Hổ thẹn như một hạt giống thiện lương. Sự khác biệt giữa người thiện và kẻ ác chính là tâm hổ thẹn.

Một người đàn ông hồi tưởng lại quá khứ của bản thân mình, ông đã kể lại một câu chuyện như sau:

Năm ấy ông học cấp ba. Ông nhìn thấy bạn cùng bàn của mình mua một chiếc đồng hồ đeo tay rất cuốn hút. Lúc ấy có đồng hồ đeo tay là một chuyện vô cùng ly kỳ. Nhưng sau này có rất nhiều bạn cũng lần lượt mua đồng hồ đeo tay. Thế là cậu ấy cũng muốn mua một chiếc.

Cuối tuần khi về đến nhà, cậu bé lấy hết dũng khí nói với mẹ về chuyện mua đồng hồ đeo tay. Mẹ nói: “Trong nhà đến cả cháo cũng chẳng có mà húp, làm gì có tiền mà mua đồng hồ hả con?”. Cậu rất thất vọng, nhưng cha cậu lại đột nhiên hỏi: “Mua đồng hồ gì vậy con?”. Lúc này tâm hư vinh đã chiếm cứ trái tim cậu. Cậu nói dối cha mình rằng vì để chuẩn bị cho thi cấp ba, lớp tốt nghiệp của cậu mỗi người một lịch học khác nhau, không có đồng hồ đi học không tiện.

Cậu chờ đợi cha mình đưa ra giải pháp, nhưng cha cậu không nói gì. Ông chỉ ngồi xổm trước cửa nhà hút thuốc trông rất phiền muộn. Cậu đành ủ dột quay trở lại trường.

Mấy ngày sau, mẹ tới trường tìm cậu và rút trong túi ra một túi vải nhỏ. Đó là chiếc túi vải hoa xinh xắn. Mẹ mở từng lớp vải và lấy ra một chiếc đồng hồ đeo tay, đưa cho cậu. Đó là một chiếc đồng hồ mới tinh. Cậu rất vui, bèn đeo ngay vào tay. Mẹ cậu dặn đi dặn lại và phải biết trân quý chiếc đồng hồ này, cậu gật đầu liên hồi.

Tiễn mẹ ra khỏi cổng trường, cậu tiện hỏi mẹ tiền mua đồng hồ ở đâu mà có. Mẹ cậu lặng lẽ bảo rằng là cha cậu đã đi bán máu lấy tiền. Đột nhiên cậu cảm thấy trong người vô cùng khó chịu, chiếc đồng hồ này lại là do cha cậu bán máu mà có! 

Chiếc đồng hồ của cậu được đổi bằng máu của người cha. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Cậu cảm thấy buồn bã vô cùng và tự trách bản thân. Chỉ vì hư vinh của mình mà cậu đã vô tình ép cha phải đi bán máu!

Sau khi mẹ rời đi, cậu bèn lên lớp hỏi bạn học của mình, ngỏ ý muốn bán chiếc đồng hồ với giá nguyên gốc. Mọi người hỏi vì sao cậu không đeo, cậu nói là cậu không thích.

Các bạn không tin, cho rằng chiếc đồng hồ của cậu chắc hẳn có vấn đề gì đó, nên không ai chịu mua nó cả. Cậu đành tìm đến thầy chủ nhiệm lớp mình, nói rõ nguồn cơn sự việc và cầu xin thầy giáo bán chiếc đồng hồ giúp mình. Lúc này thầy chủ nhiệm nói thầy cũng đang muốn mua một chiếc nên đã lấy lại với giá gốc.

Cậu lại dùng tiền bán đồng hồ đóng tiền sinh hoạt phí hai tháng.

Chuyện này khiến cậu cảm thấy vô cùng ăn năn, xấu hổ nhưng lại cũng trở thành động lực mạnh mẽ nhất của cậu. Cậu ngày càng rũ bỏ dục vọng về vật chất và cố gắng dồn tâm sức vào chuyện học hành.

Sau này, cậu thi đỗ đại học và tốt nghiệp rất thuận lợi. Cậu đi làm xa rồi lập gia đình và có những đứa con của riêng mình.

10 năm sau, vào dịp tết đến xuân về, khi về quê thăm nhà, cậu đã tìm lại thầy chủ nhiệm của mình năm đó và hỏi về chiếc đồng hồ.

Thầy chủ nhiệm mái tóc đã ngả hoa râm, cầm ra một chiếc túi nhỏ, chính là chiếc túi vải hoa mẹ cậu bọc chiếc đồng hồ đó. Thầy chủ nhiệm mở chiếc túi vải ra, bên trong là một chiếc đồng hồ đeo tay vẫn còn mới nguyên.

Cậu hơi bất ngờ, bèn hỏi thầy vì sao không dùng đến chiếc đồng hồ này. Thầy nói: “Thầy đợi con về chuộc lại”. Cậu lại hỏi: “Sao thầy chắc chắn rằng con nhất định sẽ quay lại chuộc chiếc đồng hồ này?”. Thầy chậm rãi nói: “Đó không chỉ là một chiếc đồng hồ mà còn là lương tâm của một con người”.

Thầy chủ nhiệm vẫn giữ chiếc đồng hồ sau bao năm. (Ảnh: xwatch.vn)

Chính “lương tâm” là điều khiến cậu cảm thấy hổ thẹn sau khi mẹ nói cho cậu biết sự thật về chiếc đồng hồ.

Sự hổ thẹn khiến con người trở nên tĩnh tại và quay trở về với bản thân mình. Sự tĩnh lặng giúp chúng ta nhìn lại nội tâm và thân xác của mình xem liệu có thứ gì bên ngoài đang che lấp mất phương hướng của mình hay không?

Sống trên đời nếu con người còn biết hổ thẹn thì chắc hẳn hạt giống lương thiện đã nảy mầm và bám rễ trong tâm hồn ấy.

Theo Soundofhope
Minh Nguyệt biên dịch