Tuy hầu hết nội thất đã bị sửa chữa, cải tạo qua thời gian nhưng như một điều kỳ diệu, kiến trúc ngoại thất căn bản đã được giữ lại, bất chấp nhiều nỗ lực trong lịch sử nhằm xóa sổ tòa nhà này khỏi bản đồ thành phố. Đây chính là Tòa nhà Nữ hoàng Victoria ở Sydney.
Tòa nhà Nữ hoàng Victoria (viết tắt là QVB) là tòa nhà cuối thế kỷ 19 được xếp hạng di sản, được thiết kế bởi kiến trúc sư George McRae tọa lạc tại khu thương mại trung tâm Sydney, thuộc bang New South Wales của Úc. Tòa nhà theo phong cách Romanesque được xây dựng từ năm 1893 đến 1898 và rộng 30 mét, dài 190 mét. Mái vòm được xây dựng bởi Ritchie Brothers, một công ty thép và kim loại, chế tạo cả xe lửa, xe điện và thiết bị nông nghiệp.
Tuy được thiết kế để làm một cái chợ, nó đã được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trải qua quá trình tu sửa và bị mục nát cho đến khi được phục hồi và trở lại sử dụng như ban đầu vào cuối thế kỷ 20. Tòa nhà hiện giờ thuộc sở hữu của Thành phố Sydney và đã được công nhận là Di sản của Bang New South Wales vào tháng 3 năm 2010.
Đặc trưng kiến trúc
Tòa nhà này có “quy mô của một nhà thờ” được thiết kế bởi George McRae, một kiến trúc sư người Scotland đã di cư đến Sydney vào năm 1884. Vào thời điểm đó, Sydney đang trải qua một sự bùng nổ của xây dựng, và bởi vì trong kiến trúc “không có trường phái hay phong cách nào chiếm ưu thế “, McRae đã sản xuất bốn mẫu thiết kế cho tòa nhà theo các phong cách khác nhau (Gothic, Phục hưng, Nữ hoàng Anne và Romanesque) để Hội đồng có thể lựa chọn. Sự lựa chọn của Hội đồng đối với phong cách Romanesque Victoria thể hiện ảnh hưởng của kiến trúc sư người Mỹ Henry Hobson Richardson. Việc sử dụng các cột, vòm và một số lượng hào phóng các chi tiết như được McRae vẽ trong thiết kế được chọn là điển hình của phong cách Romanesque Richardsonia – một phong cách chiết trung được xác lập rõ ràng trong khoảng từ năm 1877 – 1886.
McRae được các nhà sử học kiến trúc coi là một trong những nhân vật hàng đầu của các phương pháp và vật liệu xây dựng mới, phá vỡ sự bảo thủ của các kỹ thuật xây dựng. Để đạt được sức mạnh và không gian của tòa nhà, McRae đã sử dụng thép, sắt, bê tông, cốt thép, gạch làm bằng máy, thủy tinh, gạch nhập khẩu, vật liệu chống cháy, đinh tán và các hệ thống thủy lực ở quy mô chưa từng có.
Đặc điểm nổi bật của tòa nhà là mái vòm trung tâm, bao gồm một mái vòm kính bên trong và bên ngoài có vỏ bọc đồng, trên đỉnh là một mái vòm hình bát úp. Những mái vòm nhỏ hơn với nhiều kích cỡ khác nhau nằm trên tầng thượng, bao gồm ở mỗi góc cao của tòa nhà hình chữ nhật. Các cửa sổ kính màu, bao gồm một cửa sổ hình bánh xe lớn thể hiện sức mạnh của Thành phố Sydney, cho phép ánh sáng chiếu vào khu vực trung tâm, và mái nhà kết hợp các giếng trời hình vòm chạy dọc theo hướng bắc và nam từ mái vòm trung tâm. Các hàng cột, vòm, lan can và vòm bát úp mang phong cách Victoria tinh tế.
Giá trị di sản
Tòa nhà Nữ hoàng Victoria là một ví dụ nổi bật về các tòa nhà phục vụ bán lẻ quy mô lớn từ thời Liên bang Victoria ở Úc, nơi nó không có đối thủ về phong cách kiến trúc, quy mô, mức độ chi tiết và thủ công. Vì vậy đây là một tòa nhà di sản mang tính biểu tượng của cả Sydney và Úc.
Tòa nhà Nữ hoàng Victoria có khu hành lang có mái vòm kiểu Victoria lớn nhất ở Úc, cũng như là tòa nhà lớn nhất, hoành tráng nhất và nguyên vẹn nhất trong các tòa nhà thuộc khu vực chợ của Thành phố Sydney. Tòa nhà Nữ hoàng Victoria đã duy trì hoạt động như một tiện nghi thị trường sau hơn 120 năm, là một sự tiếp nối lịch sử quan trọng.
Tòa nhà Nữ hoàng Victoria là một ví dụ tuyệt vời của phong cách Romanesque của Liên bang, còn được gọi là phong cách Romanesque của Mỹ và là sự tiếp nối của phong cách Romanesque Victoria. Nó dường như là ví dụ đại diện lớn nhất và tốt nhất về phong cách La Mã của Mỹ được xây dựng ở Úc.
Tòa nhà thể hiện tham vọng phát triển của công nghệ xây dựng, sự khéo léo tuyệt vời và chi tiết trang trí đẹp đẽ. Cả ngoại thất và nội thất tòa nhà đều đáng chú ý và nổi bật về chất lượng, tay nghề, vật liệu, sự phong phú, hình ảnh và phong cách. Tòa nhà Nữ hoàng Victoria cũng góp phần quan trọng trong bảng thành tích chuyên môn của Kiến trúc sư nổi tiếng George McRae và có khả năng phản ánh xuất sắc, thông qua tính thẩm mỹ và quy mô của nó, các chiến lược quy hoạch cho Sydney vào cuối thế kỷ 19.
Tòa QVB nhà là một ví dụ hiếm hoi và nổi bật về bố cục ở quy mô lớn cho một tòa nhà thị trường, với bề ngoài rất nguyên bản nhưng được khôi phục lại rộng rãi và nội thất được tái tạo. Thiết kế được giải quyết tốt cả bên trong và bên ngoài, và tòa nhà được đặc biệt lưu ý nhờ đá mặt tiền và hàng cột.
Số phận long đong lận đận của tòa nhà QVB
Nhìn lại lích sử, tòa nhà QVB được xây dựng trong thời gian từ năm 1893 – 1898 bởi anh em nhà Phippard (Henry, sinh năm 1854 và Edwin, sinh năm 1864) – “nhà thầu xây dựng hàng đầu của Sydney”, có sở hữu các mỏ đá trachit tại Bowral và sa thạch tại Waverley.
Tòa nhà được chính thức khai trương vào tháng 7 năm 1898. và cung cấp một môi trường kinh doanh cho các thợ may, thợ làm tóc, người bán hoa và quán cà phê, cũng như phòng trưng bày và phòng hòa nhạc. Khái niệm ban đầu là tạo một khu phố mua sắm nội bộ dài 186 mét với hai cấp độ cửa hàng ở hai bên. Về sau vào các năm 1917 và 1935, sự cải tạo đã chuyển đổi nội thất thành không gian văn phòng với các cửa hàng quay mặt ra đường phố bên ngoài.
Trong vài thập kỷ đầu tiên, QVB có bầu không khí của một khu chợ phương Đông. Những người thuê cửa hàng sớm nhất đã biến nó thành một hỗn hợp thương mại và chế tác thủ công. Có các cửa hàng, studio, văn phòng và phòng làm việc cho khoảng hai trăm thương nhân, đại lý và nghệ nhân. Nằm trong các phòng trưng bày ở tầng trên là những cơ sở mang tính học thuật hơn, chẳng hạn như hiệu sách, cửa hàng âm nhạc, người bán đàn piano và người điều chỉnh đàn piano, cũng như các giáo viên tư nhân về âm nhạc, nhảy múa, ca hát, diễn thuyết, vẽ tranh, điêu khắc, vẽ và may mặc. Ngoài ra còn có các môn thể thao lịch lãm hơn, như một phòng chơi bida, phòng tập thể dục dành cho phụ nữ và một phòng chơi bóng bàn.
Trong những năm kinh doanh sau đó, do số lượng người thuê các gian hàng rất thấp so với năng lực chứa của tòa nhà, nó đã bị thất thu nghiêm trọng. Ngay từ năm 1902, Hội đồng thành phố đã lo lắng về việc tòa nhà này không sinh lời. Năm 1912 nó đã bị coi là “thảm họa”, nên vào năm 1913 Hội đồng thành phố đã đề xuất các lựa chọn để phá hủy hoặc bán tòa nhà. Cuối cùng, họ cũng đi đến sự nhất trí là sẽ cải tạo tòa nhà sau khi kết thúc chiến tranh. Một kế hoạch tu sửa cuối cùng đã được Hội đồng thông qua vào tháng 5 năm 1917. Anh em nhà McLeod đã được trao hợp đồng cho công việc vào tháng 6 năm 1917.
Kết quả là những thay đổi vì lý do kinh tế và nhằm để tăng không gian sàn đã phá hủy phần lớn không gian nội thất tráng lệ và đặc trưng của tòa nhà ban đầu. Các đường hành lang có mái vòm ở tầng trệt đã bị xóa sạch, các khoảng trống và phòng trưng bày nội thất giảm và mất giá trị. Các thay đổi đã được thực hiện để loại bỏ những gì Hội đồng thành phố coi là “lỗ hổng cố hữu”, trong những chi tiết mà các nhà sáng tạo kiến trúc Victoria đã suy xét. Một trong những khía cạnh đáng lo ngại của những thay đổi căn bản này là từ khi mọi thứ bên trong của tòa nhà đã bắt đầu bị xâm phạm và làm mất giá trị, dẫn đến có rất ít sự kháng cự lại đối với những thay đổi nội thất tiếp theo trong tương lai.
Mặc cho các nỗ lực lớn để thay đổi, tòa nhà tiếp tục chịu lỗ cho tới năm 1933. Vào tháng 12 năm 1933, Hội đồng đã phê duyệt một đề xuất lớn để thay đổi Tòa nhà Nữ hoàng Victoria cho phù hợp với Yêu cầu của Sở Điện lực, là chủ nhân mới của tòa nhà. Phê duyệt cũng đã được đưa ra để mời thầu cho công việc cải tạo. Phần lớn công việc sửa chữa được giới hạn ở phần trung tâm và phía bắc của tòa nhà. Về cơ bản, kế hoạch này là chuyển đổi nội thất thành không gian văn phòng chung và lắp đặt sàn cho những gì còn lại của không gian nội thất kiểu Grand Victoria.
Điều may mắn là phần lớn kết cấu mặt tiền không bị thay đổi phía trên đường mái hiên. Có lẽ sức mạnh của hình ảnh kiến trúc này là quá mạnh ngay cả đối với quan chức có đầu óc thực tế nhất. Một chất lượng bền bỉ mà tòa nhà luôn giữ được là khả năng thay đổi mà không làm mất đi hình ảnh bên ngoài và sức mạnh kiến trúc như một yếu tố đại diện cho thành phố.
Từ năm 1934 đến 1938, các khu vực dành cho Hội đồng quận Sydney (SCC) đã được tu sửa theo phong cách Art Deco. Tòa nhà xuống cấp dần và năm 1959 một lần nữa bị đe dọa phá hủy. Các đề xuất thay thế tòa nhà mà nhiều người coi là đã bị “quá đát” này bao gồm các dự án đài phun nước, quảng trường và bãi đậu xe. Tuy nhiên do sự chiếm dụng của SCC trong ba mươi năm từ 1936 đến 1966 đã không cho phép những thay đổi như thế xảy ra.
Đến năm 1967, Ủy ban Quốc gia Úc đã ra các lời kêu gọi để bảo tồn tòa nhà, tuyên bố rằng QVB nên được lưu lại vì tầm quan trọng lịch sử của nó. Các lời kêu gọi cũng không chỉ nhằm để bảo quản mà còn phục hồi nhiều sự biến dạng, mái vòm bằng kính, các hành lang vòm ở tầng trệt, sàn lát gạch và cầu thang đá. Vào tháng 5 năm 1971, Thị trưởng thành phố Sydney, Alderman Emmet McDermott, tuyên bố tòa nhà sẽ được “bảo tồn và khôi phục lại trạng thái ban đầu”. Năm 1974, nó được National Trust phân loại “A” và định nghĩa là “công trình khẩn cấp cần mua lại và bảo quản”.
Sau nhiều thời gian chờ đợi nguồn kinh phí, cuối cùng vào tháng 8 năm 1983, Thị trưởng Lord và IPOH Garden (một công ty của Malaysia và sở hữu bởi một tập đoàn của Singapore), đã ký một hợp đồng chia sẻ lợi nhuận trong 99 năm, làm tiền đề cho việc sửa chữa tiếp theo. Tòa nhà Queen Victoria một lần nữa đã được khôi phục từ năm 1984 đến 1986. Sự phục hồi của tòa nhà vẫn giữ được các đặc điểm mẫu mực của nó bao gồm cầu thang đá trachit, bề mặt lát gạch và hàng cột, tạo ra một cơ sở thương mại cho các cửa hàng thời trang cao cấp, quán cà phê và nhà hàng. Trải qua bao thăng trầm, tòa nhà ở thành phố Sydney cuối cùng cũng được trở về chức năng ban đầu của nó khi mới thành lập.
Theo Wikipedia
Clip hay: