Đạo lý “môi hở răng lạnh” xuyên suốt từ cổ chí kim. Vì sao mọi người cứ mãi quên lời giáo huấn và lặp lại những sai lầm tương tự? 

Vào thời kỳ Xuân Thu, nước Ngu và nước Quách đều là những quốc gia chư hầu cùng tông tộc với thiên tử Chu Đế, nhận sắc phong làm Chu Vũ Vương, quốc thổ hai nước tương liên, viện trợ lẫn nhau, tăng cường an ninh lẫn nhau. Tấn Hiến Công muốn tấn công nước Quách tiểu nhược, nhưng có nước Ngu ở giữa nước Tấn và nước Quách, không có cách nào để thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ trừ phi thông qua biên giới của nước Ngu.

Đại thần Tuân Tức đã hiến một kế cho Tấn Hiến Công, nói cho ông ta “mượn dùng” hai bảo vật để hối lộ Ngu Công, mượn đường nước Ngu tấn công nước Quách. Hai loại bảo vật này là ngựa của Khuất địa và ngọc bích của Thùy Cức sản xuất.

Hiến Công nghe vậy nhíu mày, nói: “Ngựa Khuất và ngọc bích Thùy Cức là bảo vật hiếm có trên đời, là bảo vật của quả nhân, không thể cho mượn.”

Tuân Tức lại nói: “Bệ hạ lợi dụng hai bảo vật này để mượn đường chinh phạt nước Quách, nước Quách nếu không có sự cứu viện của Ngu Công, nhất định sẽ bại trong tay quân ta. Nước Quách thất thủ, nước Ngu mất đi ngoại trợ, thế đơn lực bạc, sau khi chúng ta diệt được nước Quách xong, sẽ hồi quân diệt tiếp nước Ngu, một mũi tên trúng hai đích, liền có thể lấy bảo vật về, trước mắt chỉ như là mượn bảo vật từ nội khố, gửi chúng tạm thời ở ngoại khố mà thôi.”

Hiến Công vẫn chưa yên tâm, liền nói: “Nước Ngu có đại thần hiền năng Cung Chi Kì thần cơ diệu toán, sẽ biết mưu kế của chúng ta.” 

Tuân Tức lại đáp: “Ngu Công tham tài, thấy bảo vật quý hiếm sẽ bị động tâm, không nghe lời ông ta đâu.” 

Hiến Công đồng ý, giao hai bảo vật của mình cho Tuân Tức sang nước Ngu mượn đường.

Tuân Tức đến nước Ngu gặp Ngu Công, mở lời: “Hiến Công chúng tôi ngưỡng mộ quý quốc vương hiền minh cường thịnh, đặc biệt kêu thần phụng hiến những bảo vật này cho quý quốc.”  

Ngu Công nói: “Nói vậy, quý quốc tất có chuyện muốn nhờ quả nhân rồi!”

Tuân Tức bèn đem chuyện mượn đường nói ra.

Đại thần Cung Chi Kì cho rằng làm như vậy sẽ chiêu mời họa hại. Tuy nhiên, Ngu Công đã bị động tâm khi nhìn thấy bảo vật, quả nhiên không nghe lời Cung Chi Kì, thậm chí còn cử quân hiệp trợ nước Tấn. Theo đó, Tấn Hiến Công bổ nhiệm Lý Khắc làm đại tướng, Tuân Tức làm phó tướng, cùng với quân nước Ngu công phạt nước Quách. Vào mùa hè năm Lỗ Hi Công thứ hai, sư đoàn nước Ngu và nước Tấn đã tiêu diệt thành Hạ Dương của nước Quách.

Tấn hầu dã tâm rất lớn, sau ba năm, ông ta lại hướng Ngu quốc xin mượn đường.

Lần này, Cung Chi Kì lại đến can gián Ngu Công, ông nhấn mạnh: “Nước Quách là da của nước Ngu, nước Quách một khi vong quốc, nước Ngu tất sẽ bị liên lụy, nguy cơ vong quốc đang ở trước mắt. Đối với thỉnh cầu của nước Tấn tuyệt đối không nên đáp ứng, đối với địch nhân không thể khinh thường sơ suất. Lần trước đã mượn quân ta diệt thành Hạ Dương nước Quách, cho mượn một lần đã là rất nghiêm trọng rồi, còn có thể lặp lại lần thứ hai sao? Ngạn ngữ có câu ‘Phụ xa tương ỷ, môi hở răng lạnh’, chính là đối ứng với quan hệ lưỡng quốc giữa nước Ngu và nước Quách.”

Ngu Công đáp: “Tấn quốc là tông tộc của ta, làm sao có thể hại ta?”

Cung Chi Kì nói: “Tấn quốc là tông tộc của ta, và Tấn quốc cũng là tông tộc của Quách quốc, Tấn muốn diệt Quách, liệu có thể thân ái với nước Ngu không? Lại nói, quan hệ của nước Ngu và nước Tấn, có thể thân như quan hệ giữa Hoàn, Trang và Tấn quốc không? Hoàn thúc (chú) và Trang bá (anh cả) là côn đệ cùng một tằng tổ, Tấn Hiến Công còn lo họ tạo thành sự uy hiếp đối với sự thống trị của ông ta, vì vậy mà giết cả hai người, lấy đó để trừ ẩn họa, những việc này đã xảy ra vào năm Trang Công thứ 25. Hai người đồng tộc Hoàn, Trang liệu có tội gì đây?” 

Tuy nhiên, Ngu Công tâm tham tài quá nặng, nghe không lọt tai những lời phân tích hợp tình hợp lý của Cung Chi Kì, đã cho quân Tấn mượn đường tấn công nước Quách. Cung Chi Kì biết nước Ngu đã không thể cứu, liền đem theo cả gia tộc rời khỏi Ngu quốc.

Lần này quân Tấn giả mượn đường nước Ngu một mạch diệt nước Quách, Quách Công xấu hổ chạy đến kinh đô Đông Chu, nước Quách vong quốc. Sau quân Tấn diệt xong Quách, đưa quân trở lại nước Ngu, mượn cư xá để nghỉ ngơi. Ngu Công dẫn sói vào nhà mà không cảnh giới, bị quân Tấn thuận đường diệt quốc, Ngu Công trở thành tù binh của nước Tấn. Sau này, khi con gái của Tấn Hiến Công kết hôn với Tần Mục Công, Ngu Công trở thành nô bộc theo hầu tân nương về nhà chồng.

Tác giả: Dung Nãi Gia, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch