Dịch bệnh đã cùng tồn tại với lịch sử từ xưa đến nay. Trong dịch bệnh, có những quốc gia, triều đại đã bị diệt vong, và cũng có những triều đại đã vượt qua được, để lại bài học về tài trí của người lãnh đạo.

Nhìn lại lịch sử, thời hưng thịnh Bắc Tống dưới cai trị của vị vua Tống Nhân Tông cũng đã kinh qua mấy lần ôn dịch. Tống Nhân Tông là một vị Hoàng đế nổi tiếng nhân từ độ lượng trong lịch sử. Khi đại dịch hoành hành ông đã ứng phó như thế nào? Ông đã bảo vệ con dân vượt qua đại nạn ra sao?

Cởi bỏ long bào, thành khẩn tự khiển trách mình

Theo ghi chép trong Tống Sử, sau khi Tống Nhân Tông biết trong nước phát sinh đại ôn dịch, người dân đang phải chịu nạn, việc đầu tiên ông làm không phải là hạ lệnh trừng phạt chúng quan, cũng không phải tổ chức múa hát mừng cảnh thái bình để che đậy tình hình dịch bệnh, mà là “cởi bỏ long bào của đế vương, tạm rời khỏi chánh điện, không nhận chầu mừng của bá quan”, thành khẩn tỏ ý hổ thẹn với chức trách thiên tử theo đạo trời, rồi trách phạt sự thất trách của bản thân. Ông đã giảm thiểu khẩu phần ăn, giảm bớt mĩ vị, đồng thời dừng các hoạt động vui chơi, thành khẩn tự trách tội mình, tra xét lại trong khoảng thời gian mình nắm quyền có làm trái nhân đạo hay không? Liệu đã phù hợp với đạo trời hay chưa?

Quan tâm chăm lo cho muôn dân, đưa ra chính sách hữu hiệu kịp thời

Tống Nhân Tông ngoài việc phản tỉnh tự trách ra, ông càng tích cực hơn trong việc cứu trợ vùng bị hại. Vua hạ chiếu truyền đạt tấm lòng đau buồn, tình cảm thương xót đến với những người dân đang phải chịu nạn, hơn nữa biến đau thương thành hành động, ông hạ lệnh, thực thi phương sách cứu tế đến với người dân từng địa phương.

Năm thứ 6 niên hiệu Thiên Thánh (năm 1028), Tống Nhân Tông vừa mới lên ngôi chưa được bao lâu thì vùng Lâm An (Hàng Châu, Trung Quốc ngày nay) phát sinh đại dịch. Nhân Tông đã lấy tiền riêng không nằm trong quốc khố ra quyên góp cho người dân để họ có thể chạy chữa thuốc thang, mua quan tài chôn cất thi thể những người đã chết và phần nào giúp an ủi người nhà của nạn nhân.

Năm thứ 8 niên hiệu Khánh Lịch (năm 1046) ông đã ban bố chính sách cứu trợ từ thiện, chi phí khám chữa bệnh, tiền thuốc thang của bệnh nhân đều do quan chức địa phương phụ trách.

Khi kinh thành phát sinh đại dịch, người mà Tống Nhân Tông nghĩ đến trước tiên chính là những người nghèo khổ chẳng may mắc bệnh, người nghèo thật khó để có tiền chữa bệnh, và cũng rất dễ bị lang băm lừa gạt, lỡ mất cơ hội chạy chữa, thậm chí mất mạng một cách oan uổng, vậy phải làm sao đây? Ông liền lệnh cho thái y tìm đến những người giỏi bắt mạch, lập ra các nơi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí ở gần nha môn huyện, đồng thời lại giúp bệnh nhân tiết kiệm được khoản tiền thuê phòng trong khoảng thời gian khám chữa bệnh.

Tranh vẽ vua Tống Nhân Tông (ảnh: Wikipedia).

Trân quý người dân hơn cả bản thân mình

Vì để giúp đỡ người dân chống lại dịch bệnh, Tống Nhân Tông đã lệnh cho thái y trong cung nghiên cứu điều chế ra các phương thuốc đặc trị. Ông lệnh cho nội thị lấy ra các loại thuốc quý hiếm, trong đó có hai chiếc sừng tê giác để thái y giám định phân tích dược tính xem có phù hợp không. Trong đó có một sừng tê giác gọi là “thông thiên tê” vô cùng quý hiếm. Loại sừng tê giác này trong nó có một cái lỗ thông nhau từ trên xuống dưới, không khí có thể quán thông được cả hai đầu, nó cũng được gọi là “bích thủy tê”. Tra trong quyển Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân, có viết thông thiên tê “sương đêm không thể thấm ướt, dùng làm thuốc có công dụng thần kỳ”.

Khi đó, nội thị của Nhân Tông là Lý Thuấn Cử biết thông thiên tê này là thuốc báu hiếm có, nên đã xin nhà vua giữ lại dùng cho mình khi cần. Ngờ đâu, Tống Nhân Tông không chút vui vẻ, nói rằng: “Lẽ nào ta lại quý bảo vật hơn tính mạng của người dân sao?”. Nói xong, liền đập vỡ thông thiên tê này, rồi lệnh cho thái y lấy nó bào chế thuốc trị liệu cho bệnh nhân.

Tự bỏ tiền ra cứu tế cho người dân

Năm thứ 8 niên hiệu Khánh Lịch, những trận mưa lớn dị thường tạo thành thiên tai, rất nhiều đồng ruộng của người dân đã bị nước lũ tràn vào, mùa màng mất trắng, người dân đói khổ phải lưu lạc tha phương. Tống Nhân Tông đã lấy tiền riêng của mình, không nằm trong quốc khố, cùng gấm vóc lụa là đưa cho Tam ty quản lý tài chính dùng vào việc cứu tế người dân bị thiên tai. Ông chỉ định, phải dùng những tiền này vào việc mua bán, điều hòa lương thực, cứu giúp dân bị nạn Hà Bắc. Ông cũng ra lệnh cho quan chức Hà Bắc dựng phòng xá cho người dân không có nơi ở, khiến họ không còn phải lưu lạc tha phương nữa.

Năm sau, ông lại hạ chiếu dùng hơn 20 vạn xâu tiền mua lúa giống phân phối cho người dân nghèo khổ vùng Hà Bắc, để người dân trồng trọt lại ngũ cốc, gây dựng lại cuộc sống mới. Đối với những người dân do vì thiên tai lũ lụt, mất mùa, đói khát đến nỗi phải làm đạo tắc thì đều xử trí nhẹ. Những người phạm tội chưa bị hành hình đều được phóng thích, còn những tội nhân bị giam giữ trong nhà ngục đều được giảm mức án. Ông đã từng phát chẩn 2 vạn xâu tiền đến các vùng Doanh Châu, Mạc Châu, Ân Châu, Ký Châu là những nơi chịu thiên tai nghiêm trọng, cho người dân đói khát chuộc con cái mình về.

Vua sáng tôi hiền, ân đức rộng khắp

Những năm đầu niên hiệu Hoàng Hựu (năm 1049), Hà Bắc phát sinh ôn dịch, Nhân Tông cử đặc sứ đến phân phát thuốc men cứu trợ thiên tai. Tháng 7, ông hạ chiếu cho các châu mua thuốc chữa trị bệnh tật cho người dân. Tháng 6 cùng năm, ông đã hạ lệnh miễn trừ 2 năm tô thuế cho người dân Hà Bắc khôi phục làm ăn buôn bán. Tháng 11, ông hạ chiếu cứu tế cho người dân bị thiên tai ở vùng Hà Bắc, phàm là người bệnh trên 80 tuổi và những người bệnh nặng không thể tự mình lo liệu được, đều có thể nhận được 10 đấu gạo và một đấu rượu. Cuối năm Gia Hựu (năm 1063), ông lại hạ chiếu trợ cấp mua quan tài để chôn cất thi thể vô chủ, một cỗ quan tài lớn thì trợ cấp 600 tiền, còn quan tài nhỏ thì 300 tiền.

Tống Nhân Tông lúc nào ở đâu cũng đều lấy việc sự an dưỡng của muôn dân làm gốc, lo nghĩ chu đáo đến an nguy sống chết của người dân. Năm đầu niên hiệu Khánh Lịch (năm 1041), ông đã hạ chiếu cho các địa phương trên khắp cả nước lập kho dự trữ lương thực, đến năm thứ hai niên hiệu Gia Hựu (năm 1057), lại hạ chiếu cho thiên hạ lập kho Quảng Huệ (ân huệ rộng lớn). Với những kho lương thực dự trữ này, một khi phát sinh thiên tai, đều có thể phát huy tác dụng hữu ích kịp thời, khiến những người nạn nhân già trẻ khó khăn đều có thể nhận được sự giúp đỡ. Chính sách này có ảnh hưởng xuyên suốt triều đại nhà Tống, và nó cũng được kế thừa bởi các triều đại sau này.

Dưới sự nắm quyền của Tống Nhân Tông khoan hồng độ lượng, cần chính yêu dân, rất nhiều trung thần, quan lại hiền lương đều nhận được sự khích lệ mà hưởng ứng chính sách nhân từ. Trong một nền chính trị nhân từ, không có chỗ cho những tham quan, những người tài năng sẽ xuất đầu lộ diện phục vụ triều đình. Ví như Phú Bật cai trị Thành Châu (Sơn Đông ngày nay) đã xây dựng mấy trăm nghìn gian nhà, thu xếp nơi ăn chốn ở cho những người dân lưu lạc gây dựng lại một cuộc sống mới, cứu sống hơn năm trăm nghìn người. Lưu Quỳ cai trị Vận Châu đã mở kho lương thực phát lương cứu trợ cho dân đói khát, cứu sống không biết bao người dân, khiến những người bần cùng phải làm đạo tặc nhờ vậy mà quay về đường chính.

Từ tinh thần tôn kính Trời đất, yêu dân như con, biết tự trách tội mình, cùng các hành động cứu trợ kịp thời của Tống Nhân Tông, nếu người thời nay có thể học hỏi và làm theo, chắc hẳn người dân trong đại dịch sẽ tin tưởng và biết ơn bội phần.

Doãn Gia Huy, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch