Câu chuyện được ghi chép trong lịch sử cho thấy, dù người chưa hành động, mới chỉ nảy sinh một suy nghĩ trong đầu, cũng có thể bị tính là làm điều xấu mà tạo nghiệp.
Vệ Trọng Đạt đời nhà Tống làm quan trong Hàn Lâm viện. Một lần, trong giấc mơ, hồn ông bị dẫn xuống Âm phủ. Quan xử án dưới Âm ty yêu cầu người phụ trách sổ sách đưa lên hai loại sổ, một loại ghi chép toàn bộ việc xấu và một loại ghi các việc tốt mà ông đã làm khi còn sống. Loại ghi việc xấu thì nhiều vô kể, trong khi việc tốt thì chỉ là một quyển sổ nhỏ.
Quan xử án lại cho người cầm cân tới, sổ ghi việc xấu rất nhiều nhưng lại rất nhẹ, trong khi quyển ghi việc tốt mỏng nhưng lại rất nặng. Vệ Trọng Đạt hỏi: “Tôi mới chưa tới 40 tuổi, làm sao có thể mắc nhiều lỗi như thế này được?”.
Quan xử trả lời: “Chỉ cần một ý niệm chưa đúng là đã bị coi là mắc lỗi hoặc có tội rồi, tất cả đều được ghi chép lại. Ví dụ, nhìn thấy phụ nữ con gái, có ý nghĩ không tốt, là bị coi là có lỗi và bị ghi lại”.
Vệ Trọng Đạt lại hỏi: “Vậy quyển ghi việc tốt kia là ghi gì?”.
Quan xử đáp: “Một lần, Hoàng đế muốn xây dựng một công trình lớn, là xây cây cầu đá bắc qua ba quả núi. Ngươi đã đệ tấu khuyên không nên làm, vì nơi này người qua lại ít, lãng phí của cải của nhân dân. Sổ này đã ghi lại nội dung bản tấu của ngươi đã viết”.
Vệ Trọng Đạt nói: “Tôi mặc dù có viết tấu, nhưng Hoàng Thượng đã không nghe, kết quả vẫn cho làm cây cầu đó. Vì việc can ngăn này không hề có hiệu quả, sao nó lại vẫn có trọng lượng đến như vậy?”.
Quan xử trả lời: “Mặc dù Hoàng Đế đã không nghe theo ý kiến của ngươi, nhưng suy nghĩ này của nhà người là rất đúng, rất chân thành, mục đích là để giúp người dân không phải đi lao dịch. Nếu Hoàng đế đồng ý với ý kiến của ngươi, thì công lao của ngươi đã rất lớn rồi! Nhưng tiếc là, những ý nghĩ xấu của nhà ngươi quá nhiều, vì thế sức mạnh của cái tốt đã bị yếu đi một nửa, ban đầu ngươi đã có thể được lên tới chức Tể tướng, nhưng giờ đây việc này không còn hy vọng nữa rồi”.
Vệ Trọng Đạt kinh ngạc rồi bừng tỉnh dậy.
Từ đó về sau, Vệ Trọng Đạt thường xuyên kể câu chuyện này cho người nhà để răn dạy, nhắc nhở mọi người phải có suy nghĩ đúng, không nên có những suy nghĩ xấu xa, lệch lạc. Sau đó, quả thực Vệ Trọng Đạt chỉ làm được tới chức quan Sử bộ thượng thư, không làm được tới chức tể tướng.
Việc xấu của Vệ Trọng Đạt mới chỉ là ở suy nghĩ, chưa thực hiện mà đã tổn hại phúc đức của ông tới thế rồi. Trong khi đó, việc tốt của ông mặc dù cũng mới chỉ là ở mức đề xuất, chưa được Hoàng đế chấp nhận, nhưng cũng đã đủ để thắng lại số lượng lớn những ghi chép xấu trong suy nghĩ của ông. Từ câu chuyện này ta thấy, nếu thực sự hành động, sức mạnh của việc thiện và việc ác sẽ còn lớn hơn nữa. Chỉ với ý niệm cũng đã đủ tích đức hoặc rước họa vào thân.
Lòng người sinh ý niệm,
Trời xanh tất nhìn thấu.
Muốn chúng thần khâm phục,
Dâm tà cần trừ đoạn.
Ngay thẳng như quân tử,
Mới quang minh lưu sử.
Chuyện ghi theo Tập phúc tiêu tai chi đạo.
Theo Secretchina
Quỳnh Chi biên dịch