Trong cuộc sống ta thường gặp phải nhiều sự việc luôn diễn ra một cách ngẫu nhiên hoặc rất tình cờ. Có những sự việc tưởng là ‘phúc’ ấy, mà lại chính là ‘họa’. Thực sự không thể nói trước được điều gì. Như thể trong sâu thẳm ‘kiếp nhân sinh’ mỗi con người, tất cả đều đã được an bài rất tỉ mỉ.

Sinh thời, Lão Tử giảng: “Phúc họa tương ỷ”, nghĩa là phúc ấy một khi đến thì cũng tiềm ẩn những nhân tố gây tai họa trong đó. Trong một hoàn cảnh nào đó, thì phúc có thể biến thành họa, họa cũng có thể biến thành phúc. Đó chính là quy luật biến đổi của vạn sự, vạn vật trong vũ trụ này. Mỗi khi phát sinh một sự tình nào đó, có thể là tốt mà cũng lại có thể là xấu. 

Cổ nhân dạy rằng: “Mặt trời đi thì mặt trăng đến, mặt trăng đi thì mặt trời đến, mặt trăng và mặt trời cùng đắp đổi mà ánh sáng sinh ra vậy. Rét đi thì bức đến, bức đi thì rét đến, rét bức cùng đắp đổi mà năm tháng thành ra vậy. Không có bao giờ, mây trôi mãi che lấp hết cả mặt trời, ngày đông giá rét phủ kín khắp cả mùa xuân!”. 

(Nguyên văn: “Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật nguyệt tương thôi nhi minh sinh yên; hàn vãng tắc thử lai, thử vãng tắc hàn lai, hàn thử tương thôi nhi tuế thành yên”).

Cho nên, mây đen không thể tụ mãi mà che khuất ánh dương, trời đông giá rét cũng không thể bao trùm cả bốn quý.

Lão tử từng nói: “Thiên hạ đều biết Đạo là tốt đẹp, ắt có kẻ dã tâm quấy rối. Thiên hạ đều biết hành thiện là việc tốt, ắt có kẻ bất lương phá hoại. Ấy là lý tương sinh: ‘Tốt’ – ‘xấu’ là đồng thời tồn tại, khó – dễ cùng trường tồn, dài – ngắn cùng so sánh, cao – thấp là cùng hướng, âm – thanh cùng pha trộn, trước – sau cùng đồng thuận”.

(Nguyên văn: “Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ. Giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ. Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy”).

Vậy cũng nói, phúc thường đi đôi với họa, thành đi đôi với bại, lợi đi cùng hại, tăng gắn liền với giảm. Đó là mối quan hệ biện chứng. Điều này cũng được giảng trong “Hoài Nam Tử – Nhân gian huấn”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh hai loại trạng thái chuyển hóa lẫn nhau, chính là “phúc” và “họa”.

Ảnh: Lovepik.

Ca rằng:

“Họa dữ phúc đồng môn
Lợi dữ hại vi lân
Phi thần thánh nhân
Mạc khả năng phân”

(Tạm dịch:

“Họa với phúc cùng đến
Lợi hại cận kề nhau
Nếu không phải Thánh nhân
Thì không thể phân biệt được”)

Cuốn sách “Nhân gian huấn” còn ghi chép rất nhiều điển tích nói về vấn đề họa và phúc này. Trong đó, có câu chuyện kể rằng:

Xưa có hai cha con người nước Tống, sống rất thiện lương, nhưng không hiểu vì sao trong nhà bỗng xuất hiện một điều lạ, đó là trâu đen lại đẻ ra trâu trắng. Người này cảm thấy hết sức kỳ quái, bèn đến thỉnh giáo Khổng Tử.

Nghe qua câu chuyện, Khổng tử nói: “Đây là chuyện tốt, hãy đem tế quỷ thần!”.

Người này về nhà, làm theo lời dạy của Khổng Tử, lập tức đem trâu cúng tế quỷ thần. Được một năm sau, người cha tự nhiên bị mù cả hai mắt. Cũng trong năm đó, con trâu đen lại đẻ ra được một con trâu trắng. Người cha thấy lo lắng, liền sai con đi hỏi Khổng Tử.

Người con lấy làm bất bình, mà rằng: “Ngày trước, nghe lời dạy bảo của tiên sinh xong mà cha vẫn bị mù. Nay còn hỏi ông ta làm chi nữa!?”

Người cha quát mắng: “Thánh nhân đã nói như vậy, thì cứ làm theo. Không được ngỗ ngược! Chuyện còn chưa biết thế nào, chớ có nhiều lời”.

Người con không dám cãi lời cha, đành tìm đến tham vấn Khổng Phu Tử một lần nữa. Nghe xong, Khổng Tử nói: “Đều là chuyện tốt, hãy đem tế quỷ thần!”.

Người con về nhà thưa với cha: “Thưa cha! Lần này Thánh nhân vẫn nói giống như lần trước ạ”. Hai cha con lại nghe theo lời Khổng Tử, đem trâu tế quỷ thần. Được một năm sau, người con đột nhiên bị cũng mù cả hai mắt.

Ít lâu sau, nước Sở đem quân sang đánh nước Tống. Cuộc chiến vô cùng khốc liệt, các tráng sĩ đều phải tử trận nơi xa trường. Nước Sở có binh lực hùng mạnh hơn, cuối cùng đã phá được thành trì nhà Tống. Tất cả lính tráng giữ thành đều bị giết sạch, duy chỉ có cha con nhà nọ do mù lòa không phải đi lính, nên thoát được nạn binh đao.

Sau khi chiến tranh kết thúc, hai cha con lại hồi phục được thị lực như bình thường. Họ cảm thấy rất kinh hãi, thở phào mà dặn nhau rằng: “Chúng ta quả thật là may mắn vì đã nghe theo lời dạy của Đức khổng Tử. Từ nay trở về sau bất cứ xảy ra tai họa gì cũng đều phải tin vào sự bảo hộ của Thần linh, thành tâm bái tế Thần linh”.

Ảnh: Timetoast.

***

Người đời thường nói: “Phúc đấy mà họa đấy, họa đấy mà phúc đấy”, hay “Trong phúc có họa, trong họa có phúc” biến hóa khôn lường, không thể đoán biết được.

Bởi vậy, trong cuộc sống, nếu sự việc đang diễn ra một cách tốt đẹp, và vui vẻ thì cũng cần phải cẩn trọng. Người xưa có câu: “Vui quá hóa buồn” (Lạc cực sinh bi). Vậy nên, người tài trí cần phải biết nhìn xa trông rộng, cần phải hết sức điềm tĩnh, không nên quá cao hứng. Việc gì cũng có thể thay đổi một cách chóng vánh.

Trái lại, khi ta vấp phải sự thất bại thì nên đứng từ trên cao mà nhìn ra xa. Hãy quan sát cho thật kỹ, đặt niềm tin vào một tương lai tốt đẹp. Không nên oán hận những ai đã đem đến cho ta những khó khăn, thống khổ rồi cảm thấy sầu não hay thất vọng trước cuộc đời.

Sống ở trên đời phúc họa đều là hảo sự, khi gặp phải tai họa cũng không cần thương tâm, khi gặp được phúc lớn cũng chớ vội vui mừng.

Từ Khóa: