Nói chuyện là một nghệ thuật. Lời nói đã xuất ra thì giống như bát nước đổ đi, thật khó thu lại. Trước khi nói một lời nào, người thông minh, hiểu chuyện luôn hết sức thận trọng. 

Trong những giao tiếp đời thường, thực sự có những lời bạn nhất định không nên nói ra. Không nói ra để giữ đẹp lòng nhau, để tránh gây thương tổn, để cho người khác một đường lùi.

1. Không nói lời chán nản, làm nhụt nhuệ khí 

Có nhiều người rất hay nói những lời chán nản, làm nhụt ý chí. Thực ra cuộc sống cần những lời cổ vũ, khích lệ nhiều hơn, động viên người khác và an ủi chính bản thân mình. Nếu ngay cả với bản thân mà cũng không thể nói lời khích lệ, thường âu sầu, chán nản thì chẳng khác gì mua dây buộc mình, tuyệt vọng vô cùng.

Khi nhìn cuộc đời đâu đâu cũng chỉ là màu tối, là tử lộ, người ta cũng rất dễ sa ngã, tự đày đọa mình trong những tật xấu, thói hư, qua đó mà hủy hoại đi chính sinh mệnh của mình. Việc này thực là nguy hiểm.

2. Không nói lời tức giận

Khi tức giận, người ta thường thiếu suy nghĩ, dễ nói ra điều làm tổn thương người khác. Khi bạn phải chịu những lời khinh bỉ, xúc phạm từ người khác, trước hết hãy nên tỉnh táo, giữ vững tâm tính của mình, không tùy tiện lên tiếng, cố gắng nhẫn nại, đợi mâu thuẫn đi qua rồi giải thích mọi chuyện một cách có thiện ý.

Đương nhiên, làm được điều đó thực khó. Nhưng ai làm được nó thì chính là người có thể thành công, dựng được sự nghiệp lớn trong đời. Hàn Tín khi xưa bị kẻ lưu mạnh chọc giận, bắt phải chui háng. Ông đã hành xử ra sao? Ông quyết định làm theo lời hắn, chịu nhục chui háng. Sau này, khi trở thành Đại tướng quân, vương hầu, ông lại tìm tay lưu manh năm xưa để ban thưởng. Phải là người có sức nhẫn chịu lớn nhường nào mới làm nổi điều không tưởng ấy đây?

Khi tức giận, người ta thường thiếu suy nghĩ, dễ nói ra điều làm tổn thương người khác.

3. Không nói lời phàn nàn, oán trách

Khi không hài lòng, rất có thể bạn sẽ nói ra đủ điều oán trách, những lời phàn nàn, oán hận. Khi ấy, bạn thấy ai cũng là kẻ đáng hận trong mắt mình, từ đồng nghiệp, bạn bè đến ngay cả sếp lớn, người thân.

Phàn nàn thực sự chẳng được lợi chi. Nó chỉ thể hiện rằng bạn đang bất lực, là người không có lập trường, dễ run sợ trước khó khăn. Nói lời oán trách cũng có thể khiến bạn gánh lấy hậu quả bởi “tai vách mạch rừng”. Bạn có dám chắc những lời mình nói ra không đến tai nhiều người khác?

4. Không nói lời làm tổn hại người khác

Lời nói, khi cần cũng chính là một thứ vũ khí vô cùng nguy hiểm, thậm chí đoạt cả mạng người. Hãy cẩn thận với những lời nói của mình, bởi rất có thể lời nói của bạn sẽ làm tổn thương ai đó, dù vô tình hay hữu ý.

Có câu “Lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Những lời gây tổn thương thực sự ám ảnh người ta rất lâu, như là vết sẹo, cái dằm vẫn găm vào trái tim họ. Làm tổn thương người thì bạn cũng phải đối mặt với việc bị người làm tổn thương lại, cuộc đời là có vay có trả.

5. Không nói lời khoe khoang

Nhiều người thích khoe khoang, tự mãn về chính mình, đi khắp nơi tự quảng cáo về tài năng của mình. Người khác nghe vào đều cảm thấy khó chịu. Tự khoe khoang ắt không phải là tính cách của người quân tử. Chỉ có kẻ tiểu nhân nhỏ mọn, tài hèn sức yếu mới “thùng rỗng kêu to”, đi khắp nơi khoe mẽ mà thôi.

Thay vì nói nhiều, bạn hãy thể hiện tất cả bằng hành động. Chỉ có hành động tốt mới khiến bạn được người khác đánh giá cao và nể phục mà thôi.

Chỉ có hành động tốt mới khiến bạn được người khác đánh giá cao và nể phục mà thôi.

6. Không nói lời dối trá

Trong “5 giới cấm” của Phật giáo thì “nói dối” được cho là rất nghiêm trọng. Nói dối có thể khiến lòng người ly tán, mang họa thay phúc, vừa hại người khác, lại rước họa cho mình. Người ta đều coi thường những kẻ gian dối. Nói dối cũng là bước đầu tiên dẫn con người ta đến những tội ác lớn hơn. Ban đầu là nói dối, sau đó sẽ là hành ác.

Đạo gia giảng về chữ “Chân”, nghĩa là phải chân thành, chân thật, sống ngay thẳng. Phật gia cũng giảng về việc thành thật, tồn giữ tâm thiện, không gian dối. Vậy nên, dù là những lời nói dối nhỏ nhặt, tưởng như không có tác hại gì, bạn cũng nên cẩn trọng.

7. Không nói lời tiết lộ bí mật

Đã là bí mật thì không thể tùy tiện nói ra, cũng không thể tiết lộ cho nhiều người biết. Người đã chia sẻ bí mật của họ cho bạn chính là đã tin tưởng bạn 100%. Nếu bạn lỡ lời nói ra bí mật ấy, chính là đã phụ lòng họ. Chữ tín của bạn cũng không còn. Không có tín nghĩa thì đi khắp thế gian bạn cũng không thể lập thân, dựng nghiệp.

Chữ tín được người xưa vô cùng coi trọng. Quan Vũ là một dũng tướng của Lưu Bị, vì bất đắc dĩ mà phải hàng Tào Tháo. Tào Tháo đãi ông rất hậu, ba ngày mở một tiệc nhỏ, năm ngày mở một tiệc lớn, lại cấp ấn phong hầu, tặng ngựa Xích Thố. Thế nhưng Quan Vũ vẫn một lòng hướng về Lưu Bị, giữ đúng tín nghĩa, không quên chủ cũ.

Khi biết Lưu Bị đang ở chỗ của Viên Thiệu, Quan Vũ không quản ngại xa xôi nghìn dặm, từ tạ Tào Tháo, lập tức ra đi, qua 5 ải chém 6 tướng. Người đời sau cho rằng Quan Vũ chính là “Thân tại Tào doanh, tâm tại Lưu” (lòng ở Tào doanh mà tâm vẫn đặt nơi Lưu Bị). Chính Tào Tháo cũng phải tâm phục khẩu phục sự tín nghĩa của Quan Vũ, càng thêm trân trọng, gọi ông là nghĩa sĩ.

Không nói lời tiết lộ bí mật. (Ảnh dẫn theo tinhtam.info)

***

Miệng nói lời nghiệt ngã chính là đang tiêu giảm phúc báo của chính mình. Vì sao lại thế? Phật gia giảng rằng phúc báo chính là từ tâm niệm của người ta mà sinh ra. Ví như có tâm hướng thiện, kính Phật thì phúc sẽ đến. Mà lời nói lại chính là một dạng biểu hiện của tâm niệm. Lời ác nói ra thì khẳng định trong tâm không thể thiện. Tâm không thiện thì còn mong gì phúc báo nữa đây?

Nhiều người vặn vẹo: “Tính tôi vốn khẩu xà tâm Phật, nóng giận mà nói vậy thôi, chứ không có ác ý gì!“. Hoàn toàn không phải, không thể có thứ gọi là “khẩu xà tâm Phật” được. Khi đã nói ra lời ác độc, oán hận, thì trái tim, tâm hồn người ấy cũng chính là đã chất chứa đầy ác niệm. Người xưa giảng “Tướng tại tâm sinh”, mọi hành động thể hiện ra bên ngoài đều là từ nội tâm mà phát xuất ra vậy.

Ngược lại, luôn giữ tâm từ bi, nói ra lời hay, ý thiện chính là tạo nên một ‘trường năng lượng’ hòa ái, thuần thiện. Năng lượng ấy có thể cảm hóa người khác và đem đến phúc phận cho chính mình. Người xưa nói rằng: “Thiện ý một câu ấm ba đông” chính vì lý do ấy.

Xem video để cảm nhận bài viết: