Lời toà soạn: Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu sáng tỏ được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Tào Tháo (155 – 220) là một ngôi sao sáng trên vũ đài lịch sử Trung Hoa, mưu trí hơn người, toàn tài văn võ, một tay chống giữ triều cương, bình định phản loạn, gây nền thái bình, đặt định thống nhất giang sơn.
Suốt hàng nghìn năm qua, đã có biết bao câu chuyện xung quanh Tào Tháo, người gọi ông là quân tử, kẻ cho ông là tiểu nhân, người hâm mộ, kẻ khinh ghét, thực là trăm nhà đua tiếng. Chuyện cũ nghìn năm phủ bụi, thật giả đôi khi khó tường, loạt bài về Tào Tháo sẽ phần nào giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện, chân thực và công bằng nhất về nhân vật từng tiêu tốn biết bao giấy mực này.
Xem thêm: Tào Tháo, trang sử thất lạc của một anh hùng (Kỳ 1): Chân nhân hay nghịch tặc?
Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng san bằng 6 nước Yên, Hàn, Triệu, Nguỵ, Sở, Tề, thống nhất Trung Hoa, kiến lập nên hoàng triều chính thống đầu tiên: Nhà Tần. Nhưng chỉ trong vòng 15 năm ngắn ngủi sau đó, nhà Tần mau chóng sụp đổ, vùi lấp dưới tro tàn. Phong vân lại nổi lên, chiến hỏa một lần nữa đốt đỏ rực trời, một thời đại mới lại mở ra.
Hán – Sở giao tranh, quần hùng đồng khởi, cuối cùng Hàn Tín phò Lưu Bang đánh bại Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ anh dũng vô song mà khép lại bức màn sân khấu, mở ra cơ nghiệp 400 năm cho triều Hán.
Hoàng đế của triều đại mới, Lưu Bang cùng Lữ Hậu bày mưu sát hại Hàn Tín, cung Vị Ương tắm máu anh hùng, cuối cùng thành nỗi oan thiên cổ. Hán Vũ Đế kế tục uy vũ của Tần Thủy Hoàng, khai mở triều cương, mở rộng lãnh thổ, nam chinh bắc chiến, uy vũ hùng phong, thống nhất Tây Vực. Đó cũng là đỉnh cao của nhà Hán.
Kế thừa dự ngôn, minh chủ xuất hiện
Năm 106 TCN, niên hiệu Nguyên Phong năm thứ 5, Hán Vũ Đế viết bài “Thu Phong từ” nói rằng: “Con cháu tông thất, ai có thể ứng với điều này: Trong sáu bảy bốn mươi hai đời sau, thay thế nhà Hán trở thành đường cao?”.
Trong sách “Sấm Xuân Thu” viết: “Đại hán giả, đương đồ cao dã” (Thay thế nhà Hán là chỗ cao ở trên đường). Đến thời mạt triều Đông Hán, danh sĩ Chu Thư đến từ vùng Ba Tây, Lãng Trung nghiên cứu lời sấm truyền này. Đương lúc đó có người hỏi: “Sấm Xuân Thu viết có người thay thế triều Hán là chỗ cao ở trên đường“. Chu Thư trả lời: “Chỗ cao ở trên đường chính là Ngụy vậy“.
Kiến An năm thứ 18 (tức năm 213), Tào Tháo được tấn phong làm Ngụy công, sau lại thăng làm Ngụy vương. Kiến An năm thứ 25 (năm 220), Nguỵ Vương băng hà, Thế tử Tào Phi lên nối ngôi. Tháng 10 năm 220, Tào Phi ép Hán Hiến Đế nhường ngôi, xưng làm Nguỵ đế, lại truy phong cho cha mình là Tào Tháo làm Ngụy Võ Đế. Những sự kiện ấy hoàn toàn ứng nghiệm với các câu sấm truyền.
Chưa hết, trước đó, vào thời Hán Hoàn Đế, có sao Hoàng tinh (sao Đế Vương) chiếu xuống vùng đất giữa biên giới Sở, Tống. “Tống thư” viết: “Năm mươi năm sau, sẽ có vị chân nhân nổi lên giữa vùng Tiều, Phái, khí thế mạnh mẽ đó không gì cản nổi“.
Sau này, khi Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, phàm là trong vòng năm mươi năm, thiên hạ thực sự không có kẻ địch.
Năm 176, Hán Linh Đế, Hi Bình năm thứ 5, sao Hoàng Long xuất hiện tại huyện Tiều, Đại phu quang lộc Kiều Huyền hỏi Thái Sử lệnh Đan Dương: “Điềm này là cát tường ư?“. Đan Dương trả lời: “Ở nơi ấy sẽ có vị Vương giả chấn hưng đất nước. Không đến 50 năm sau, là lúc rồng phục sinh lần nữa, những sự việc này của thiên tượng là vĩnh hằng không đổi, đây chính là điềm báo“. (Trích từ “Mật Ký” – bản ghi chép bí mật của Ân Đăng, người quận Ngụy).
Năm 196, Kiến An năm đầu, thái sử lệnh thị trung Vương Lập nhìn thiên tượng biết việc hưng suy, nói rằng: “Trước đây sao Thái Bạch đóng ở Thiên Quan, gặp sao Huỳnh Hoặc. Kim, Hoả giao nhau, tượng trời ắt đổi. Vận Hán cáo chung rồi, đất Tấn, Nguỵ tất có người nổi lên vậy“.
Bùi Tùng Chi trong “Tam Quốc Chí” viết: Vương Lập sau này nói với Hoàng đế rằng: “Mệnh trời lúc đến lúc đi, ngũ hành không thịnh mãi, thay hành Hoả là hành Thổ, kế thừa vận Hán là nhà Nguỵ vậy, người có thể yên thiên hạ, chính là họ Tào vậy“.
Nhà Hán trải qua gần 400 năm, đặt định nền tảng căn bản, truyền rộng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa ra bên ngoài. Cuối thế kỷ thứ 3, nhà Hán giờ như nỏ mạnh hết đà, cực thịnh rồi suy, triều chính không thể chấn chỉnh, mối họa hoạn quan, quyền thần làm loạn, thiên tai nhân họa, dân chúng lầm than. Thiên triều nhà Hán khí số đã tận.
Lúc này, thiên ý an bài xuất hiện một vị anh hùng cái thế chuyển sinh đến thế gian, với sứ mệnh lớn, tiếp tục thành tựu nên đại nghiệp. Tào Tháo, tự Mạnh Đức, là người nước Bái huyện Tiêu (hiện nay là đất Bạc, tỉnh An Huy), sinh năm 155 trong một gia đình hoạn quan, cận thần hiển hách vào những năm cuối thời Đông Hán.
Tổ phụ Tào Đằng lúc còn trẻ làm Hoàng Môn thị lang. Vào thời Hán Thuận Đế, được thăng lên đến Đại trường thu (là chức vị hoạn quan lớn nhất trong hậu cung). Thuận Đế băng, Xung Đế, Chất Đế tại vị đều không đến một năm, Tào Đằng thuyết phục Lương Ký nghênh đón Lưu Chí đang sống bên ngoài lập làm Hoàn Đế, nhờ vậy ông được phong làm Phí Đình Hầu. Tào Tung được Tào Đằng nhận làm con nuôi, ban đầu làm Tư lệ hiệu úy, lại được đề bạt làm Đại tư nông, Đại hồng lư, về sau làm quan tới Thái uý.
Tào Tháo là con trai trưởng của Tào Tung, thời niên thiếu vô cùng lanh lợi, thích hành hiệp trượng nghĩa, tinh thông cưỡi ngựa, bắn cung, kết làm bằng hữu với Viên Thiệu, Trương Mạc…
Sách “Dị đồng tạp ngữ” (Tôn Thịnh) chép: “Thái Tổ (tức chỉ Tào Tháo) có lần đi một mình lẻn vào nhà quan Trung thường thị Trương Nhượng, Nhượng biết được, Thái Tổ bèn múa kích ở sân trước, rồi vượt bức tường thấp nhảy ra ngoài“.
Trương Nhượng là một hoạn quan chuyên quyền, lũng đoạn triều chính. Sau lần hành thích không thành ấy, ông đọc nhiều kinh thư, xem rộng các sách, đặc biệt ham mê binh pháp, lại tự mình chú giải 13 thiên binh pháp của Tôn Vũ, đều lưu truyền lại đời sau.
Khi Tào Tháo 12 tuổi, Trưởng sử Hà Ngung nói: “Nhà Hán sắp diệt vong, người có thể an định thiên hạ ắt hẳn là vị này“. Thái uý Kiều Huyền nổi tiếng là biết nhìn người, rất nhiều người khi ấy đều muốn đến bái yết để được chỉ giáo.
Năm Tào Tháo 15 tuổi, Kiều Huyền nói với ông rằng: “Hiện nay thiên hạ sắp loạn, chỉ có người với tài năng xuất thế mang theo thiên mệnh mới có thể cứu vãn được. Có thể bình định thiên hạ, e rằng chỉ có ngài. Ta già rồi, xin đem vợ con phó thác lại cho ngài”. Kiều Huyền sau đó đem vợ con, thân nhân của mình giao phó cho Tào Tháo.
Thanh danh Tào Tháo ngày càng nổi như cồn. Con trai của Tư lệ hiệu úy Lý Ưng, Đông Bình tướng Lý Toản trước khi lâm chung cũng nói: “Thời cuộc sắp xảy ra chiến loạn, anh hùng trong thiên hạ không ai vượt qua Tào Tháo“.
Triều đình từng phong Tào Tháo làm Đông Quận thái thú. Tuy nhiên khi ấy quyền thần chuyên quyền, triều chính đảo lộn, hoàng tộc buông thả, phóng túng. Tào Tháo xét rằng không thể nhìn sắc mặt người khác mà hành xử, vứt bỏ nguyên tắc bản thân để lấy lòng người. Ông mấy lần làm trái lệnh triều đình, lo sợ bị giá hoạ, bèn không tiếp nhận chức Thái thú, chỉ lui về làm Túc vệ.
Về sau, Tào Tháo được phong làm Nghị Lang song vẫn thường lấy lý do bệnh tật mà thoái thác. Chẳng bao lâu, ông cáo biệt về quê, xây nhà bên ngoài thành, mùa xuân, mùa hạ luyện tập võ nghệ, đọc kinh thư, mùa thu, mùa đông đi săn bắn, lấy những việc ấy làm vui. Thực giống như rồng ẩn náu bên trong sóng lớn nhưng vẫn nuôi chí lớn vậy.
Trong thời gian này, Tào Tháo sáng tác 2 bài thơ bày tỏ lý tưởng kinh bang tế thế của mình. “Độ Quan Sơn” ngôn từ thẳng thắng, xem trọng con người, nhân tài, coi con người là quý nhất giữa trời đất, lại đưa ra kiến giải hết sức mới mẻ: Vua chúa, quân chủ được lập nên là để phục vụ cho nhân dân, vì nhân dân. Ông cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ tới các vị minh quân cổ đại: Nghiêu, Thuấn, Vũ, không muốn làm dân lao lực, khổ sở vì các cuộc chiến chinh, muốn giảm bớt hình phạt, cắt giảm thuế, xem trọng việc tiết kiệm.
“Đối tửu ca” ý tứ bay bổng, tình cảm dạt dào, đã vẽ nên một bức tranh thời thái bình đầy đẹp đẽ. Đó là một xã hội lý tưởng mà Tào Tháo theo đuổi: Bậc vua chúa hiền minh, bề tôi trung lương, nhân dân có lễ nghĩa, lương thực sung túc, hình pháp nghiêm minh, mưa thuận gió hoà, nhà tù bỏ không, ân huệ thấm nhuần khắp, người người hưởng phúc thọ dài lâu.
Tham gia triều chính, bất khuất không e sợ quyền thế
Năm 177, tức Hi Bình năm thứ 3, Tào Tháo 20 tuổi, được đề cử Hiếu liêm, được phong làm Bộ uý ở bắc Lạc Dương. “Tào Man truyện” chép rằng Tào Tháo khi mới nhậm chức đã cho sửa sang nha huyện, làm roi ngũ sắc, treo ngoài cửa chừng hơn mười cây, ai dám phạm vào cấm lệnh, bất kể là cường hào, đều dùng gậy đánh đến chết không tha.
Kiển Thạc là hoạn quan được Linh Đế cưng chiều, có người chú phạm lệnh cấm, giữa đêm đi lại ngoài đường. Tào Tháo hạ lệnh lập tức xử tử. Kinh sư chấn động, không còn người nào dám tái phạm, danh tiếng họ Tào vang xa.
Năm 185, tức Trung Bình năm thứ 2, Tào Tháo được phong làm Tế Nam tướng (ngày nay là khu vực Sơn Đông). Xứ này có khoảng hơn mười huyện. Trưởng sử trong huyện đều dựa dẫm vào giới quyền quý, tham ô hối lộ, xem thường luật pháp. Trước đó, nhiều tướng đến nhậm chức nhưng đều bỏ ngoài tai không tra hỏi.
Duy chỉ có Tào Tháo vừa cầm quyền liền như sấm lôi gió giật, tức thì khởi tấu triều đình, xin cách chức 8 Trưởng sử, lại cấm tuyệt việc tế lễ nhảm nhí. Cả vùng Tế Nam chấn động, tham quan ô lại rối rít chạy trốn sang các quận khác.
Quận Tế Nam khi ấy rất thịnh hành những chuyện thờ cúng các loại ô uế, loạn bát nháo. Trước đó Thành Dương Cảnh vương là Lưu Chương vì có công lao nên được vua cho lập đền thờ. Ở Tế Nam khi ấy có tới hơn 600 đền miếu thờ. Các thứ ô uế xuất hiện tràn lan trong miếu đền, tà linh phụ thể chiếm cứ các loại tượng thần bằng đất, gây hoạ loạn thế gian.
Tào Tháo vừa đến liền cho đập huỷ tượng thần đã bị ô uế trong miếu, phá hết các đền thờ loạn bậy, trừ bỏ các loại cúng tế và hành vi gây loạn đi ngược lại với chính đạo trong dân chúng, tiêu huỷ các loại tà linh loạn quỷ. Chính giáo lại được hưng thịnh, cả quận lại được thanh bình.
Khi còn rất trẻ tuổi, trong buổi mới nhập quan trường, Tào Tháo đã có được phong độ và khí chất mạnh mẽ, dũng cảm, quả quyết của bậc vương giả trị thế, quả là một con người đặc biệt vậy.
Muốn biết Tào Tháo thực thi quyền lực của mình, chấn chỉnh triều cương, chinh phạt thiên hạ ra sao, mời quý độc giả theo dõi kỳ sau, hạ hồi phân giải.
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Chử Ngọc – Văn Nhược biên dịch
Xem thêm:
- Hàn Tín, hùm thiêng khi đã sa cơ (Kỳ 5): Bày trận tựa sông, phá 20 vạn quân Triệu nhưng vẫn bị thu ấn tướng
- Lý Bạch, ánh trăng nghìn năm toả sáng bầu trời thi ca (P.2): Chim bằng tung cánh, thơ phú vang danh
- Tôn Ngộ Không đánh đổ cây Nhân sâm, vì sao chỉ nước Cam Lồ của Bồ Tát mới cứu được?