Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Lý Bạch (701 – 762), tự Thái Bạch, được đánh giá là một trong những ngôi sao chói lọi nhất của thi ca thời Đường. Ông được người đời sau tôn kính gọi là “Thi Tiên”, đã làm hàng ngàn bài thơ. Thơ Lý Bạch thấm đẫm phong cách lãng mạn, trữ tình, phong thái siêu trần, thoát tục, từ hàng ngàn năm qua đã in sâu vào lòng độc giả Á Đông. Loạt bài về Lý Bạch sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn diện nhất về thi nhân vĩ đại này. 

Xem thêm:  Phần 1,  Phần 2,  Phần 3,  Phần 4,  Phần 5 

Nhà bình luận thơ Hứa Học Di đời Minh có nói trong “Thi nguyên biện thể” rằng: “Thơ thất ngôn tuyệt cú của Lý Bạch, đa phần là liền một mạnh mà thành, rất chuẩn với thể ca hành”. Ví dụ như trong bài “Vọng Thiên Môn sơn” (Ngắm núi Thiên Môn) sáng tác năm Khai Nguyên thứ 13 tức năm 725:

Thiên Môn trung đoạn Sở giang khai
Bích thủy đông lưu chí thử hồi
Lưỡng ngạn thanh sơn tương đối xuất
Cô phàm nhất phiến nhật biên lai 

Dịch thơ: 

Sở Giang chảy giữa Thiên Môn
Hướng đông nước đổ lại dồn quay sang
Non xanh đối diện hai hàng
Cánh buồm cô độc lướt ngang chân trời 

(Bản dịch của Chi Điền) 

Sông Sở Giang mênh mông cuồn cuộn chảy về đông, cắt ngang núi Thiên Môn vun vút chảy đến. Dòng sông xanh biếc đến nơi đây, quay tròn mênh mang, hai bên bờ từng tầng tầng lớp lớp những ngọn núi xanh xuất hiện. Một con thuyền con cô độc từ đường chân trời thuận theo dòng nước đang hướng đến. Cả bài thơ một hơi mà thành, ý cảnh bao la hùng vĩ, không chỉ biểu đạt cái đẹp của tự nhiên, mà còn tỏ rõ cái sức sống hào phóng, khoáng đạt vô hạn. 

Vọng Thiên Môn Sơn. (Ảnh dẫn theo tailieuvan.net)

Lý Bạch nổi danh với những bài thơ thất ngôn, hạ bút là thành chương, đùa bỡn đó mà thành ra lời hoa ý gấm vậy. Cùng thưởng thức một trong những bài thất ngôn tuyệt cú (7 chữ 4 câu) rất nổi tiếng khác của thi nhân “Vọng Lư Sơn bộc bố nhị thủ – Kỳ nhị” (Hai bài thơ Ngắm thác nước núi Lư Sơn – Phần 2). 

Nhật chiếu hương lô sinh tử yên
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên

Dịch thơ:

Nắng chiếu lư hương khói tía bay
Xa trông thác đổ trước sông này
Bay thẳng từ trên ba ngàn thước
Cứ ngỡ Ngân Hà tuột khỏi mây 

Bài thơ này Lý Bạch sáng tác khi du ngoạn núi Lư Sơn, được cho là viết vào năm Khai Nguyên thứ 16 (năm 728). Thi Tiên đã miêu tả thác nước bay thẳng từ trên cao xuống rất hùng vĩ, đẹp kỳ lạ. Bài thơ như một bức tranh cuốn sơn thủy sinh động xuất thần. Ý thơ quả thực dồi dào, trác tuyệt, giọng điệu không chút kiêng dè, đâu đó thấy thấp thoáng cái kiêu hùng, ngông nghênh của một “trích tiên”.

“Bay thẳng từ trên ba ngàn thước. Cứ ngỡ Ngân Hà tuột khỏi mây”, miêu tả xuất thần đến vậy là cùng, thác nước mà tưởng sông Ngân Hà, đổ xuống từ ba nghìn thước mà ngỡ từ trên trời rót thẳng xuống trần gian. Hai câu trên có phần tĩnh, hai câu dưới đã thấy sóng nước ầm ầm, rung trời chuyển đất, thực là một bức tranh có một không hai.

Lư Sơn là một quả núi xuất hiện rất nhiều trong thi ca cổ điển Trung Hoa. Trong “Đường Tống thi thuần”, Tô Thức viết: “Tại hạ mới đến núi Lư Sơn, có Trần Lệnh đem “Lư Sơn ký” ra cho tôi xem, vừa đi vừa đọc, thấy trong đó có thơ của Từ Ngưng và Lý Bạch, bất giác bật cười. Trụ trì chùa Khai Nguyên Tự xin thơ, tôi viết bài tứ tuyệt rằng:

Đế khiển Ngân Hà nhất phái thùy
Cổ lai duy hữu Trích Tiên từ
Phi lưu tiễn mạt tri đa thiểu?
Bất vị Từ Ngưng tẩy ác thi

Dịch thơ:

Ngân Hà trút xuống hạ giới chơi
Xưa nay thơ có Trích Tiên thôi
Thác bay tung tóe bao bọt nước?
Chẳng giúp Từ Ngưng rửa thơ tồi

Núi Nga My và trăng luôn là một đề tài thường trực của thơ Lý Bạch. Nga My là một ngọn núi nổi tiếng của những người tu Đạo, còn ánh trăng chính là tri kỷ của nhà thơ họ Lý. Bài “Nga My sơn nguyệt ca” (Bài ca trăng núi Nga My) sáng tác khoảng trước năm Khai Nguyên thứ 13 (năm 725), khi Lý Bạch chuẩn bị đi khỏi đất Thục.

Nga My sơn nguyệt bán luân thu
Ảnh nhập Bình Khương giang thủy lưu
Dạ phát Thanh Khê hướng Tam Hiệp
Tư quân bất kiến há Du Châu

Dịch thơ:

Trăng núi Nga My nửa vầng thu
Bình Khương sông chảy bóng trăng thâu
Đêm bỏ Thanh Khê về Tam Hiệp
Nhớ người chẳng gặp xuống Du Châu

Lý Bạch lấy trăng núi Nga My làm đối tượng ca vịnh, thông qua vịnh trăng mà biểu thị lòng nhớ nhung đất Thục. Có thể thấy thời trẻ tuổi, ý thơ Lý Bạch đã bắt đầu khởi phát chí khí cao ngạo, thiên tài đã lộ ra tràn trề. “Đường thi tiên chú” chú thích rằng Lý Bạch dùng chữ “quân” để chỉ trăng.

Nga Mi Nguyệt Sơn Ca. (Ảnh dẫn theo alltvda.com)

Trăng trên núi Nga My, soi bóng dưới lòng sông. Trăng sáng nên xuất hành từ dòng suối Thanh Khê, đi thuyền về Tam Hiệp cơ chừng ngàn dặm nhẹ như bay. Bỗng đâu không thấy bóng trăng nữa, mà con thuyền đã xuống thẳng Du Châu rồi. Ý thơ thật tự nhiên, thần kỳ, phong nhã, thanh cao, tuyệt diệu.

Ý thơ này lại làm người ta nhớ đến một bài thơ khác của Lý Bạch có tên là “Tảo phát Bạch Đế thành” (Buổi sáng ra đi từ thành Bạch Đế):

Triêu từ Bạch Đế thái vân gian
Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú
Khinh chu dĩ quá vạn trùng san.

Dịch thơ:

Sáng từ Bạch đế giữa ngàn mây
Muôn dặm Giang Lăng tới một ngày
Tiếng vượn đôi bờ kêu khôn dứt
Ngàn non thuyền đã nhẹ qua ngay

Năm Càn Nguyên thứ 2 đời Đường Túc Tông (năm 759), Lý Bạch 58 tuổi bị lưu đài ở Dạ Lang, đi đến thành Bạch Đế thì được tin đại xá. Đây là bài thơ thất ngôn tuyệt cú Lý Bạch sáng tác trên đường đi đày, nhân nghe tin được đại xá quay trở lại Giang Lăng. Ý thơ miêu tả đoạn sông Trường Giang từ Bạch Đế đến Giang Lăng, mức chênh lệch nước sông rất lớn, nước chảy xiết, thuyền đi như bay.

Nhà thơ đem tâm tình vui thích với vẻ đẹp non nước tráng lệ và cái khoái thú của việc đi thuyền xuôi dòng, thuận buồm hòa vào một thể. Cả bài thơ viết rất phiêu du hào phóng, thuyền nhanh ý chóng, tự nhiên mà thành. Cái khoái thích ấy chính là cái vui của kẻ tội đồ đột nhiên nhận tin ân xá từ Hoàng đế. Cánh chim tự do lại bay tung giữa muôn vời trời cao, làm sao không khoái được đây? Thực là thuyền chưa đến Giang Lăng mà tình đã ở Giang Lăng rồi vậy. Đây là một trong những bài thơ nổi tiếng, được lưu truyền rộng rãi nhất của Lý Bạch.

Cả đời Lý Bạch ham thích ngao du, biết bao danh sơn đại xuyên, danh đô đại ấp, núi thẳm hang hoang dường như đều đã lưu dấu chân ông. Non sông gấm vóc, đô thị phồn hoa đều như được thơ ông truyền cho một sinh mệnh mới, tất cả hiện lên tươi đẹp, sảng khoái, say mê. Nhân cách và sở thích của ông cũng hòa vào cùng một ý trong các bài thơ sơn thủy vốn phiêu diêu, tự tại, hùng vĩ, hoành tráng.

Ông và các bạn ở đất Lỗ là Khổng Sào Phụ, Hàn Miện, Bùi Chính, Trương Thúc Minh, Đài Miện… ẩn cư ở núi Tồ Lai, say sưa ca hát uống rượu, đương thời gọi là “Trúc Khê lục dật” (8 ẩn sỹ ở Trúc Khê). Thơ Lý Bạch thường miêu tả cuộc sống vui thú của người ẩn cư núi rừng, học Tiên tu Đạo, cũng như những thắng cảnh, cõi tiên mà ông thấy dưới một ngòi bút khí khái, phóng khoáng, hào sảng.

Một phần bức tranh “Tàng vân đồ” (Mây ẩn) do Thôi Tử Trung đời Minh vẽ, tranh lụa màu, lưu trữ ở Bỏa tàng Cố Cung Bắc kinh, thể hiện Lỹ Bạch đang  xếp chân (kết già) ngồi ngay ngắn trên xe, chậm rãi đi trên đường núi, ngẩng đầu chăm chú xem khí mây trên đỉnh đầu.

Trong rất nhiều tác phẩm của mình, Lý Bạch ngầm ý tả người tu đạo thuần tịnh, chân thành, siêu thoát và thanh tĩnh. Mà bản thân ông cõ lẽ cũng chính là một người tu đạo như thế. Bài “Sơn trung vấn đáp” (Hỏi đáp trong núi) chính là một thể dạng như vậy: 

Vấn dư hà ý thê bích sơn
Tiếu nhi bất đáp tâm tự nhàn
Đào hoa lưu thủy yểu nhiên khứ
Biệt hữu thiên địa phi nhân gian 

Dịch thơ:

Hỏi tôi sao ở chốn non xanh
Chỉ cười chẳng đáp giữ tâm thanh
Bâng khuâng con suối hoa đào chảy
Đất trời riêng cõi cách nhân gian

Năm Khai nguyên thứ 15 (năm 727), Lý Bạch đến An Lục chưa lâu thì được Ngữ sư gia theo ước hẹn xưa kén làm cháu rể. Thế là ông ẩn cư trong núi xanh đọc sách cày cấy. Lúc này, bạn bè thân hữu thấy ông còn trẻ mà đã sống đời ẩn cư thì cho là không nên, có nhiều lời bàn tán. Thế là mùa xuân năm Khai Nguyên thứ 17, Lý Bạch viết bài thơ này, dùng hình thức vấn đáp để trả lời những bàn luận của bạn bè thân hữu.

Đây là bài thơ thất ngôn tuyệt cú ý thơ nhẹ nhàng, sâu xa. Cả bài thơ chỉ có 4 câu, nhưng có hỏi, có đáp, có trần thuật, có miêu tả, có nghị luận. Câu 3, 4, về ngữ nghĩa miêu tả môi trường sống ẩn cư của nhà thơ như thế ngoại đào nguyên (cõi tiên), lánh xa cõi tục, mặc chuyện thiên hạ nói cười, chỉ giữ một nụ cười tươi và một tấm lòng thanh tĩnh, vô vi. 

Với bạn bè, Lý Bạch cũng luôn hết mình. Ông thường làm thơ tặng các bằng hữu của mình như: Đỗ Phủ, Uông Luân, Mạnh Hạo Nhiên… khiến họ trở nên bất tử bằng những nét bút thấm đẫm chân tình lại vừa tài hoa của mình. Dưới đây là một bài như thế:

Tặng Uông Luân

Lý Bạch thừa chu tương dục hành
Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh
Đào hoa đàm thủy thâm thiên xích
Bất cập Uông Luân tống ngã tình

Dịch thơ:

Lý Bạch lên thuyền sắp xuất hành
Bỗng nghe giọng hát đạp ca thanh
Hoa đào đầm nước sâu ngàn thước
Uông Luân đưa tiễn chứa chan tình 

Đây là bài thơ Lý Bạch viết tặng lúc tiễn biệt người bạn thân Uông Luân vào năm Thiên Bảo thứ 14 (năm 755) khi du ngoạn Kinh huyện (phía nam An Huy ngày nay). Trong thơ, đầu tiên miêu tả tình cảnh Lý Bạch lên thuyền chuẩn bị xuất phát, Uông Luân hát điệu Đạp ca (vừa đi vừa hát vừa giậm chân làm nhịp phách – ND) đến tiễn đưa, tình cảm thuần phác chân thành.

Lý Bạch tiễn Uông Luân. (Ảnh ĐKN)

Hai câu cuối nhà thơ đầu tiên dùng “thâm thiên xích” (sâu ngàn thước) khen đầm hoa đào nước trong sâu thẳm, sau đó tiếp bằng hai chữ “bất cập” (không bằng), lấy tình bạn vô hình so sánh với đầm nước sâu ngàn thước hữu hình, biểu đạt tình bạn Uông Luân đối với ông. Cả bài thơ, ngôn ngữ mới mẻ, trong trẻo, tự nhiên, làm cho người đọc suy ngẫm vô cùng. Tuy chỉ 4 câu 28 chữ, mà lại sảng khoái lòng người, là một trong những bài được lưu truyền rộng rãi của thi nhân họ Lý. 

Lý Bạch rất ít khi viết thơ Đường luật một cách nghiêm cẩn. Nhưng thiên tài vẫn cứ là thiên tài, Thi tiên rốt cuộc vẫn là Thi tiên. Mặc dù Lý Bạch rất ít khi viết thơ Đường luật, nhưng bài “Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài” (Leo lên đài Phượng Hoàng ở Kim Lăng) của ông lại sảng khoái lòng người, đồng thời được tôn làm tuyệt phẩm thể thơ thất luật.

Phượng Hoàng đài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhất thuỷ trung phân Bạch Lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường An bất kiến sử nhân sầu 

Dịch thơ:

Đài Phượng Hoàng cao, phượng đến chơi
Phượng đi, đài vắng, dải sông trôi!
Cung Ngô hoa cỏ che đường lối
Đời Tấn cân đai hoá núi đồi
Ba ngọn thanh sơn, trời khuất nửa
Một vùng Bạch Lộ nước chia đôi
Chỉ vì mây nổi che vầng nhật
Chẳng thấy Trường An não dạ người 

(Bản dịch của Khương Hữu Dụng)

Bài thơ này viết vào những năm Thiên Bảo đời Đường Huyền Tông. Lý Bạch sáng tác khi được “thưởng vàng về núi”, ngao du phương Nam, dạo chơi Kim Lăng. Đài Phượng Hoàng là địa danh, ở phía tây nam thành Kim Lăng xưa. Bắt đầu từ thời viễn cổ, phượng hoàng luôn được coi là có ý nghĩa may mắn: Thời đại tốt đẹp, phượng hoàng từ trên trời giáng xuống.

Nhưng thời đại để phượng hoàng giáng hạ đã qua rồi, thời Lục triều phồn hoa đã trở thành lịch sử, duy chỉ có nước dòng sông Trường Giang mênh mang còn lại và núi Phượng Hoàng sừng sững vẫn như xưa sống động không ngừng.

“Cung Ngô hoa cỏ che đường lối. Đời Tấn cân đai hoá núi đồi”. Đại đế Đông Ngô là nhân vật phong độ phóng khoáng, trác việt phi phàm thời Lục triều. Rất nhiều bậc quân vương đều đã chôn dưới mộ, trở thành di tích lịch sử xưa. Ngay cả cung điện nguy nga xưa kia, nay cũng đã trở nên hoang tàn, đổ nát, chỉ còn vài bức tường sót lại. Hoa cỏ rậm rạp phơi phới, trời đất vẫn như xưa, tất cả đều biến hóa theo quy luật. Đó là lịch sử, là lịch sử hưng vong ngàn năm! Thế gian trăm tuổi, phú quý vinh hoa, cao quan hậu lộc, tất cả qua đi trong chớp mắt.

“Ba ngọn thanh sơn, trời khuất nửa. Một vùng Bạch Lộ nước chia đôi”. Tam Sơn cũng là địa danh, xưa ở bên sông, phía tây nam Kim Lăng. Theo “Cảnh Định kiến khang chí” viết: “Núi đó rậm rạp nhiều đá, bên bờ sông lớn, ba ngọn núi đừng dàn hàng, nối liền nam bắc, cho nên gọi là Tam Sơn”.  “Bạch lộ châu” ở giữa sông đó, ở giữa sông Trường Giang phía tây Kim Lăng, chia dòng Trường Giang ra làm hai.

Lúc này Lý Bạch mới rời Trường An. “Chỉ vì mây nổi che vầng nhật. Chẳng thấy Trường An não dạ người” . Phù vân trôi lững lờ, suy tư dài vô hạn. Nhà thơ nhớ lại thời còn ở trong cung đình, tuy chưa được ba năm mà thế sự nhiều gian truân, không được như ý. 

Bài thơ “Kim Lăng Phượng Hoàng đài” của Lý Bạch lấy cảnh núi sông trông thấy làm mạch, tình cảm nảy sinh theo cảnh vật, hiển lộ hết tình cảm và khí chất phóng khoáng của nhà thơ, xứng danh với sự ngợi ca “Đề thơ vịnh cổ kim, duy chỉ Trích tiên là tuyệt xướng”. 

“Kim Lăng Phượng Hoàng đài” được ca ngợi rộng rãi “giống như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, khí thế thơ cách luật bậc nhất”. Cũng có những bình luận cho rằng “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu chỉ chú trọng khí thế cách luật, quý ở ý cảnh mà thôi. Còn bài thơ của Lý Bạch thì ý cảnh siêu thoát, trong đó bàn luận đạo lý hưng suy cổ kim, phong nhã vô cùng, còn hơn một bậc! 

(Còn nữa)

Nam Phương biên dịch

Xem thêm: