Bảo tháp Phật ở Sri Lanka có nhiều tên gọi khác nhau (Stupa, Chetiya, Dagoba… trước đây còn gọi là Ceylon). Chúng có cấu trúc hoành tráng, được xây dựng để tôn vinh Đức Phật và là một đặc trưng không thể thiếu của bất kỳ đền thờ Phật nào.

Bảo tháp là nơi lưu giữ thánh tích của Đức Phật hay đánh dấu những địa điểm linh thiêng mà tại đó đã diễn ra một số sự kiện tôn giáo quan trọng. Bảo tháp được tôn sùng bởi những người theo đạo Phật với các đặc trưng kiến trúc tuy đơn giản nhưng ấn tượng, mang đến cảm giác về sự ổn định, sức mạnh, và sự cao quý.

Tháp Phật Tissamaharama (Ảnh: en.wikipedia.org)

Bảo tháp như một hình thức cấu trúc đã tồn tại trong một thời gian dài, ở cả phương Đông và phương Tây. Ở Ấn Độ, nó phát triển thành một cấu trúc rất đặc biệt của đạo Phật, đạo Hindu, và đạo Jain. Việc xây dựng các bảo tháp Phật bắt đầu từ khi Đức Phật vẫn còn sống. Bảo tháp Phật không phải là một ngôi mộ, mà là một đài tưởng niệm tượng trưng cho uy quyền tối cao của Đức Phật và giáo pháp, giáo lý của Ngài.

Tháp Phật ở Anuradhapura (Ảnh: trover.com)

Việc xây dựng các tháp Phật lớn ở Sri Lanka được các vị vua, bắt đầu từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, Theo thời gian, các bảo tháp Phật ở Sri Lanka có xu hướng được xây dựng ngày càng lớn, tuy nhiên hầu như đã kết thúc vào thế kỷ 13 sau Công nguyên, do sự suy tàn của các vương quốc do hậu quả của chiến tranh và ngoại xâm. Trong một thời gian dài, các bảo tháp lớn dần dần rơi vào mục nát dưới tác động động của tự nhiên và trong một số trường hợp do thợ săn lùng kho báu đào bới. Trong thời kỳ cận đại và hiện đại, các tháp Phật mới được chú ý trùng tu và bảo vệ.

Tháp Kalutara (Ảnh: explorelanka.com)

Về mặt kiến ​​trúc, bảo tháp là cấu trúc quan trọng nhất trong Phật giáo. Không giống như một kim tự tháp, nó là một cấu trúc rất đặc, chủ yếu làm bằng gạch. Qua nhiều năm hình dạng của bảo tháp Sri Lanka đã thay đổi từ hình thức tháp Phật Ấn Độ ban đầu đến một hình thức của độc đáo riêng.

Tháp Phật ở Sri Lanka. (Ảnh: wikimedia.commons)

Các thành phần chính của một bảo tháp đặc trưng của Sri Lanka như sau: Mái vòm bảo tháp có một, hai hoặc ba sân thượng hình trụ hoặc vòng nhẫn tại đáy tháp. Trên đỉnh của mái vòm có một buồng hình vuông có cấu trúc vững chắc. Tiếp đó đến một hoặc nhiều hình trụ, chóp nón và cao nhất là một đỉnh nhọn bằng pha lê trên một chóp mạ vàng. Tất cả những hợp phần này có tính đối xứng theo trục, ngoại trừ buồng hình vuông.

Tháp Kalutara Vihara (Ảnh: flickr.com)

Mái vòm là thành phần lớn nhất của bảo tháp, trong đó có một phòng chứa các di tích. Phòng này có thể ở đáy của hình vòm hoặc ở căn buồng vuông ở phía trên. Các mái vòm có một số hình dạng khác nhau. Hình dạng chuông là phổ biến nhất và tiếp theo đến hình dạng bong bóng xà phòng. Hình dạng đống rơm là ổn định nhất từ ​​quan điểm cấu trúc, các nhà xây dựng cổ đại đã áp dụng hình dạng này cho các bảo tháp khổng lồ. Mái vòm hình dạng lọ và hoa sen cũng có nhưng hiếm hơn.

Tháp Mahiyangana Raja Maha Viharaya. (Ảnh: 123rf.com)

Các tháp Phật lớn thường được xây dựng trên đá núi, trên một nền móng hình vuông lát đá hoặc một bậc thềm vượt lên khỏi mặt đất, được bao bọc bởi bởi một bức tường giữ, và có trường hợp còn được bao quanh bởi một nền cát thấp hơn, rồi cũng được bao quanh bởi một bức tường, chẳng hạn như bảo tháp Abayagiri.

Tháp Unawatuna Peace Pagoda (Ảnh: atlasobscura.com)

Các bảo tháp Phật nhìn chung được xây bằng gạch nung với kích thước lớn hơn gạch xây hiện đại, và cũng có những kích cỡ khác nhau. Các lớp vữa mỏng và bịt kín các khe hở giữa các viên gạch. Ở mặt ngoài gạch được chống thấm bằng cách sử dụng một lớp thạch cao dày. Ví dụ để hình dung sự đồ sộ của công trình, tháp Jetavana được xây dựng trong 27 năm đã dùng đến tổng cộng khoảng 62 triệu viên gạch.

Dưới đây là những thông tin cụ thể về một số bảo tháp Phật nổi bật ở Sri Lanka.

Tháp Ruwanweliseya

Bảo tháp Ruwanweliseya, tại tỉnh Anuradhapura, được gọi là Đại bảo tháp vì khi nó được xây dựng không có ngôi đền nào khác cạnh tranh được với nó, không chỉ ở Sri Lanka nhưng trong toàn bộ Phật giáo thế giới, là bảo tháp được tôn kính nhất ở Sri Lanka, và cũng là cao nhất thời đó. Bảo tháp có mái vòm hình bong bóng xà phòng này được xây dựng dưới thời vua Dutu Gemunu vào năm 161-137 trước công nguyên.

Đại tháp Ruwanwelisaya (Ảnh:: Einat Klein / inthetravellab.com)

Vào thế kỷ 19 bảo tháp này chỉ là một tàn tích. Đầu thế kỷ 20 nó mới được khôi phục lại và hoàn thành vào năm 1940. Chiều cao hiện tại của bảo tháp là 103m, với chu vi đáy vòm là 290m.

Tháp Tissamaharama

Tháp Phật Tissamaharama nằm ở tỉnh Tissamaharama ở miền nam Sri Lanka, được xây dựng dưới triều vua Kavan Tissa vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Bảo tháp hình lọ có chiều cao 45,9m và đường kính đáy vòm 43m, từng là một trong tứ đại bảo tháp của Sri Lanka. Hiện nay nó vẫn được coi là tháp Phật lớn nhất ở miền nam nước này.

Tháp Tissamaharama (Ảnh: Mapio.net)

Trong quá trình lịch sử, tháp Tissamaharama đã được trùng tu và mở rộng nhiều lần. Lần gần đây nhất bắt đầu vào năm 1858 và kết thúc vào năm 1915.

Tháp Mirisaveti

Tháp Phật Mirisaveti nằm ở thành phố cổ Anuradhapura, được xây dưới thời vua Dutu Gemunu (năm 161-137 trước công nguyên). Tháp này đã được mở rộng nhiều lần trong lịch sử bởi các vị vua, và lần phục hồi mới nhất của nó đã được hoàn thành bởi Sri Chính phủ Lankan năm 1995.

Tháp Mirisawetiya (Ảnh: trover.com)

Tháp Phật với mái vòm hình bong bóng xà phòng này có chiều cao 55m tính từ nền và đường kính đáy mái vòm 43m.

Tháp Kirirvehera

Tháp Kirivehera, tại tỉnh Kataragama, được xây dựng vào thời vua Parakramabahu (1140-1173). Đây là tháp Phật rất quan trọng, do thực tế là nó vẫn giữ lại các công trình gạch và thạch cao nguyên bản như ban đầu sau gần 900 năm tồn tại dưới các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Nguồn gốc của tháp này có thể quay lại lịch sử xa xưa hơn nữa, vào thế kỷ 6 trước công nguyên, dưới thời vua Mahasena.

Tháp Kirivehera (Ảnh: Dmitry Rukhlenko_/ Shutterstock.com)

So với các tháp Phật khác, tòa tháp hình chuông này chỉ có chiều cao khiêm tốn là 24,3m, với đường kính đáy mái vòm là 21,3m.

Tháp Rankothvehera

Tháp Phật Rankothvehera, còn gọi là Đỉnh cao Vàng, ở thành phố cổ Polonnaruwa – thủ đô thời trung cổ của Sri Lanka. Được xây dựng dưới thời vua Nissanka Malla (1174-1183), đây có lẽ là bảo tháp lớn cuối cùng được xây dựng bởi các vị vua.

Tháp Rankothvehera (Ảnh: tripadvisor.co.uk)

Tháp Phật hình chuông này có chiều cao ấn tượng 61m, với đường kính đáy mái vòm 56,7m.

Tháp Thuparama

Tháp Thuparama được xây dựng bởi vua Devanampiya Tissa (307-267 trước công nguyên) tại thủ đô của thời đó là Anuradhapura, được coi là bảo tháp lâu đời nhất ở Sri Lanka, mặc dù có những truyền thuyết liên quan đến hai bảo tháp khác được xây dựng trong cuộc đời của Đức Phật (623-543 TCN).

Tháp Thuparama (Ảnh: Flickr.com)

Thuparama là tháp Phật hình chuông, khi được xây dựng ban đầu có kích thước rất khiêm tốn nhưng đã bị sụp đổ hoàn toàn vào thế kỷ 19. Hình dạng của tháp như được nhìn thấy ngày nay đã được tạo dựng lại bởi vua Agbo II vào năm 1842, với chiều cao chỉ 19,2m và đường kính đáy vòm 18m.

Tháp Jetavana

Tháp Phật Jetavana, nằm ở thành phố di sản thế giới Anuradhapura, đông bắc Sri Lanka, được xây dựng dưới thời vua Mahasena (năm 269-296). Vào thế kỷ 11 nó đã bị bỏ hoang và tàn phá, sau đó vào thế kỷ 12 đã được vua Mahasena trùng tu lại, đạt đến độ cao như hiện tại.

Tháp Jetavana (Ảnh: mysrilankaholidays.com)

Tháp này nếu đạt chiều cao đầy đủ như ban đầu là 121,9 mét, đã có lúc là cấu trúc cao thứ ba trên thế giới, chỉ thấp hơn hai kim tự tháp vĩ đại ở Giza. Nhưng do bị mất một phần mũi nhọn, chiều cao hiện tại của tháp chỉ là 70,7 m tính từ nền, nhưng thể tích của nó đạt 233.000 mét khối, làm cho nó trở thành cấu trúc đơn thuần bằng gạch lớn nhất trên thế giới. Tháp Phật hình đống rơm này có đường kính đáy vòm là 102m.

Tháp Abhayagiri

Tháp Phật Abhayagiri, tọa lạc tại thành phố cổ Anuradhapura, được xây dựng dưới thời vua Valagambahu (năm 88-76 trước công nguyên). Từ thế kỷ thứ nhất, tháp này đã trở thành một trung tâm Phật giáo quốc tế, thu hút các học giả từ khắp nơi trên thế giới. Với chiều cao 100m khi mới xây dựng, nó là một trong những công trình vĩ đại nhất trong thế giới cổ đại, có thể sánh với các kim tự tháp Giza.

Tháp Abhayyagiri (Ảnh: hiveminer.com)

Trải qua nhiều sửa chữa, tháp Phật hình đống rơm này hiện có độ cao 75m, với đường kính đáy vòm 99m.

Theo Munidasa P Ranaweera (stupa.org.nz), en.wikipedia và một số nguồn khác

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__