Có câu: “Trên đầu ba thước có thần linh”, trong mỗi việc chúng ta làm, mỗi điều chúng ta nghĩ thì nhất cử nhất động đều được chư Thần chứng giám.
Người tu tâm hành thiện thì trời đất tương trợ, kẻ tạo ác làm càn thì ắt quả báo sẽ theo thân. Câu chuyện về Đường Truỳ cũng là một trong những điển tích như thế.
Trước đây có một thiếu niên tên gọi Đường Trùy, bẩm sinh đã có tư chất thông minh lại hiếu học, tuân thủ đạo đức và tu dưỡng bản thân. Đường Trùy cả ngày tai không màng chuyện ngoài cửa sổ, chuyên tâm đọc sách thánh hiền trong thư phòng, được mọi người ca ngợi, trở thành một giai thoại cảm động lòng người.
Một hôm như thường lệ, Đường Trùy đóng cửa trong phòng đọc sách. Âm thanh trong trẻo, êm dịu vang vọng ra ngoài mãi tận nơi xa như rót mật vào tai người nghe, khiến cho mọi người cảm thấy khoan khoái dễ chịu vô cùng, ai cũng thích thú.
Đường Trùy như thân chìm trong cảnh, say sưa trong những lời giảng của Thánh hiền, quên rằng bản thân mình đang tại nơi đâu.
Trùng hợp thay, lúc ấy có một thiếu nữ đi ngang qua cửa sổ, nghe tiếng đọc sách êm dịu, trong trẻo như mê hoặc lòng người nên cũng không thể cưỡng lại được mà đứng lại lắng nghe.
Cô đứng đó nghe rất lâu mà không muốn rời đi, trong lòng thầm nghĩ: “Vị thư sinh này cần cù siêng năng đọc sách, sau này nhất định sẽ làm nên đại nghiệp. Chỉ có điều, không biết chàng ta trông ra sao?”.
Vừa nghĩ đến đây, cô gái như vô thức mà bước đến bên cửa sổ, nhẹ nhàng dùng tay chọc thủng một lỗ nhỏ trên giấy dán cửa để nhìn vào trong.
Trong phòng là một chàng thiếu niên tuổi chừng 17, răng trắng môi hồng, trán cao vời vợi, mắt sáng như sao, mặt tươi như quan ngọc, dáng người toát lên khí chất của một bậc chính nhân quân tử, đức độ siêu phàm.
Sau khi nhìn thấy vị thiếu niên anh tuấn, bất giác trong tâm cô động niệm, sóng lòng trào dâng nhưng chẳng biết phải làm sao mở miệng để biểu đạt lòng mình.
Đường Trùy đang say sưa đọc sách, thân đang chìm trong lời thơ, cảnh ý, bất giác ngẩng lên thấy một lỗ thủng trên cửa sổ. Lòng lấy làm lạ, chàng bước đến lại gần nhìn qua lỗ thủng thì chợt thấy một tiểu thư sắc đẹp tuyệt trần, dáng thân kiều diễm thật khiến lòng người xao xuyến.
Cô gái thấy chàng trai lại gần nhìn thì bước lùi lại vài bước nhưng vẫn lưu luyến không muốn rời đi. Nhìn mặt biết lòng, vị tiểu thư như muốn bày tỏ lòng mình, trao thân gửi ý cho chàng, nhưng Đường Trùy tâm như ngọc sáng, kiên định không lay động.
Đường Trùy liền lấy giấy dán lại lỗ thủng, tiện tay đề lên hai câu đối: “Để phá thỉ song dung dị bổ, tổn nhân âm đức tối nan tu” (Phá rách cửa giấy thì dễ sửa, tổn hại âm đức khó tu thay).
Xong đâu đó rồi đọc đi đọc lại đôi câu đối mấy lượt như tự nói với chính mình. Đường Trùy khích lệ bản thân không nên làm tổn hại tiết hạnh của cô gái cũng như rời xa đạo thánh hiền bao năm đèn sách, nếu làm vậy thì còn đâu là phẩm chất đạo đức của một đấng nam nhi?
Đồng thời cũng như cảnh tỉnh cô nương kia, không nên tự huỷ hoại tiết hạnh tôn nghiêm của bản thân để sau này một đời ô uế. Cô gái ấy nghe xong cũng giật mình tỉnh ngộ rời đi.
Gần đó không xa có một ngôi chùa, trong ngôi chùa là một lão hoà thượng cũng thường hay lui tới đây, mỗi bận đều đi ngang qua cửa nhà Đường Trùy.
Tối hôm đó trong lúc quét lá sân chùa, hoà thượng chợt nhìn về phía nhà Đường Trùy thấy trên cửa có tấm bảng trạng nguyên, hai bên cổng treo hai chiếc đèn lồng, trên chiếc đèn viết hai câu đối, một bên là: “Phá rách cửa giấy thì dễ sửa”, một bên là: “Tổn hại âm đức khó tu thay”.
Lão hoà thượng cảm thấy rất kỳ lạ, bèn đưa mắt nhìn kỹ thêm thì đột nhiên không thấy đâu nữa. Trong lòng rất hiếu kỳ, không hiểu chuyện gì nên sang ngày hôm sau, lão hoà thượng đến nhà Đường Trùy tìm hiểu nguyên do.
Khi đến nơi, lão hoà thượng bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện về tấm bảng trạng nguyên và đèn lồng trước cửa nhà chàng. Đường Trùy nghe xong mới dẫn lão hoà thượng đến bên cửa sổ có đôi câu đối. Lão hoà thượng xem xong liền bừng tỉnh hiểu ra tất cả. Hoá ra nhờ vào tấm lòng trong sáng thuần khiết, xa rời tà niệm mà Đường Trùy được Thần linh cảm ứng.
Sau đó Đường Truỳ càng tăng thêm kiên định, chuyên tâm đọc sách thánh hiền, chuyên cần thủ đức. Đến cuối năm sau khi thi qua tam bảng, một hôm chàng nằm mơ thấy có thiên sứ đến đọc chiếu chỉ của Ngọc Hoàng Thượng Đế:
“Đường Trùy cự tuyệt nữ sắc bên cửa sổ, tích được âm đức, nay đặc biệt ban thưởng đỗ đầu khoa bảng trạng nguyên năm nay”, đồng thời dán đôi câu đối trước nhà chàng. Sau đó không lâu, quả nhiên Đường Trùy thi đỗ khoa bảng thành Trạng Nguyên.
Theo NTDTV
Minh Vũ biên dịch