Hồi nhỏ tôi rất thích chuyện cổ tích. Tôi đã đọc hàng trăm lần những chuyện cổ tích và chuyện ngắn của Hans Christian Andersen, của anh em nhà Grimm. Tuy nhiên, có một câu chuyện làm tôi bối rối, đó là câu chuyện về ‘Người đàn ông làm gì cũng đúng’. Đây là chuyện ngắn cuối cùng của Hans Christian Andersen.

Chân dung đại văn hào Hans Christian Andersen (Ảnh: dẫn qua Le vent qui se lève)

Câu chuyện bắt đầu bằng ý định muốn bán con ngựa của hai ông bà lão, bởi họ cũng đã già, không còn nhiều nhu cầu đi xa và việc trao đổi này có lẽ sẽ giúp họ có được điều gì đó ích lợi và phù hợp với cuộc sống hiện tại hơn.

Nghĩ là làm, ông lão lên đường lên chợ tỉnh để đổi con ngựa lấy thứ gì đó mà chính ông cũng chưa biết. Còn bà lão thì cũng là một người vợ không giống như những người vợ bình thường khác, bà đặt toàn bộ niềm tin vào ông lão: “Việc ấy thì còn ai tính toán giỏi bằng ông được nữa kia chứ… Ông làm thế nào tôi cũng ưng”, đó là những điều duy nhất bà lão dặn dò chồng trước khi ra chợ.

Bà lão tiễn ông lão lên đường với sự tin tưởng tuyệt đối (Ảnh minh hoa dẫn qua wikisource)

Trong một tâm trạng vui vẻ, ông lão đã tới chợ phiên. Người dắt một con bò cái là người đầu tiên, khiến ông chú ý. Ông lão tuởng tượng ra những ly sữa sánh đặc, thơm ngon và những miếng pho mát béo ngậy mà cô bò cái có thể mang tới. Vì thế, dù ở chợ không ai đổi ngựa lấy bò, nhưng ông lão đã vui vẻ mà dắt cô bò xinh đẹp về, lòng đầy thoải mái.

Nhưng khi đi dạo vòng quanh khu chợ để ngắm nhìn khung cảnh nhộn nhịp, ông lão bắt gặp một chú cừu. Con vật đẹp đẽ ấy đã khiến ông nghĩ tới việc chú cừu có thể làm vợ ông vui vẻ vào những ngày đông khi không thể ra khỏi nhà vì giá rét. Thêm nữa, quanh nhà cỏ tranh mọc rất cao và chú cừu sẽ không bao giờ bị đói. Thế là ông lão lại đổi cả chú bò lấy chú cừu có bộ lông dày.

Trên chặng tiếp theo của cuộc hành trình, ông lão đã lại đổi chú cừu lấy một con ngỗng, vì nhớ tới ước ao của bà cụ: “Giá có một con ngỗng mà thả giữa đàn vịt thì tuyệt vời biết bao”. Nhưng rồi, ước mơ của bà lão cũng không kịp thành sự thực khi một cô gà mái đẹp đẽ đã thu hút tất cả sự thích thú của ông lão, vì thế mà ông không ngần ngại đổi ngỗng lấy gà.

Phiên chợ tỉnh nơi ông lão mang ngựa ra bán (Ảnh minh họa dẫn qua Bretagneinfo)

Chắc hẳn tới đây, bạn đọc cũng đã không còn nhiều kiên nhẫn mà thầm quở trách ông lão: Trời ơi, ông lão ơi, ông mang đi một con ngựa, giờ lại đổi lấy một con gà mái thôi sao? Nhưng xin hãy giữ lấy chút bình tĩnh cuối cùng để đi tới phần kết của câu chuyện nhé, bởi vì thứ mà ông lão mang về cho vợ mình không phải là cô gà mái xinh đẹp, mà là một túi táo còi mà người ta sắp đem đi cho lợn. “Ông lão có khờ quá không nhỉ?”, liệu có phải là suy nghĩ của bạn lúc này?

Nếu bạn gật đầu, thì chắc hẳn bạn sẽ thích thú cuộc cá cược của ông lão trong quán rượu với hai vị khách du lịch người Anh giàu có. Họ cũng như bạn, đã lắng nghe một cách chăm chú câu chuyện của ông lão. Và họ cũng cảm thấy rằng ông lão đã làm những chuyện thật ngốc nghếch và chắc chắn ông sẽ bị bà lão quở trách thậm tệ khi về tới nhà. Họ có vẻ rất chắc chắn vào suy đoán của mình đến nỗi muốn cá cược với ông lão.

Quán rượu nơi ông lão gặp hai vị khách du lịch giàu có (Ảnh minh họa dẫn qua wikisource)

Hai người Anh bảo cụ:
-Thế này thì khi về đến nhà, bà sẽ đón tiếp ông vui đáo để, thế nào ông chẳng được một trận!
Ông cụ trả lời:
– Sao lại một trận? Không, chẳng nói chơi đâu! Bà ấy sẽ ôm hôn tôi và bảo: “Ông thì làm gì cũng đúng cho mà xem.”
Hai người Anh bảo:
– Chúng tôi bảo không đấy, cược nào? Ông muốn đánh cuộc bao nhiêu vàng, mười yến hay một tạ cũng được.
Ông cụ nông dân đáp:
– Một đấu thôi. Tôi chỉ có thể cuộc với các ông đấu táo của tôi thôi, cả tôi và bà nó nhà tôi vào đấy cũng được. Đồng cân đồng lạng rồi đấy, các ngài đã bằng lòng chưa?
– Được, bằng lòng, nhận lời!
Thế là họ đánh cuộc xong.

Ông lão vui vẻ dẫn theo hai người khách lạ về nhà. Khi nhìn thấy ông lão, vợ ông vui mừng đến nỗi không để ý tới túi táo còi trên tay ông và cả hai người đi cùng. Sau đó, ông lão đã kể tường tận lại cuộc trao đổi của mình cho bà lão nghe.

Những sự trao đổi kì lạ của ông lão (Ảnh minh họa dẫn qua wikisource)

Thật ngạc nhiên, bà lão luôn tìm ra một lý do rất tương đồng với chồng mình để lý giải cho hành động của ông. Và thái độ của bà thì thật tuyệt vời, bà không hề trách mắng ông lão. Ngược lại, bà vui vẻ đón nhận những điều chồng kể như thể bà đã nhận được đầy đủ bò, cừu, ngỗng và gà mái. Sau cùng khi ông lão nhắc tới túi táo còi thì bà lão đã thơm ông một cái thật kêu để biểu hiện sự vui sướng và hài lòng của mình.

Sự hân hoan, vui mừng của hai vợ chồng ông lão khi đổi một chú ngựa lấy một túi táo còi (Ảnh minh họa dẫn qua Visiontimes)

Hai người Anh kinh ngạc vì hành động của bà lão và ngay lập tức đưa tặng hai ông bà túi tiền vàng trong cảm xúc vô cùng thán phục.

Câu chuyện khác thường này đã để lại ấn tượng thật sống động trong tâm trí non trẻ của tôi. Tuy nhiên, chỉ tới khi lớn lên và bắt đầu thực hành tu tâm dưỡng tính – cũng chính là khi bắt đầu tìm hiểu thế giới quan có thể giúp tôi sống đúng hơn, tôi mới hiểu được thông điệp đẹp đẽ trong câu chuyện này.

Trong quá trình tầm sư học đạo của mình, tôi được lắng nghe rất nhiều về một quy luật của cuộc sống được hé lộ trong cách nhìn thế giới của Phật Gia, liên quan đến Mất – Được.

“Bất cứ khi nào chúng ta chịu mất đi một thứ gì đó thuộc về lợi ích của bản thân mình, thì cuộc sống sẽ ban tặng lại cho chúng ta những điều tương xứng. Mọi mong cầu tính toán để được phần hơn đều sẽ không mang lại kết quả. Thuận theo lẽ ấy, điều gì phải mất là cần phải mất. Vui vẻ chấp nhận những mất mát, trước sau sẽ nhận được đền bù, và những điều nhận được nhất định là thứ tốt đẹp hơn.”

Khi dùng lăng kính mới mẻ này để soi vào câu chuyện của tuổi thơ, tôi rất ngạc nhiên khi thấy nó trở nên sáng rõ hơn.

Thái độ vui vẻ của ông lão là điều khiến tôi cảm thấy ấn tượng nhất khi đọc câu chuyện ngày thơ bé (Ảnh minh họa dẫn qua wikipedia)

Sự vui vẻ, vô tư là những cung bậc cảm xúc làm nên bầu không khí của câu chuyện cổ tích này: Ông lão nhận những thiệt thòi về mình mà tâm trí tràn ngập những tưởng tượng vui vẻ. Dường như, ông lão không hề cảm nhận thấy sự thiệt thòi nào trong những cuộc trao đổi. Ông luôn tìm ra được sự hữu dụng của mỗi món đồ và đón nhận chúng bằng tất cả sự nhiệt thành của mình. Điều đáng quý nhất, có lẽ là cách sống thuận theo những đến-đi, được-mất ấy mà cả hai vợ chồng cùng chia sẻ. Bà lão dành sự tin tưởng tuyệt đối vào cách sống của chồng, hẳn bạn còn nhớ, cách bà phản ứng với những món đồ mà ông lão đã đổi lấy: điều gì cũng là có lý, cũng mang đến cái hay và ông làm gì cũng đúng. 

Vậy phải chăng chính thái độ sống vô tư, vui vẻ và không hề có chút toan tính nào của hai cụ đã cảm động được hai vị khách hiếu kỳ, khiến họ cũng muốn có được niềm hạnh phúc của việc tháo bỏ những ràng buộc vào vật chất, vào lợi ích của bản thân. Từ đó mà vui vẻ thực hiện vụ cá cược của mình với ông lão.

Thuận theo quy luật, không cưỡng cầu, mọi việc tự khắc thuận lợi. Đáng được gì, sẽ có nấy. Điều gì mất là điều nên để trôi đi (Ảnh minh họa dẫn qua hoitho)

Lão nông hiền lành thực sự đã chịu thiệt thòi trong những lần trao đổi, bởi những món hàng mà lão nhận được luôn có giá trị vật chất thấp hơn so với những thứ lão mất cho người kia. Nhưng khi câu chuyện khép lại, vợ chồng ông lại nhận được một túi vàng từ những người giàu có. Số vàng đó có lẽ đủ mua cả một con bò, một con ngỗng, một con cừu, một con gà mái mà lão đã đổi cho những người khác. Vậy là đúng như điều ước hẹn, Cuộc sống còn trả lại cho ông những thứ còn tốt hơn gấp nhiều lần những gì mà hai ông bà ao ước khi mong muốn bán đi chú ngựa của mình.

“Ông lão làm gì cũng đúng” vì thế, đối với tôi đã trở thành một lời nhắn nhủ vô cùng đáng quý về cách nhìn và cách đối đãi với những Được – Mất của cuộc đời: Sống thuận theo lẽ được – mất của cuộc sống, nhìn mọi thứ với đôi mắt vô tư, không toan tính thì mọi việc ắt sẽ tự được sắp đặt phù hợp, nên đạt được điều gì thì sẽ đạt được. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ luôn có thể đặt niềm tin vào bất cứ quyết định nào của chính mình như hai vợ chồng nghèo hạnh phúc. 

Theo Visiontimes

Xuân Dung biên dịch

Xem thêm: