Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Lý Bạch (701 – 762), tự Thái Bạch, được đánh giá là một trong những ngôi sao chói lọi nhất của thi ca thời Đường. Ông được người đời sau tôn kính gọi là “Thi Tiên”, đã làm hàng ngàn bài thơ. Thơ Lý Bạch thấm đẫm phong cách lãng mạn, trữ tình, phong thái siêu trần, thoát tục, từ hàng ngàn năm qua đã in sâu vào lòng độc giả Á Đông. Loạt bài về Lý Bạch sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn diện nhất về thi nhân vĩ đại này. 

Xem thêm:  Phần 1,  Phần 2,  Phần 3,  Phần 4,  Phần 5,  Phần 6,  Phần 7,  Phần 8,  Phần 9, Phần 10, Phần 11

Sau đời Đông Tấn, thơ văn thể sơn thủy du ký bắt đầu được chú ý. Bắt đầu từ đời Đường, du sơn thủy đã mở rộng đến du lãm các danh lam thắng cảnh, đài các, biên cương, đến các đô hội nổi tiếng phồn hoa. Do đó trong thơ Đường có rất nhiều thơ sơn thủy, thơ biên cương ưu tú. Đời Đường, rất nhiều văn nhân trước khi làm quan đều có trải nghiệm du lãm nhiều năm. Trải nghiệm du lãm này ngoài nhu cầu thưởng thức các danh sơn đại xuyên, mở rộng tầm nhìn, hiểu biết ra, còn có mục đích tầm Tiên phỏng Đạo đối với tín ngưỡng Phật, Đạo.

Lý Bạch viết trong “Lư Sơn dao ký Lư Thị Ngự Hư Đan” viết rằng: “Ngũ Nhạc tìm tiên chẳng quản xa, cả đời chỉ thích dạo danh sơn”. Ông là tiêu biểu điển hình cho thi nhân du lãm. Đời Đường là thời kỳ cực thịnh phát triển và hoằng dương Nho – Thích – Đạo, văn hóa phồn vinh, hưng thịnh, đã sinh ra hàng loạt những nhà thơ vĩ đại tỏa sáng ngàn năm. Mọi người kính tín Thần Phật, rất nhiều người tầm Tiên Phỏng Đạo, tu Phật tu Đạo, xã hội đời Đường ngập tràn hơi thở Thần Tiên đậm đà.

Sáng tác thơ ca còn chứa đầy phong vị Tiên Đạo hơn nữa. Thơ du Tiên đời Đường rất nhiều, có bài do người tu Đạo viết, có bài do văn nhân viết. Có một số người tu Đạo vốn là nhà văn, nhà thơ. Như đạo sĩ Tư Mã Thừa Trinh và nhà thơ Trần Tử Ngang, Lư Tàng Dụng, Tống Chi Vấn, Vương Thích, Tất Cấu, Mạnh Hạo Nhiên, Vương Duy, Hạ Tri Chương, cùng với Lý Bạch được gọi là Tiên tông thập hữu (10 người bạn dòng Tiên). Các nhà thơ nổi tiếng đời Đường như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Mạnh Hạo Nhiên, Lưu Vũ Tích, Mạnh Giao… cũng có rất nhiều thơ từ nội dung du Tiên truyền thế.

Thơ du Tiên là đóa hoa kỳ thú trong văn đàn văn hóa Trung Hoa, lắng đọng văn hóa truyền thống sâu đậm. Người xưa kính Thần tín Phật, được Tiên nhân độ dẫn, thông qua thơ du Tiên thuật lại ý thức vũ trụ siêu vượt thời không và những sở đắc sở kiến khi tu luyện. Đồng thời nó cũng gợi mở cho người đời sau, nhìn thấu nỗi khổ và ngắn ngủi và hư ảo của trần thế, không bị danh lợi và vật dục thế gian trói buộc, sớm bước lên con đường chính đạo tu Đạo hướng thiện, theo đuổi cái Đạo của trời đất, tương ứng với trời đất, thì mới biết sự biến hóa và tương ứng với biến hóa, cuối cùng phản bổn quy chân, tu thành chân nhân, chính giác.

Ngụy Vũ Đại Đế Tào Tháo là nhà thơ đầu tiên trong lịch sử tập hợp các bài thơ du Tiên. Hiện nay còn 7 bài thơ du Tiên trong hơn 200 bài thơ từ của Tào Tháo. Tào Tháo ứng với sao Hoàng Tinh, ứng vận mà sinh, chân nhân hạ thế, tu Đạo dưỡng thân, thơ du Tiên của ông ghi chép rành mạch tu luyện, thể hội, và thành tựu của ông, đưa phong thái Tiên lưu truyền cho hậu thế.

Tranh Tào Tháo làm thơ, tập san “Tam quốc chí” đời Thanh Sơ. Bản lưu trữ Đại Khôi Đường (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung).

Đến đời Đường, trong các nhà thơ du Tiên, người nổi tiếng nhất phải kể đến Lý Bạch. Lý Bạch tự xưng là “Trích Tiên” (Ông Tiên bị giáng trần lưu đày), do đó ông du ngoạn Tiên cảnh như trở về cố hương, tương ngộ các Tiên nhân giống như cố nhân trùng phùng, thậm chí như người viễn du trở về nhà, tất cả đều quen thuộc thân thiết.

“Hoài Tiên ca” (Bài ca nhớ Tiên)

Cánh hạc bay đi vượt biển khơi
Tâm này phiêu đãng khắp muôn nơi
Tiên nhân hát lớn chuyển lời mời
Cây ngọc tay vin đứng đợi tôi
Nghiêu Thuấn chuyện xưa chẳng lạ kỳ
Đến nay huyên náo có là gì
Ngao thần chớ cõng núi Tiên nhé
Bồng Lai núi ấy ta đến đây

Trong đó “Tiên nhân hát lớn chuyển lời mời. Cây ngọc tay vin đứng đợi tôi”, đã biểu lộ hai bên ân cần tha thiết nhớ thương nhau. Khi ông miêu tả ngao du Tiên giới, các Thần Tiên đều rất nhiệt tình. Mấy bài thơ dưới đây đã thuật lại Ngọc Nữ: “Mời ta thượng Vân Đài, tay vái Vệ Thúc Khanh”, Xích Công Tử “Cho tôi mượn hươu trắng”, Sài Hoàng “Tặng cho Tiên dược Thỏ Ngọc làm”. Mà nhà thơ trước lời mời của các Tiên nhân thì “Tươi cười đạp hình bóng, vui vẻ nguyện đi theo”. Trong Tiên cảnh, ông càng tự do tự tại, muốn gì làm nấy, siêu vượt thời không.

Cùng thưởng thức bài thơ “Phi long dẫn nhị thủ” (Hai bài thơ Rồng bay dẫn đưa) của Lý Bạch.

Kỳ 1

Hoàng Đế đúc đỉnh núi Kinh Sơn, luyện đan sa
Đan sa luyện thành, cưỡi rồng lên Thái Thanh trở về nhà
Mây sầu biển nghĩ người than thở, kiều nữ trong cung mặt như hoa
Phất tay nhẹ lướt ráng mây tà, theo gió tung mình cưỡi loan xa
Cưỡi loan xa, hầu hạ Hiên Viên
Ngao du thanh thiên, vui cùng Tiên

Kỳ 2

Đỉnh Hồ nước chảy nhàn trong veo
Hiên Viên cung kiếm chẳng còn đeo
Truyền Đạo người xưa mãi lưu truyền
Thuyền Quyên hoa ngọc  chốn hậu cung
Cưỡi loan bay mất chẳng về cùng
Cưỡi rồng bay đến tận thiên cung
Đến thiên cung, nghe tiếng trời, xe mây là Ngọc Nữ
Là Ngọc Nữ, qua Tử Hoàng
Tử Hoàng lại tặng thuốc Tiên
Trường sinh thọ cùng nhật nguyệt
Nhìn xuống Dao Trì thấy Vương Mẫu
Nét ngài bạc trắng như là sương thu

Năm đó, Hoàng Đế khai thác đồng núi Thú Sơn, rồi đúc đỉnh ở chân núi Kinh Sơn. Đỉnh đúc xong, có rồng thả râu xuống đón Hoàng Đế, quần thần và hậu cung có trên 70 người đều cưỡi rồng cùng bay lên trời. Nhà thơ phiêu du theo gió, tung mình lên cỗ xe loan, cùng Hiên Viên Hoàng Đế cưỡi xe loan ngao du trời xanh, vui chẳng nói nên lời, mãn nguyện thay!

Năm đó, Hoàng Đế cùng quần thần, hậu cung ở Đỉnh Hồ cưỡi rồng bay lên trời, chỉ còn lại một số quan lại nhỏ không thể lên được, thế là đều túm chặt lấy râu rồng không buông tay, râu rồng đều bị giật đứt rụng xuống, cây cung Hoàng Đế vẫn dùng cũng bị rơi xuống. Hoàng Đế bay lên thiên đình trong khi bách tính bái vọng ngóng theo, đám quan lại nhỏ kia chỉ có thể túm lấy râu rồng, cầm cây cung lớn giọng kêu gọi.

Nhà thơ cưỡi xe trời, chở Ngọc Nữ, gặp Tử Hoàng, Tử Hoàng tặng cho thuốc Tiên do Thỏ Trắng giã thuốc. Tử Hoàng là Thần Tiên tối cao của Đạo gia theo lưu truyền trong dân gian, do đó lúc đó nhà thơ đã vượt qua tầng thứ Tiên cảnh của Tử Hoàng, từ cao nhìn xuống, cúi xuống nhìn chúng Thần, bao gồm Vương Mẫu Dao Trì nét ngài trắng như sương.

Bức tranh “Hội Dao Trì” của Triệu Bá Câu, hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung).

Cùng thưởng thức bài thơ “Tây thướng Liên Hoa Sơn” (Leo núi Liên Hoa Sơn phía tây), kỳ 19 “Cổ phong”:

Leo núi Liên Hoa Sơn
Minh Tinh tiên nữ tên
Tay trắng cầm hoa sen
Lướt nhẹ bầu không êm
Xiêm y dải lụa đào
Phất phới lên trời cao
Mời ta thượng Vân Đài
Vệ Thúc Khanh vẫy chào
Bàng hoàng cùng đi chơi
Cưỡi chim hồng lên trời
Nhìn xuống sông Lạc Dương
Loạn quân như nước tràn
Máu chảy đầy đồng hoang
Mũ áo phường sài lang 

Tiên nữ núi Hoa Sơn (Minh Tinh) mời nhà thơ cùng bay đến Tiên cảnh Thái Thanh, lại gặp Tiên nhân Vệ Thúc Khanh. Quay đầu nhìn xuống chốn nhân gian, khắp vùng Trung Nguyên quân phản loạn An Sử tràn khắp nơi, nhân dân chịu nạn, tất cả nhìn một cái thấy rõ hết.

“Cổ phong” (Thứ 20)

Xưa du ngoạn Tề đô
Lên ngọn Hoa Bất Chú
Núi biếc vút trời mây
Như một búp sen xanh
Tiên nhân râu tóc trắng
Nhận ra chính Xích Tùng
Hươu trắng cho ta mượn
Còn ông cưỡi thanh long
Vọt mây hình ở lại
Vui thích nguyện đi theo

Nhà thơ du ngoạn Tể Nam, leo ngọn Hoa Bất Chú gặp Tiên nhân Xích Tùng Tử. Xích Tùng Tử cho nhà thơ mượn một con hươu trắng. Nhà thơ “Vọt mây hình ở lại, vui thích nguyện đi theo”, cùng Xích Tùng Tử ngao du Tiên cảnh.

Cùng thưởng thức bài thơ “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt

Khách từ Đông Hải kể Doanh Châu
Khói sóng mênh mang khó kiếm cầu
Người Việt kể chuyện núi Thiên Mụ
Thấp thoáng mây màu ẩn hiện trông
Thiên Mụ liền trời chắn bầu không
Xích Thành, Ngũ Nhạc ngẩng đầu trông
Thiên Thai bốn vạn tám ngàn trượng
Đứng bên nghiêng ngả ở góc đông
Ta theo lời kể du Việt Ngô
Đêm trăng bay vượt cả Kính Hồ
Trăng hồ chiếu rọi hình bóng ta
Đưa ta thẳng đến suối Thiện Khê
Tạ Công nơi ấy vẫn như xưa
Nước trong sóng gợn tiếng vượn thưa
Ta đi guốc gỗ Tạ Công chế
Bước lên xanh thẳm chiếc thang mây
Lưng núi mặt trời nhô biển biếc
Bầu không văng vẳng tiếng gà trời
Đá núi muôn trùng đường khúc khuỷu
Dựa đá mê hoa đã tối trời
Gấu gầm rồng thét đá suối rơi
Rừng sâu run rẩy, núi chơi vơi
Mây đen ùn ùn mưa tới nơi
Mặt hồ gợn sóng khói bay hơi
Đùng đoàng sấm sét sáng lóe trời
Núi non nghiêng ngả sụp đến nơi
Động thiên cửa đá mở long trời
Xanh thẳm mênh mông không đáy đâu
Nhật nguyệt chiếu rọi Kim Ngân Đài
Cầu vồng làm áo, gió ngựa bay
Ùn ùn kéo đến Thần đi mây
Hổ đàn cầm sắt xe loan kéo
Thần Tiên chen đến bỗng chốc đầy
Hồn phách bỗng nhiên kinh động sao
Tỉnh dậy thở than tiếc siết bao
Bên mình chỉ thấy chăn với gối
Khói mây rực rỡ nãy đâu rồi
Lạc thú trên đời thì cũng vậy
Xưa nay vạn sự nước cuốn trôi
Bằng hữu nào biết ngày tái ngộ
Hươu trắng hãy thả bên vách núi
Khi cần sẽ cưỡi đến danh sơn
Sao phải khom lưng thờ quyền quý
Khiến ta chẳng được thỏa thích lòng

Bài thơ này sáng tác vào năm Thiên Bảo thứ 5 (năm 746), ý cảnh hùng vĩ, biến hóa khôn lường, hình tượng nghệ thuật giàu sắc thái, thủ pháp biểu đạt mới lạ, xưa nay được mọi người truyền tụng, được coi là tác phẩm thơ tiêu biểu nhất của Lý Bạch.

Tiêu đề bài thơ còn có tên là “Mộng du ngoạn núi Thiên Mụ tiễn biệt chư công (bằng hữu) Đông Lỗ”, sáng tác sau khi rời bỏ chức quan hàn lâm. Năm Thiên Bảo thứ 3, Lý Bạch được Đường Huyền Tông ban thưởng vàng trở về núi. Sau khi rời Trường An, về nhà ở Đông Lỗ cư trú một thời gian. Sau đó từ biệt xóm làng, lại bước lên con đường ngao du khắp nơi. Bài thơ này ông sáng tác cáo biệt chư công (bằng hữu) Đông Lỗ.

Thơ Lý Bạch ẩn chứa triết lý tu Đạo thâm sâu. (Ảnh: dkn.tv)

Chuyến du chơi trong mộng miêu tả trong bài thơ này không phải là hư cấu, chính là tiên cảnh mà ông nhìn thấy, viết ra cảnh trong mộng. Người thường cho là hư ảo, mộng du, thì cũng không gây kinh hãi chấn động thế tục. Cũng giống như ông “ẩn” mình nơi quán rượu, để không phá cái “mê” của xã hội người thường mà thôi.

Khách từ Đông Hải kể Doanh Châu
Khói sóng mênh mang khó kiếm cầu
Người Việt kể chuyện núi Thiên Mụ
Thấp thoáng mây màu ẩn hiện trông

Truyền thuyết người xưa rằng, Doanh Châu là Tiên cảnh ngoài biển, hư vô mù mịt, rất khó kiếm cầu. Mà trong hiện thực, núi Thiên Mụ lúc ẩn lúc hiện trong phù vân và cầu vồng rực rỡ, lại có thể nhìn thấy được. Núi Thiên Mụ gần Thiện Khê, tương truyền người leo núi nghe thấy Tiên nhân Thiên Mụ ca hát, do đó có tên như vậy. Núi Thiên Mụ đối diện với núi Thiên Thai, Lý Bạch trước khi vào làm quan hàn lâm đã từng du ngoạn không chỉ 1 lần, ông vô cùng quen thuộc với non nước nơi đây. Núi Thiên Mụ tuy là nơi địa linh tú vùng Việt Đông, nhưng so với các núi cao tuấn lĩnh khác như ngũ đại danh sơn – Ngũ Nhạc, thì kém hơn nhiều. Nhưng Lý Bạch lại viết trong thơ:

Thiên Mụ liền trời chắn bầu không
Xích Thành, Ngũ Nhạc ngẩng đầu trông

Thiên Mụ cao tiếp liền trời, so với Ngũ Nhạc càng sừng sững hơn, nổi tiếng như núi Thiên Thai (Xích Thành là tên gọi khác của Thiên Thai), cũng chẳng qua nghiêng mình như quỳ bái dưới chân Thiên Mụ vậy! Do đó chỉ có thể cho rằng là ảo ảnh của kỳ sơn tuấn lĩnh mà Lý Bạch đã trải qua trong đời, là hình ảnh núi Thiên Mụ trong thực tế được khoa trương dưới ngòi bút của Lý Bạch.

Nhưng sau khi thông qua tu luyện đạt đến cảnh giới cao hơn, núi Thiên Mụ mà Lý Bạch nhìn thấy lúc này, chính là núi Thiên Mụ hiển hiện ở không gian khác, tức là hiển hiện ở Tiên cảnh, so với các núi như Ngũ Nhạc chốn nhân gian, tự nhiên cao lớn vô tỷ, hoành tráng đặc sắc, không phải là núi Thiên Mụ thấy ở không gian người thường.

Dưới ánh trăng thanh chiếu rọi, Lý Bạch bay qua Kính Hồ như mảnh gương sáng. Ánh trăng soi bóng ông lên trên mặt nước Kính Hồ, lại đưa ông giáng hạ xuống suối Thiện Khê. Người tu luyện, đại thi nhân thời Nam Bắc Triều Tạ Linh Vận năm đó lúc du ngoạn Thiên Mụ, đã từng ở bên suối Thiện Khê.

Lý Bạch đi đôi guốc gỗ đặc biệt mà Tạ Linh Vận năm xưa chế tạo, leo lên “Thang mây xanh”, con đường đá năm xưa Tạ Công đã từng leo. Sau đó ngắm mặt trời mọc trên biển, nghe tiếng gà trời, muôn vạn vách đá khúc khuỷu, dựa đá mê mần ngắm hoa, gấu gầm rồng thét, mây đen chực mưa, nước lặng khói bay.

Ở đây, Lý Bạch tiến thêm miêu tả những gì thấy ở không gian khác, ở đó, ông xuyên vượt thời không, đồng thời hòa nhập với các sự vật xung quanh hiển hiện ở không gian khác. Ở không gian khác, tất cả các vật thể đều có sự thể hiện sinh mệnh của nó. Người đời nhìn đỉnh núi, rừng sâu, tảng đá cho rằng không có sinh mệnh, nhưng ở không gian khác, chúng đều có hình thức thể hiện sinh mệnh, chúng đều liên thông với nhà thơ.

Tiếp theo, nhà thơ viết “Đùng đoàng sấm sét sáng lóe trời. Núi non nghiêng ngả sụp đến nơi”, trong tiếng sấm sét “Động thiên cửa đá mở long trời”, một thế giới Thần Tiên bỗng nhiên xuất hiện:

Xanh thẳm mênh mông không đáy đâu
Nhật nguyệt chiếu rọi Kim Ngân Đài
Cầu vồng làm áo, gió ngựa bay
Ùn ùn kéo đến Thần đi mây

Rõ ràng Thần Tiên tụ hội, long trọng và náo nhiệt: “Thần Tiên chen đến bỗng chốc đầy”. Chư Tiên xếp hàng đến đón tiếp nhà thơ. Đài vàng, đài bạc và nhật nguyệt phản chiếu ánh quang huy, cảnh sắc tráng lệ, sắc màu rực rỡ!

Rất nhiều người coi những cái này là mộng tưởng, lãng mạn của nhà thơ. Thực ra, như đã nói ở trên, đây chính là Lý Bạch tu luyện có thành tựu, đạt đến hàng ngũ Tiên, Thần du núi Thiên Mụ. Chư Thần vì ông mà nghênh tiếp, triển hiện miêu tả chân thực của Tiên giới. Lý Bạch mượn mộng du viết ra cảnh kỳ diệu này.

Tiên cảnh không gian khác bỗng biến mất, nhà thơ trở lại không gian hiện thực. Tức cái gọi là “Tỉnh mộng”, khuyên răn người thường: “Xưa nay vạn sự nước cuốn trôi”. Muôn sự dằng dặc, đều có nhân duyên, ứng với ngộ thiên cơ, thấy rõ cõi hồng trần. Đương nhiên, nhà thơ “Hươu trắng hãy thả bên vách núi, Khi cần sẽ cưỡi đến danh sơn”, sẽ khởi hành đi bất cứ lúc nào, lại đến thăm Tiên cảnh. 

Lực Sỹ tháo giầy, Quý Phi mài mực. Tranh đời Thanh, Bảo tàng Anh quốc lưu giữ (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung).

Ý thơ vốn đến đây tựa như đã hết, nhưng cuối cùng lại thêm hai câu “Sao phải khom lưng thờ quyền quý. Khiến ta chẳng được thỏa thích lòng”, đã nói rõ thân thế Lý Bạch như thế này. Tiên nhân mời ông tu luyện, sao có thể quỳ gối trước quyền quý cõi nhân gian! Lý Bạch tuy rất được Đường Huyền Tông tri ngộ, hậu đãi, nhưng cuối cùng vì nịnh thần đố kỵ, ban thưởng vàng trở về núi. Đương nhiên sứ mệnh của ông cũng không phải là bầu bạn với Hoàng đế, cả đời chốn hoàng cung. Nịnh thần ngôi cao quyền lớn trong triều trong mắt Lý Bạch, chẳng qua cũng chỉ thế mà thôi, làm sao có thể khom lưng cúi đầu?

Rất nhiều thơ du Tiên của Lý Bạch, đại đa số đều mượn rượu say hoặc mượn cảnh mộng viết ra, đều không trực tiếp phá cái mê của xã hội người thường. Đỗ Phủ nhớ thương Lý Bạch viết:

Chẳng gặp Lý Bạch đã rất lâu
Giả cuồng giả say thật buồn rầu
Người đời hết thảy mưu sát hại
Riêng ta thương tiếc bậc kỳ tài

(Bất kiến)

Ông đã nhìn thấu Lý Bạch “giả cuồng”, mượn say rượu tiết lộ nỗi khổ tâm chân thực, biết rõ ông có lý do buộc phải như thế này. Câu cuối càng nói rõ hơn “Người đời hết thảy mưu sát hại”, đây cũng không phải là thủ pháp khoa trương. Có thể thấy, khi đó nhất định có rất nhiều người căm ghét và đố kỵ Lý Bạch. 

(Còn nữa)

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Nam Phương biên dịch