Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Tào Tháo (155 – 220) là một ngôi sao sáng trên vũ đài lịch sử Trung Hoa, mưu trí hơn người, toàn tài văn võ, một tay chống giữ triều cương, bình định phản loạn, gây nền thái bình, đặt định thống nhất giang sơn.
Suốt hàng nghìn năm qua, đã có biết bao câu chuyện xung quanh Tào Tháo, người gọi ông là quân tử, kẻ cho ông là tiểu nhân, người hâm mộ, kẻ khinh ghét, thực là trăm nhà đua tiếng. Chuyện cũ nghìn năm phủ bụi, thật giả đôi khi khó tường, loạt bài về Tào Tháo sẽ phần nào giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện, chân thực và công bằng nhất về nhân vật từng tiêu tốn biết bao giấy mực này.
1. Giương cờ nghĩa, diệt bạo loạn, phò ấu chúa
Năm thứ 6 Trung Bình (tức năm 189), Hán Linh Đế băng hà, hoàng tử Lưu Biện mới 14 tuổi lên ngôi, tức là Hán Thiếu Đế, tôn mẫu thân Hà hoàng hậu làm Hoàng Thái hậu. Hà Thái hậu lâm triều nhiếp chính, phong Viên Ngỗi làm thái phó và Hà Tiến (anh trai mình) làm Tham lục Thượng thư.
Hà Tiến và Viên Thiệu lập mưu tận diệt hoạn quan, trừ bỏ mối họa hậu cung nhưng Thái hậu không nghe. Bè đảng của Thiệu lại đưa kế chiêu mộ anh hùng khắp bốn phương dẫn binh tiến về kinh thành để uy hiếp Thái hậu. Hà Tiến cũng nhắm mắt mà ủng hộ kế sách này.
Tào Tháo nghe vậy liền bật cười, nói: “Cái họa hoạn quan xưa nay đều có, chỉ là Chúa thượng sủng ái chúng nên mới đến nông nỗi này. Nếu như muốn trừng trị thì giết ngay kẻ cầm đầu là được, chỉ cần dùng một viên cai ngục là đủ, hà tất phải triệu mời tướng ở ngoài về. Nếu muốn một mẻ bắt sạch, khó tránh khỏi rút dây động rừng, việc tất bại lộ. Ta thấy việc này trước sau gì cũng sẽ thất bại“.
Hà Tiến triệu Đổng Trác về kinh. Trác chưa vào đến nơi thì Hà Tiến đã bị bè lũ hoạn quan Trương Nhượng giết rồi. Khi Trác đến, phế Thiếu Đế xuống làm Hoằng Nông Vương mà lập Trần Lưu Vương Lưu Hiệp lên làm Hán Hiến Đế. Kinh đô đại loạn, Thái hậu khóc nghẹn, quần thần đau xót không dám nói nửa câu.
Sau đó, Đổng Trác âm thầm cho người hạ sát Thái hậu và Thiếu Đế. Năm thứ 6 Trung Bình (năm 189), tháng 11, Đổng Trác lên làm Tướng quốc, gặp vua không cần bẩm báo tên họ, vào triều không cần phải quỳ, được phép mang kiếm lên thượng điện, thay vua phê duyệt triều chính. Vốn lễ nghĩa thời xưa, vào triều phải báo rõ họ tên không được phép nghênh ngang, ở đây Thiên tử lại cho phép Đổng Trác không cần báo họ tên, thong dong vào điện. Có thể nói quyền hành của Trác đã lên tột đỉnh.
Đổng Trác phong Tào Tháo làm Kiêu kỵ Hiệu úy. Tào Tháo đoán rằng Đổng Trác cuối cùng cũng sẽ bại vong nên không theo Trác, thay đổi tên họ chạy trốn khỏi Lạc Dương. Đổng Trác liền phái quân truy đuổi, thông báo truy nã. Khi Tào Tháo đi qua huyện Trung Mâu (tỉnh Hà Nam ngày nay) thì bị một viên đình trưởng bắt giữ. Sau có người ngầm biết công lao to lớn của Tào Tháo nên đã mở lời với huyện lệnh xin phóng thích ông.
Tào Tháo đi về Trần Lưu (Diễn Châu ngày nay), dốc hết gia tài, tập hợp nghĩa binh, thảo phạt Đổng Trác. Tào Tháo dựng cờ chiêu binh, trên đó có ghi hai chữ “Trung nghĩa”, tập hợp được năm nghìn nhân mã. Nhạc Tiến, Lý Điển, anh em Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, anh em Tào Hồng, Tào Nhân cũng đầu quân theo, về sau đều là đại tướng dưới trướng Tào Tháo.
Năm 190, tháng Giêng mùa xuân, các châu quận Quan Đông cũng ồ ạt khởi binh thảo phạt Đổng Trác, hưởng ứng cùng quân Tào, gồm có Hậu tướng quân Viên Thuật, Ký Châu mục Hàn Phức, Thứ sử Dự Châu Khổng Trụ, Thứ sử Duyện Châu Lưu Đại, Thái thú Hà Nội Vương Khuông, Thái thú Bột Hải Viên Thiệu, Thái thú Trần Lưu Trương Mạc, Thái thú Đông Quận Kiều Mạo, Thái thú Sơn Dương Viên Di, Tế Bắc tướng Bào Tín.
Quân mã tập hợp lại có đến mấy vạn người, suy tôn Viên Thiệu làm minh chủ, Tào tháo làm Phấn Vũ tướng quân. Chúng hào kiệt một lòng về với Viên Thiệu, quyết tru diệt Đổng Trác. Duy chỉ có Tế Bắc tướng Bào Tín cho rằng Tào Tháo mới là người xuất chúng, có khả năng dẹp được đại loạn. Ông nói với Tào Tháo rằng:
“Kẻ có trí lược chẳng kể xuất thân, người có thể thâu gồm kẻ anh hùng để dẹp trừ họa loạn quay về chính đạo, là ngài vậy. Nếu chẳng phải là người được như thế, dẫu có cường mạnh tất cũng thất bại. Ngài chỉ nên đợi thời mà hành động!”.
Tháng hai năm ấy, Đổng Trác thấy quân liên minh thế lực quá mạnh, bèn dời Thiên tử về đóng đô tại Trường An. Trách đóng quân ở thành Lạc Dương, rồi thiêu rụi cung thất. Bấy giờ, Viên Thiệu vì e sợ quân Đổng Trác còn mạnh nên không dám truy kích. Tào Tháo khuyên rằng:
“Ta cất nghĩa binh để đánh kẻ bạo loạn, đại quân đã đủ, các ngài còn chờ gì nữa? Nếu Đổng Trác nghe tin binh ở Sơn Đông nổi dậy, hắn ỷ vào uy vọng của vương thất, chiếm giữ chỗ hiểm của hai kinh nhà Chu, ngoảnh mặt về đông coi xét thiên hạ, dẫu là hành sự vô đạo, vẫn đủ thành họa. Nay hắn thiêu rụi cung thất, bức thiên tử dời đô, hải nội chấn động, sĩ dân chẳng biết hướng về đâu, đấy là lúc trời hại hắn vậy. Đánh một trận thì thiên hạ yên định rồi, cơ hội chẳng nên bỏ lỡ vậy“.
Tuy nhiên các tướng lĩnh đều không nghe theo. Tào Tháo một mình dẫn quân Tây tiến, đến Huỳnh Dương, Biện Thủy thì đánh nhau với quân Đổng Trác. Giữa rừng tên bắn, ngựa của Tào Tháo bị thương. Lúc đó Tào Hồng liền nhường ngựa của mình cho Tào Tháo. Táo Tháo kiên quyết không lấy, Hồng rằng: “Thiên hạ có thể không có Hồng, nhưng không thể không có ngài”.
Tào Tháo về đến Toan Tảo, nhìn thấy hơn 10 vạn liên quân đang ngày ngày vui vẻ rượu chè, không ôm chí tiến thủ. Ông lại một lần nữa hiến kế sách:
“Các ông hãy nghe kế của ta, để Bột Hải (tức Viên Thiệu, Thái thú Bột Hải – ND) dẫn quân Hà Nội đến Mạnh Tân, các tướng ở Toan Tảo giữ Thành Cao, chiếm Ngao Thương, ngăn Hoàn Viên, Thái Cốc, chẹn hết chỗ hiểm yếu. Lại cho Viên tướng quân (tức Viên Thuật – ND) dẫn quân Nam Dương hành quân đến Đan, Tích, tiến vào Vũ Quan, khiến Tam Phụ (châu quận ven kinh đô – ND) chấn động.
Ba quân đều giữ tường cao hào sâu, chớ giao chiến, làm nghi binh, tỏ rõ hình thế lớn trong thiên hạ, lấy lẽ thuận trừ nghịch tặc thì có thể bình định được vậy. Nay cất binh làm việc nghĩa, lại ôm mối ngờ vực mà trì hoãn chẳng chịu tiến lên, làm thiên hạ thất vọng, trộm nhục thay cho các ông!“.
Nhưng cuối cùng kế sách vẹn toàn ấy của Tào Tháo lại bị gạt sang một bên. Tào Tháo binh ít, bèn cùng Hạ Hầu Đôn đến Dương châu chiêu mộ binh sĩ, được hơn bốn nghìn binh. Nhưng sau quân lính lại làm phản, giữa đêm đốt trướng Tào Tháo. Ông tự mình cầm kiếm, đánh gục mấy chục người, mở đường thoát khỏi doanh trại, sau thu thập được chừng hơn một nghìn quân, về đóng quân ở Hà Nội.
Viên Thiệu, Hàn Phức muốn lập U Châu mục là Lưu Ngu làm vua. Viên Thiệu tự mình đã khắc xong ngọc tỷ của Hoàng đế, đem ngọc tỷ ra khoe với Tào Tháo. Nhưng Tào Tháo cự tuyệt kế ấy. “Ngụy thư” chép, nghe Viên Thiệu nói kế ấy, ông cười lớn mà rằng: “Ta không theo ngươi đâu!“.
Tào Tháo nói với Viên Thiệu rằng: “Tội ác của Đổng Trác, tàn bạo khắp bốn phương, ta hợp đại quân, dựng cờ nghĩa binh, xa gần không ai không hưởng ứng, đấy là việc nghĩa khiến thiên hạ cảm động. Nay ấu chúa thơ dại, bị gian thần khống chế, nhưng cũng chưa đến nỗi phạm lỗi lầm dẫn đến mất nước như Xương Ấp xưa.
Nếu một mai làm chuyện phế lập, thiên hạ lấy ai mà an định được đây? Các ngài cứ hướng về phía Bắc, mình tôi xin ngoảnh mặt về Tây”. (Hướng về phía Bắc có Lưu Ngu ở U Châu, ngoảnh mặt về Tây là theo Hiến Đế ở Trường An – ND).
Lúc ấy, thiên hạ đại loạn, dân chúng lầm than. Tào Tháo làm bài “Hao Lý hành” thuật rõ lại tình thế loạn lạc đó.
Quan Đông hữu nghĩa sĩ
Hưng binh thảo quần hung
Sơ kỳ hội Mạnh Tân
Nãi tâm tại Hàm Dương
Quân hợp lực bất tề
Trù trừ nhi nhạn hàng
Thế lợi sử nhân tranh
Tự hoàn tự tương tường
Hoài Nam đệ xưng hiệu
Khắc tỷ ư bắc phương
Khải giáp sinh kỷ sắt
Vạn tính dĩ tử vong
Bạch cốt lộ ư dã
Thiên lý vô kê minh
Sinh dân bách di nhất
Niệm chi nhân đoạn trường
“Hao Lý hành” lấy tên đề mục cũ trong nhạc phủ đời Hán. Thơ của Tào Tháo chịu ảnh hưởng của dân ca rất đậm. Ông thường lấy đề mục từ thơ ca dân gian. Hao Lý tương truyền là nơi hồn phách người chết quy tụ.
Dịch nghĩa:
Nghĩa sĩ ở Quan Đông dấy binh thảo phạt gian tà. Buổi đầu hội quân ở Mạnh Tân mà lòng lại hướng về Hàm Dương. Quân liên minh sức không đủ, chần chừ không hành động. Quyền lợi khiến người người tranh đấu, giết hại lẫn nhau. Em ở Hoài Nam tự xưng hiệu, anh ở phương bắc khắc ngọc tỷ. Giáp trụ sinh ra lũ chấy rận khiến muôn dân phải chết. Xương trắng phơi đầy đồng, nghìn dặm không một tiếng gà kêu. Trăm người còn sót một, nghĩ đến mà đau đứt ruột gan người.
Tào Tháo chính là cắt tay dùng máu mà viết đầy lời “trung nghĩa” trên giấy, một lòng vì chúng dân thiên hạ mà mang lấy tâm bệnh vào thân. Ông càng đau lòng hơn khi chứng kiến các lộ chư hầu vì lợi ích mà tranh đoạt, tàn sát lẫn nhau, không màng đại nghĩa. Đương thời, Tào Tháo tuy không tụ hợp được quần thần nhưng vẫn một lòng trung, phò giúp ấu chúa.
Tào Tháo bao lần can gián nhưng chẳng ai nghe, nghĩa quân tự đánh mất cơ hội tốt. Ông thực sự thất vọng vô cùng, mắt nhìn “Bách tính thương vong, trăm người sống sót một người” mà đau như đứt ruột. Tào Tháo hiểu rõ các chư hầu chỉ biết mưu lợi cho bản thân, không thể hy vọng được nữa. Nhưng lực lượng của ông lại quá yếu mỏng, biết làm sao đây? Cuối cùng, đã quết định “Chư quân bắc diện, ngã tự tây hướng” (các ngươi hướng về U Châu, Lưu Ngu, phía bắc mà xưng thần, còn ta tự đi về phía Tây để thảo phạt Đổng Trác). Phò chúa khôi phục quốc gia, cứu giúp dân chúng, một mình gánh vác đạo nghĩa, dù là ngàn vạn địch, Tào Tháo quả thực cũng không sợ vậy!
Sau đó ít lâu, Tư đồ Vương Doãn và Tư Lệ hiệu úy Hoàng Uyển bí mật lên kế hoạch tiêu diệt Đổng Trác, có Trung lang tướng Lã Bố làm nội ứng. Mùa hè tháng tư, Hiến đế mở tiệc chiêu đãi quần thần ở điện Vị Ương. Trác mang triều phục rồi ngồi xe lên triều. Lã Bố phụng chiếu đem quân giết Đổng Trác, dân chúng hay tin ca múa hò hát.
2. Phục hưng Đạo giáo, đánh dẹp quần hùng
Năm 79, Hán Chương Đế triệu tập các tiến sĩ, Nho gia đến lầu Bạch Hổ bàn luận và nghiên cứu Ngũ Kinh và sai nhà sử học Ban Cố tổng hợp các ý kiến bàn luận lại thành cuốn “Bạch Hổ thông đức luận”. Việc tuyển chọn quan lại đều theo tiêu chuẩn Nho giáo khiến Nho giáo ngày càng hưng thịnh.
Đến những năm cuối triều Đông Hán, nhà Hán số mệnh đã tận, những kẻ hủ Nho trở nên bại hoại. Khi đó, Phật giáo Ấn Độ cũng bắt đầu truyền về phía đông, muốn kết duyên tại Trung Nguyên để lưu lại thời khắc lịch sử huy hoàng của văn hóa Thần truyền. Bấy giờ, Đạo gia vốn tu luyện theo phương thức đơn truyền dần bắt đầu hình thành nên Đạo giáo, đưa ra phổ truyền rộng rãi.
Lúc Đạo giáo hưng thịnh gồm có ba bộ phận là: Thiên sư đạo, Thái bình đạo và Phương thuật đều được truyền bá rộng rãi. Vào những năm vua Hán Linh Đế tại vị, tại huyện Cự Lộc, Dự Châu có người tên là Trương Giác sáng lập ra “Thái Bình đạo”, tín đồ có tới 36 vạn người. Trương Giác tự xưng là Đại Hiền Lương Sư, nói rằng “Trời xanh đã mất, trời vàng đang lập. Đến năm Giáp Tý, thiên hạ thái bình”. Năm 184, Trương Giác mượn danh nghĩa Thái bình đạo để khởi sự, dùng khăn vàng làm cờ xí, tự xưng là quân Khăn Vàng (Hoàng Cân).
Trương Giác xưng là Thiên công tướng quân, em trai Trương Bảo là Địa công tướng quân, em út Trương Lương xưng là Nhân công tướng quân. Khắp cả 8 châu (gần cả nước lúc bấy giờ) cùng hưởng ứng, thanh thế cực lớn. Hán Linh Đế phải xuống chiếu ra lệnh cho các châu mục tự chiêu mộ binh lính để thảo phạt.
Lúc đó, hàng trăm vạn quân Hoàng Cân làm loạn từ Thanh Châu đến Duyện Châu. Thứ sử Duyện Châu Lưu Đại ra nghênh chiến với quân Hoàng cân nhưng thất bại, bị giết. Thế giặc rất mạnh. Mưu sĩ Trần Cung hiến kế rằng Tào Tháo hãy tự lên làm Duyện Châu mục. Tế Bắc tướng Bào Tín cũng muốn Tào Tháo nhận lãnh Duyện Châu.
Tào Tháo bèn cầm binh tiến đánh quân Hoàng Cân. Tào Tháo tuần sát khích lệ, thiết lập thưởng phạt rõ ràng, nhân cơ hội xây dựng quân đội, ngày đêm luyện tập, lại nhiều lần viết thư mở đường chiêu hàng quân giặc. Quân giặc thua chạy, tan vỡ cả. Tháng 12 năm 192, Tào Tháo dẫn hơn một vạn binh truy đánh quân Hoàng Cân đến Tế Bắc thì giặc liền đầu hàng. Tào Tháo nhân đó thu hàng được hơn 30 vạn quân, trai gái hơn trăm vạn người, càng tăng thêm nhuệ khí. Ông bèn thu lấy những người tinh nhuệ nhất thành lập đạo quân Thanh Châu nổi tiếng thiện chiến trong lịch sử.
Quân Thanh Châu của Hoàng Cân tác chiến dũng mãnh khác thường, binh lính rất điêu luyện, Tào tháo chỉ có hơn vạn quân làm sao có thể thu phục được hơn 30 vạn quân giặc? Lý do chính là “Đạo”. Tín ngưỡng trước sau như một của quân Hoàng Cân là một trong những nguyên nhân chủ yếu để họ đầu hàng Tào Tháo.
Quân Hoàng Cân viết thư cho Tào Tháo rằng: “Xưa ở Tế Nam ngài hủy hoại đàn tế, đó là cùng đúng theo kinh sách của chúng tôi. Đạo của chúng tôi giống đạo Trung Hoàng Thái ất, ngài đã biết rồi nhưng sao nay vẫn mơ hồ. Nhà Hán đã tận, trời vàng đang lập, đạo trời xoay vần, nếu không có Ngài thì không thể tồn tại được vậy”.
Vậy là quân Thanh Châu đầu hàng Tào Tháo chứ không đầu hàng nhà Hán, chỉ vì “đồng Đạo” mà giúp sức Tào Tháo. Sử chép rằng, sau khi Tào Tháo mất, “Quân Thanh Châu tự ý đánh trống rút lui”, “Thái tổ (Tào Tháo) băng hà, quân Thanh Châu cho rằng thiên hạ đã loạn, cho nên cùng nhau thúc trống rời đi”.
Sau khi thu hàng quân Hoàng Cân Thái bình đạo, Tào Tháo tiếp tục thâu nạp luôn Thiên sư đạo “Ngũ Đấu Mễ Đạo”, di dời dân Hán Trung về Trường An và Tam Phụ, để cho Thiên Sư đạo dời về phía bắc, rồi truyền rộng khắp nơi, cuối cùng truyền đến Giang Nam. Sau khi Tào Tháo làm Ngụy vương, đã chiêu mời phương sĩ khắp nơi về Nghiệp Thành. Ông nói: “Chỉ cần trên đời có phương sĩ, bản vương tất chiêu nạp hết.
Khi đó Nghiệp Thành trở thành trung tâm văn hóa phương thuật. Nước Ngụy cả trên lẫn dưới đều theo phong tục mà học Đạo. Vì thế Đạo giáo ngày càng hưng thịnh và phát triển. “Ngũ Đấu Mễ Đạo” Trương Lỗ luôn giữ tâm niệm “Thà làm nô lệ cho Ngụy công”, lấy cờ xí về với Tào doanh. Phương sĩ các nơi dùng rất nhiều hình thức để tề tựu tại Tào môn. Đạo giáo ra cáo thị công nhận Tào Tháo là: “Hoàng đức tại Tào“.
Năm 193, quân Tào tại Quyên Thành đại chiến với quân Viên Thuật. Viên Thuật tháo chạy về giữ huyện Phong Khâu. Tào Tháo truy đuổi, đại phá Thuật. Thuật trốn chạy đến Tương Ấp. Tào Tháo truy đuổi đến Thái Thọ, Thuật lại chạy về Ninh Lăng. Tào Tháo đuổi gấp không ngừng, Thuật chạy về Cửu Giang. Tào Tháo đắc thắng, cuối mùa hạ năm đó ông rút quân về Định Đào.
Cũng đầu năm đó, người huyện Hạ Phì là Khuyết Tuyên hội được mấy ngàn người, tự xưng là Thiên tử. Từ Châu mục Đào Khiêm và Khuyết Tuyên cùng nhau khởi binh chiếm lấy các huyện Hoa, Phí của quận Thái Sơn, đánh chiếm Nhiệm Thành. Mùa thu năm đó, Tào Tháo xuất quân chinh phạt Đào Khiêm, hạ được hơn mười thành, Khiêm trốn trong thành không dám ra.
Giữa lúc đó, Trương Mạc và Trần Cung làm phản, về dưới trướng Lã Bố, đánh vào hậu phương quân Tào. Tuân Úc, Trình Dục giữ vững Quyên Thành. Tào Tháo đang trên đường chinh phạt Từ Châu bèn dẫn quân quay về. Năm 195, Tào Tháo đánh tướng của Lã Bố là Tiết Lan, Lý Phong ở huyện Cự Dã.
Lã Bố dẫn binh cứu viện nhưng không thắng nổi nên bỏ chạy. Quân Tào giết hết nửa số quân của Tiết Lan. Lã Bố lại từ Đông Mân cùng với Trần Cung kéo theo hơn vạn người đánh Tào Tháo. Lúc đó quân Tào đang đi gặt lúa, trong thành không đến ngàn người. Tào Tháo bèn lệnh cho đàn bà, con gái cũng phải lên thủ thành, tất cả binh sĩ cũng phải dàn quân mà chống cự lại.
Phía tây trại có dải đê lớn, phía nam thì cây cối um tùm. Lã Bố nghi có mai phục, bèn nói rằng: “Tào Tháo đa mưu cẩn thận trúng mai phục”. Lã Bố dẫn quân lùi về phía nam cách đó hơn mười dặm, đến ngày hôm sau mới quay trở lại. Khi ấy, Tào Tháo cho binh mã ẩn nấp ở dưới đê, chỉ cho một nửa binh lính ra nghênh chiến.
Lã Bố tiến lên, Tào Tháo liền sai khinh binh đi khiêu chiến, sau đó phục binh bất ngờ xông lên, bộ binh, kỵ binh cùng tiến đánh. Tào Tháo đại phá quân Lã Bố, thu về rất nhiều chiến lợi phẩm, xe cộ, vũ khí. Nhân đó, quân Tào truy đuổi về tới doanh trại địch. Lã Bố bỏ chạy trong đêm. Tào Tháo lại tấn công san bằng Định Đào, chia quân bình định các huyện. Lã Bố khi ấy chạy về phía đông theo nhờ Lưu Bị. Trương Mạc cũng theo Lã Bố để em họ là Trương Siêu ở lại giữ thành Ung Khâu.
Tháng 8 mùa thu năm đó, Tào Tháo vây đánh thành Ung Khâu mấy tháng liền. Mùa đông tháng 10, Thiên tử bái Tào Tháo làm Duyện Châu mục. Tháng 12, Tào Tháo chiếm được Ung Khâu, Trương Siêu tự sát. Duyện Châu bình định xong, Thái Tổ lại đem quân sang chiếm lấy đất Trần.
Chỉ trong có mấy năm, Tào Tháo từ chỗ không chút thế lực đã thu nạp anh hùng, dũng sĩ, văn tài, võ lược đầy khắp gia môn. Khi ấy, ông chính là hùng bá một phương, bắt đầu tranh giành Trung Nguyên cùng với các chư hầu, vừa tỏ được cái uy với thiên hạ, vừa thỏa được chí lớn khuông phò Hán thất, chấn chỉnh triều cương.
Muốn biết Tào Tháo bắt đầu con đường chinh phục thiên hạ của mình ra sao, phò tá ấu chúa thế nào, mời quý độc giả theo dõi ở kỳ sau, hạ hồi phân giải.
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Thiếu Kỳ biên dịch
Xem thêm:
- Hàn Tín, hùm thiêng khi đã sa cơ (Kỳ 7): Bốn bề khúc Sở ca, Hạng Vũ phải tuyệt mệnh
- Lý Bạch, ánh trăng nghìn năm toả sáng bầu trời thi ca (P.4): Thi Tiên vung bút vang trời đất, kiếm khách sáng lòa nghĩa khí bay
- Từ chuyện ‘Đát Kỷ – Trụ Vương’ chặt xương xem tủy, tới tội ác kinh hoàng đang diễn ra ở Trung Quốc