Kim Xương Tự là nhà thơ khá đặc biệt đời Đường, không ai biết ngày sinh, mất cũng như thân thế của ông, chỉ biết ông người Dư Hàng (Tiền Đường, Chiết Giang ngày nay). Hiện nay chỉ còn lưu truyền lại duy nhất bài “Xuân oán” này của ông, nhưng là một tuyệt tác, được lưu truyền rất rộng rãi, độc giả thời đại nào cũng đều yêu mến.  

Đả khởi hoàng oanh nhi
Mạc giáo chi thượng đề
Đề thì kinh thiếp mộng
Bất đắc đáo Liêu Tê

Dịch thơ (tác giả khuyết danh)

Mau mau đuổi cái vàng anh
Đừng cho nó hót trên cành cây cao
Làm cho tan giấc chiêm bao
Làm cho thiếp chẳng được vào Liêu Tê 

Trong khu rừng Đường thi xinh đẹp, “Xuân oán” của Kim Xương Tự là một trong những bài thơ nổi tiếng được mọi người đặc biệt yêu thích và truyền tụng rộng rãi. Bài thơ lấy đề tài đơn giản nhưng hàm chứa nội dung phong phú, ý tưởng sinh động, ngôn từ trong sáng rành mạch, đưa người đọc vào say mê, nghiền ngẫm, làm người nào đã đọc qua là không thể quên, đọc hàng trăm lần không biết chán.

Bài thơ tả một cô gái nhớ nhung chồng đang chinh chiến nơi xa xôi. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Bài thơ này còn được gọi là “Y Châu ca”, tả một cô gái nhớ nhung chồng đang chinh chiến nơi xa xôi. Ngọn bút không tả trực diện cô gái nhớ nhung chồng như thế nào, mà tả cô trong mộng đi Liêu Tê (Liêu Tây) hội ngộ chồng. Đây chính là biểu đạt mạnh mẽ tình cảm sâu sắc, chân thành của cô từ một góc nhìn nghiêng.

Mùa xuân ấm áp, trời quang mây tạnh, cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở, oanh hót trên cành. Nhưng chính tiếng oanh vàng kia làm cô tỉnh giấc mộng đẹp, thế là muốn “Mau mau đuổi cái vàng anh, Đừng cho nó hót trên cành cây cao”, với hy vọng tiếp tục giấc mơ đẹp. Chủ đề “Xuân oán” trong thơ được phản ánh sinh động hoạt bát, đồng thời rất hàm xúc và có dư vị lắng đọng. Thi nhân hạ bút sinh hoa, viết ra ý mới lạ, không nói đến từ oán mà thấy cái oán sâu sắc độc đáo.

“Xuân oán” là bài thơ về thất vọng của cô khuê nữ ngày xuân. Thơ viết về tình cảm của cô gái nhưng thực chất là tả nỗi ai oán của chinh phụ. Ý thơ mềm mại day dứt, liền mạch chặt chẽ. Câu đầu viết “Đánh đuổi hoàng oanh”, câu 2 viết lý do là “Đừng để nó hót”, câu 3 viết mục đích để nó không làm “Kinh thiếp mộng”, câu 4 viết về “giấc mộng” là được đến Liêu Tê (Liêu Tây) gặp chồng. Câu câu tiếp nối, liên tục, có tầng thứ rõ ràng, ngâm liền một mạch, đọc lên đầy dư âm, dư vị vô cùng.

Vàng anh hót vui đón xuân về. Tiếng hót vàng anh thỏ thẻ uyển chuyển lay động lòng người, nhưng lại chẳng đem lại niềm vui cho cô gái đang nhớ chồng này, trái lại lại làm cô phẫn nộ, tại sao vậy? Thì ra cô gái đang có giấc mơ đẹp, trong mơ cô sắp được đoàn tụ với chồng, người chinh nhân ở vùng biên cương xa lắc cô đã mòn mỏi mong chờ không biết đã bao tháng ngày.

Cô gái đang có giấc mơ đoàn tụ với chồng nhưng lại bị tiếng hót chim vàng anh đánh thức. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Nhưng chim vàng anh đáng yêu kia lại thật đáng giận làm sao, làm tan giấc chiêm bao đẹp. Cuộc đời chính là giấc mộng, mà giấc mộng cũng chính là cuộc đời. Đối với cô gái sống trong cảnh Ngưu Lang – Chức Nữ kia mà nói, ông trời dường như cũng hiểu nỗi lòng cô, cho cô được gặp chồng trong giấc mộng. Nhưng chú vàng anh kia vô tình hay có ý kéo cô về thực tại, làm cô không thể nhẫn nhịn được, hận thay.

Bài “Xuân oán” này thực ra là thơ “Khuê oán”, Kim Xương Tự dùng ngôn từ giản dị dễ hiểu, vần điệu, ý thơ tiếp nối liền một mạch, đọc lên thuận miệng như bài vè, ai ai cũng hiểu, nhưng để hiểu sâu thì cũng không dễ. Mặc dù bài thơ như lời nói buộc miệng ra, rất dân dã, thông tục, nhưng lại khúc chiết, hàm ý sâu xa, làm cho người đọc cảm nghĩ bay bổng, xa xôi, rồi lĩnh hộ được ý tứ ẩn chứa trong tầng sâu vượt khỏi tầng ngữ nghĩa bề mặt của văn tự, làm cho “nhân giả kiến nhân, trí giả kiến trí” (Người nhân thì nhìn thấy nhân, kẻ trí thì trông thấy trí).

Bài thơ này lưu truyền ngàn năm vẫn được yêu thích, vì nó thông tục dễ hiểu, hàm ý sâu xa, mà lại gợi nhiều suy nghĩ, ý tưởng cho người đọc. Bài thơ mượn hình ảnh để truyền cái thần, biểu đạt cái ý. Tiêu đề “Xuân oán” cũng gợi nhiều suy nghĩ. Xuân đến, vạn vật hồi sinh, vươn lên phơi phới, chính là khoảng thời gian đẹp để nam thanh nữ tú kết đôi dạo bước, du xuân.

Nhớ mong vợ chồng là cái tình tự nhiên của con người. Cô gái ngày nhớ đêm mong chồng đang đóng quân đồn trú giữ gìn biên cương xa xôi, đêm khuya thanh vắng, chốn khuê phòng vò võ một mình, làm sao ngủ được. Nhớ mong chồng, chờ đợi chồng trong những năm tháng tuổi xuân lặng lẽ trôi qua, để cho nỗi nhớ trở lên dài dằng dặc.

Tuổi xuân lặng lẽ trôi qua, để cho nỗi nhớ trở lên dài dằng dặc. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Mong chồng chồng chẳng về, muốn đi thăm ư? Liêu Tê xa lắc xa lơ, ngàn dặm xa xôi, qua rừng thiêng nước độc, qua núi vắng đồi hoang, thân nữ nhi yếu đuối, chẳng thể thân gái dặm trường, đành để tuổi xuân cùng với mùa xuân trôi đi trong vô vọng. Một mối chân tình tha thiết kéo dài hết ngày dài lại đêm thâu đã cảm động trời xanh, đã ban cho cô trong giấc mộng được sức mạnh lên đường đi Liêu Tê gặp chồng. Chính lúc cô đang hăm hở, phấn khích, vượt đèo lội suối trong mơ, đang đến rất gần vùng Liêu Tê thì cái vàng anh kia hót lên thánh thót làm cô tỉnh giấc.

Vàng anh kia nào có biết cô đang trong giấc mộng đẹp, nó vẫn như thường lệ đến bên cành cây hót véo von chào một ngày xuân tươi đẹp lại đến. Có lẽ hàng ngày, cô khuê nữ ưu sầu thương nhớ chồng kia, nghe tiếng vàng anh sẽ cảm thấy bớt đi chút cô liêu, có chú vàng anh bầu bạn. Nhưng hôm nay, chính nó làm cô nổi giận, vung tay thét đuổi chú chim đáng thương kia đi. Hành động kỳ lạ, khác thường này của cô khuê nữ, lại chính là cái thần của bài thơ, diễn tả cái tình lên đến cực điểm của con người, vừa bất ngờ, khác thường, lại vừa hợp tình hợp lý, thật uyển chuyển, hàm xúc và gợi mở những suy nghĩ xa xôi.

Chỉ 4 câu thơ mà diễn tả rất nhiều ý cảnh, cái logic nhân – quả chặt chẽ liền mạch: “Mau mau đuổi cái vàng anh” là Quả, “Đừng cho nó hót trên cành cây cao” là Nhân; “Làm cho tan giấc chiêm bao” là Nhân, và “Làm cho thiếp chẳng được vào Liêu Tê” là Quả. Đồng thời “Mau mau đuổi cái vành anh, đừng cho nó hót trên cành cây cao” là Thực, và “Làm cho tan giấc chiêm bao, làm cho thiếp chẳng được vào Liêu Tê” là Ảo, lại cấu thành quan hệ nhân – quả.

Thơ Đường là tinh hoa văn hóa truyền thống Á Đông, nhưng cũng đã là tinh hoa văn hóa nhân loại. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Bài thơ này, về cả nội dung và hình thức thể hiện đều là mẫu mực để chúng ta học tập. Thơ Đường là tinh hoa văn hóa truyền thống Á Đông, nhưng cũng đã là tinh hoa văn hóa nhân loại. Bài thơ “Xuân oán” của Kim Xương Tự này cũng là viên ngọc sáng của văn thơ nhân loại. Mời các bạn thưởng thức bài thơ này bằng tiếng Anh qua bản dịch khuyết danh: 

Complaint Of Spring

Please, drive the Orioles away from the trees
Their songs make me wake up – in a hurry
My beautiful dream also breaks, really
Therefore – I cannot see him at Liaoxi 

Triêu Lộ biên dịch