Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.

Trong lịch sử bang giao Việt Nam – Trung Hoa, chỉ có 4 vị đại khoa được công nhận là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Ngoài Mạc Đĩnh Chi đã quá nổi tiếng thì có lẽ Nguyễn Đăng Đạo là một ông Trạng có nhiều giai thoại thú vị nhất. 

Xem thêm: Kỳ 1

Lưỡng quốc Trạng nguyên, rạng danh sứ Việt nơi đất Bắc

Với tài năng của mình, sau khi thi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Đăng Đạo được cử đi sứ nhà Thanh 2 lần. Tình hình bang giao khi ấy khá căng thẳng. Trong khoảng 10 năm từ 1688 đến 1697, quan lại nhà Thanh nhiều lần đem quân xâm chiếm biên giới nước ta. Sách “Việt sử thông giám cương mục” và “Lịch triều hiến chương loại chí” đều có ghi lại những sự việc này. Ví như: Tháng 5/1688, thổ ty Vân Nam xâm chiếm biên giới ba châu thuộc Tuyên Quang và châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa, giáp liền địa phủ Khai Hóa nhà Thanh. Tháng 6/1689, biên giới Na Oa châu Lộc Bình (Lạng Sơn) bị chiếm… 

Triều đình đã cử nhiều đại thần sang sứ triều Thanh như Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Tiến Sách, Trần Thọ… nhưng đều không thu được kết quả. Năm 1697, Nguyễn Đăng Đạo được cử làm chánh sứ cùng Nguyễn Thế Bá, Đặng Đình Tường, Nhữ Tiến Hiền sang nhà Thanh xin trả lại 3 động. Trước những lập luận và chứng cứ pháp lý không thể chối cãi, quan lại nhà Thanh đều bị thuyết phục. 

Tuy nhiên, cuối cùng Hoàng đế nhà Thanh lại không đồng ý trao trả đất vì sợ Đại Việt đòi được sẽ “được đàng chân lân đàng đầu”. Trong những ngày đi sứ, Nguyễn Đăng Đạo đã tỏ rõ vị thế nước Đại Việt, nhiều lần vượt qua những lần “thử tài” một cách xuất sắc. Ông còn được vua nhà Thanh phong làm “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Rất nhiều giai thoại về chuyện ông đi sứ vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. 

Chuyện kể rằng ông làm chánh sứ, đến Bắc Kinh đúng dịp tết Nguyên đán cùng một số sứ thần các nước chư hầu khác. Sau khi vào chầu vua Khang Hy, các sứ ra nghỉ ở quán Hội Đồng. Một hôm, viên thái giám do vua cử đến quán cầm theo vế đối:

“Xuân tiêu phong nguyệt, nguyệt tân hoa sắc, phong tống hoa hương, hương tùy sắc, sắc tùy hương, hương hương sắc sắc mãn xuân tiêu, tương tư khách tưởng tương tư khách”. 

Dịch nghĩa: Đêm xuân có gió trăng, trăng đẹp thêm hoa, gió đưa hương ngát, có hương rồi có sắc, có sắc lại có hương, hương hương sắc sắc, suốt đêm xuân, khách tương tư nghĩ tới khách tương tư.

Nguyễn Đăng Đạo đi sứ vào Chầu vua Khang Hy. Ảnh dẫn theo ĐKN

Sứ Cao Ly đối:

“Tùng viện trúc mai, mai sinh long diệp, trúc hóa long chi, chi ty diệp, diệp ty chi, diệp diệp chi chi liên trùng viện, hữu tình nhân thức hữu tình nhân”. 

Dịch nghĩa: Mai trúc lầu tùng, mai trồi lá đẹp, trúc nảy cành xinh, cành theo lá, là liền cành, lá lá cành cành khắp tòa viện. Người hữu tình biết người hữu tình

Sau khi sứ Cao Ly đối xong, Nguyễn Đăng Đạo mới ra vế đối này:

Hạ nhật cầm thi, thi ngụ ngã tình, cầm hòa ngã tính, tính viên tình, tình viên tính, tính tính tình tình thư hạ nhật, tri âm nhân thức tri âm nhân.

Dịch nghĩa: Ngày hạ có đàn thơ, thơ ở tình ta, đàn hòa tính ta, tính vẹn thêm tình, tình càng vẹn tính, tính tính tình tình vui ngày hạ, bạn tri âm biết bạn tri âm. 

So với vế đối của sứ Cao Ly, vế của Đăng Đạo rõ ràng là hay hơn hẳn, thể hiện được khí chất tiêu dao, ung dung, tự tại của người quân tử. Hơn thế trong câu văn lại nghe thấy được cả âm thanh tiếng đàn bởi nghệ thuật chơi chữ hết sức độc đáo. “Tính tình” vừa là tâm tính, tình cảm, lại vừa là tiếng đàn kêu.

Sau khi đọc xong vế đối của Đăng Đạo, quan thái giám gật gù phê: “Sau này sẽ làm nên sự nghiệp lừng lẫy“. Sau đó, câu đối các sứ thần đều được đệ lên Hoàng đế ngự lãm. Xem xong, vua Khang Hy lấy làm thán phục, khen là Đăng Đạo là: “Chung đúc cả tạo hóa vào chung một con người“, nhân đó phong cho ông làm “Bắc triều đệ nhất Trạng nguyên”. 

Giữ tiết tháo trung quân, chẳng khuất phục cường quyền

Thân là Trạng nguyên, là bậc đại Nho thì phải có khí tiết cứng cỏi của kẻ sĩ quân tử. Nguyễn Đăng Đạo luôn sống đúng như vậy. Thời điểm đó, Chúa Trịnh Căn cậy có công lao, được phong tước Định Nam vương, bắt đầu ỷ thế lộng quyền, lập ra phủ Chúa gọi là phủ liêu. Chúa Trịnh bắt đình thần mỗi khi vào hầu ở phủ liêu phải mặc đại triều phục như khi vào chầu vua. Một lần vào phủ liêu, Đăng Đạo chỉ mặc áo thường triều.

Chúa hỏi: “Sao dám phục sức như vậy?“.

Đăng Đạo thưa: Tôi nghe đại triều phục là để chầu Thiên tử. Nay nhà Chúa cũng là bầy tôi Thiên tử. Nếu lấy áo chầu Lê Hoàng vào chầu Chúa, e không hợp lệ, xin được miễn thứ“.

Chúa Trịnh không giận mà lại khen ông là trung thực, thưởng cho 10 nén vàng.

Thoạt nhìn, chuyện mặc hay không mặc một chiếc áo cũng không lấy gì làm to tát cho lắm. Nhưng đó là thời điểm hết sức nhạy cảm, là thời vua Lê – Chúa Trịnh âm dương đảo chiều, thế sự đảo điên, quân thần không phân rõ. Chính vua Lê cũng chỉ là một chiếc áo mắc trên ngai vàng mà thôi, suốt ngày chỉ biết chắp tay rủ áo ra vào. 

Chúa Trịnh quyền nghiêng thiên hạ, có thể phế lập Hoàng đế bất cứ khi nào. Hành động của Đăng Đạo về lý chính là trái phép nhà Chúa, có thể bị khép tội khi quân phạm thượng. Tuy nhiên, ông đã tỏ rõ khí tiết của một người quân tử, không vì chiếc mũ ô sa trên đầu mà làm vấy bẩn tinh thần Khổng môn. 

Chúa Trịnh bắt đình thần mỗi khi vào hầu ở phủ liêu phải mặc đại triều phục như khi vào chầu vua. Một lần vào phủ liêu, Đăng Đạo chỉ mặc áo thường triều. Ảnh minh họa dẫn theo pda.vietbao.vn

Làm quan thanh liêm, thương dân như con

Quan to, chức cao nhưng Đăng Đạo lại sống vô cùng thanh liêm. Năm 1698, khi đi sứ về, thấy vợ làm thêm hai gian nhà ngói, ông tỏ ý không bằng lòng. Tiết kiệm với gia đình, bản thân nhưng ông lại rất hào phóng với dân làng. Đỗ trạng, ông dành tiền tu bổ đình đền, miếu mạo ở quê hương.

Không thể từ chối nhận ruộng công, nên ông bèn nhận những khoảnh ruộng xấu, bị bỏ hoang lau lách ở cánh đồng cầu Vực rồi thuê người nghèo phát cỏ. Cải tạo thành ruộng tốt rồi, ông lại chia hết cho dân nghèo. Có năm hạn hán mất mùa, ông và vợ phát chẩn cứu đói cho dân. Có ân với dân như thế nên sau khi mất, ông được dân thờ làm Thành Hoàng của làng.

Năm Kỷ Hợi (1719) đời vua Lê Dụ Tông, “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Nguyễn Đăng Đạo qua đời, vua Lê ban cho 4 chữ vàng “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên” treo tại nhà thờ ông ở thôn Hoài Thượng và buồn thương viết bài thơ:

Núi chè cao ngất, sông Đức trong
Người tài chung đúc bởi non sông
Một cành tươi tốt muôn cành đẹp
Bảy lá hương thơm vạn lá hồng
Lớp lớp quan giai nhờ lộc nước
Đời đời nghiên bút giữ gia phong
Nền nhân, cỗi phúc nay còn mãi
Xe ngựa làng xưa vẫn đợi mong

Năm 1999, lăng mộ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo được xây dựng lại tại nghĩa trang ven thành phố Bắc Ninh. Hai bên mộ có đối câu đối:

Tiến sĩ Thượng thư thiên hạ hữu
Trạng nguyên Tể tướng thế gian vô

Nghĩa là: Tiến sĩ (làm) thượng thư thiên hạ có (nhiều). Trạng nguyên (làm) tể tướng thiên hạ chẳng một ai.

Đền thờ Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo
tại làng Bịu (xã Liên Bão, huyện Tiên Du). Ảnh dẫn theo baomoi.com

Lời kết

Thời kỳ đỉnh cao của Nho học ở Việt Nam đã trôi qua từ lâu trước khi Nguyễn Đăng Đạo qua đời. Thời đại của ông là thời rối ren của vua Lê – Chúa Trịnh, là thời điểm các giá trị đạo đức Nho học truyền thống bị đảo lộn. Trung nghĩa giờ đây không phải là trung với vua mà là với Chúa Trịnh, vốn là một quyền thần. Tài học không còn dùng để kinh bang tế thế mà là để mua áo mão cân đai.

Nguyễn Đăng Đạo tài năng tuyệt thế, đường công danh thênh thang rộng mở, quan hàm đến Tể tướng nhưng vẫn chính là “sinh bất phùng thời”, còn nhiều điều chưa toại nguyện. Dù giữa thời nhiễu nhương, ông vẫn giương cao khí tiết của bậc túc Nho. Ông đã sống một cuộc đời gương mẫu, chính trực, cống hiến tài năng cho quốc gia, nêu cao tiết tháo của một nhân sĩ Nho gia chân chính. Ông chính là ngọn đèn rạng ngời, giữa đêm đen u ám vẫn chiếu ra ánh sáng đạo đức chói ngời để chỉ dắt người đời. Thực đáng khâm phục thay! 

(Hết)

Tĩnh Thủy

Xem thêm: