Có một tòa lâu đài, hơn một ngàn năm kể từ khi nó được xây dựng vào thời Đường, hết lần này đến lần khác bị binh đao chiến hỏa tàn phá, nhưng cũng hết lần này đến lần khác, nó lại được tái tạo cao lớn tráng lệ trên đống đổ nát. Điều mà mọi người mong muốn không chỉ là sự diễn tiếp sinh mệnh của một tòa kiến trúc cổ, mà còn là sự sống mãi của một bài phú đặc sắc mà một tài tử thời sơ Đường đã tặng cho nó.

Câu chuyện truyền kỳ này bắt đầu tại một bữa tiệc đầy những danh nhân mặc khách. Chàng trai trẻ không phải là vai chính trong bữa tiệc, nhưng nhờ vào tài năng của chính mình, chàng đã trở thành tiêu điểm hút mắt nhất của khán giả. Chàng tức hứng viết cả lời tựa và bài thơ cùng chủ đề, sáng tạo nên áng văn thơ bất hủ trong lịch sử văn học.

Điều kịch tính hơn là chính vì những lời hay ý đẹp trong lời tựa mà danh tiếng của bài thơ đã vượt xa những bài thơ sau này. Nhờ có nó, giá trị của bài thơ đã được người xưa trân trọng và ca ngợi, đạt được mỹ danh “đoản ca hay nhất thời Đường”. Đây chính là bài “Đằng Vương Các thi” dưới lời tựa “Đằng Vương Các tự” của Vương Bột, một nhà thơ đầu thời Đường. Bài thơ như sau:

Đằng Vương cao các lâm giang chử, 
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ.
Họa đống triêu phi Nam Phổ vân,
Châu liêm mộ quyển tây sơn vũ.
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
Vật hoán tinh di kỷ độ thu.
Các trung đế tử kim hà tại,
Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu.

Tạm dịch:

Đằng Vương cao các kế bên sông,
Chim loan ngọc bội thôi ca nồng.
Cột họa sớm mai mây giăng kín,
Rèm châu lóng lánh mưa chiều rung. 
Mây nhàn bóng nước nắng vàng lai,
Vật đổi sao dời bao thu trải.
Trong các vương tử giờ đâu tại,
Ngoài cửa Trường Giang thản đãng xuôi.

Thưởng thức thi cảnh

“Đằng Vương Các Thi” là một bài thơ cổ thể thất ngôn, toàn bài thơ có 8 câu, 56 chữ. Trước bài thơ có một lời tựa dài hơn 700 ký tự, mô tả thắng cảnh sông núi Hồng Châu, sắc thu đẹp tráng lệ của Đằng Vương cao các và cảm hoài của tác giả về thân thế, có tài mà không được trọng dụng. Toàn bộ lời tựa diễn đạt hoa mĩ, có thể được gọi là kỳ văn. Vậy đâu là giá trị nghệ thuật đặc sắc của bài thơ hiếm có này?

Bức tranh vẽ “Đằng Vương Các” do Quách Hi thời nhà Tống vẽ. (Phạm vi công cộng)

Đằng Vương Các nguy nga cao vút được xây dựng kề bờ cát sông Cống Giang. Câu đầu tiên của bài thơ sử dụng bút pháp đơn giản rõ ràng, không vòng vo ẩn dụ, chỉ ra vị trí của Đằng Vương Các: “Đằng vương cao các lâm giang chử”. Câu văn tưởng chừng như không có gì nổi bật, mà chỉ một chữ “lâm” đã miêu tả một cách tinh chuẩn và thần kỳ hình thế địa lý cao và hiểm trở của Đằng Vương Các, đồng thời cũng tạo nên âm điệu cảm xúc cao viễn mênh mông của toàn bài thơ.

Nhà thơ bước lên cao nhìn ra xa, trên đỉnh đầu là bầu trời xanh bao la, dưới chân là dòng sông vô tận không ngừng chảy. Tầm nhìn được mở rộng khiến tâm não bỗng nhiên khai mở, tư duy cũng theo đó phát tán, bay bổng. Đầu tiên ông nghĩ đến “Bội ngọc minh loan bãi ca vũ”, tòa cao lầu hoa mỹ này được xây dựng bởi con cháu hoàng thất, nơi đây đã từng thượng diễn những cảnh tượng ca vũ phồn hoa thanh bình. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã không còn, cao lầu đã sớm đổi chủ. Thông qua so sánh giữa hiện tại và quá khứ, nhà thơ âm thầm biểu đạt cảm giác đau thương tang tóc về những biến cố nhân sự và thịnh suy vô thường của thế sự.

Câu đối thứ hai tiếp nối ý tứ của câu đối thứ nhất, nhà thơ du lãm trên cao các, vọng ra tứ phía, ca ngợi phong cảnh tráng lệ bên cạnh Đằng Vương Các. “Họa đống triêu phi Nam Phổ vân”, những đám mây sớm mai phiêu dật trên bầu trời Nam Phổ, bay lang thang giữa những cột trụ tòa lầu sơn màu sặc sỡ, khiến người ta kinh ngạc trước độ cao của nó. “Châu liêm mộ quyển tây sơn vũ”, mưa chiều dày đặc ở nơi thâm xứ Tây Sơn đang lật cuộn và gõ lanh canh vào những bức màn kết cườm lóng lánh.

Nhờ lợi thế địa lý cao kề bên sông của Đằng Vương Các được mô tả trong câu đầu tiên, nhà thơ mới có thể tận thu hết cảnh vật vào trong đáy mắt. Tuy nhiên, bất kể mỹ cảnh sông núi hay sự hoa lệ của lâu đài đình các, tất cả đều tỏa ra một chút cảm thương sầu tư nhè nhẹ. Những tòa kiến trúc sơn son thiếp vàng hoa lệ và những bức màn kết cườm chỉ có mây sớm mưa chiều bầu bạn, càng làm tăng thêm cảm giác hoang vắng, cô liêu trong lời tựa “thắng địa bất thường, thịnh diên nan tái”

Câu đối thứ ba bắt đầu hoán vận, trắc vận trầm uất thấp thỏm biến thành bình vận thư thái du trường, tình cảm uẩn hàm trong bài thơ trở nên uyển chuyển mềm mại hơn. Nhà thơ tiếp tục miêu tả phong cảnh của Giang Chử. Mây trôi thong dong, bóng nắng trải dài, ngước mắt nhìn lên, toàn bộ vẻ đẹp của non sông, đất trời đều cô đọng trong câu thơ “Nhàn vân đàm ảnh nhật du du”. Ba chữ “nhật du du”, góc độ tự thuật chuyển dời từ không gian sang thời gian, biểu đạt thời gian lâu dài chậm rãi. Đằng Vương Các đã đứng vững bao nhiêu năm, chứng kiến sự luân phiên của phồn hoa và suy bại, nỗi niềm xa vắng của nhà thơ cũng chính là được lĩnh ngộ trong những tháng năm tuế nguyệt lâu dài chậm rãi.

Tiếp xuống câu sau “Vật hoán tinh di kỷ độ thu”, tiếp tục khuếch đại cảm khái đối với sự hưng suy cổ kim. Nhà thơ viễn vọng trời đất, suy tư vươn từ Đằng Vương Các lên đến vũ trụ bao la hạo đãng, vạn vật đổi thay, tinh tú di động, thời gian cũng trong sự biến hoán của vạn vật mà trôi qua. Hảo cảnh không kéo dài, niên hoa vụt qua mau, không chỉ đối với Đằng Vương Các, mà đó là quy luật bất biến của toàn vũ trụ. Bài thơ đã bao quát cả không gian vũ trụ vào trong, khiến cảnh giới của nó càng thêm hùng vĩ, hoành đại.

Ở câu cuối, nhà thơ đã biến hàng ngàn suy tư thâm trầm thành một câu hỏi đầy hào khí: Đằng Vương Các hiển hách một thời nay ở đâu? Công danh lợi lộc, phồn hoa đỉnh thịnh chẳng vĩnh hằng, duy có nước sông Trường Giang xuôi về đông bên dưới Đằng Vương Các là mãi mãi ào ào bất tuyệt. Nó biểu đạt không chỉ là cảnh quan trong mắt, mà còn là tình hoài an nhiên tự tại trong tâm. Mặc dù nhà thơ tự nói với mình rằng “Thời vận bất tề, mệnh đồ đa suyễn” (thời vận không hợp, vận mệnh ngang trái), nhưng khi được nhìn thấy đất trời, vũ trụ từ trong Đằng Vương Các, ông đã coi nhẹ những được mất vinh nhục cá nhân, thể hiện khí khái anh hào của nhân sĩ thời đầu Đường, không hổ danh là một kiệt tác cổ đại.

Câu chuyện đằng sau nhà thơ

Vương Bột, tự Tử An, rất giỏi thơ phú, cùng với Dương Quýnh, Lô Chiếu Lâm và Lạc Tân Vương, được mệnh danh là “Tứ kiệt của sơ Đường”. Vương Bột sinh ra trong một gia đình quan chức Nho sĩ, ông không chỉ là một thần đồng với trí thông minh phi phàm, mà còn là một văn sĩ tài hoa sung mãn. Ông sáng tác rất nhiều tác phẩm truyền thế khiến người người tán thưởng, và cái chết sớm ở tuổi thanh niên của ông cũng khiến người ta tiếc thương. Tuy nhiên, cuộc đời ngắn ngủi của ông vừa lúc trầm lúc khởi, lúc rực rỡ ngoạn mục, giống như một ngôi sao băng lộng lẫy lóe lên ánh sáng chói lọi trên bầu trời đầy sao của lịch sử.

Tượng Vương Bột. (Phạm vi công cộng)

Theo sử liệu, Vương Bột từ 6 tuổi đã biết viết văn, ý văn lai láng, lời lẽ tràn đầy tình cảm, 9 tuổi đã đọc “Hán thư” của Nhan thị, tuyển viết mười tập “Chỉ hà”, chỉ ra sự ngộ nhận của các chú giải; Năm 10 tuổi, ông đã đọc Lục kinh; Năm 12 tuổi học nghề y; Năm 15 tuổi, ông đã dâng tặng “Thượng Lưu Tả Tướng Thư”, được tể tướng Lưu Tường Đạo khen ngợi là “thần đồng”, được tiến cử vào triều đình; sau đó, ông dâng lên hoàng đế Đường Cao Tông “Càn Nguyên Điện tụng” và “Thần du Đông Nhạc tụng”, biểu đạt tâm nguyện có được một chức quan; Ở tuổi 16, ông thi đỗ “U Tố Khoa”, nhận chức triêu tản lang thất phẩm, sau đó được Phái Vương chiêu vào vương phủ làm việc tu soạn văn chương.

Đọc sách làm văn, học tập Nho giáo và y học, thượng thư lên triều đình, đề tên mình trong bảng vàng, những sự tình mà người bình thường có thể không làm được trong cả cuộc đời của họ, thì Vương Bột đã hoàn thành trước khi ông hai mươi tuổi, nghĩa là trước khi trở thành người lớn. Mặc dù thiếu niên đắc chí, nhưng ông cũng sớm vì văn chương mà đắc tội, hủy hoại đi sự nghiệp tốt đẹp của mình.

Các cuộc thi chọi gà rất phổ biến trong giới quý tộc ở kinh đô, Vương Bột đã viết tác phẩm “Hịch Anh Vương kê văn” về trò chơi để mua vui cho Phái Vương. Cao Tông sau khi biết chuyện đã vô cùng tức giận, cho rằng Vương Bột với tư cách là quan trong vương phủ, không những không phụ tá, khuyên nhủ hoàng tử tuân thủ phép tắc, mà lại khoa trương văn từ, khuấy động mâu thuẫn quan hệ, theo đó bãi quan chức của Vương Bột, đuổi ông ra khỏi phủ Phái Vương.

Vương Bột rời kinh thành với tình cảm phẫn uất chán nản, bắt đầu cuộc mạn du ba năm ở đất Thục. Hầu hết các tác phẩm trong giai đoạn này thể hiện tư tưởng lang thang lữ hành, khắc khoải cố hương. Sau đó, ông gia nhập quân đội ở Quắc Châu, nhưng vì liên đới với một quan nô phạm tử tội mà đắc tội, may mắn bảo trì tính mạng sau một lệnh đại xá. Cha của Vương Bột cũng bị ảnh hưởng bởi sự việc này, bị giáng chức xuống Giao Chỉ làm quan, sống những năm cuối đời ở biên giới phía nam hoang vắng và xa xôi.

Việc cha bị liên lụy đã giáng một đòn nặng nề vào Vương Bột. Ông tràn đầy sám hối bất an: “Ôi chao! Đây đều là tội của Bột, thiên địa thực là không lối thoát”. Cuối cùng, nó dẫn đến chuyến đi về phương nam thăm cha. Trong cuộc hành trình này, ông đã đi ngang qua Hồng Châu, tình cờ được mời đến một bữa tiệc thịnh soạn do Diêm Bá Dư, đô đốc Hồng Châu tổ chức trên danh lâu Đằng Vương Các. Nguyên lai Diêm Bá Dư đã xây dựng lại Đằng Vương Các, rồi tổ chức một bữa tiệc lớn chiêu đãi khách mời, thỉnh những văn sĩ có mặt viết lời tựa cho bữa tiệc.

Kỳ thực là, Diêm Bá Dư đã yêu cầu con rể của mình là Mạnh Học Sĩ chuẩn bị trước lời tựa, với hy vọng sẽ giúp cậu ta sẽ trở nên nổi tiếng trong bữa tiệc. Các vị khách trong tâm đều ngầm hiểu, lần lượt từ chối không sáng tác, chỉ có Vương Bột, một chàng trai trẻ từ ngoài vào, vui vẻ lấy giấy và vung bút viết. Diêm Bá Dư rất không vui, chuyển thân đi ra sau trướng, sai người báo cáo nội dung văn chương này. 

Diêm Bá Dư lúc đầu nghe đến “Dự chương cố quận, Hồng đô tân phủ”, nghĩ, ồ, chỉ là lão sinh sáo rỗng, lại nghe đến “Tinh phân dực chẩn, địa tiếp hoành tư”, ông trầm mặc không lời. Đến lúc nghe đến hai câu “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” thì ông không thể không tán thưởng một giai tác thiên tài trường tồn bất hủ! Ngay lập tức, Vương Bột hạ bút viết lời tựa Đằng Vương Các tự và bài thơ Đằng Vương Các thi, ngôn từ hoa lệ, cô đọng mà thâm thúy, lập tức khiến những người nghe chấn động.

Diêm Bá Dư đã gạt bỏ những hiềm khích của mình sang một bên, với lòng yêu mến nhân tài, khoan dung độ lượng, ông hân thưởng một Vương Bột trẻ tuổi tài cao, bữa tiệc kết thúc trong bầu không khí cực kỳ hân hoan náo nhiệt. Vì dũng khí và tài năng của Vương Bột, Đằng Vương Các có được dấu ấn văn học của riêng mình; Diêm Bá Dư, người chủ trì bữa tiệc, đã cung cấp một vũ đài để Vương Bột tận tình thi triển tài hoa của mình, điều này cũng đã trở thành một câu chuyện đẹp trong lịch sử.

Trong cuộc đời ngắn ngủi chỉ hơn hai mươi năm của mình, Vương Bột đã để lại hơn 90 bài thơ, bao gồm thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn, tuyệt cú, nhạc phủ và đa chủng hình thức khác. Trong thơ ca của mình, ông tả cảnh vịnh vật, ngôn chí trữ tình, không chỉ có khí phách oai hùng của “Khí lăng vân Hán, tự hiệp phong sương”, mà còn có “Hải nội tồn tri kỉ, Thiên nhai nhược bỉ lân”, tâm tình tràn đầy lạc quan khoát đạt. Cuộc đời ông tuy ngắn ngủi, nhưng đã thành tựu một tài danh và văn tự vĩnh hằng. Cái tên Vương Bột vĩnh viễn tỏa sáng trong thi đàn thời đại Đường.

Tác giả: Lan Âm, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch