Người xưa nói, loạn thế lo lắng việc binh đao, thịnh thế quan tâm đến trị thủy. Hoàng Hà thanh, Thánh nhân xuất, Hoàng Hà yên tĩnh, thiên hạ thái bình, là lý tưởng mà các bậc đế vương trong lịch sử an bang trị quốc hướng tới. Sau khi dẹp xong việc Cát Nhĩ Đan làm loạn, vương triều Đại Thanh hiện ra cục diện thái bình yên ổn. Hoàng đế Khang Hy đem tinh lực trị quốc chủ yếu đặt vào việc quản lý sông nước.
- Xem trọn bộ Hoàng đế Khang Hy
Từ năm Hoàng đế Khang Hy thứ 38 (1689), việc cai quản sông Hoàng Hà đã bước vào giai đoạn từ chuyên gia trì sông đến đích thân hoàng đế xử lý vấn đề liên quan đế công trình trị thủy. Cũng vì việc trì sông mà hoàng đế Khang Hy đã thực hiện hành động vĩ đại là 4 lần đi tuần phương Nam.
Vào thời điểm này, Hoàng đế Khang Hy đã có quan điểm mới về việc quản lý sông ngòi, ông cho rằng thống trị thượng nguồn sông là việc quan trọng nhất, “Thượng lưu được quản lý tốt thì dòng hạ lưu sẽ tự trị”. Mà vừa hay thượng nguồn mới là mấu chốt giải quyết tình trạng Hoàng Hà chảy ngược. Mức nước ở hồ Hồng Trạch thấp, sông Hoài yếu thế, không thể chống đỡ thế nước của sông Hoàng Hà, chỉ có thể để dòng nước cùng đổ vào kênh đào, giúp giảm bớt lũ lụt cho vùng hạ lưu. Vì thế, lý niệm thống trị của hoàng đế Khang Hy là: “Để 3 phần nước sông Hoài nhập vào kênh đào, 7 phần nhập vào Hoàng Hà, như vậy thì kênh đào mới vận hành được yên ổn”.
Đích thân quản lý công trình trị thủy
Hoàng đế Khang Hy nói: “Hiện tại, cửa nước ở 6 đập đã bị đóng khiến cho mực nước ở hồ Hồng Trạch tăng cao, thế nước sông Hoài và Hoàng Hà gần ngang nhau, thế nhưng kênh đào không tiềm ẩn tai họa nước chảy ngược, đây là lý do khiến công trình trị thủy này hoàn thành”.
Năm thứ 38, Hoàng đế Khang Hy thực hiện chuyến công du phương Nam lần thứ ba, tập trung khảo sát các công trình ven sông, đồng thời đưa ra bốn biện pháp cụ thể: Một là khơi thông nắn dòng cho đường sông Hoàng Hà thẳng, tăng khả năng xông cát, khiến mức nước thấp xuống. Hai là di chuyển Thanh Khẩu về phía đông, bởi vì nơi đây là điểm giao nhau giữa Hoàng Hà và sông Hoài, cần phòng ngừa nước sông Hoàng Hà chảy ngược nhập vào sông Hoài. Ba là dỡ bỏ đập lớn ngăn dòng chảy của Hoàng Hà, thúc đẩy cho dòng nước chảy xiết quét cát ra biển. Bốn là thông qua sông Mang Đạo và Nhân Tử dẫn nước hạ nguồn sông Hoàng Hà nhập vào Trường Giang.
Trên đường trở về triều, Hoàng đế Khang Hy đích thân leo lên bờ Nam sông Hoàng Hà ở vị trí gần Thanh Khẩu, đóng một chiếc cọc gỗ vào vị trí này và ra lệnh xây một con đập thoát nước về phía Đông để ngăn dòng chảy ngược. Đập này còn được gọi là “Ngự Bá”.
Về vấn đề thay đổi Thanh Khẩu, Hoàng đế Khang Hy càng có những kiến giải độc đáo hơn, phát huy tác dụng không thể thay thế. Ông cho rằng bậc tiền nhân vẽ tấm bản đồ sông ngòi là nhìn trên mặt phẳng, cho nên không thấy được địa thế và mực nước cao thấp. Thế là ông vận dụng tri thức hình học phương Tây, chế tác một mô hình lập thể về sự thay đổi của Thanh Khẩu. Như vậy, vừa xem đã hiểu ngay được hướng đi của dòng sông cùng thế nước, việc này có trợ giúp và chế định rất thiết thực cho quá trình lập kế hoạch quản lý sông.
Tổng sông Vu Thành Long bị bệnh nặng nên không thể thực hiện được các biện pháp mà Khang Hy đế định ra. Sau khi ông ốm và qua đời, Trương Bằng Cách trở thành người kế nhiệm và là trợ thủ đắc lực nhất của Khang Hy. Hoàng đế Khang Hy cũng nhiều lần nhắc nhở Trương Bằng Cách về việc quản lý sông hôm nay khác với người xưa, tình huống nước sông đã phát sinh biến hóa rất lớn, vì vậy nhất định phải tự thể nghiệm, khảo sát kỹ lưỡng mới có thể tìm ra phương án thống trị chính xác.
Trương Bằng Cách không phải là người tinh thông về thủy lợi, tuy nhiên ông lại rất vâng lời thuận ý theo lệnh của Khang Hy, làm tận trách nhiệm, dựa theo chỉ điểm của hoàng đế, dỡ bỏ đập ngăn sông, khơi sâu đường sông để nước nhập vào biển. Sau khi phát sinh trận lũ lớn nữa ở trên sông Hoàng Hà, thời gian kéo dài hơn một tuần, Hoàng đế Khang Hy rất chú ý đến năng lực ngăn lũ của các công trình, Trương Bằng Cách cũng ngày đêm túc trực tại đê canh lũ không quản khó khăn, kiểm tra tình hình nguy hiểm ở các nơi.
Kết quả khiến mọi người vui mừng đó là mấy chỗ đê đập xuất hiện tình hình nguy hiểm nhỏ nhưng cũng không phát sinh sự kiện vỡ đê. Sau vài thập niên nỗ lực, các công trình trị thủy của quân thần Hoàng đế Khang Hy cuối cùng cũng chống đỡ được thử thách đại hồng thủy. Trí tuệ của Khang Hy cùng lực hành động của Trương Bằng Cách đã viết nên huyền thoại mới về quản lý sông ngòi trong lịch sử.
Đầu năm thứ 42 (1703), Hoàng đế Khang Hy tiến hành chuyến đi tuần phương Nam lần thứ 4 kéo dài 2 tháng để xem xét các công trình trị thủy sắp hoàn thành. Khang Hy đế cảm thấy rất hài lòng, ông đã đề tặng Trương Bằng Cách hai bài thơ để khen ngợi chiến công.
Bài thơ thứ nhất viết theo thể nhất thủ là “Hà Thần châm”:
Tự cổ thủy hoạn, duy hà vi đại.
Trì chi hữu phương, dân nãi vô hại.
Vũ sơ nhi cửu, bình thành du lại.
Hàng cập Hán Đường, quyết phục vị ngả.
Tiệm tỷ nhi nam, Tống Nguyên tư dật.
Kim hà tích hà, nghị bất khả nhất.
Tích chỉ hà phòng, kim kiêm tào pháp.
Ký nhị kỳ hoạn, phục tư kỳ lực.
Thẩn thử nhất phương, canh tạc thất chức.
Trạch quốc ba thần, đỗng quan dĩ cực.
Kiên tư cự nhâm, hạt dung đãi dật.
Vô tỷ kim đê hội vu nghĩ huyệt, vô sử điền lư luân vi giao quật.
Vô đồ mi quốc nô nhi thế nan chung nhật.
Vô hư động bổn trúc nhi công tiên hạch thực.
Vụ đồ tiên sự tẫn lợi đạo sách, mạc hối hậu thì sức bổ tư thuật.
Vật tức tư nhi bối công, vật từ lao nhi tựu dật.
Duy khiết thanh nhi tự trì, kiêm tập tư nhi nghiễm ích.
Tắc hoạn vô bất trừ, tích khả quang sách.
Kỳ ngã hà thần, kính tai dĩ úc
Diễn nghĩa:
“Từ xưa lũ lụt, nguyên nhân lớn là do sông.
Quản lý có phương pháp, dân chúng sẽ vô hại.
Vũ khai thông chín khúc, bình thành du lại.
Tiếp đến Hán Đường, quyết phục không dừng.
Dần dần di chuyển về Nam, Tống Nguyên phát sinh tràn.
Nay nhìn lại sông xưa, đề xuất không giống nữa.
Xưa kia dừng ở phòng lũ, nay kiêm thêm vận chuyển đường sông.
Đã dẹp yên họa định kỳ, khôi phục được năng lực tự nhiên.
Cũng một phương này, canh đục thất trách.
Bưng biền nổi sóng, cô đơn đau đớn quá cực.
Đảm nhiệm gánh vác quá lớn, sao cho phép lười biếng an dật.
Chớ để đê vàng sụp bởi tổ kiến, khiến ruộng đồng biến thành đầm hồ cho giao long ẩn nấp.
Chớ làm kẻ tiêu hoang tiền công quỹ mà đưa bản thân vào thế khó.
Chờ vì động nia thóc không mà sự nghiệp tươi đẹp chịu thẩm tra.
Cốt phải đầu tiên là cần làm theo đạo, về sau mới không phải hối hận bù đắp.
Chớ vì tư tâm mà gánh vác việc công, chớ sợ vất vả mà tiến đến an dật.
Duy chỉ có thanh liêm mà tự kiềm chế, phổ biến lợi ích tới mọi người.
Không có phép tắc thì mọi thứ chẳng còn, chỉ có công lao mới được tuyên dương sử sách.
Bày tỏ với sông thần của ta, kính trọng quá mà lấy làm cảm kích”.
Bài thơ nhất thủ thứ 2 là “Lãm Hoài Hoàng Thành”:
Ân khúc cửu hĩ lý hoài hoàng, kỷ độ phong trần thụ trì phương.
Cửu khúc tố xưng thiên hạ hiểm, tứ lai thực vi triệu dân thương.
Sử thanh dẫn trọc tu cần thận, phân thế khai lưu tại bất hoang.
Tuy tấu an lan khoan cán thực, giới tiền thiện hậu điện kim thang
Diễn nghĩa:
“Khúc ân tình lâu dài trong Hoài Hoàng, mấy độ phong trần tiếp thụ phương pháp tu trì.
Chín đoạn được xưng thiên hạ hiểm, bốn lần vi hành thực tế triệu dân thương.
Tu trì chăm chỉ cẩn thận lấy thanh bỏ đục, chia thế nước khai mở dòng không còn vàng nữa.
Mặc dù tấu trời yên biển lặng có thể dùng cơm tối, vẫn vững chắc giới trước thiện sau điện thờ”.
Hoàng đế Khang Hy cũng đặc biệt ngự ban cho Trương Bằng Cách tấm biển “Đạm bạc ninh tĩnh”. Lần thứ 4 đi tuần phương Nam đúng vào thời điểm mừng đại thọ 50 tuổi của Hoàng đế Khang Hy, lúc này tứ hải điện an, đời sống người dân ấm no vui vẻ, lại thêm công trình trị thủy đã hoàn thành, tâm tình của Hoàng đế vô cùng vui mừng. Thế là ông đã triệu cáo và thi ân thiên hạ, giúp cho từ triều đình đến dân chúng cùng nhau ăn mừng sự phồn vinh và tươi đẹp thời thịnh thế.
Quản lý sông ngòi lúc tuổi già
Theo như ghi chép trong cuốn ‘Khang Hy hướng thực lục’, dân chúng Giang Nam từng nói rằng: “Hoàng đế thương dân chúng gặp phải lũ lụt, nhiều lần đích thân tới bờ sông để chỉ dẫn phương hướng quản lý sông Hoàng Hoài. Nhờ vậy mà các công trình trị thủy này mới có thể thành công, mới không lo bị vỡ và ngập lụt”.
Hai năm sau, các công trình trị thủy tiến vào giai đoạn cuối cùng, hơn 50 tuổi, Hoàng đế Khang Hy đã thực hiện đi tuần phương Nam lần thứ 5, tận mắt nhìn sự thay đổi của cửa Nam sông Trung Hà và toàn bộ hạng mục công việc sau khi công trình hoàn thiện. Trên đường đi, bác học Hoàng đế Khang Hy đã viết 3 bài thơ ‘Xuân nhật điền gian’, ‘Nam tuần từ’, ‘Hoàng thuyền ký’, cùng các bài thơ khác. Trong chuyến đi này, dân chúng già trẻ đều quỳ xuống nghênh đón, reo hò ầm ầm, mỗi người trong dòng người đều không ngớt lời cảm ơn, cảnh tượng vô cùng ngoạn mục.
Khi đoàn người đến Giang Nam, các quan lại và binh lính cùng dân chúng địa phương đều cung nghinh thánh giá, nói rằng Hoàng đế Khang Hy lo lắng dân chúng chịu lũ lụt, đã thực hiện nhiều chuyến thăm hỏi dân tình để nghiên cứu phương án thống trị sông, tinh thần lo nghĩ cho dân quả đúng là “từ xưa đến nay chưa hề có”. Hoàng đế Khang Hy không chỉ vui mừng mà còn nghĩ đến việc mọi người bận rộn với việc vui xuân sẽ không khỏi chậm trễ việc đồng áng cho nên đã hạ lệnh cho quan địa phương bỏ đi lễ khấu tạ của dân chúng.
Lúc chứng kiến kè đá ở Cao Gia Yển chưa hoàn thành, Hoàng đế Khang Hy liền lập tức mời Trương Bằng Cách tới thăm hỏi. Trương Bằng Cách đối với “Thảo Bá” rất có lòng tin nhưng với công trình kè đá lại không mấy để tâm. Hoàng đế Khang Hy nói rằng, trải qua hai ba năm thì cây cỏ cũng mục nát, khó địch nổi hồng thủy, cho nên phải “ngày đêm cẩn thận phòng hộ”. Hoàng đế Khang Hy tiếp tục nghiêm khắc dặn dò: “Các khanh chỉ thấy nước chảy ra ở Thanh Khẩu liền cho rằng việc lớn đã hoàn thành, không suy nghĩ đến việc phòng hộ. Nếu như ở Cao Gia Yển, nước sông tràn lan thì nhất định sẽ xuất hiện Hoàng Hà chảy ngược một lần nữa. Cho nên Cao Gia Yển là địa điểm rất quan trọng, nhất định phải thực hiện phòng hộ cẩn thận, không được lơ là sơ suất”.
Sau đó, Hoàng đế Khang Hy đến vùng phụ cận của chùa Huệ Tể, đích thân xem xét khu vực đê xung quanh. Cách đây 5, 6 năm, nước sông Hoàng Hà vẫn chảy rất mãnh liệt, mức nước gần như ngang với bờ đê. Hôm nay trải qua tu trì, nước sông không chỉ trong mà còn chảy thông suốt, chống đỡ thế nước Hoàng Hà. Nước sông cuồn cuộn chảy xuôi, bờ sông cao hơn mặt nước tới hơn 1 trượng (3,3 mét). Quân thần hoàng đế Khang Hy trị thủy mấy chục năm, đến hiện tại đã thấy được kết quả rõ rệt.
Thế là Hoàng đế Khang Hy ngồi ngay trên mặt đê, cùng chúng thần ôn lại kinh nghiệm trị thủy, trong lòng cảm thấy mãn nguyện nói: “Xem tình thế này, công trình trị thủy của trẫm đã hoàn thành. Nội tâm của trẫm rất vui!” Ông còn làm bài thơ: ‘Dương Gia Trang tân khai Trung Hà đắc thuận phong quan dân cư mạn vịnh nhị thủ’:
“Xuân vũ sơ khai lộng liễu ti, ngư chu xướng vãn thốn âm di.
Miếu đường thì chú hoài hoàng sự, kim nhật an lan thiên hạ tri”.
Diễn nghĩa:
“Mưa đầu xuân khiến cành liễu thêm mảnh, tiếng hát của ngư thuyền còn vang vẳng lan xa trong đêm tối.
Triều đình thời tập trung vào sự việc Hoàng Hoài, hôm nay êm đềm thiên hạ biết”.
Bài thơ này nói lên tâm trạng vui sướng của Hoàng đế Khang Hy.
Hai năm sau, vào năm Khang Hy thứ 46 (1707), vì để bảo hộ Cao Gia Yển, quan đại thần phụ trách quản lý sông ngòi đã tranh luận không ngớt về việc mở một nhánh sông đào khác gần hồ Hồng Trạch, họ thỉnh mời Hoàng đế Khang Hy đích thân tới khảo sát. Lúc đó, Hoàng đế Khang Hy đã hơn 50 tuổi, các quan viên không muốn làm phiền đến hoàng đế, tuy nhiên mọi quyết sách của công trình trị thủy đều dựa vào hoàng đế Khang Hy. Do vậy họ đã thỉnh cầu lần nữa, cuối cùng Hoàng đế Khang Hy đã tiến hành đi tuần phương Nam lần thứ 6.
Tại Thanh Khẩu, Hoàng đế Khang Hy đến hiện trường nhìn bao quát một lượt, ông phát hiện thấy địa thế đất ở đây rất cao, cho dù có khai mở thêm sông thì cũng không thể dẫn nước sông vào Thanh Khẩu được. Hơn nữa đường sông mới này lại chảy qua khu lăng mộ, phạm vào đời sống người dân. Vì thế hoàng đế Khang Hy đã cho đình chỉ việc xây dựng. Ông nói rằng: “Đoạn sông này không thể mở được”, hơn nữa còn nghiêm khắc trách cứ Trương Bằng Cách cùng các quan đại thần khác.
Đồng thời, Hoàng đế Khang Hy cũng đưa ra một phương pháp sửa chữa: “Thay vì đào thêm con sông này, hãy khoét sâu và mở rộng cửa hồ Hồng Trạch, như vậy nước sẽ thuận lợi chảy xuôi”. Ông còn đưa ra những đề nghị cụ thể khác đối với công trình này, sau đó mới trở lại kinh thành. Trong hơn mười năm sau đó, sông Hoàng, Hoài và sông đào đều chảy xuôi một cách bình ổn, cho dù gặp nạn hồng thủy bộc phát, dưới sự trông coi phòng hộ của quan viên cai quản sông, đê đập các nơi cũng chống đỡ được thử thách lũ lụt, đảm bảo cơ nghiệp quốc gia.
Vào năm Khang Hy thứ 60 (1721), Hoàng đế Khang Hy vẫn như ngày đầu, rất quan tâm đến việc quản lý sông nước. Ông nói với các quan đại thần: “Hoàng Hà nên được quan tâm nhiều nhất, thời kỳ Nguyên Minh, đê sông Hoàng Hà thường xuyên vỡ, không giống như hôm nay, chảy êm đềm suốt hơn 20 năm. Tuy rằng các công trình đã hoàn thành nhưng “mong muốn sửa sang và ngừng tu bổ cũng tương đương với an toàn và không an ổn”. Cho nên các khanh cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, không thể lơ là sơ suất”.
Hồn Hà Vĩnh Định
“Quan lại không thanh liêm sẽ hại đến dân chúng, nước sông không trong thì dân chúng không được lợi, những thứ vẩn đục khác trên đời này cũng là như vậy” – Hoàng đế Khang Hy nói.
Ngoài việc quản lý sông Hoàng Hoài và kênh đào, Hoàng đế Khang Hy cũng rất coi trọng việc thống trị các con sông khác. Trong số đó, việc quản lý sông Vĩnh Định có thể được coi là một kiệt tác khác trong sự nghiệp trị thủy của ông.
Sông Vĩnh Định còn có tên gọi khác là sông Vô Định. Con sông này bắt nguồn từ dãy Thái Hằng sơn, chảy qua Nội Mông Cổ, Sơn Tây, Hà Bắc, Bắc Kinh cùng nhiều địa danh khác. Vào thời nhà Minh, sông Vĩnh Định còn được gọi là “Hồn Hà”. Thượng du của nó là sông Tang Kiền, đoạn chảy qua Bắc Kinh còn được gọi là sông Lô Câu, dòng nước chảy xiết cũng mang theo lượng lớn bùn cát khiến lòng sông trầm tích nghiêm trọng, làm cho tuyến đường nước chảy ở khu vực hạ du thường xuyên thay đổi. Vì vậy mà con sông mới có cái tên “Vô Định hà” và “Tiểu Hoàng Hà”.
Nhánh sông này cùng với nước sông của Phủ Nam Bảo Định hội tụ tại một chỗ, khiến cho mực nước thường xuyên tăng vọt gây nên lũ lụt, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đường thủy ở kinh thành mà còn mang đến tai nạn cho các châu huyện dọc theo duyên hà. Năm Khang Hy thứ 37 (1698), hoàng đế Khang Hy hạ chỉ cho các quan viên đến điều tra tình hình thực tế để đưa ra các biện pháp tu bổ, bắt đầu kế hoạch thống trị Hồn Hà.
Cùng năm đó, Vu Thành Long nhận lệnh xây dựng một bờ đê sông dài 180 dặm, nạo vét dòng sông dài 145 dặm, và hoàn thành tuyến đường sông Hồn nhập biển. Hoàng đế Khang Hy đã đích thân đặt tên cho Hồn Hà là “sông Vĩnh Định”, đồng thời còn xây miếu lập bia để thờ phụng. Hai chữ “Vĩnh Định” đã thể hiện rõ chí khí của Khang Hy trong việc trị thủy.
Vào năm thứ 38, Hoàng đế Khang Hy đích thân thị sát bờ đê sông Vĩnh Định, mãi cho đến phía Nam cầu Lô Câu. Ông chỉ điểm cho Tổng sông Vương Tân Mệnh: “Thượng nguồn sông Vô Định, dòng nước chảy xiết, như vậy mức nước tăng cao, bờ đê không trụ được sẽ dễ dàng vỡ”. Đồng thời ông cũng vạch ra sách lược: Nạo vét lòng sông cũng có thể kiềm chế dòng chảy xiết, tăng độ xông cát, như vậy nước sông sẽ chảy êm đềm, không lo lắng lũ lụt. Hoàng đế Khang Hy cũng ân cần khuyên bảo, nhất định phải quan tâm tu bổ hai bên bờ đê sông để phòng lũ, cẩn thận xem xét từng vấn đề một.
Ngay sau đó, Hoàng đế Khang Hy đã kiểm tra một số công việc khác, ví như trên đê tại thôn Quách Gia Vụ, ông tự mình dùng các dụng cụ trắc nghiệm để phân tích tính khả thi của kế hoạch tu trì. Ông dựa vào tính thực tế cụ thể, giống như phải đi đến từng vị trí trên bờ sông Vĩnh Định mà lập kế hoạch cụ thể theo tình hình thực tế.
Sau đó, Hoàng đế Khang Hy tiếp tục theo dõi tiến độ của công trình tu bổ sông Vĩnh Định, nhiều lần đến tận hiện trường xem xét. Đến năm 39, đại bộ phận công việc xây dựng đã hoàn tất. Hai năm sau (năm 1702), Hoàng đế Khang Hy thấy phương pháp cai quản sông Vĩnh Định đã thành công, bèn nương theo biện pháp này mà lập kế hoạch thống trị Hoàng Hà. Cho đến năm thứ 55 (1716), bờ đê sông Vĩnh Định vẫn được kè chắc chắn, dòng sông ổn định, nhà cửa ven sông cũng được xây cao đẹp, ruộng lúa khắp nơi, dân chúng an cư lạc nghiệp, nơi đây thực sự đạt được sự yên ổn vĩnh viễn.
Suốt đời Hoàng đế Khang Hy quan tâm đến các vấn đề sông nước. Ông coi việc trị thủy là đại sự trọng yếu của quốc gia. Ông không chỉ là bậc minh quân một đời mà còn là một chuyên gia trị thủy. Quan viên quản lý sông đều tự tay ông tuyển chọn và đề bạt, với tiêu chí có tài sẽ được sử dụng. Việc nghiệm thu công trình, ông tự mình đích thân 6 lần đi tuần phương Nam sông Dương Tử để tìm hiểu và kiểm tra. Phương hướng và sách lược xây dựng, ông đích thân chỉ ra và hướng dẫn mọi người một cách cẩn thận chu đáo. Đặc biệt trong quá trình đi tuần phương Nam, ông đích thân trèo lên bờ đê, vượt đường xa một lòng vì dân không biết mệt.
Hoàng đế Khang Hy 40 năm thức khuya dậy sớm vẫn không quên ước nguyện ban đầu, vì trị thủy mà trả giá bằng rất nhiều tâm huyết, cuối cùng ông đã khai sáng được cảnh tượng thiên hạ thái bình thịnh thế. Hoàng đế Khang Hy cũng trở thành một bậc quân vương khác sau Đại Vũ, người nổi tiếng với thành tích trị thủy trong lịch sử.
- Xem trọn bộ Thiên cổ anh hùng
Tác giả: Tiểu tổ văn hóa – Epoch Times
San San biên dịch