60 năm trôi qua tựa như một cái chớp mắt. Dù là bất cứ ai, thì nhìn lại hơn 60 năm đời người sẽ thấy chúng ta đã mất đi những báu vật vô cùng trân quý. Rất nhiều điều trong số đó được thể hiện qua chữ Hán giản thể ngày nay.

1.  Chữ “Quốc” (quốc gia)
Chính thể 國 – giản thể 国

Chữ “Quốc” vốn có quân sự quốc phòng và con người, đất đai. Nhưng hiện nay chỉ còn sót lại tiền bạc và quyền lực (Ảnh: NTDTV)

60 năm trước, chữ “Quốc” chính thể 國 gồm các bộ “Nhất” (一), “Khẩu” (口), “Qua” (戈 – vũ khí). Mỗi người dân vác trên vai một khẩu súng, họ tự nguyện bảo vệ mảnh đất thân yêu của mình. Dĩ nhiên là mảnh đất này đối với họ rất thần thánh, chứa chan tình cảm. Mảnh đất này chắc chắn là nơi tạo phúc cho cuộc sống của họ và con cháu đời sau mà tổ tiên đời đời đã truyền lại.

Họ vác súng để làm gì? Phải chăng là để giải phóng toàn nhân loại? Không phải vậy. Họ chỉ bảo vệ mảnh đất quê cha đất tổ thiêng liêng nơi mình sinh tồn, giữ gìn cho con cháu, chứ không phải đi xâm lược bên ngoài, gây tổn hại cho các dân tộc khác.

60 năm sau, bên trong chữ “Quốc” giản thể 国 là chữ “Ngọc” (玉) tượng trưng cho của cải, quyền lợi và địa vị. Chữ “Ngọc” (玉) nhìn xa là chữ “Vương” (王). Vương là người đứng đầu một quốc gia, là cơ cấu của chính phủ hiện đại. Nhìn ở đây, thấy trên mảnh đất này chỉ có chính phủ mà không có nhân dân. Nếu như chữ “Quốc” ngày xưa là quân sự quốc phòng cùng với con người và đất đai, thì chữ “Quốc” hiện nay chỉ còn sót lại tiền bạc và quyền lực.

2. Chữ “Nghĩa”
Chính thể 義 – giản thể 义

Chữ “Nghĩa” vốn chỉ đạo đức và chính nghĩa. Ngày nay lại trở thành thứ vô nghĩa. (Ảnh: NTDTV)

60 năm trước, chữ “Nghĩa” chính thể gồm có bộ “Dương” (羊), nghĩa là con dê ở phía trên, biểu thị sự hy sinh. Phía dưới là chữ “Ngã” (我) gồm bộ “Thủ” (手 – tay) và chữ “Qua” (戈 – một loại vũ khí) nghĩa là tay nắm chặt vũ khí chiến đấu vì đạo đức và chính nghĩa.

60 năm sau, chữ “Nghĩa” đã trở thành thứ gì? Chỉ là một nét gạch chéo và một dấu chấm vô nghĩa.

3. Chữ “Vi” (為) trong câu “Nhân bất vi kỷ, thiên chu địa diệt”

60 năm trước, chữ “Vi” (為) (đọc là “Wéi” – thanh 2), có nghĩa là “tu dưỡng”. Nên câu này có nghĩa là: “Con người không tu dưỡng bản thân, trời chu đất diệt”. Đây là lời dăn dạy, nhắn nhủ của người xưa làm người phải coi trọng việc tu tâm dưỡng tính, thiện đãi mọi người xung quanh.

60 năm sau, chữ “Vi” (為) (đọc là “Wèi” – thanh 4) có nghĩa là “vì”. Vậy nên nghĩa trong câu này lại bị bị tráo đổi thành: “Người không vì mình, trời chu đất diệt”. Vậy nên ngày nay con người không còn coi trọng việc tu tâm dưỡng tính, mà chỉ muốn giành giật những điều tốt đẹp cho bản thân mình. Vì điều đó thậm chí họ có thể làm hại tới người khác.

Chữ Hán xưa nay vẫn được luôn ẩn chứa trong mình những nội hàm vô cùng thâm sâu và là điềm báo chuẩn xác cho xã hội ngày nay. Tìm về với chữ Hán chính thể là tìm về với văn hóa Thần truyền, với cái nôi của nền văn minh phương Đông, với đạo lý làm người và sự hòa hợp giữa con người, tự nhiên, và vũ trụ. Chữ Hán giản thể cũng là lời cảnh báo để con người ngày nay sớm thức tỉnh và quy chính bản thân. Nhân tâm hướng thiện mới có thể có được một tương lai tốt đẹp.

4. Chữ “Thiên” (di rời)
Chính thể 遷 – giản thể 迁

Chữ Thiên vốn chỉ việc thu dọn, di rời đồ lớn, đồ nhỏ trong nhà ra bên ngoài. Bây giờ dường như chỉ cần chưa đến 1000 đồng thì nhà của mình đã bị chính phủ cho tháo dỡ rồi. (Ảnh: NTDTV)

60 năm trước, chữ “Thiên” chính thể 遷 gồm bộ “Dẫn” (廴- bước dài), chữ “Tây” (西), chữ “Đại” (大), chữ Tị (巳 – con rắn). Việc di rời nhà cửa vốn là một chuyện rất phiền phức và phải vận chuyển rất nhiều đồ đạc.

60 năm sau, chữ “Thiên” giản thể 迁 gồm bộ Dẫn (廴- bước dài), chữ Thiên (千 – nghìn). Muốn tháo dỡ nhà cửa để di rời thì chỉ cần chính phủ hạ lệnh và bồi thường với mức rẻ mạt: Chưa đến 1000 đồng bạc là xong. Nếu bạn không đi thì sao? Bạn hãy xem liệu trên chữ Thiên có chữ Nhân (人) hay không?

5. Chữ “Thú” (động vật)
Chính thể 獸 – giản thể 兽

“Thú” (động vật) trước kia chỉ những loài động vật giống như loài chó. Bây giờ “Thú” đã được Trung Cộng mở rộng phạm vi ra rộng hơn. (Ảnh: NTDTV)

60 năm trước, chữ “Thú” chính thể 獸 gồm bộ “Khẩu” (口- miệng), chữ “Điền” (田- ruộng), chữ “Nhất” (一), chữ “Khuyển” (犬 – con chó). Người xưa cho rằng động vật có vú giống như loài chó thì được gọi là Thú (động vật).

60 năm sau, chữ “Thú” giản thể 兽 không nhất định giống chó, số lượng còn có thể nhiều hơn.

6. Chữ “Nhàn” (nhàn hạ)
Chính thể 閒 – giản thể 闲

60 năm trước, chữ “Nhàn” chính thể 閒 gồm chữ “Môn” (門 – cánh cửa) và chữ “Nguyệt” (月- vầng trăng). Khi con người nhàn rỗi thì có thể ngắm trăng, nghĩ tới cung Quảng Hàm thuần khiết, tươi đẹp và truyền thuyết về chị Hằng bay lên cung trăng, Ngô Cương chặt quế, thỏ Ngọc giã thuốc. Con người đắm mình ngắm nhìn bầu trời và vũ trụ mênh mang, ngẫm nghĩ về kiếp người, suy ngẫm về mối quan hệ giữa Trời Đất và con người. Từ đó con người sẽ có những lĩnh ngộ mới, tấm lòng rộng mở hơn và sức khỏe tốt hơn.

60 năm sau, chữ “Nhàn” giản thể 闲 gồm chữ “Môn” (門;门) và chữ “Mộc” (木). Con người giống như một khúc gỗ cài trên nóc cửa. Đa số mọi người không thể chịu nổi cảnh nhàn nhã, đặc biệt là tư tưởng của con người. Nếu khi nhàn nhã không tựa cửa ngắm trăng, thưởng thức và kết nối với mẹ tự nhiên luôn dưỡng dục con người thì họ sẽ nghĩ tới những chuyện khác, thậm chí là những chuyện bất hảo. Người như vậy ắt sẽ nông nổi, không có phép tắc, không có quy củ, lời nói và hành vi cũng khó làm được hợp tình hợp lý. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới những hiện tượng hỗn loạn ngày nay.

7. Chữ “Kỹ” (kỹ nữ)
Chính thể 伎 – giản thể 妓

Thời xưa, kỹ nữ chỉ bán tài nghệ, không bán thân. Ngày nay, kỹ nữ bán thân chứ không bán tài nghệ. (Ảnh: NTDTV)

Thời xưa, kỹ nữ chỉ bán tài nghệ, không bán thân. Bởi vì kỹ nữ thông thường đều nhảy múa, hát ca, ngâm thơ, đối đáp để làm đẹp lòng người thưởng thức.

Ngày nay, kỹ nữ bán thân chứ không bán tài nghệ. Bởi vì kỹ nữ ngoài thân thể ra thì chẳng có tài nghệ gì đặc biệt cả.

8. Chữ “Tiến” (tiến lên)
Chính thể 進 – giản thể 进

Thời xưa, chữ tiến là càng tiến về phía trước thì tương lai lại càng rạng rỡ, ngày nay chữ tiến càng tiến về phía trước thì càng sớm bị sa chân vào giếng sâu, như rơi xuống địa ngục, chẳng mong có ngày thoát ra. (Ảnh: dkn.tv)

60 năm trước, chữ “Tiến” chính thể 進 gồm bộ “Dẫn” (廴- bước dài) và chữ “Giai” (佳 – tốt đẹp). Con người càng tiến về phía trước thì tương lai lại càng rạng rỡ.

60 năm sau, chữ “Tiến” giản thể 进 gồm bộ “Dẫn” (廴- bước dài) và một cái giếng (chữ “Tỉnh” – 井). Con người càng tiến về phía trước thì càng sớm bị sa chân vào giếng sâu, như rơi xuống địa ngục, chẳng mong có ngày thoát ra.

9. Chữ “Đạo” (chỉ dẫn)
Chính thể 導 – giản thể 导

Thời xưa, chữ Đạo là để con người từng bước một theo đạo nghĩa, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, ngày nay, chữ Đạo là con người được dẫn dắt bởi những vết bò lết của một con rắn. (Ảnh dkn.tv)

60 năm trước, chữ “Đạo” chính thể 導 gồm chữ “Đạo” (道 – đạo đức) và bộ “Thốn” (寸 – bước nhỏ). Con người được dẫn dắt từng bước một theo đạo nghĩa, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trên là Thiên tử, dưới là thứ dân, người người đều sống thuận theo Đạo, cuộc sống nhẹ nhàng mà thư thái.

60 năm sau, chữ “Đạo” giản thể gồm chữ “Tị” (巳 – con rắn) và bộ “Thốn” (寸). Con người được dẫn dắt bởi những vết bò lết của một con rắn.

Chữ Tị có hàm nghĩa gì? Theo Thiên can – Địa chi, Tị đứng tại vị trí thứ 6 trong 12 can chi. Nó thuộc hành Hỏa trong Ngũ Hành. Màu của nó là màu đỏ, con giáp là Xà (con rắn). Trong Ki-tô giáo hay trong nền văn minh của phương Tây, con rắn biểu trưng cho sự mê hoặc và ma quỷ. Quả thực điều này rất phù hợp với lối sống thờ ơ, lạnh nhạt, vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng làm tổn hại người khác như trong xã hội Trung Quốc hiện đại ngày nay.

10. Chữ “Đông” (phương Đông)
Chính thể 東 – giản thể 东

60 năm trước, chữ “Đông” chính thể do chữ “Nhật” (日 – Mặt Trời)  và chữ “Mộc” (木 – cây cối) ghép thành. Trung Quốc nằm ở phía Đông của thế giới, thời xưa gọi là Đông thổ. Nghĩa của chữ này là mặt trời mọc ở phía Đông, miêu tả cảnh cây lá tốt tươi. Mặt trời ban mai mọc lên từ phía Đông, con người hòa mình thưởng thức trong cảnh bình minh tươi đẹp rạng rỡ.

60 năm sau, chữ Đông 东 giản thể đã bị biến dạng, cũng chẳng còn ánh mặt trời. Tức là “không có vầng sáng”, “suốt ngày u tối”.

11. Chữ “Ngục” (nhà tù)
Chính thể 獄 – giản thể 狱

Ngục biến Ngôn thành chữ i, khiến việc không được tự do ngôn luận mở rộng từ trong nhà tù ra ngoài toàn bộ xã hội. (Ảnh: NTDTV)

60 năm trước, chữ “Ngục” chính thể 獄 gồm bộ “Khuyển” (犬 ,犭) ở hai bên và chữ “Ngôn” (言 – lời nói) ở giữa. Hai con chó trấn giữ những lời bàn luận thì được gọi là “Ngục”.

60 năm sau, chữ “Ngôn” được thay thế bằng chữ “i” nhưng ngôn luận vẫn không được tự do. Do chữ Hán đã bị giản lược, nên chữ “Ngục” cũng thay đổi. Hai chú chó quản chặt chữ “i”, khiến toàn dân mất đi quyền tự do ngôn luận.

12. Chữ “Thánh” (thần thánh)
Chính thể 聖 – giản thể 圣

60 năm trước, chữ “Thánh” chính thể gồm chữ “Nhĩ” (耳 – cái tai), chữ “Khẩu” (口 – miệng), và chữ “Vương” (王 – vua). Như vậy, “Thánh” là đôi tai, là cái miệng của Trời, truyền đạt ý chỉ của Trời, biết lắng nghe thiên hạ, truyền đạo của Thiên tử, giáo hóa để nhân tâm con người hướng thiện.

60 năm sau, chữ “Thánh” giản thể là chữ “Quái” (怪 – yêu quái) thiếu mất bộ “Tâm” (心), tức là yêu quái vô tâm, hữu tâm tác quái, kỳ thực chính là chỉ yêu quái nơi địa ngục. Người ta tô vẽ, làm đẹp cho yêu quái, nhưng lại trù ghét bậc thánh nhân.

13. Chữ “Bang” (giúp đỡ)
Chính thể 幫 – giản thể 帮

60 năm trước, chữ “Bang” chính thể gồm chữ “Phong” (封) và chữ “Bạch” (帛 – dải lụa trắng). Giúp đỡ người khác thì cần cấp cho họ một vài món đồ thực dụng hoặc chia đất đai hoặc đồ vật với họ.

60 năm sau, chữ “Bang” giản thể không còn “Phong” (封) cũng chẳng còn “Bạch” (帛 – dải lụa trắng), không còn nội hàm chia sẻ và đỡ đần thiết thực như xưa.

14. Chữ “Cùng” (nghèo khó)
Chính thể 窮 – giản thể 穷

Nghèo vốn chỉ người nghèo đến mức phải khom lưng mới vào được trong nhà. Bây giờ nghèo lại trở thành vào được trong nhà rồi vẫn là người nghèo. (Ảnh: NTDTV)

60 năm trước, chữ “Cùng” ở dạng chính thể 窮 gồm bộ “Huyệt” (穴 – cái hang), kết hợp với chữ “Thân” (身 – người) và chữ “Cung” (弓 – khom lưng). Người xưa cho rằng nhà nghèo lụp xụp, muốn vào trong nhà thì phải khom lưng, cũng có nghĩa là nghèo khó.

60 năm sau, chữ “Cùng” ở dạng giản thể gồm chữ “Huyệt” (穴) và chữ “Lực” (力). Ý nói rằng chỉ cần có năng lực và sự nỗ lực, bạn sẽ có nhà để ở, nhưng sau khi dọn vào rồi thì nghèo vẫn hoàn nghèo.

Hiểu Mai tổng hợp