Trương Tam Phong, thủy tổ của phái Võ Đang phiêu bạt cả đời, hành tung bất định, “vô hình vô ảnh”, “đi lại không vết chân”, được người đời xếp vào là một nhân vật vô cùng thần bí. Dù có thân thế và cuộc đời “bí ẩn” như vậy, nhưng ông lại có quan điểm sống rất rõ ràng, không giống người bình thường chúng ta.
Trương Tam Phong là ai?
Trương Tam Phong tên thật là Trương Quân Bảo, tự là Nguyên Nguyên, hiệu là Tam Phong và Côn Dương. Ông là người Ý Châu, tỉnh Liêu Đông. Tương truyền rằng, ông sinh vào thời Tống Lý Tông, năm 1247, không rõ ngày sinh.
Trong “Minh sử – phương kỹ truyện” có viết: Trương Tam Phong là người có dáng dấp cao lớn, khỏe mạnh. Quanh năm, bất kể trời nóng hay lạnh, ông cũng chỉ mặc một bộ đạo bào và khoác một chiếc áo tơi, có những bữa ông ăn hết mấy đấu gạo, hoặc mấy ngày liền mới ăn một bữa, thậm chí cả tháng không ăn. Bởi vì ông không chú trọng cách ăn mặc nên mọi người còn đặt cho ông biệt danh là “Trương lạp tháp” (ý chỉ lôi thôi, nhếch nhác).
Tương truyền rằng, lúc lên 5 tuổi, Trương Tam Phong bị bệnh về mắt, vì để lâu nên bị mờ mắt, không nhìn rõ. Sau đó, ông được gửi đến Bích Lạc Cung và được đạo sĩ Trương Vân Am chữa trị. Sau khi được vị đạo sĩ điều trị nửa năm thì thị lực của ông được hồi phục. Đồng thời lúc ấy, Trương Tam Phong được vị đạo sĩ thu nhận làm đồ đệ và ở Bích Lạc Cung 7 năm.
Trương Vân Am truyền dạy cho Trương Tam Phong cả về Đạo Kinh và luyện võ thuật. Đến đầu năm Tống Tông Hàm Thuần (1266), cha mẹ của Trương Tam Phong lần lượt qua đời, Trương Tam Phong bắt đầu khăn gói đi đến các ngọn núi nổi tiếng cầu đạo.
Về sau, ông ở lại trong núi Bảo Kê, Thiểm Tây. Trên ngọn núi ấy có 3 đỉnh cao thẳng sừng sững và có vẻ đẹp tráng lệ. Vì thế, ông cũng lấy hiệu là Tam Phong (峰) (chữ Phong này có ý nghĩa là đỉnh núi). Nhưng bởi vì tên này có phần thô, không được thanh cao nên sau này ông đổi thành Tam Phong (丰) (chữ Phong này có ý nghĩa là to lớn, xinh đẹp).
Mãi đến năm đầu 67 tuổi, Trương Tam Phong đến núi Chung Nam mới gặp được Hỏa Long chân nhân (chân nhân là từ bên Đạo gia dùng để chỉ người đã tu hành đắc Đạo) và được truyền kim đan đại đạo.
Ông ở lại đây 4 năm cho đến lúc 70 tuổi. Mặc dù đã tĩnh tu được 4 năm, nhưng bởi vì không có bạn đồng tu và phương pháp tu nên có nhiều khó khăn. Trương Tam Phong rời Chung Nam Sơn đi đến các danh sơn, kết giao cùng đủ các nhân vật trên giang hồ, truyền giảng quyền thuật, nghiên cứu đan pháp.
Năm Trương Tam Phong 77 tuổi, ông đến núi Võ Đang và nhận thấy đây là một ngọn núi vô cùng xinh đẹp hùng vĩ, một vẻ đẹp khiến tâm trí con người trở nên thảnh thơi. Ông ở lại nơi đây tu Đạo và đọc kinh thư, toàn tâm toàn ý dốc sức tu luyện.
Sau 9 năm, ông lại đi Tương Vân tầm sư học Đạo, không biết mệt mỏi. Sau khi đi qua khắp các danh sơn đại xuyên (núi cao sông rộng), ma luyện qua nhiều gian nan khổ cực, ông đã biết được không ít người bạn cùng chí hướng và những vị sư phụ tốt, học được rất nhiều điều hữu ích.
Tương truyền rằng, tới sau khi Nguyên triều diệt vong, Minh triều dựng lập, ông lại đến núi Thái Hòa (tên khác của núi Võ Đang) dựng nhà tranh và ẩn cư. Lúc này ông đã ngoài 130 tuổi và vẫn là một đạo nhân “lôi thôi, nhếch nhác”. Bởi vì cao tuổi, nhưng thân thể vẫn tráng kiện nên nhiều người hỏi ông về tiên thuật, ông đều không nói gì. Nếu có người hỏi ông về kinh thư thì ông mới nói chuyện đến. Còn có người hỏi về danh tính, ông chỉ trả lời là người Võ Đang.
Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương rất hâm mộ ông, đã sai người đi tìm nhưng không gặp. Về sau, Minh Thành tổ Chu Lệ cũng nhiều lần sai sứ thần đi tìm ông nhưng cũng đều không gặp.
Từ danh, đoạn dục, chỉ cầu tu tâm
Trương Tam Phong phiêu bạt cả đời, hành tung bất định, vô ảnh, “đi lại không vết chân”, được người đời xếp vào là một nhân vật thần bí. Nhưng trong một lượng lớn thơ, văn và công pháp mà ông để lại có thể hiểu rõ nhân sinh quan của ông quả là bất phàm, vượt trên người thường.
Đời người, sống như thế nào? Truy cầu điều gì? Đây là vấn đề mà con người trải qua mấy ngàn năm qua đều đặt ra. Nói cho cùng, bất luận là Nho gia, Đạo gia, Phật gia hay Cơ Đốc giáo, Hồi giáo cũng chỉ là tìm câu giải đáp cho “kiếp người” ấy thôị. Trả lời cho câu hỏi này, có rất nhiều tôn giáo, trường phái cũng đưa ra những câu trả lời không giống nhau. Trương Tam Phong cũng giải đáp rằng: “Không màng danh lợi, giữ lòng trong sạch, giảm bớt dục vọng, thuận theo tự nhiên.”
Quả thực, những vật chất trong cuộc đời của Trương Tam Phong đều được ông hạ xuống ở mức thấp nhất. Một năm bốn mùa ông chỉ có một áo bào, một nón mê, mặc không đủ ấm, ăn không đủ no, bẩn thỉu như một “tiên sinh ăn mày”. Trong con mắt người đời, Trương Tam Phong như vậy là khổ lắm, nhưng trong lòng ông cảm thấy vô cùng khoái hoạt, vô cùng tự tại và nhờ vậy ông cũng vô cùng trường thọ!
Chỉ cần ông gặp Thái tổ hoặc Thành tổ một lần thì đã có đủ hết vinh hoa phú quý nhưng ông lại xem quyền thế như cái rơm cái cỏ, không đáng bận tâm. Những của cải trong cuộc đời cũng được ông xem là những thứ “đáng khinh” nên ông từ chối không gặp, bỏ mặc những lời mời khẩn khoản của Hoàng đế.
Trương Tam Phong chủ trương quan điểm sống là sống theo ý thích của mình, không bị câu thúc bởi bất kỳ cái gì. Thậm chí ngay cả những giới luật của Đạo môn, ông cũng có thể không để ý đến, chỉ cầu tiêu diêu tự tại. Quan điểm sống này của ông thể hiện nhiều hơn trong các bài thơ mà ông để lại.
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: