“Làm vợ cho phải đạo!” hay “làm con dâu cho phải đạo!” là câu nói cửa miệng của người xưa về phẩm hạnh của người vợ, người con dâu trong gia đình. Tại sao người xưa lại coi trọng việc người phụ nữ cần sống sao cho “phải Đạo” đến thế?

Người phụ nữ xưa không chỉ gánh vác công việc gia đình, hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, giúp chồng tạo dựng công danh sự nghiệp, dạy con mà còn gánh vác cả việc quốc gia, đại sự. Một người vợ giúp gia đình hưng thịnh, vượng phu phải hiểu được đạo làm vợ, đạo làm con dâu trong gia đình! Ngày nay đạo lý ấy vẫn còn giá trị, nên người ta hay nói: ‘Giàu vì bạn, sáng vì vợ’ là có hàm ý như vậy.

Hãy xem người xưa trau dồi phẩm hạnh về đạo làm con, làm vợ thế nào để khiến gia đình hưng thịnh.

Đạo làm vợ

1. Người vợ là người mẹ, là người phụ nữ của một gia đình cho nên, người vợ phải dịu dàng nhu hòa, niềm nở tươi cười và là nhân duyên của gia đình.

2. Người vợ phải giống như nước, ở vào vật chứa hình vuông thì sẽ có hình vuông, vật chứa hình tròn thì cũng là hình tròn. Phải thích ứng được mọi hoàn cảnh, giàu nghèo, cao thấp. Người vợ giống như nước, có thể nuôi dưỡng được vạn vật mà lại không cùng vạn vật tranh chấp, luôn ở chỗ chũng nhất, khi đến chỗ thấp thì chảy xuống.

3. Trong gia đình mà người vợ nhiều chuyện thì người chồng sẽ không làm được việc và sẽ trở nên trầm lặng. Người vợ không nhu mềm thì gia tài không vượng.

4. Người vợ đừng là người vừa cứng vừa hung bạo, đừng nóng nảy, đừng dài dòng nhiều chuyện, lại càng không nên quản lý việc của chồng, nên trợ giúp chồng chứ không nên gây phiền lụy cho chồng.

5. Người vợ trước hết phải có “tính theo thiên lý”, “tâm theo đạo lý” và “thân theo tình lý” mới có thể định trụ được vị trí của mình và trợ giúp chồng hoàn thiện phẩm chất, đạo đức.

“Thân theo tình lý” là việc mình nên làm thì tự mình đi làm, ở trên thì hiếu thảo với cha mẹ hai bên, ở giữa thì hòa thuận với anh chị em, ở dưới là dạy bảo con cái. Tất cả những việc ấy được xem là bổn phận của người vợ trong gia đình. Người vợ không sợ khổ, không sợ khó, làm việc mà không tức giận, oán hận và hối hận.

“Tâm theo đạo lý” là chỉ người vợ phải buông bỏ tâm tư lợi, tranh giành, tham lam mà phải suy nghĩ đến cách báo hiếu người già, cách hòa hợp với chị em dâu, cách giáo dục con cái.

“Tính theo thiên lý” là loại bỏ đi những tính cách hậu thiên để làm cho bản tính của mình trở về với tiên thiên, bản tính trời sinh, như thế mới có đức dày để nâng đỡ mọi vật.

6. Người vợ mà vừa hung bạo, quản người chồng, “chèn ép” người chồng, lời nói tựa như “tiếng sét đánh”, “một tay che trời” được gọi là hãn phụ tức là người phụ nữ đanh đá, chua ngoa. Một người phụ nữ như thế này sẽ khiến gia đình “âm thịnh dương suy”, “người chồng chưa già đã yếu”, thậm chí sinh ra người con cũng không có ích cho xã hội.

7. Người vợ mà không việc gì dám làm, việc gì cũng ỷ lại vào người chồng, ỷ lại vào cha mẹ được gọi là nhược phụ (người phụ nữ yếu kém). Người vợ như thế, “hết ăn lại nằm”, “oán trời trách đất”, quét sạch may mắn của gia đình.

8. Người vợ là người làm bình ổn mọi sự bất hòa trong gia đình, là sứ giả đem lại may mắn, cát tường cho gia đình. Họ đối xử bình đẳng với mọi người, ôn hòa và là phúc khí của gia đình.

9. Một gia đình có yên vui hay không, an tĩnh hay không, thịnh vượng phát đạt hay không thì sự ảnh hưởng của người vợ là vô cùng trọng yếu. Người phụ nữ có thể dưỡng tính như nước thì nhất định sẽ sinh được quý tử, giúp chồng thành đức, gia đình viên mãn.

Đạo mẹ chồng, con dâu

Con dâu và cha mẹ chồng vốn là hai người xa lạ về ở chung một nhà. Nếu như đôi bên không hiểu Đạo thì sẽ gây ra những bất hòa, khiến gia đình ngột ngạt và khó có thể bình yên.

1. Mẹ chồng là người đi trước, con dâu là người đến sau, cho nên mẹ chồng phải bảo ban con dâu, hướng dẫn chỉ bảo con dâu, không được làm khó.

2. Mẹ chồng nếu như là người không hiểu Đạo, không trước tiên ban ơn cho con dâu mà lại thường nói đến khuyết điểm, lấy quyền áp đặt con dâu thì sao có thể sinh ra hảo cảm giữa hai người được?

3. Mẹ chồng phải nên coi con dâu như con gái của mình để đối đãi, nếu như không làm được như vậy thì người con dâu cũng khó lòng coi mẹ chồng như mẹ đẻ và như thế sẽ tạo thành tuần hoàn “ác tính”, rất khó để gia đình hòa thuận vui vẻ.

4. Khi nói chuyện, mẹ chồng nên khích lệ con dâu, đề cao sở trường của con dâu, cảm kích sự giáo dục của cha mẹ đẻ của con dâu. Khi con dâu có sai trái, mẹ chồng trước tiên phải khoan dung độ lượng, sau là hướng dẫn chỉ bảo, đừng tranh cãi, trách mắng thì con dâu tự nhiên cũng sẽ cảm ơn và báo ơn.

5. Là người vợ phải hiểu được rằng, yêu chồng phải yêu thương cả cha mẹ chồng, không có cha mẹ chồng thì sao có được người chồng của mình bây giờ?

6. Làm con dâu phải coi cha mẹ chồng chính là cha mẹ đẻ của mình mà hiếu kính. Cổ nhân có câu, đời người có hai bên cha mẹ, cho nên đối với hai bên cha mẹ đều phải đối xử công bằng.

7. Cha mẹ chồng trong gia đình giống như phần rễ của cây. Muốn cây xanh lá, hoa thơm, quả ngọt thì nhất định phải đối xử tốt với rễ cây, phải chăm sóc, bón phân, tưới nước và làm đất. Vì vậy, làm con dâu trong nhà phải hiếu thảo, đối xử tốt, phụng dưỡng tốt cha mẹ chồng thì gia đình mới vững chãi, hưng thịnh.

8. Làm con dâu phải hiểu Đạo lý rằng, cha mẹ chồng chính là phúc báo của gia đình. Đừng bao giờ oán giận người già, không hiếu thảo với người già, bởi vì không đối xử tốt, không hiếu thảo với cha mẹ chồng cũng tương đương với việc mình không cần phúc báo và thực sự cũng sẽ không có được phúc báo.

9. Người con dâu bất hiếu với cha mẹ chồng thì sau này cũng sẽ bị con cái đối xử lại như vậy, đây chính là quả báo.

10. Có câu rằng, gia đình hòa thuận thì mọi sự hưng cho nên, nếu muốn “chồng sang, con hiền đức” thì phải hiếu kính cha mẹ chồng, như thế mới có thể phát tài, nếu không tất cả sẽ không thể được lâu dài.

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch