Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca mà chuyên mục Nghệ Thuật Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của trái tim mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Hương mùi không chỉ còn trong ký ức
Cuối tuần trước, Mẹ cho Bông về ngoại. Chiều, Bông thấy bà ngoại mua nhiều cành hoa về. Ngoại bảo:
– Lá mùi đó cháu. Để bà phơi rồi cho Bông một ít. Trước giao thừa, Bông bảo mẹ tắm cho nhé.
Bông thắc mắc hỏi mẹ:
– Sao mình lại tắm bằng lá mùi hả mẹ?
Mẹ bảo:
– Lá mùi khi đun lên thì thơm lắm. Đêm giao thừa, ai cũng muốn mình thơm tho, sạch sẽ để đón năm mới nên mọi người thường đun lá mùi lên tắm, vừa sạch, vừa thơm. Trước đây, khi mẹ và các bác còn nhỏ, tết nào bà cũng đun lá mùi cho mọi người tắm đấy.
Bà ngoại cười bảo:
– Mẹ cháu nói đúng đấy, nhưng chưa đủ.
Bông thấy mẹ ngơ ngác. Bà bảo:
– Tắm lá mùi, ngoài việc thơm sạch còn là có ý nghĩa trừ ta, tẩy rửa, xua tan những chuyện không vui năm cũ, đúng nghĩa tống cựu nghênh tân ấy. Mùi dùng để tắm phải là mùi già đã trổ hoa, thân màu nâu tía, vậy mới dậy mùi và thơm lâu. Tắm mùi cũng giúp cho thân thể thoải mái, thông mũi vì được xông hương, khí huyết lại lưu thông do tinh dầu mùi ngấm vào da.
Giọng bà chợt buồn buồn. Bà bảo phong tục này giờ đang bị mất dần. Quê xưa nhà nào cũng tắm lá mùi, cứ chiều 30 tết đi đâu cũng thấy dậy hương mùi đun. Giờ ở quê, còn ít người tắm lá mùi lắm. Ở thành phố lại càng ít. Hình như, càng hiện đại, người ta càng hắt hủi nó. Bây giờ, kem và dầu gội đầu đã thay thế hết lá mùi và bồ kết mất rồi.
Bông thấy mẹ ôm vai bà thủ thỉ:
– Mẹ ạ, con vẫn tắm mùi và gội bồ kết. Con sẽ còn tắm mãi nước mùi mẹ đun. Sau này Bông cũng vậy.
Bà chí tay vào trán mẹ:
– Bố chị, mẹ liệu còn đun cho chị được mấy lần nữa đâu.
Tự dưng mắt mẹ cay đỏ. Bông hỏi, mẹ bảo tại hương mùi bay vào mắt…
Đăng An