Không hề ngẫu nhiên khi đến ngày nay, Michelangelo vẫn là tượng đài vĩ đại số một không có ai thay thế. Ai cũng phải thừa nhận, ông là nhân vật vĩ đại nhất thời Phục Hưng. “Một người khổng lồ”! Dưới đây là những tác phẩm mang tầm vóc vĩ đại của ông…
Kiệt tác Pietà (Đức Mẹ Sầu Bi) của Michelangelo:
Pieta (1498-1499) của Michelangelo (1475 – 1564), là kiệt tác điêu khắc bằng đá cẩm thạch trắng nguyên khối với kích thước 1,74 m x 1,95 m, mô tả một cảnh tượng trong Kinh Thánh khi Đức Mẹ Maria đỡ xác chúa Jesus từ trên thập tự giá xuống.
Hình ảnh Đức Mẹ Maria trong Pieta của Michelangelo khá trẻ-như chỉ mới đôi mươi-ôm thi thể Chúa Jesus trong lòng với tư thế ngồi vững chãi, và gương mặt, toát lên vẻ đẹp thanh thản thánh thiện…
Có rất nhiều tác phẩm Pietà nhưng tác phẩm Pietà của Michenlangelo là tác phẩm Pietà duy nhất đã thể hiện biểu diện của Thần thay vì biểu diện của một con người.
Hình ảnh Chúa Jesus, cũng không được thể hiện với các dấu vết của sự khổ nạn. Khuôn mặt Ngài thanh thản, thánh thiện và yên bình như đang say ngủ…
Nhiều người cho rằng tác phẩm đã không thể hiện đúng chủ đề và không đúng với thực tế!…Đức Mẹ phải đau khổ thống thiết, giống như tâm trạng của một người mẹ bình thường?
Khuôn mặt Đức Mẹ trong sáng và tươi trẻ, không lộ vẻ bi thương sầu thảm. Chiếc váy của Đức Mẹ Đồng Trinh với những nếp gấp tinh tế như chiếc váy áo lụa mềm mại thực sự.
Với chính tín và sự tôn kính Thần, người xem có thể cảm nhận rằng:
Thiên Chúa không đến và chịu khổ nạn cho sự đau khổ, tuyệt vọng. Mà Ngài đến và chịu khổ nạn vì sự cứu rỗi chúng sinh và mang hy vọng họ.
Sự đến và chịu khổ nạn của Người có ý nghĩa siêu nhiên, và Ngài đón nhận cái chết theo cách của Thần, như chỉ bỏ đi một chiếc áo, chứ không phải theo cách đau khổ tuyệt vọng của con người.
Tất cả đã vượt qua những cảm xúc thường tục và tất cả vì sự cứu rỗi chúng sinh, nên Ngài có thể hoàn toàn thanh thản như vậy.
Chúa Jesus đã tới và chuộc tội cho con người. Chỉ có nghệ thuật với cái đẹp tuyệt đối và bằng suy nghĩ của Thần mới có thể thể hiện được công cuộc cứu chuộc thiêng liêng này của Người…
Trong sự chiêm nghiệm, Đức Mẹ Maria vẫn luôn là một trinh nữ với vẻ đẹp trong trắng, tinh khôi. Và người đã có được sự thanh tịnh thuần khiết vì Thần nhìn xa hơn nhiều những gì con người nhìn thấy… Sự tĩnh lặng bình thản của Người thể hiện sự chấp nhận với một đức tin mạnh mẽ vào Đấng Cứu Chuộc và công cuộc cứu rỗi con người của Ngài…
Như việc Chúa Jesus cuối cùng đã phục sinh. Cái chết với con người dường như là điều gì quá to tát. Nhưng với Thần, chỉ là từ bỏ nhục thân, lấy tấm thân đau đớn của chính Người mà cứu chuộc lại tội lỗi cho loài người.
Ngay như tên tác phẩm, Pieta, có nghĩa là đáng tiếc, cũng hàm chứa một ý nghĩa: Đáng tiếc cho con người đã phạm tội với Thần, rồi họ sẽ phải chịu tội thống khổ ngàn năm cho tội lỗi gây ra.
Bức họa trên trần Nhà thờ Sistine tại Rome
Trong nhiều năm, không phân biệt tầng lớp xã hội, người ta đều phải ngước mắt lên trần nhà thờ Sistine để chiêm ngưỡng bức tranh tráng lệ miêu tả những vị Thần trên Thiên Thượng. Các họa phẩm vĩ đại của Michelangelo trên mái vòm trần nhà nguyện Sistine tại thánh đường Vatican, Rome, miêu tả câu chuyện về các vị Thần, đã truyền cảm hứng và làm mê hoặc hàng triệu người.
Khi Michelangelo ký vào bản hợp đồng nhận trang trí nhà nguyện trong tòa thánh Vatican cách đây 5 thế kỷ, ông không hề biết đây sẽ là một trong những công trình vĩ đại nhất thế giới.
Điều đáng kinh ngạc là một mình Michelangelo đảm nhận công trình vĩ đại này, ông phải trèo lên một giàn giáo rất cao, ngửa cổ, cong lưng vẽ lên trần trong một tư thế rất khó khăn, liên tục trong 4 năm 3 tháng trời ròng rã… Ngày 1 tháng 11 năm 1512, bức tranh trên vòm nhà nguyện Sistine đã được khánh thành.
Vòm mái của nhà thờ Sistine có diện tích 540 mét vuông. Chủ đề của bức họa là câu chuyện “Sáng thế” trong kinh Cựu ước, được tạo thành từ 9 bức tranh liên kết lại. Bố cục có hơn 300 nhân vật và 9 tình tiết trung tâm từ Sách Khải huyền, được chia thành ba nhóm: nhóm thứ nhất là Sự sáng tạo Thế giới Thiên đàng và Trái đất của Chúa; nhóm thứ hai là Chúa tạo ra người đàn ông và đàn bà đầu tiên Adam và Eve, sự quyến rũ và sa ngã của Adam và Eve, cuối cùng là trận đại hồng thủy, với sự cầu khẩn Chúa của loài người và đặc biệt là của gia đình Noah.
Trung tâm của tổ hợp tác phẩm trên trần nhà nguyện là 9 chi tiết được kể trong Sách Sáng Thế, theo thứ tự bao gồm:
1.Chúa Trời phân chia ánh sáng và bóng tối
2.Chúa Trời sáng tạo mặt trời, mặt trăng và trái đất
3.Chúa Trời phân rẽ đất và biển
4.Chúa Trời tạo ra Adam
5.Chúa Trời tạo ra Eve
6.Cám dỗ và sa đọa
7.Noah hiến tế
8.Đại hồng thủy
9.Noah say rượu
Nhiều nhân vật trên trần nhà gần như khỏa thân, nhưng những hình ảnh này không gây ra bất cứ ý nghĩ bất thuần nào cho những người xem chúng. Michelangelo chưa từng lấy vợ. Ông đã dồn tất cả tâm trí vào nghệ thuật. Tâm hồn thuần khiết khi vẽ tranh của ông đã khiến hình ảnh các nhân vật cũng trong sáng như một đứa trẻ vậy.
Rất nhiều người tò mò với câu hỏi, “Tại sao ông lại vẽ chúng lên trần?” Câu trả lời là niềm tin vào Thần là rất trang nghiêm, và chính tín vào Thần đã vượt quá mọi cám dỗ trần tục.
Sự kiện “Sự phán xét cuối cùng” xoay quanh những hình ảnh khoả thân là đỉnh cao của các tranh luận đương thời, mà cho đến ngày nay, vẫn còn vô số giai thoại được lưu truyền.
Michelangelo trả lời những ai kết án mình: “Thiên Chúa đã sinh ra con người trong hình hài đẹp đẽ giống Người. Chỉ có những kẻ thiếu đức tin với tâm hồn gian trá mới xấu hổ”!
“Phán xét cuối cùng”, 1370 x 1220 cm, tường án thờ Nhà nguyện Sistine
Có lẽ vì những lý do này, nên trần nhà là nơi thích hợp nhất cho việc vẽ Thiên Đường. Người ta mãi mãi cần phải có hy vọng và tôn kính với Thiên Đường.
Mỗi nét vẽ đều mang theo sự tôn kính và trông ngóng của ông đối với Thiên Đường. Mỗi nét vẽ đều làm nổi bật lên một tâm hồn thần thánh và thuần khiết, một sự đoạn tuyệt với những dính mắc nơi trần tục.
Ông đã vẽ ra những kết cục khác nhau của người làm điều tốt và làm điều xấu. Ông đã thay đổi môi trường thông thường của nhà thờ thành một nơi thờ phượng cho các thế hệ tương lai.
Từ tác phẩm của ông, người ta thấy rằng ông đã thể hiện đức tin của mình qua các bức tranh. Đây là điều quan trọng nhất trong cuộc đời ông.
Từ Sáng Thế cho tới Phán xét cuối cùng, tâm hồn người xem đều bị cảm động sâu sắc. Nó dường như là người ta đang không ngừng loại bỏ đi những thứ xấu.
Thái độ của con người đối với chính tín có thể là không rõ ràng, méo mó, hay thậm chí là thiếu, vì thế Michelangelo đã cố gắng hết sức bày tỏ chính tín của ông trong các bức tranh về những câu chuyện trong Kinh Thánh.
Nếu người ta làm điều xấu hay lăng mạ những ai có chính tín – bất kể đó là Giáo hoàng, linh mục, người thường, hay tín đồ tôn giáo – thì phán quyết trong Phán xét cuối cùng sẽ là có tội, và không có ngoại lệ.
Tượng Moses của Michelangelo
Hầm mộ Julius II, 1545, đá cẩm thạch, tại Nhà thờ thánh Pietro ở Vincoli tại Rome
Một giai thoại nổi tiếng cho rằng, sau khi hoàn thành xong bức tượng Moses, Michelangelo đã đập mạnh búa vào đầu gối bức tượng và kêu lên: “Sao ông không nói chuyện với tôi?”.
Cũng bởi, bức tượng Moses giống thực quá. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu bức tượng Moses không sở hữu một cặp sừng.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử hội họa đã cho rằng Michelangelo đã hiểu sai Kinh thánh. Trong Kinh thánh có đoạn: “Người Do Thái khó có thể chiêm ngưỡng được khuôn mặt của Moses khi ông hạ thế tại núi Sinai với một tấm bài vị bằng đá”.
Từ “karnayim – chói lọi” trong tiếng Do Thái có vẻ như đã bị hiểu nhầm thành “sừng” khi dịch sang tiếng Ý và thế là tượng Moses sở hữu một cặp sừng rất đẹp, chẳng liên quan gì.
Tượng David của Michelangelo
Vua David, 1504, cao 434 cm, nặng 9 tấn bằng đá cẩm thạch nguyên khối, đặt tại Galleria dell’Accademia, Florence
Tượng David là bức tượng do Michelangelo điêu khắc từ năm 1501 đến 1504 – một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc thời Phục Hưng và cũng là một trong hai tác phẩm điêu khắc vĩ đại nhất của Michelangelo.
Tượng cẩm thạch cao 4.34 m miêu tả Vua David theo Kinh Thánh tại thời điểm ông quyết định chiến đấu với người khổng lồ Goliath. Michelangelo mô tả David lúc chuẩn bị chiến đấu với Goliath với đôi lông mày chau lại, phần cổ căng lên và các mạch máu dồn lên ở tay phải khiến David trông căng thẳng, nhưng đã sẵn sàng cho chiến trận.
Bức tượng này được xem như là một biểu tượng của vẻ đẹp con người trẻ trung và sức mạnh. Kiệt tác này, đã minh chứng cho sự xuất chúng của ông với tư cách là một nhà điêu khắc có tài năng kỹ thuật phi thường và sức mạnh của khả năng sáng tạo biểu tượng.
Những tác phẩm nổi tiếng khác trong kho tàng đồ sộ của Michelangelo
Christ Carrying the Cross, 1521, đá cẩm thạch, cao 205 cm, đặt tại Santa Maria sopra Minerva, Rome
Madonna and Child, 1501-1505, đá cẩm thạch, cao: 128 cm, Bruges
Tomb of Giuliano de’ Medici, 1526-33, đá cẩm thạch, 630 x 420 cm
Tomb of Giuliano de’ Medici (detail), 1526-33, đá cẩm thạch
Tomb of Lorenzo de’ Medici (detail), 1524-31, đá cẩm thạch
Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Vatican với mái vòm độc đáo của Michelangelo
Những tác phẩm điêu khắc kiệt tác đã vĩnh viễn lưu giữ với thời gian niềm tin và sự tôn kính thiêng liêng của con người đối với Thần và thế giới thiên quốc, phải chăng đó cũng chính là Thần hữu ý để lại thông điệp cho con người hiện đại chúng ta, vốn ít nhiều bị các giá trị vật chất và tiện nghi che mờ mà quên đi gốc rễ tinh thần đáng quý nhất, là giá trị duy nhất có thể lưu cho chúng ta một cánh cửa tới tương lai?
Hoàng Lâm – Hà Phương Linh