Diệp Tổ Hiệp (1046-1117), người ở Khoa Gia Diệp, Quan Thành, Thái Ninh, Phúc Kiến (thời đó Thái Ninh thuộc ấp Võ Quân), tự là Đôn Lễ. Năm Canh Tuất (Năm 1070) Hi Ninh Tống Thần Tông thứ ba, đỗ Trạng Nguyên, sau đó làm Phụng Phái kiêm Thư Phụng Quốc Quân Tiết Độ Phán Quan, Cải Thụ Đăng Văn Cổ Viện Phán Quan, Nhậm Quốc Tử Giám Thừa, sau cùng làm quan đến chức Sứ Bộ Thị Lang.
Quê nhà của Diệp Tổ Hiệp ở ấp Võ Quân (Nay là ấp Võ Thị, Phúc Kiến), có một ông lão họ Du, tướng mạo lương thiện, đặc biệt có sở trường dự đoán hung cát qua âm thanh phát ra từ đồ vật. Bậc trưởng bối của ông lão đã từng làm Thái Sứ Lệnh tại Nam Đường, sau khi Nam Đường bị Tống Thái Tông hủy diệt, Du Thị bèn dọn nhà tới ấp Võ Quân thuộc huyện Thái Ninh (Nay là huyện Thái Ninh tỉnh Phúc Kiến).
Diệp Tổ Hiệp khi còn nhỏ, thường chơi trò cưỡi dê. Có một hôm bị lão Du nhìn thấy, lão Du nói với anh: “Tiểu lang quân! Tương lai cháu sẽ là người đứng đầu thiên hạ, hãy nỗ lực nhiều hơn, đừng cứ mãi ham chơi như vậy!” Tổ Hiệp tin lời ông ta nói, sau đó liền chuyên tâm học hành.
Không lâu sau, một người ở quê ông là Hoàng Lữ (1030-1101, xuất thân tiến sỹ, sau đó làm quan đến hữu thừa thượng thư – phó tể tướng) đang túc trực bên linh cữu cha mẹ, nhàn rỗi ở nhà. Tổ Hiệp cùng với một người cùng huyện là Thượng Quan Quân (1038-1115, đỗ bảng nhãn, sau làm quan tới cấp sự trung) cùng nhau đến bái Hoàng làm sư. Khi họ đi qua một tiểu sơn tự, lại gặp ông lão họ Du.
Lão Du chủ động đến chào hỏi họ: “Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, hai vị đến nơi này có chuyện gì?” Hai người họ nhìn nhau cười, đồng thanh đáp: “Thật sự có chuyện đó sao?” Lão Du nói: “Không chỉ có chuyện đó, mà còn là cùng trong một khoa. Tôi dự đoán cho các vị một đề bài, có thể về chuẩn bị trước”
Hai người tuy không tin, nhưng vẫn tiếp tục hỏi: “Đề bài đó là gì vậy?” Lão Du chỉ vào bó trúc ở dưới mái hiên nói: “Có lẽ là sẽ thi về cái này.” Hai người chỉ cười rồi cáo biệt rời đi.
Đến năm Hi Ninh thứ ba, nội dung thi đình có sự thay đổi to lớn, không thi về thơ, phú, luận nữa, mà chỉ thi về “vấn đáp” – – tức là sách lược trị quốc. Kết quả của kỳ thi này: Diệp Tổ Hiệp đứng thứ nhất, Thượng Quan Quân đứng thứ hai. Lúc đó, bọn họ liền nhớ tới lời nói của ông lão họ Du, và minh bạch ra một bó trúc mà ông ta nói, đó chính là hàm ý nói về chữ “Sách”.
Phụ thân của Diệp Tổ Hiệp là Diệp Khác, khi còn trẻ chưa từng đi học, có một lần đi qua nhà của lão Du, lúc đó trong huyện có một đám học sỹ đều ở đó. Lão Du nhìn qua nhìn lại, nói với những người khác rằng ông không dám chắc điều gì về họ, nhưng đối với Diệp Khác ông lại nói: “Vị này đến năm 60 tuổi, có lẽ sẽ làm quan thất phẩm, mặc quan phục màu trắng bạc.”
Mọi người mặc dù không tin việc Diệp Khắc có thể làm quan, nhưng bản thân cũng chẳng có điềm báo phúc lành gì nên đều thấy thất vọng. Diệp Khắc sau này nhờ phúc quý của con trai, được phong làm Triều Thỉnh Lang (quan thất phẩm), ban tặng áo quan, lúc đó ông vừa tròn 60 tuổi.
Bài ghi chép này cho thấy rõ rằng số mệnh vốn đã được định sẵn từ trước, thuật dự đoán của lão Du không chỉ đơn giản là xem tướng, bởi vì nếu chỉ dựa vào xem tướng, thì không thể nhìn thấy được đề thi, cũng không thể nhìn thấy cha của Diệp Tổ Hiệp năm 60 tuổi được phong làm quan thất phẩm, mặc y phục màu trắng bạc, chắc hẳn ngoài việc xem tướng, ông ta còn có công năng tương tự như Túc mệnh thông, thông qua tướng mạo một người mà nhìn thấy những sự việc chi tiết trong số mệnh của họ ở một không gian khác.
Tác giả: Thái Nguyên
Biên dịch: Tuệ Minh
Xem thêm: