Tương truyền, Thiên Đế từng ban cho Đại Đường 8 món bảo vật trấn quốc, được một vị nữ ni thần bí dâng lên hoàng đế, giúp ông tiêu trừ ô yên chướng khí của cảnh binh đao.
Biến động “loạn An Sử” thời Đường Huyền Tông đã khiến Trung Nguyên một phen nhốn nháo, lòng dân hoảng loạn. Tương truyền, Thiên Đế từng ban cho Đại Đường 8 món bảo vật trấn quốc, được một vị nữ ni thần bí dâng lên hoàng đế, giúp ông tiêu trừ ô yên chướng khí của cảnh binh đao. Từ sau khi Đại Đường có được bảo vật, cảnh binh đao hoàn toàn dẹp yên, bên trong Đại Đường đã khôi phục lại cảnh yên bình.
Theo ghi chép trong Thái Bình Quảng Ký , cuối những năm Thiên Bảo đời Đường Huyền Tông, An Lộc Sơn, Sử Tư Minh dấy binh làm loạn. Huyền Tông lệnh cho con trai thứ ba là Lý Hanh làm Thiên hạ binh mã Đại nguyên soái, dẫn binh xuất chinh thảo phạt phản tặc.
Tháng 7 năm đầu niên hiệu Chí Đức (năm 756), Lý Hanh lên ngôi ở Linh Vũ, lấy hiệu là Đường Túc Tông. Về sau, Đường Túc Tông bệnh nặng, con trai cả là Sở vương Lý Dự gánh vác trọng trách thảo phạt phản tặc.
Sau khi “loạn An Sử” diễn ra, rất nhiều người dân vì để tránh cảnh binh đao đã chạy nạn đến những vùng quê hẻo lánh. Trong nhóm người chạy nạn có một nữ ni tên là Chân Như. Chân Như trước đó đã từng có một đoạn trải nghiệm khá ly kỳ. Hơn mười năm trước, ngày 7 tháng 7 năm đầu Thiên Bảo, Chân Như nhìn thấy trên bầu trời có một áng mây ngũ sắc bay đến, trong áng mây có vị thiên thần chìa ra một bàn tay đưa cho nàng một túi gấm, bên trong đựng 5 món bảo vật.
Thiên thần căn dặn nàng rằng: “Phải cất giữ cẩn thận, tuyệt đối đừng cho người khác biết”. Chân Như vâng theo thiên mệnh, nên mãi luôn giữ kín trong lòng.
Lúc này, Chân Như đi theo nhóm người lặn lội đến huyện An Nghi ở Sở Châu. Trong đêm ngày 18 tháng 11 năm đầu Đường Túc Tông, Chân Như bỗng nhìn thấy hai người mặc áo đen trong nhà, cả hai cùng dẫn nàng đến một đô thành tráng quan hùng vĩ. Binh sĩ canh giữ thành đều mặc áo giáp sáng rực, xếp thành hàng ngũ ngay ngắn trang nghiêm. Một vị sứ giả nói với Chân Như rằng: “Nơi đây là Hóa Thành”.
Trong thành có một tòa điện lớn, Thiên Đế ngồi ngay ngắn trên điện, đầu đội mũ báu, mặc áo bào màu tím. Ngoài ra còn có hơn 20 người áo mũ phục sức cũng không khác với Thiên Đế là bao, được gọi là Chư Thiên. Sau đó các vị thiên thần vào chỗ ngồi, hạ lệnh cho Chân Như bước vào.
Lúc này các vị thiên thần đang thảo luận một vấn đề nghiêm túc. Họ nói: “Thảm họa binh đao loạn lạc chết chóc ở nhân gian đã kéo dài rất lâu rồi. Bởi bên dưới sát phạt quá nhiều, uế khí tanh hôi xông thẳng lên trời, không biết nên phải cứu vãn thế nào?”.
Một vị thiên thần trong đó đề nghị: “Chi bằng hãy dùng thần bảo ngăn chặn ô yên chướng khí vậy!”. Lại một vị thiên thần nói: “Thế thì phải dùng đến bảo vật thứ ba”. Một vị thần khác lên tiếng: “Hiện giờ ác khí đang thịnh, những thứ ô uế độc hại tụ lại cùng nhau, đều đã ngưng kết lại cả rồi, e rằng món bảo vật thứ ba khó có kết quả, cần phải dùng đến bảo vật thứ hai mới có thể dập tắt cảnh binh đao này”.
Thiên Đế đồng ý với kiến nghị của thiên thần, lấy ra bảo vật thứ hai đưa cho Chân Như, nói: “Nhà ngươi hãy đi gặp quan Thứ sử Thôi Sân, bảo ông ta tâu rõ chuyện này với thiên tử”. Lại nói với nàng: “Cái túi nhỏ trao cho nhà ngươi thuở trước, bên trong đựng 5 món bảo vật, có thể đưa cho những vị quan bình thường xem. Còn 8 món bảo vật cho nhà ngươi bây giờ, chỉ có thiên tử đương triều mới được phép xem. Nhất định phải cất giữ cẩn thận, tuyệt đối đừng làm sai”.
Chân Như ngay lập tức hiểu ra, thì ra những món bảo vật trước đây là Thiên Đế ban cho.
Lần này, Thiên Đế trao cho nàng 8 món bảo vật, có bảo châu như ý, ấn ngọc, móc hoàng hậu hái dâu, lôi công thạch, v.v. Và nói rõ tên gọi và cách dùng của mỗi bảo vật. Sau khi truyền thụ hoàn tất, lại lệnh cho sứ giả áo đen dẫn nàng trở về.
Nữ ni dâng bảo vật
Ngày hôm sau, Chân Như đem chuyện này nói rõ với huyện lệnh Vương Thao Chi.
Vương Thao Chi suốt đêm vội vàng viết thư gửi đến Sở Châu. Khi lá thư đưa đến Sở Châu, quan Thứ sử Thôi Sân vừa đúng lúc muốn đi xa, liền giao nhiệm vụ lại cho bộ hạ Lư Hằng làm thay, bảo ông đến huyện An Nghi tra xét sự việc mà nữ ni đó nói.
Lư Hằng đến huyện An Nghi, tường tận thẩm vấn Chân Như, ông không tin những lời mà Chân Như nói, liền muốn chiểu theo vương pháp trừng phạt nàng, nhưng Chân Như nói: “Thượng Đế có lệnh, ai dám chống lại? Huống hồ những món bảo vật này không phải là năng lực con người có thể làm ra được, cớ chi phải nghi ngờ chứ?”.
Nàng liền đem 5 món bảo vật có được giữa những năm Thiên Bảo đưa cho Lư Hằng xem thử, bên trong có Huyền hoàng thiên phù, ngọc kê, Vương Mẫu ngọc hoàn, v.v. Bảo vật đều là dùng những ngọc báu hiếm thấy làm thành, vô cùng giá trị.
Lư Hằng hỏi chúng có những công hiệu gì, Chân Như liền đem 5 món bảo vật toàn bộ giơ lên, giơ cao đến không trung, trong phút chốc bảo vật phát ra ánh hào quang sáng chói, tất cả đều rọi về phía mặt trời, trong nháy mắt rực sáng cả một vùng, ngửa mặt trông lên, bảo vật phát ra ánh hào quang vạn trượng nhìn không thấy tận cùng. Lư Hằng và huyện lệnh địa phương sau khi trông thấy đều kinh ngạc vô cùng.
Ngày hôm sau, quan Thứ sử Thôi Sân đã đến huyện An Nghi, Lư Hằng báo lại với ông: “Những món bảo vật này đều là thiên thượng ban cho, không phải là thứ con người có thể làm ra được”. Thôi Sân lại nghiệm chứng một phen, kết quả đúng hệt như Lư Hằng đã nói, liền đem chuyện này báo lại với Tiết độ sứ Thôi Viên.
Thôi Viên cử người dẫn Chân Như đến, Chân Như đành phải lần nữa lại lấy ra năm món bảo vật đó, nếu như đặt bảo vật dưới ánh mặt trời, chỉ thấy một dải khí trắng ngút trời, nếu như đặt ở trong nhà, thì sẽ tỏa ra ánh sáng trong vắt như vầng trăng. Còn về bảo vật có thể trấn áp tà khí ô uế thế nào, Chân Như trước sau giữ kín không nói một lời.
Thôi Viên muốn bản thân tâu rõ với thiên tử, Chân Như nói: “Thiên Đế đã lệnh cho Thôi Sân đi làm chuyện này, ông lại hà tất phải đi làm chứ?”. Thôi Viên nghe nói Thiên Đế ngay đến cả người được chọn cũng đều đã an bài xong cả, trong lòng rất lấy làm giật mình, liền không dám khinh suất làm trái.
Thái tử có được bảo vật, cảnh binh đao loạn lạc được dẹp yên
Thứ sử Thôi Sân cử Lư Hằng hộ tống Chân Như cùng tiến cung dâng bảo vật. Khi đó, bởi Sử Triều Nghi đang bao vây Tống Châu, phía nam công đánh Thân Châu, đã chặn đứng con đường sông Hoài, hai người đành phải chọn tuyến đường Trường Giang vào kinh. Ngày 13 tháng 4, hai người đã đến kinh thành.
Khi đó, Đường Túc Tông mắc bệnh nặng, đang nằm trên giường không thể dậy được. Sau khi ông nhìn thấy bảo vật, vội vàng lệnh người truyền gọi thái tử Lý Dự đến, nói với thái tử rằng: “Con từ Sở vương được lập làm hoàng thái tử, hiện giờ thiên thượng ban tặng bảo vật, chính là từ Sở Châu đưa vào kinh thành, đây đúng thật là chiếu cố của thiên thượng dành cho con. Con nhất định phải biết quý trọng những bảo vật này”.
Thái tử Lý Dự bái lạy hai cái, cung kính đón nhận ban ân của Thiên Đế. Lý Dự có được bảo vật, ngay trong năm đó tiếp nhận ngôi vị, là Đường Đại Tông, đổi niên hiệu là Bảo Ứng nguyên niên (năm 762). Sau khi Lý Dự đăng cơ, thăng Sở Châu là Thượng Châu, đổi huyện An Nghi thành là huyện Bảo Ứng.
Nói ra cũng thật kỳ lạ, “loạn An Sử” kéo dài bảy tám năm, vào năm thứ hai sau khi Đại Tông nhận được bảo vật, đã được dẹp yên hoàn toàn. Không còn không khí tàn bạo của cảnh binh đao loạn lạc, bên trong Đại Đường cũng đã khôi phục lại cảnh bình yên.
Theo NTDTV
Vũ Dương biên dịch