Tăng Quốc Phiên được xem là một trong tứ đại danh thần thời kỳ phục hưng của triều đình Mãn Thanh, được người đời sau đánh giá rất cao. Con đường công danh của ông khá ly kỳ, lúc đầu bảy lần thi cử không đỗ, về sau trong mười năm thăng quan đến bảy lần, liên tiếp thăng lên mười cấp, lên đến quan nhị phẩm. Ông để lại cho hậu thế nhiều kinh nghiệm xử thế quý báu.
Cả đời Tăng Quốc Phiên đều cần kiệm liêm chính, không vì chức quan mà kiêu ngạo. Mọi người thường hay nói quan trường như chiến trường, họa phúc khó lường. Nhưng Tăng Quốc Phiên tu tâm dưỡng tính, lấy đức làm quan, có được thành công to lớn trong sự nghiệp, vận may luôn rất tốt.
Sự thành công trên quan trường của Tăng Quốc Phiên bắt nguồn từ phương thức nói chuyện của ông. Ông tuân theo nguyên tắc “không nói nhiều”.
Người xưa thường hay nói: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Lời nói có giá trị thì mới nói nhiều, lời nói không cần thiết thì không nói.
Tăng Quốc Phiên nói: “Làm việc không được tùy tâm, nói chuyện không được tùy khẩu”.
Điều này bắt nguồn từ một chuyện nhỏ.
Cha của Tăng Quốc Phiên ăn mừng sinh nhật, Trịnh Tiểu San đi đến chúc thọ, Tiểu San là đồng hương của Tăng Quốc Phiên. Lúc đó Tăng Quốc Phiên vừa mới được vào viện Hàn lâm, vô cùng đắc ý, nắm lấy tay của Tiểu San ba hoa không ngớt lời, nói mà không suy nghĩ, có cũng nói không có cũng nói, làm Trịnh Tiểu San thấy khó chịu, thế là Trịnh Tiểu San tức giận bỏ về.
Sau chuyện đó, Tăng Quốc Phiên phát hiện ra lỗi của mình, hối hận không kịp. Từ đó, ông bắt đầu chú ý lời ăn tiếng nói của mình.
Dưới đây là 6 kiểu hành sự giao tiếp cần tránh do Tăng Quốc Phiên tổng kết nghiên cứu ra.
1. Không nói lời thẳng thừng
Nói chuyện là một môn nghệ thuật. Nói hay thì là thêu hoa trên gấm, nói không hay thì là thêm dầu vào lửa.
Nói chuyện tuyệt đối không nên quá thẳng thừng. Ai cũng có lòng tự trọng và sĩ diện, nếu nói chuyện tùy tiện không nghĩ đến hoàn cảnh của người khác, rất dễ tạo ra tình huống ngượng ngùng, làm mọi người đều mất vui.
Tăng Quốc Phiên khuyên dạy con trai rằng: “Từ xưa đến nay nói về thói xấu dẫn đến thất bại đại khái có hai điều: một là kiêu ngạo, hai là nói nhiều”.
Nói chuyện phải tuôn chảy tí tách, mát lòng mát dạ như nước suối giữa núi rừng, chứ không nên cuộn trào ào ạt như nước ở sông hồ. Nói một cách thẳng thừng dứt khoát và nói một cách nhẹ nhàng chậm rãi sẽ mang lại hiệu quả khác nhau, cách nói nhẹ nhàng sẽ được tiếp nhận dễ dàng hơn. Phải làm người khác nghe lọt tai những gì bạn nói, đây là mấu chốt giao tiếp với người khác.
Nếu như cách nói chuyện không hợp lý, dù lời nói có chân thành và có giá trị đến mấy đi nữa, đối phương nghe không lọt tai thì vẫn là vô ích. Còn lời lẽ mềm mỏng, không cứng nhắc vừa là tôn trọng đối phương, vừa để cho đối phương có thể tiếp lời, cũng vừa làm dịu cảm xúc của đối phương để cuộc nói chuyện có thể được tiếp diễn.
2. Không nói lời thị phi
Người nói lời thị phi thường hay bị người khác ghét, đặc biệt là những người nói xấu sau lưng người khác.
Tăng Quốc Phiên viết trong gia thư rằng: “Thường nói chuyện thị phi, tức là người thị phi”. Người thường xuyên đi nói xấu người khác, một chút chuyện nhỏ cũng đi rêu rao thành chuyện to, chắc chắn không phải là người tốt đẹp gì. Thường xuyên đi nói xấu người khác, rồi sẽ có ngày những lời nói đó truyền đến tai của người kia.
Người thực sự thông minh, trong những lúc rảnh rỗi luôn học hỏi những cái mới hoặc là nâng cao bản thân, chứ không lãng phí thời gian và sức lực của mình vào bàn tán lỗi lầm của người khác.
3. Không nói lời oán trách
Trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp phải những người oán trách, họ oán trách chính mình hoặc oán trách người khác.
Thật ra oán trách là đang làm chuyện vô ích, không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề. Mọi người không thích nghe chúng ta cứ mãi oán trách, và ngược lại, chúng ta cũng không thích nghe người khác luôn miệng oán trách. Nghe nhiều những lời oán trách, tâm trạng sẽ trở nên tồi tệ, rồi rơi vào vòng xoáy của năng lượng tiêu cực.
Người thích oán trách và cằn nhằn là người có ý chí không kiên định, khả năng chịu đựng áp lực rất kém. Gặp phải chuyện phiền toái là oán trách, không ngừng tìm kiếm lỗi lầm của người khác, oán trách cuộc đời bất công, hại bản thân rơi vào tình cảnh thê thảm… Như vậy rất dễ khiến bạn trở thành người lười biếng và yếu đuối.
Vì vậy, chúng ta đừng ngốc nghếch mà oán trách nữa, hãy thử im lặng suy nghĩ xem tại sao chúng ta lại thất bại? Có cách nào để giải quyết vấn đề không? lần sau gặp phải chuyện như vậy có thể làm tốt hơn không? Đó mới là điều mà chúng ta cần làm.
4. Không nói lời ngông cuồng
Giao tiếp với người khác, thành thật là tốt nhất, những lời nói ngông cuồng tự cao tự đại thì không nên nói, nói ra dễ bị người ta chán ghét. Cũng đừng tùy tiện nhận lời làm những chuyện mà mình không thể làm nổi, đến cuối cùng thất hứa với người khác thì sẽ đánh mất sự tin tưởng mà người khác dành cho bạn.
Vì thói sĩ diện hão của mình mà nói những lời ngông cuồng, để lộ khuyết điểm của mình cho người khác biết, thì đúng là mất nhiều hơn là được.
Vào thời Ngụy Tấn, danh sĩ Chu Bá Nhân của Tấn triều rất thích nói lời ngông cuồng.
Trong “Tấn Thư” kể rằng, có một lần Tấn Nguyên Đế mở tiệc thiết đãi quần thần, mọi người đều uống rượu rất vui vẻ, Tấn Nguyên Đế nói: “Các vị đang ngồi ở đây đều là đại thần nổi tiếng cả nước, hôm nay chúng ta cùng tề tựu tại đây, các vị ái khanh có cảm thấy ta giống Nghiêu, Thuấn, Vũ của thời xưa không?”, các quan đại thần vỗ tay nói giống.
Chu Bá Nhân lúc đó đã uống say, chỉ thấy ông lớn tiếng nói rằng: “Đều là hoàng đế, hoàng đế của hôm nay làm sao có thể sánh được với lúc thánh nhân còn sống chứ?”, hoàng đế vô cùng tức giận, liền hạ thánh chỉ, cho xử tử ông, nhưng nhiều ngày sau lại miễn tội cho ông.
Vì vậy chúng ta cần phải biết khiêm tốn, đừng quá ngông cuồng như Chu Bá Nhân, nếu không sẽ rất dễ rước họa vào thân.
5. Không nói bừa
Con người sống trên đời, nhất định phải sống thật minh bạch, làm người phải rõ ràng minh bạch, làm việc phải đàng hoàng tử tế. Không nói bừa nói đại, không biết thì chúng ta đừng nói, tuyệt đối đừng nói bừa, lời nói một khi đã nói ra thì không thể thu lại được nữa.
Người xưa thường nói: “Người nói không có ý, người nghe có ý”. Người khác nghe được là sẽ nghi ngờ nhân phẩm của bạn, sẽ có ảnh hưởng không tốt tới hình tượng của bạn.
Không ai muốn gần gũi một người suốt ngày chỉ nói bừa, bởi vì câu nào cũng có lời nói dối trong đó, hiệu quả giao tiếp rất thấp. Nói chuyện rõ ràng chính xác, không nói bừa, khiến người nghe sẽ cảm thấy bạn là một người đáng tin cậy, đây mới là biểu hiện của EQ cao.
6. Không nói lời ác độc
Tăng Quốc Phiên thường dạy bảo con cái trong gia thư, làm người phải rộng lượng, nói chuyện đừng quá tàn nhẫn, hành sự đừng quá tuyệt tình. Tích phúc nhiều hơn, tôn trọng người khác hơn, như vậy vừa là bao dung người khác cũng vừa là bao dung chính mình. Cố gắng đừng nói những lời ác độc, phải học cách khắc chế.
Tục ngữ nói rất hay: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng”.
Sức sát thương của lời nói ác độc không thua kém một bom nguyên tử về mặt tinh thần.
Nguyễn Linh Ngọc, huyền thoại điện ảnh Trung Quốc, viết trong di chúc rằng: “Tôi chết đi đâu có gì đáng tiếc, nhưng vẫn lo miệng lưỡi người đời đáng sợ”. Chúng ta không thể nào đo lường được sự tổn thương do lời nói ác độc gây ra cho người khác.
Vì vậy, trước khi chúng ta muốn nói điều gì, nhất định phải suy nghĩ kỹ một lần, loại bỏ hết những lời nói ác ý làm tổn thương người khác. Thử nghĩ lại xem bạn đã từng nói ra 6 kiểu nói trên hay chưa? Khi nói chuyện bạn đã từng nghĩ cho đối phương bao giờ chưa? Và những gì bạn đã nói ra có phù hợp với hoàn cảnh hay không?
Xin nhớ kỹ: Mỗi một câu mà bạn nói ra đều sẽ quyết định giá trị cuộc đời của bạn.
Video: Nói là khả năng, im lặng là “thăng hoa” của hùng biện