Ai cũng biết rằng, nhẫn nại là đức tính tốt đẹp và cần thiết đối với mỗi con người. Nhưng nói thì dễ, làm thì khó, mấy ai đã hiểu thấu và hành được chữ “Nhẫn” trong cuộc sống?
Từ xưa tới nay nhẫn nhịn luôn là triết lý của cuộc sống, là môn học bắt buộc cần rèn luyện trong cuộc đời mỗi người. Sự vĩ đại và sâu sắc của các bậc thánh nhân thời xưa chỉ dựa vào một chữ “Nhẫn” mà có thể nổi trội hơn người.
Nội hàm của chữ Nhẫn
Chữ ‘Nhẫn’ (忍) gồm có chữ ‘Tâm’ (心) ở dưới và chữ ‘Đao’ (刀) ở trên. Chữ “đao” có hàm ý phải tôi luyện, mãi dũa mà thành.
Chữ đao (刀) này còn có thêm một nét gạch nữa, thể hiện độ sắc bén của đao kề vào trái tim, tức chữ ‘Tâm’ ở dưới. Ý nghĩa chính là khi cái đao sắc bén cứa vào tim tới mức chảy máu đau đớn quằn quại. Thế nhưng chữ ‘Tâm’ nằm ở dưới lại chính là nền tảng của cả chữ “Nhẫn”. Đối với người bình thường, đao cứa vào tim là rất đau đớn và cực khổ, còn đối với người có tâm đại nhẫn thì ngược lại, tâm này vẫn bất động dù đao kia có sắc đến đâu. Nếu tâm dao động thì không “Nhẫn” được, nếu tâm tĩnh thì càng nhẫn, càng bất động tâm càng thể hiện ra sự đại nhẫn.
Thời xưa có điển cố nổi tiếng về Hàn Tín nhẫn nhịn chịu nhục như sau:
Hàn Tín là đại tướng quân của Lưu Bang, ông đã đánh bại nhà Tần, chặn Sở, diệt Ngụy, lấy Triệu, thu Yên, thu Tề, đánh trận “thập diện mai phục” với Hạng Vũ lưu danh sử sách, cuối cùng khiến nhà Hán lập nên nghiệp Đế. Sở dĩ ông có năng lực lớn thế là nhờ có tâm Đại Nhẫn.
Thời còn trẻ Hàn Tín luyện võ, học phép dùng binh và thường khoác bảo kiếm đi ngoài đường. Một hôm, ngay trên phố sá sầm uất, Hàn Tín mang kiếm đang đi trên đường thì gặp một đám côn đồ, một trong số chúng hét lên: “Này, ngươi trông thật nhát gan. Tại sao ngươi mang kiếm?”.
Hàn Tín không muốn trả lời và chỉ muốn bước đi tiếp. Điều này khiến đám côn đồ vô lại giận dữ hơn nữa. “Nếu nhà ngươi có gan giết ta thì hãy rút kiếm đâm ta xem nào. Nhưng nếu nhà ngươi nhát gan thì phải chui háng ta!”.
Đám đông tụ lại hồ hởi theo dõi xem sự việc thế nào. Kẻ vô lại thấy Hàn Tín không dám đâm, liền dang rộng hai chân ra thách thức. Hàn Tín dù là tay kiếm rất giỏi nhưng không muốn phạm pháp, nên đã cúi mình bò dưới hai chân kẻ vô lại kia. Những kẻ đứng xem đều cười lên thích thú chế giễu Hàn Tín hèn nhát mà cũng mang theo kiếm.
Hàn Tín sau này trở thành Đại tướng quân của Lưu Bang, giúp Lưu Bang đánh thắng hết trận này đến trận khác. Bản tính khoan dung và tâm đại nhẫn phi thường của Hàn Tín, đã đặt nền móng cho sự thành công của ông.
Nếu như lúc đó Hàn Tín vung kiếm vì bị chọc giận, ông sẽ bị xét xử vì tội sát nhân, và con đường sự nghiệp của ông sẽ bị ảnh hưởng, đánh mất cả tiền đồ phía trước.
Học cách nhẫn nhịn
Nếu mỗi người chúng ta học được cách nhẫn nhịn, chắc chắn xã hội sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta ai cũng đã từng có lúc tranh cãi với người khác, tuy nhiên thử hỏi có được bao nhiêu người tự mình suy ngẫm và đặt câu hỏi: “Tại sao mình lại để xảy ra tranh cãi như vậy?”
Nếu mỗi người chúng ta đều có thể nhẫn nại, không để ngọn lửa tức giận bùng cháy trong lòng, thì chẳng phải sự việc sẽ phát triển theo chiều hướng tốt hơn hay sao? Nếu chúng ta đều học được cách nhẫn nhịn thì một sự hiểu lầm sẽ có thể được hóa giải hay sao?
Trong giao tiếp giữa người với người khó tránh khỏi những va chạm xung đột. Nó có thể tới với bạn bất kỳ lúc nào, có thể là khi bạn ở công ty hay thậm chí là đang đi trên đường.
Cổ nhân có câu: “Không nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn”. Lão Tử nói: “Thiên chi đạo bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện ứng”, (tạm dịch là “Đạo trời không tranh mà thành, không nói mà người hưởng ứng”). Phật gia giảng: “Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, ‘Nhẫn’ là đệ nhất”. Khổng Tử cũng nói rằng: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (Không nhịn được điều nhỏ nhặt, sẽ làm hư chuyện đại sự). Ông cũng giảng: “Quân tử vô sở tranh”. Nếu tranh giành thì đã tụt xuống hàng tiện nhân rồi. Đây chính là những giải thích đúng đắn nhất về sự nhẫn nhịn.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu mỗi người chúng ta đều học được cách nhẫn nhịn, thì sẽ loại bỏ được rất nhiều mâu thuẫn giữa người với người, không gian sống của chúng ta sẽ trở nên hài hòa tốt đẹp hơn rất nhiều.
Nhẫn nhịn là biểu hiện của sự tự tin phong độ
Người nhẫn nhịn cũng có thể nhẫn nại, cũng có thể khiêm nhường. Trong giao tiếp xã hội hằng ngày khi xảy ra mâu thuẫn, trách nhiệm thường có thể đều thuộc cả hai người. Tuy nhiên chúng ta có thể nhẫn nhịn mà chủ động nhường người khác ba phần và tự tìm nguyên nhân ở chính bản thân. Như vậy sẽ có thể thoát khỏi sự mâu thuẫn và cãi vã không cần thiết giữa hai người, hóa giải những hiểu lầm không đáng có.
Nhẫn nhịn là một loại mỹ đức, là cảnh giới cao nhất của đời người. Khi chịu sự trách mắng oan uổng của người thân, khi bị bạn bè hiểu lầm, khi bị chê trách, bị những tin đồn thất thiệt, làm ảnh hưởng tới danh dự của bản thân. Những lúc này, tức giận không thể giúp xua tan đi mây mù, nổi nóng cũng không thể làm cho mưa thuận gió hòa, chỉ có nhẫn nhịn mới có thể giúp bạn khôi phục lại hình tượng bạn cần có, nhận được sự đánh giá và khen ngợi công bằng xác đáng.
Nhẫn nhịn là một môn nghệ thuật mà cuộc sống trao cho bạn
Nhẫn nhịn là phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người, cũng là một cảnh giới làm người. Victor Hugo (1802 –1885 ), nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp từng nói: ‘Rộng lớn nhất trên thế giới này là đại dương, rộng lớn hơn đại dương chính là bầu trời, bao la hơn bầu trời chính là tấm lòng của con người”.
Trong kiếp người ngắn ngủi này, nếu học được cách nhẫn nhịn, sẽ luôn làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên vui vẻ, khi đó chúng ta mới biết trân trọng và càng thấy hạnh phúc khi có được cơ hội làm người.
Nhẫn cũng là một mỹ đức cần có trong hành trang sinh sống của các cặp vợ chồng. Khi hai người từ hai môi trường sống hoàn toàn khác biệt về chung một nhà, từ đó sẽ nảy sinh các xung đột về mọi phương diện. Vào lúc này là người vợ hãy học cách nhẫn nhịn, hãy luôn nhớ rằng “cơm sôi bớt lửa”, khi nóng giận cả hai nên cùng biết nhẫn, cùng ngồi lại chia sẻ để hiểu nhau hơn, để giải tỏa mọi xung đột hiểu lầm không đáng có. Yêu thương tôn trọng nhau, chính là cả hai cùng học được cách nhẫn nhịn lẫn nhau. Nhẫn nhịn không những có thể xua tan sự lạnh lùng băng giá giữa hai người, mà còn có thể mang tới sự ấm áp yêu thương tới trái tim của đối phương.
Lựa chọn nhẫn nhịn sẽ càng đắc được sự thông cảm thấu hiểu và ân tình, đồng thời sẽ có được sự vui vẻ lạc quan tự nhiên khó đắc trong đời người. Bởi vậy, nhẫn nhịn chính là sự giáo dục trong im lặng, cũng giống như khi con trẻ có sai sót, thay vì khiển trách đánh mắng hãy cố gắng nhẫn nhịn chỉ ra sai sót và sai lầm của con, đó là cách giáo dục đúng đắn nhất. Khi con trẻ gặp thất bại hoặc phiền phức, quan tâm an ủi có thể thắng được sự oán trách. Đôi khi sự nhẫn nhịn có thể càng giúp trẻ tự kiểm điểm và tự trách mình một cách sâu sắc hơn.
Nhẫn nhịn cũng giống như một bài thơ của cuộc sống, khi tới cảnh giới cực cao của sự nhẫn nhịn, sẽ toát lên một khí phách giống như sự thăng hoa của sinh mệnh con người. Hàm ý chân chính của sự nhẫn nhịn không chỉ vẻn vẹn để chỉ sự thấu hiểu và yêu thương giữa những người thân trong gia đình, mà là tình yêu thương nhân loại sản sinh từ nội tâm đối với thế giới thực tại xung quanh. Cũng bởi có sự khoan dung giống như một bài thơ này, sẽ biến cuộc sống trở thành một môn nghệ thuật mang đến tình yêu thương vĩnh hằng.
Nhẫn nhịn có thể hóa giải mọi hiểu lầm và nghi ngờ. Hãy luôn học cách nhẫn nhịn trong gia đình, bởi nó cũng giống như một loại dầu bôi trơn có thể kịp thời hóa giải mọi mâu thuẫn và loại bỏ những va chạm không đáng có. Nó là chất kết dính giúp tình thân gia đình trở nên gắn kết hơn, là loại thuốc thần kỳ có thể chữa lành mọi vết rạn nứt; là thứ thuốc an thần giúp con người giữ được bình tĩnh và hóa giải mọi sự tức giận; là nốt nhạc hài hòa có thể tấu lên những nhạc khúc uyển chuyển; cũng càng là một loại vũ khí thần kỳ được tạo nên bởi đôi bàn tay vun đắp của người vợ và người chồng dùng để tạo nên hạnh phúc an vui cho gia đình.
Bình Nhi