Thành Cát Tư Hãn cả đời rong ruổi trên lưng ngựa, tung hoành thống lĩnh khắp các lục địa Á-Âu. Một bậc thiên tài quân sự thu phục cả bốn cõi giang sơn, nhưng cho đến lúc cuối đời, ông vẫn trăn trở một nỗi niềm: Làm sao để trường sinh?
Ước nguyện cuối đời của Thành Cát Tư Hãn
Một ngày, Thành Cát Tư Hãn sờ tóc, sờ râu của mình, rồi quay sang nói với người phi tần mà ông sủng ái, đó là Hốt Lan phi: “Này Hốt Lan, nàng hãy nói thực, ta bây giờ giống như con dê núi đã già, râu tóc tất cả đều bạc rồi, phải không?”.
Hốt Lan phi vội vàng an ủi: “Không, thưa Khả Hãn, tóc và râu của ngài bạc là vì nước mắt buồn khổ làm cho nó bạc, còn thân thể của ngài thì cứ mỗi lúc lại càng khỏe mạnh ra!”.
Một lúc sau, Thành Cát Tư Hãn lại kéo Hốt Lan Phi lại gần, nói khẽ: “Hốt Lan, ta nói cho nàng nghe một bí mật, nàng đừng nói lại với ai nhé. Gần đây… ta rất sợ chết!”.
Hốt Lan phi vội quỳ xuống, đôi mắt hai dòng lệ tuôn trào. Thành Cát Tư Hãn gượng cười, nói: “Xem kìa, ta đã làm cho nàng sợ hãi, nhưng ta có phải chết ngay đâu?”. Rồi ông lại vuốt nhẹ mái tóc của Hốt Lan và nói:
“Kỳ thật, chinh chiến nơi sa trường, không biết bao nhiêu lần ta đã vượt qua cái chết. Nhưng giờ đây ta không phải là một kẻ hèn nhát, một kẻ bất tài, chẳng qua ta không muốn… quá sớm! Ta thậm chí không dám hy vọng được hưởng tuổi thọ cao như mẫu thân của ta, mà chỉ cầu xin được sống thêm mười năm nữa. Chỉ mười năm thôi! Có được mười năm đó, ta có thể tiêu diệt được hai nước Kim, Tống để thống nhất Hoa Hạ. Có được mười năm đó, ta sẽ học được nhiều điều mà ta không học được khi ngồi trên lưng ngựa. Có được mười năm đó, thì ta sẽ dựng được một tấm bia của một vị chúa anh minh và đạo đức!”.
Ông dừng lại thở phào rồi ngồi xuống. Với một thái độ rất đáng thương, ông hỏi: “Này Hốt Lan phi, nàng hãy nói thật cho ta nghe, ta có thể sống được mười năm nữa hay không?”.
Hốt Lan phi xúc động nói: “Ngài có thể, nhất định có thể! Trường Xuân Chân Nhân sống đến hơn 300 tuổi kia mà! Chỉ cần ông ấy tới đây, truyền dạy cho ngài thuật trường sinh bất lão, thì ngài cũng có thể sống tới 300 năm!”.
Thành Cát Tư Hãn lộ sắc ngạc nhiên, nói: “Ồ! 300 năm! Ta chỉ thấy những cây cổ thụ sống ba trăm năm, chứ chưa bao giờ thấy con người sống đến ba trăm tuổi?”.
Đôi mắt nhìn về xa xăm, ông nói tiếp: “300 năm, 300 năm! Với thời gian đó ta sẽ làm được rất nhiều công việc…”.
Cuộc gặp đáng giá ngàn vàng với Trường Xuân Chân Nhân
Bậc Chân Nhân mà Hốt Lan phi nhắc đến chính là Khưu Xứ Cơ, một trong Toàn Chân Thất Tử nổi tiếng trong lịch sử. Vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, năm 19 tuổi ông xuất gia học đạo tại núi Côn Lôn, sau lại bái Vương Trùng Dương làm sư phụ, về sau trở thành bậc Đạo sỹ Chân Nhân nổi tiếng của Toàn Chân Đạo.
Khi quân Mông Nguyên nổi lên chống triều Kim, năm 1222, Khưu Xứ Cơ theo lời mời của Thành Cát Tư Hãn, đã dẫn 18 đệ tử vượt hơn 1 vạn dặm đường đến Đại Tuyết Sơn thuộc Tây Vực (nay là vùng Afghanistan) để yết kiến Đại Hãn. Khưu Xứ Cơ đạo hạnh cao thâm, Thành Cát Tư Hãn rất kính trọng, tôn xưng là “Thần Tiên”.
Khi Khưu Xứ Cơ vừa đến, Thành Cát Tư Hãn đã bày tỏ lòng cảm kích nói: “Các vị vua khác mời Thần Tiên đến mà ngài đều từ tạ. Nay ngài lại vượt vạn dặm đến với trẫm, đây là đại hạnh của trẫm”.
Khưu Xứ Cơ đáp: “Kẻ ẩn tu nơi thâm sơn cùng cốc như hạ thần đến với thánh thượng là ý Trời vậy”.
Thành Cát Tư Hãn hỏi: “Nghe đồn Khưu Thần Tiên năm nay đã 300 tuổi rồi, phải không?”.
Khưu Xứ Cơ cười đáp: “Đó là lời đồn không đúng sự thật. Bần đạo năm nay mới 73 tuổi thôi. Con người có ai lại sống được đến 300 tuổi chứ!”.
Đại Hãn đẹp dạ, mời Khưu Xứ Cơ an tọa rồi ngài hỏi: “Từ phương xa đến đây, chẳng hay Thần Tiên có thuốc trường sinh gì cho trẫm?”.
Khưu Xứ Cơ lắc đầu, đáp: “Thần có thuật dưỡng sinh chứ không có thuốc trường sinh.”
Sau đó, Khưu Xứ Cơ bắt đầu giảng giải…
Phép dưỡng sinh, lấy “thanh tâm quả dục” làm căn bản
Khưu Xứ Cơ nói: “Đạo gia chia thành mấy phái. Trong đó có một phái Phương Sĩ thường cho rằng uống linh đơn thì có thể thành Tiên, có thể hóa thành chim mà bay lên trời. Đó đều là những chuyện gạt mình gạt người. Thí dụ như Tần Thủy Hoàng, Hán Võ Đế đã tin loại tà đạo đó, làm hại sức dân, tổn hao tiền bạc, rốt cuộc lại hại chính mình. Vua tôi đời Đường cũng có rất nhiều người vì muốn tìm thuốc trường sinh mà bị ngộ độc chết vì thuốc!”.
Thành Cát Tư Hãn cười to nói: “Muốn sống lâu mà lại bị yểu tử!”.
“Bần đạo từ trước tới nay không hề tin những tà thuật đó. Trong đời chỉ có phép dưỡng sinh, chứ không có thuốc trường sinh”.
Thành Cát Tư Hãn thở dài, nói:
“Người đời ai ai cũng quyến luyến cảnh giàu sang, mong muốn được sống mãi mãi, đó cũng là thường tình. Thế nhưng, từ xưa cho tới nay không thấy ai có thể trường sinh bất lão. Khưu Thần Tiên là người thành thực, không dối gạt ai. Trẫm không có quá nhiều hy vọng về việc trường sinh bất lão, chỉ có điều trẫm cảm thấy mình còn có nhiều việc phải làm, nhưng lực bất tòng tâm. Khi nhìn thấy xa thì lại không thể thấy gần; khi nhớ được điều xa thì lại quên mất điều gần. Vậy Thần Tiên có phép dưỡng sinh nào truyền dạy cho trẫm, thì đó là điều trẫm hết sức cần đến. Vấn đề dưỡng sinh và vấn đề an dân chính là hai vấn đề lớn trong đời sống, vậy Thần Tiên có ý kiến gì hay, xin chỉ giáo cho, bản Hãn bằng lòng cố gắng thi hành”.
Khưu Xứ Cơ nói:
“Dân dĩ thực vi thiên, cái ăn đối với người dân là quan trọng nhất. Ngũ cốc, rau cải, cá thịt, các loại thực phẩm từ sữa, đều là những thứ dùng để nuôi sống con người. Phật môn thi hành tám điều cấm kỵ, không ăn mặn. Cổ nhân thường nói người ăn thịt đều hèn hạ, hoặc nói ăn chay thông minh sáng suốt và có thể sống tới trăm tuổi. Thật ra không phải vậy. Tất cả những loại thực phẩm đều có thể nuôi sống con người. Nhưng, ăn sang mặc đẹp, suốt ngày no nê thì lại không có ích cho đời. Ăn không cần quá no, ở không cần quá đầy đủ tiện nghi, thì sẽ không có hại gì cho đời sống. Do vậy cần thanh tâm quả dục, việc tiết chế sự ham muốn chính là để bảo vệ cho sức khỏe, biết sống thích hợp theo hoàn cảnh thì mới đúng là cái phép dưỡng sinh”.
Thành Cát Tư Hãn suy nghĩ một lát rồi nói:
“Đúng thế! Các anh em của trẫm thời còn thơ ấu chịu nhiều gian truân, từng ăn củ cỏ, trái rừng, từng ăn cá bắt dưới sông, từng ăn chuột bắt ngoài đồng, có gì ăn nấy, thế nhưng người nào cũng khỏe mạnh. Còn bây giờ có một số con em của Na Nhan chỉ thích ăn những gì mình thích, chỉ thích mặc những loại vải mình ưa, thế mà người nào người nấy đều yếu đuối. Qua đó đủ thấy việc ăn uống có thể nuôi người, nhưng cũng có thể hại người”.
Phép trị nước, lấy “kính Thiên ái dân” làm gốc
Khưu Xứ Cơ nói:
“Phép dưỡng sinh và phép an dân tuy khác nhau, nhưng trên nguyên tắc là giống nhau. Thuận theo quy luật của trời đất thì sống, trái với quy luật của trời đất thì chết. Thuận theo lòng ham muốn của người dân thì yên, nghịch với lòng ham muốn của người dân thì loạn. Lẽ trời luôn hiếu sinh và ghét việc chém giết, việc cai trị nên trọng sự thanh tịnh và vô vi. Do đó cần phải kính Trời yêu dân, lấy kính Thiên ái dân làm gốc, đó cũng chính là danh ngôn chí lý của Hoàng Đế và Lão Tử”.
Thành Cát Tư Hãn trầm ngâm một lúc, nói:
“Thưa Thần Tiên, cái phép an dân của ngài thì trẫm không hiểu được. Ngài bảo thuận theo lẽ trời, đúng lắm, trẫm là người tin Trời. Nhưng việc ‘hiếu sinh ghét chém giết’ thì thật khó. Trẫm muốn để cho người đó sống, còn bao nhiêu người khác lại muốn cho người đó chết. Trẫm muốn yên ổn, nhưng người khác lại muốn loạn lạc. Cho nên trẫm cho rằng phải lấy việc giết chóc để ngăn chặn sự giết chóc, phải lấy loạn để ngăn chặn việc loạn, thì mới có thể đứng vững chân giữa trời đất. Còn thanh tịnh vô vi thì làm sao có thể đạt đến tình trạng đại trị trong thiên hạ được?”.
Khưu Xứ Cơ bình tĩnh đáp:
“Trong thời chiến quốc, Hàn Phi chủ trương dùng hình pháp để trị tội những người phạm luật hình; Thương Ưởng chủ trương trị quốc theo đường lối khắc nghiệt nên không được lòng người. Nước Tần tiến hành một cuộc chiến tranh để tranh đoạt kéo dài cả trăm năm, không thiếu tướng tài dũng sĩ, nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi bị thảm bại ở Cự Lộc, không tránh khỏi bị thất thủ Hàm Dương. Tại sao vậy?”.
Thành Cát Tư Hãn ngẩn ngơ, Khưu Xứ Cơ nói tiếp:
“Nước Tần lấy hình phạt làm biện pháp, lấy những con người như Triệu Cao, Lý Tư làm cây gậy. Nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi cái họa nước mất nhà tan, cái họa sụp đổ tan tành. Qua đó đủ thấy việc dùng nghiêm hình và sát phạt là điều không thể tin cậy. Đó là tấm gương mà các triều đại ở Trung Nguyên đã để lại. Cho nên có người nói khi cai trị càng phiền phức chi ly thì thiên hạ càng loạn, pháp luật càng gắt gao thì kẻ gian xuất hiện càng nhiều, quân đội càng đông thì kẻ thù càng lắm. Nước Tần sở dĩ bị diệt vong là do biện pháp thống trị của họ quá ư tàn bạo, việc dùng hình phạt của họ quá nghiêm khắc, quá nặng nề”.
Thành Cát Tư Hãn nói: “Những việc mà ngài vừa nói trẫm chưa từng nghe qua. Vậy, Thần Tiên có thể nói thẳng xem, trẫm cần phải làm những gì?”.
Khưu Xứ Cơ tươi cười nói:
“Đại Hãn lấy việc sát phạt để giành thiên hạ, nhưng không thể lấy việc sát phạt để cai trị thiên hạ. Phải lấy luật hình để trừ cái ác, phải lấy giáo hóa để khuyến khích cái thiện. Đức và Hình phải được dùng song song, Ân và Uy phải được thi hành cùng một lúc, thì thiên hạ mới có thể được yên ổn lâu dài”.
Thành Cát suy nghĩ và nói: “Đức và Hình cùng dùng một lúc, Ân và Uy được dùng song song. Phải chăng Thần Tiên bảo trẫm Hình và Uy dùng quá nhiều, còn Đức và Ân lại dùng quá ít chăng?”.
Khưu Xứ Cơ chỉ mỉm cười chứ không trả lời, cuối cùng nói: “Mười năm binh hỏa, vạn dặm can qua, nay kẻ thù đã bị tiêu diệt, thiên hạ đã được yên ổn, nên người sơn dã này mong muốn Đại Hãn sớm rút quân trở về, để cùng thần dân an hưởng thái bình”.
Thành Cát Tư Hãn thở phào, nói: “Đúng vậy! Trẫm chinh chiến suốt cả đời người chính là muốn để cho con cháu và hậu thế được hưởng thái bình, yên ổn. Thưa Thần Tiên, chúng ta sẽ cùng rút trở về một lượt nhé?”.
Sau cuộc đàm đạo với Khưu Xứ Cơ, vào tháng 12 năm 1222, đại quân của Thành Cát Tư Hãn rút trở về vùng thảo nguyên. Cuộc Tây chinh lần thứ nhất trên cơ bản đã được kết thúc. Đến ngày 28 tháng 12 năm ấy, Thành Cát Tư Hãn lại lên đường rút quân trở về phía Đông…
(Theo “Thành Cát Tư Hãn” của Du Trí Tiên và Chu Diệu Đình)
Hồng Liên biên tập