thần không yêu tiền, võ thần không tiếc chết, thiên hạ thái bình vậy”. 

(Còn tiếp…)

Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch